Thursday, March 28, 2024

Ba kinh tế gia Mỹ nhận Giải Nobel Kinh Tế 2019 do nghiên cứu giảm nghèo

STOCKHOLM, Thụy Điển (AP) — Hai nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Massachusetts Institute of Technology (MIT) và người thứ ba từ đại học Harvard University hôm Thứ Hai, 14 Tháng Mười, đã được chọn trao giải Nobel Kinh Tế 2019 vì những nghiên cứu quan trọng trong việc tìm hiểu những gì hữu hiệu và những điều gì không có tác dụng trong cuộc chiến chống nghèo trên toàn cầu.

Ông Kremer là một nhà nghiên cứu ở Harvard University. Ông Banerjee gốc Ấn Độ và bà Duflo gốc Pháp, là vợ chồng và đều là giáo sư dạy tại đại học Massachusetts Institute of Technology (MIT). Cả ba người từng nghiên cứu chung với nhau. Bà Duflo, 46 tuổi, là người trẻ  tuổi nhất đoạt giải Nobel và là người phụ nữ thứ nhì, sau bà Elinor Ostrom vào năm 2009.

Cả ba người được coi là đã cách mạng hóa lãnh vực kinh tế phát triển “development economics” qua các cuộc thử nghiệm thực tiễn tại chỗ – cũng giống như các công ty bào chế thử nghiệm thuốc — để có được các hiểu biết rõ ràng về các phản ứng của người nghèo đối với các chương trình giáo dục, y tế và các chương trình khác để đưa họ ra khỏi cảnh nghèo.

Một thí dụ điển hình là cuộc thử nghiệm của họ ở khu vực nông thôn Kenya và Ấn Độ, cho thấy rằng cung cấp thêm sách vở, cho phần ăn ở trường và có thêm giáo viên không giúp cho học sinh học hành tiến bộ hơn.

Họ khám phá ra rằng việc đưa ra các bài tập có liên hệ nhiều hơn đến đời sống của học sinh, chú ý hơn đến các học sinh cần giúp đỡ, và buộc các giáo viên phải có trách nhiệm trong việc dạy học, như chỉ ký giao kèo ngắn hạn với họ, là điều tạo ra kết quả ở những quốc gia mà nhiều khi các giáo viên không đến lớp thường xuyên.

Ông Kremer cũng thấy rằng việc cung cấp dịch vụ y tế miễn phí tạo sự khác biệt lớn lao. Ông thấy chỉ có 18% giới cha mẹ cho con cái của họ uống thuốc trừ sán lãi, nếu họ phải trả tiền thuốc, dù rằng được chính quyền tài trợ phần lớn, và giá thuốc chưa tới $1. Tuy nhiên, có tới 75% cha mẹ cho con uống thuốc khi thuốc được nhận miễn phí.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) nay khuyến cáo rằng thuốc nên được phân phối miễn phí cho những khu vực có mức độ người bị sán lãi cao. (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT