Thursday, April 18, 2024

Dân chủ Hạ Viện tọa kháng đòi biểu quyết luật kiểm soát súng

WASHINGTON, DC (NV)Phản đối việc phe Cộng Hòa bất động về vấn đề kiểm soát súng, các nhà lập pháp Dân Chủ tại Hạ Viện, trong đó có gần 30 vị từ California, quyết định tọa kháng suốt đêm Thứ Tư, sang ngáy Thứ Năm tại phòng họp khoáng đại Hạ Viện. 

   Dân cử phe Dân Chủ tọa kháng trên sàn Hạ Viện, đòi biểu quyết về súng. (Hình: Twitter/RepJudyChu)

Theo báo LA Times, các dân cử đảng Dân Chủ hô to khẩu hiệu “không có luật, không nghỉ ngơi,” điều chưa hề xảy ra trong những năm gần đây, gợi nhớ lại những cuộc tranh luận về dân quyền hồi thập niên 1960.

Mãi đến sáng Thứ Năm, các nhà lập pháp Dân Chủ vẫn còn tiếp tục với những bài phát biểu phản kháng, mặc dù từ đêm trước phía Cộng Hòa đã chính thức tuyên bố rằng Quốc Hội sẽ tái nhóm sau ngày lễ Độc Lập, 4 Tháng Bảy.

Không rõ phe Dân Chủ còn kéo dài cuộc ngồi lì đến bao lâu.

Sau vụ thảm sát ở Orlando, Florida, những vụ tương tự ở San Bernardino, California, và New Town, Connecticut, cùng việc Thượng Viện thất bại không đạt được quyết định về giới hạn quyền sở hữu súng hồi đầu tuần này, phe Dân Chủ cho rằng như vậy đã quá đủ, không thể để tiếp tục nữa.

Vào sáng Thứ Tư, ngay khi Hạ Viện mới bắt đầu nhóm họp, Dân Biểu John Lewis (Dân Chủ-Georgia) bước lên bục, kêu gọi các đồng viện cùng tham gia.

Lập tức, khoảng 20 nhà lập pháp đứng vây quanh khi ông thao thao nói.

Sau đó, họ ngồi bệt xuống sàn.

Đến giữa chiều, thêm hằng chục vị khác nữa cùng tham dự, thề rằng sẽ tiếp tục ngồi cho đến khi có cuộc biểu quyết về súng.

Cộng Hòa, phe kiểm soát Hạ Viện, nói rằng sự kiện không còn trong vòng trật tự và tuyên bố giải tán phiên họp, khiến các máy quay phim tường trình trực tiếp của đài C-SPAN đều tắt ngúm.

Nhưng các nhà lập pháp Dân Chủ lập tức sử dụng mạng truyền thông xã hội, cũng như gửi tweet để cập nhật các diễn tiến trên sàn Hạ Viện.

Hồi năm 2008, phe Cộng Hòa ở Hạ Viện từng thực hiện cuộc phản kháng tương tự, phản đối việc Dân Chủ từ chối biểu quyết đối với dự luật về năng lượng do Cộng Hòa đưa ra.

Vào năm 1995, thời gian xảy ra vụ chính phủ liên bang đóng cửa, phe Dân Chủ từ chối rời khỏi phiên họp chừng nào các dịch vụ của chính phủ chưa được tái lập. (TP)

MỚI CẬP NHẬT