Tuesday, April 23, 2024

Đại diện JFFV nói về cuộc họp báo tại Quốc Hội Đài Loan liên quan Formosa

LTS. Hôm 2 Tháng Mười Hai, Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa (JFFV) có cuộc họp báo tại Quốc Hội Đài Loan, liên quan vụ công ty Formosa gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường tại miền Trung Việt Nam. Nhân dịp này, nhật báo Người Việt phỏng vấn bà Triều Giang Nancy Bùi, hội phó đặc trách ngoại giao kiêm phát ngôn viên JFFV, về sự kiện này.

Bà Triều Giang Nancy Bùi, hội phó đặc trách ngoại giao kiêm phát ngôn viên JFFV, tại cuộc họp báo. (Hình: Sỹ Nguyễn)

Hỏi: Được biết Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa (JFFV) vừa có cuộc họp báo gây tiếng vang tại Quốc Hội Đài Loan vào ngày 2 Tháng Mười Hai. Xin bà cho biết mục đích của cuộc họp báo này?

Bà Triều Giang Nancy Bùi: Cuộc họp báo do Liên Minh Giám Sát Formosa gồm hai hiệp hội luật sư Đài Loan và bốn tổ chức phi chính phủ (NGO) mà JFFV là một thành viên đã hợp tác tổ chức. Đây là một trong những vận động nhằm yêu cầu chính phủ Đài Loan gỡ bỏ hoặc chấp nhận một hình thức công chứng thay thế cho giấy ủy quyền cho luật sư của những nguyên đơn đang kiện công ty Formosa ra tòa án Đài Loan mà không nguy hại đến các nạn nhân.

Hỏi: Vì sao lại có đòi hỏi này? Nếu không lầm thì Tối Cao Pháp Viện Đài Loan đã cho phép các nạn nhân được quyền khiếu kiện tại Đài Loan theo tin tức trước đây?

Bà Triều Giang Nancy Bùi: Đòi hỏi này phát xuất từ luật sư của Formosa mới đây, đưa ra theo Tu Chính Án 20, Điều 12 và Điều 13 đối với những vụ kiện có người ngoại quốc thì cả hai bên nguyên đơn và bị đơn có thể đòi hỏi phía bên kia phải công chứng giấy ủy quyền của luật sư tại văn phòng kinh tế và văn hóa nước sở tại để chứng minh thân phận của mình. Điều kiện này chỉ có các nguyên đơn đang sống tại Đài Loan hay một số nước khác có thể đáp ứng vì việc công chứng không có gì bị trở ngại. Riêng số đông các nguyên đơn đang sống tại Việt Nam gặp khó khăn vì thủ tục công chứng tại Việt Nam đòi hỏi họ phải được chấp thuận và đóng dấu tại xã, rồi Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao trước. Điều kiện này chắc chắn các nguyên đơn sống tại Việt Nam không thể nào vượt qua vì nhà nước Việt Nam sẽ dùng đủ mọi hình thức để ngăn cản bắt bớ đánh đập và bỏ tù như kinh nghiệm của nạn nhân qua vụ khiếu kiện tại tòa án Kỳ Anh trong nước trước đó.

Hỏi: Được biết trước đây một số dân biểu Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng can thiệp về vấn đề này, bà có thể cho biết kết quả ra sao?

Bà Triều Giang Nancy Bùi: Thưa vâng, vào cuối Tháng Chín, một số đông đảo hội đoàn và các thân hào nhân sĩ trong cộng đồng đã giúp JFFV vận động được bảy dân biểu lưỡng đảng Hoa Kỳ viết một lá thư can thiệp tới chính phủ Đài Loan yêu cầu Đài Loan tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nạn nhân có thể tìm được công lý. Bảy dân biểu này là Alan Lowenthal (Dân Chủ-California), Zoe Lofgren (Dân Chủ-California), Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey), Katie Porter (Dân Chủ-California), Lou Correa (Dân Chủ-California), Ro Khanna (Dân Chủ-California), và Gerry Connolly (Dân Chủ-Virginia). Với sự hỗ trợ của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và một số các hội đoàn tranh đấu cho môi trường và nhân quyền của người Việt và Hoa Kỳ, đặc biệt là sự hỗ trợ của Diễn Đàn Ngư Phủ Thế Giới, lá thư này đã được JFFV công bố tại cuộc họp báo trước Văn Phòng Kinh Tế và Văn Hóa Đài Loan tại Houston, vào đầu Tháng Mười.

Hỏi: Bà có thể cho biết buổi họp báo gồm những ai và báo chí Đài Loan có hưởng ứng đông không?

Bà Triều Giang Nancy Bùi: Ngoài đại diện của các tổ chức trong Liên Minh, còn có một số luật sư của nguyên đơn, dân biểu thuộc đảng Quyền Lực Mới, đảng Dân Chủ Cấp Tiến, phái đoàn gồm sáu người của Bộ Ngoại Giao Đài Loan, tám tờ báo Đài Loan, và hai nhà báo Việt Nam của Chân Trời Mới Media và Luật Khoa Tạp Chí. Riêng phái đoàn của Việt Nam, ngoài Giám Mục Nguyễn Thái Hợp từ Việt Nam đến còn có Linh Mục Nguyễn Văn Hùng từ Đài Bắc, Linh Mục Vũ Đức Minh, một cựu trung tá Không Quân Hoa Kỳ, và tôi, Nancy Bùi, hội phó JFFV đặc trách ngoại giao.

Hỏi: Theo bà, buổi họp báo đạt được điều gì quan trọng nhất? Và vì sao?

Bà Triều Giang Nancy Bùi: Theo tôi thì Liên Minh đã công khai nói tại tòa nhà lập pháp về Formosa, một công ty Đài Loan, gây thảm họa môi trường lớn nhất tại Việt Nam làm ảnh hưởng tới công ăn việc của hàng trăm ngàn nạn nhân, và môi trường sống của hàng triệu người dân của bốn tỉnh miền Trung vào năm 2016. Mặc dù công ty Formosa đã nhận tội nhưng họ không đền bù hoặc đền bù không thoả đáng cho nạn nhân và chưa khắc phục môi trường bị ô nhiễm, và nạn nhân cùng những người đứng lên bênh vực họ bị đàn áp dã man, hiện nhiều người còn đang trong tù.

Hỏi: Theo bà, buổi họp báo liệu có đem lại kết quả thực tiễn cho các nạn nhân không?

Bà Triều Giang Nancy Bùi: Cuộc họp báo tại Đài Loan vào sáng Thứ Sáu thì ngay sáng Thứ Hai đầu tuần, Dân Biểu Handy Chiu thuộc đảng Quyền Lực trong buổi điều trần về những vấn đề đối ngoại và quốc phòng đã chất vấn bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Đài Loan về vấn đề này và yêu cầu bộ cứu xét yếu tố các nạn nhân đã bị vi phạm nhân quyền mà tìm một giải pháp thích hợp cho họ. Ông nhắc lại: “Kinh nghiệm của những người dân lao động Đài Loan trong những năm tháng của thập niên 1980-1990 cũng phải gánh chịu những bất công môi trường do những công ty ngoại quốc đến Đài Loan để mở hãng xưởng sản xuất, họ được nhiều quốc gia trên thế giới giúp đỡ và cuối cùng những người dân nghèo khổ và môi trường ô nhiễm cũng được giải quyết thỏa đáng nên chúng ta cần phải giúp đỡ những nạn nhân của thảm họa Formosa.” Bộ trưởng Ngoại Giao Đài Loan sau đó tuyên bố một giải pháp nhân quyền sẽ được bàn thảo và hoàn tất trong vòng hai tuần sắp tới.

Hỏi: Bà có nghe phía chính quyền Việt Nam phản ứng ra sao không? JFFV và các tổ chức tranh đấu cho môi trường và nhân quyền sẽ có chương trình gì tiếp nối nếu vấn đề không được giải quyết?

Bà Triều Giang Nancy Bùi: Vào đầu Tháng Mười, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, trong buổi họp báo thường kỳ, đã trả lời phóng viên báo Zing rằng: “Bà nghĩ sao khi có bảy dân biểu lưỡng đảng Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam thất bại trong việc giải quyết thảm họa môi trường lớn nhât lịch sử Việt Nam. Đông đảo nạn nhân chưa được đền bù thỏa đáng và môi trường vẫn chưa được khắc phục?” Bà Hằng trả lời đại ý rằng: “Ngay từ những ngày đầu của thảm họa môi trường, chính phủ Việt Nam đã giúp đỡ người dân, hiện mọi người đã được đền bù thỏa đáng và môi trường đã được khắc phục hoàn toàn.” Chúng tôi nghĩ rằng câu trả lời này hoàn toàn trái ngược với sự thật. Có ai về các vùng bị ảnh hưởng để thấy còn bao nhiêu người dân còn có thể đánh cá để sinh sống? Nếu còn thì lợi tức của họ so sánh với trước ngày bị thảm họa có còn như trước không? Lượng cá vẫn chưa trở về như trước đây. Bao nhiêu người phải bán tàu rẻ mạt còn mang nợ nay phải đi các tỉnh khác hoặc quốc gia khác để kiếm sống. Cảnh con cái sống với ông bà hay cô chú héo hắt ra sao? Hãy về Hà Tĩnh, khu chung quanh nhà máy, để thấy khói bụi ra sao? Các nguồn nước ngầm bị ô nhiễm hôi hám không thể dùng được và những mầm mống bệnh ung thư mỗi ngày mỗi tác hại ra sao? JFFV sẽ cùng với các tổ chức tranh đấu cho môi trường và nhân quyền tại Đài Loan, Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt quốc gia hải ngoại, tiếp tục vận động các vị dân biểu Hoa Kỳ cũng như các quốc gia có đông người Việt sinh sống để giúp người dân miền Trung tìm công lý.

Hỏi: Hiện tại cuộc sống của những nạn nhân ra sao? Có nhiều người khi thấy cuộc khiếu kiện kéo dài quá, họ đã nói rằng thiệt hại, mất mát cũng đã qua, thôi của mất thì đã mất, người ở đâu thì ở đó để lo làm ăn thì bà trả lời họ ra sao?

Bà Triều Giang Nancy Bùi: Phần trả lời câu hỏi trên chúng tôi đã phác họa đời sống của các nạn nhân hiện nay. Phần hai của câu hỏi là vụ kiện kéo dài quá có nên ngừng không? Chúng tôi tin rằng đây cũng là kế sách của Formosa và nhà nước Việt Nam cố tình kéo dài để nạn nhân nản chí mà bỏ cuộc. Tiếc một điều là công ty Formosa không chỉ gây thảm họa môi trường cho miền Trung Việt Nam mà công ty này đi tới đâu là gây họa tới đó vì cung cách làm ăn vô trách nhiệm của họ. Tại Hoa Kỳ, họ từng bị đóng của nhà máy tại Illinois vì nhà máy nổ làm chết năm nhân viên. Tại Texas cách đây hao năm, họ bị toàn án liên bang phạt nhiều triệu đô la và phải trả cho cư dân vùng này $50 triệu và còn đang tiếp tục trả nhiều triệu tiền phạt vì Formosa tiếp tục xả vào đường nước của vùng Nam Texas. Riêng nhà máy nhựa với kinh phí trên $10 tỷ đã đặt viên đá đầu tiên tại Saint James, Louisiana, đã bị đình chỉ và viễn ảnh là sẽ bị rút giấy phép vĩnh viễn. Rồi ngay tại Đài Loan, họ đã biến làng chài Yulin thành “làng ung thư” và đang bị người dân tại đây đưa ra tòa.Tất cả các tổ chức tranh đấu với công ty Formosa này đang cùng cộng đồng người Việt hải ngoại hỗ trợ vụ kiện đòi công lý của 7,875 nạn nhân của miền Trung Việt Nam, đã được Tối Cao Pháp Viện Đài Loan cho quyền kiện, hiện đang có một trở ngại hành chánh chúng ta cần phải tháo gỡ. Đây không phải là lý do khiến chúng ta lại phải ngừng. Đấu tranh cần sự kiên trì. Cuộc đấu tranh này không chỉ vì thảm họa xảy ra trong quá khứ, mà nó còn là tiền lệ cho tương lai để bảo vệ quyền lợi cho người dân nghèo và cho đất nước và môi trường của Việt Nam. Xin quý đồng hương hãy tiếp tay ký những thỉnh nguyện thư, gặp gỡ các vị dân cử để nói lên tiếng nói của người dân thấp cổ bé miệng tại quê nhà. Chân thành cám ơn quý vị. [đ.d.]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT