Saturday, April 20, 2024

GIẢI KHUYẾN KHÍCH cuộc thi của tuần báo Saigon Nhỏ: Những chiếc đầu đen ám ảnh hơn nửa thế kỷ 

Tác phẩm dự thi chương trình “Như Chỉ Mới Hôm Qua – Ký Ức 30 Tháng Tư” do tuần báo Saigon Nhỏ tổ chức 

Quỳnh Anh

Gia đình tác giả, năm 1972. (Hình: Tác giả cung cấp)

Tác giả Nguyễn Bá Quỳnh Anh, sinh năm 1964, hiện về hưu và sống tại Đà Nẵng.

Buổi tổng kết và trao giải chương trình “Như Chỉ Mới Hôm Qua – Ký Ức 30 Tháng Tư” sẽ được tổ chức vào lúc 9 giờ sáng (giờ California) Thứ Bảy, 15 Tháng Năm, tại tòa soạn tuần báo Saigon Nhỏ, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Chương trình được live stream trên các trang mạng: saigonnhonews.com, nguoi-viet.com, facebook Saigon Nhỏ, hoặc youtube.com/saigonnhonews

Trân trọng kính mời quý độc giả đón xem.

Dù đến nay đã gần nửa thế kỷ, những hình ảnh trong chuyến di tản hồi Tháng Ba, 1975 vẫn in đậm trong trí nhớ tôi. Nó là một phần ký ức không thể quên được của con bé 11 tuổi lúc đó…

“Chạy giặc”

Đêm 26 Tháng Ba, lũ trẻ con đang ngủ thì nghe có tiếng đập cửa gấp rút. Là bác Bé. Bác qua hối má tôi thu xếp và đi nhưng ba còn ở trong sở, má chưa quyết định được chi cả. Viễn cảnh về một chuyến đi xa khiến chị em tôi háo hức, hồi hộp.

Sáng hôm sau, ngày 27 Tháng Ba, ba đem xe về và chở cả nhà đi. Ba bảo các con mặc những chiếc áo trắng học sinh mà trên đó ba đã ghi thẳng lên áo những dòng chữ ghi rõ họ tên cha và mẹ, tên của đứa con, địa chỉ một bà dì ở ngay thành phố Đà Nẵng. Má tôi bảo chị giúp việc chuẩn bị bữa ăn sáng cho đám trẻ con. Má vào phòng xách túi quần áo, túi đựng gạo sấy và tập khai sinh của các con. Tất cả đồ đạc để lại vì như ba đã hứa với má sau khi mấy mẹ con đến Sài Gòn, ba sẽ chuyển hết đồ đạc gửi đến nhà các dì và ba vào sau. Sau này má tôi mới nói cho biết là ba tôi đã nói dối để má tôi không tiếc của mà dùng dằng. Lúc đó ba đã biết Đà Nẵng và miền Trung sẽ rơi vào tay họ. Những ly sữa uống dở cùng mấy lát bánh mì kẹp bơ vẫn còn đặt trên bàn… Tôi bước ra cửa.

Đến cảng, tôi thấy người đông như kiến. Không biết người từ đâu đến mà đông nghẹt cả bến cảng. Nhà tôi lau chau một bầy con nít, đến bảy đứa, đứa nhỏ nhất mới hai tuổi, đã vậy chú Tuyên nhà ở gần bên còn gửi người vợ mới sinh được hai ngày cùng đứa con đầu mới 18 tháng tuổi cùng đi theo gia đình tôi.

Chúng tôi đứng chờ tàu nhưng không thể nào len xuống tàu được vì không thể chen lấn nổi với những thanh niên khỏe mạnh. Tiếng ồn ào, la hét, cãi cọ dội bên tai mình. Người ta tranh giành nhau để chen ra cho được sát mé cảng. Thỉnh thoảng một vài tiếng “tõm” ghê rợn lại vang lên. Đó là những kẻ xấu số trước tiên. Vì xô đẩy, chen lấn nhau quá nên những người đứng sát mé cảng bị rớt xuống biển. Mới đầu người ta còn chép miệng tỏ vẻ thương hại người bị nạn nhưng sau rồi chẳng ai chú ý đến nữa. Mọi ánh mắt đều ngóng ra hướng con tàu đang đứng ngoài kia. Sợ đám trẻ con mệt và biết chắc chắn không thể xuống tàu được, ba tôi dẫn cả nhà vào một căn nhà trống gần đó nghỉ trưa. Có tin tàu vào. Cả nhà lại lục tục kéo ra cảng.

Đi đâu và đến đâu ngay trên chính quê hương mình?

Lúc đó ba tôi có vẻ lo lắng thấy rõ. Tôi không nhớ được một ai đó, hình như là lính của ba đã nói rằng để ông đưa mình và đứa em gái bảy tuổi ra tàu trước. Lúc hai chị em được đưa xuống ca nô, tôi đã lo sợ kinh khủng và gần khóc vì lo sợ cả nhà bị kẹt lại, hai chị em tôi sẽ bị thất lạc. Ca nô loanh quanh con tàu mà không cách nào trèo lên được. Vậy là trở về. Tôi  thở phào nhẹ nhõm. Ba tôi lại phải chạy đi kiếm tàu. Dù ba quen hầu hết các ông chỉ huy tàu nhưng xem ra tình hình có vẻ vô vọng. Ba lại phải dẫn cả nhà về nơi làm việc của ba ngủ đỡ. Cậu em trai ba tuổi lạ chỗ cứ mè nheo, khóc suốt. Thỉnh thoảng, mấy chị em lại phải lồm cồm ngồi dậy để đi ra cảng vì có tin “có tàu” nhưng rồi trở về chỗ cũ vì không đi được.

Sáng 28 Tháng Ba, ba tôi lại dẫn cả nhà ra cảng và ở tạm trong một dãy nhà dài không có vách ngăn. Người nằm chờ tàu la liệt kín cả dãy nhà. Ba lại chạy đi tìm người quen để nhờ đưa đám con nít lên tàu. Khi ba tôi vừa chạy đi một lát, má cùng bầy con đang nằm nghỉ thì thình lình “họ” pháo kích. Mỗi khi có tiếng đề-pa “cạch,” ông Ký ở gần nhà tôi cũng có mặt ở đó lại hét lên: “Nằm xuống.” Mọi người kinh hoàng, run rẩy. Tiếng rên rỉ, tiếng khóc, tiếng cầu kinh Chúa, kinh Phật, tiếng than van tạo thành một hợp âm buốt cả óc. Có một bà nào đó nằm bên cạnh gia đình tôi vừa tốc bao quần áo của nhà bà ta và cả của nhà tôi che phủ lên người, vừa khóc, rồi cầu kinh, rồi lại kêu trời, kêu cha mẹ náo động cả lên. Mấy đứa em tôi cũng thích thú trước hoạt cảnh đáng tức cười đó nên nghịch ngợm vừa lấy mùng mền dúi lên người nhau vừa cười.

Pháo kích dội xuống khoảng gần nửa tiếng thì ngừng. Tôi thấy nét mặt của tất cả những người lớn đều in nét kinh hoàng. Ba chạy về và lại lục tục kéo cả nhà ra cảng. Những tiếng “tõm” ghê rợn lại vang lên. Người từ Đà Nẵng (thời đó người ở quận Ba cứ gọi bên kia sông là Đà Nẵng) lại ùn ùn kéo qua đông nghịt và chết cứng tại chỗ, không thể đi được. Tiếng la hét, than khóc rền rĩ như ở địa ngục. Sẵn có bao sữa đủ các loại của bà Tuyên mang theo cho đứa con mới sinh, lũ trẻ chúng tôi ăn cho đỡ đói. Bột sữa làm nhem nhuốc bảy khuôn mặt nhưng má và chị giúp việc cũng chẳng buồn lau.

Ba đã vất chiếc máy ảnh đeo trên cổ và thay bộ quân phục bằng đồ civil. Lại chờ tàu. Người từ đâu tiếp tục ùn ùn kéo đến. Chưa bao giờ tôi thấy người đông đến như vậy. Đầu người đen sẫm làm thành một khoảng đen khổng lồ. Một ngày trôi qua. Đêm xuống. Khi chúng tôi đang ngủ ngon giấc thì bị đánh thức vì ba đã tìm ra chỗ có tàu. Cả nhà đi về một góc cảng. Lạ thật, chỗ này đến bây giờ mà vẫn còn vắng tanh. Có lẽ đây là một chỗ kín mà dân thường không biết được. Xuống đến được tàu của ông Trung Tá Nhơn, lúc này tôi mới thấy gương mặt ba má tôi giãn ra chứ không còn vẻ căng thẳng như hai ngày qua.

Trên sàn tàu, người nằm la liệt. Thấy gia đình tôi lục tục kéo đến chẳng ai buồn nhìn. Người trên tàu hình như cũng mệt mỏi lắm rồi. Một bầu không khí nặng trĩu. Chỗ còn sót lại cho gia đình tôi là một khoảng trống tối mù mờ và do đó càng thấy buồn thảm hơn. Thỉnh thoảng, một vài tiếng ho khù khụ của những người già, tiếng oe oe lạc điệu của những đứa trẻ càng làm tăng thêm cái vẻ ảm đạm của con tàu. Tôi cảm thấy buồn thiu. Bao nỗi háo hức về một chuyến đi mang tính mạo hiểm như tôi hình dung trước đó đã bay biến.

Nằm chưa yên chỗ thì cả nhà lại bị đuổi xuống. Vậy là lục tục kéo đi, nặng trĩu đối với ba má nhưng tôi lại rất mừng khi được thoát khỏi khung cảnh buồn bã, ảm đạm. Sau này nghe ba má kể lại tôi mới biết nguyên nhân. Do có vợ chú Tuyên đi theo gia đình tôi, cô lại mới sanh được vài ngày nên tàu biển họ kiêng cữ, không cho sản phụ lên tàu.

Cả nhà lại lục tục kéo đến sở làm của ba và trải drap ra ngủ. Lúc này đã khuya nên đám trẻ con buồn ngủ đến ríu cả mắt. Mấy đứa em nhỏ của tôi có lẽ đã thấm mệt nên không còn mè nheo như những ngày trước. Vừa chợp mắt, ba tôi nhận được tin chỉ còn chuyến tàu cuối cùng.

Gia đình tác giả, hình chụp cuối năm 1973, trước khi di tản 15 tháng. (Hình: Tác giả cung cấp)

Những chiếc đầu đen 

Sáng ngày 28 Tháng Ba, ba cứ dẫn cả nhà đi tới đi lui. Tàu thì vẫn tít ngoài khơi mà người thì mỗi lúc mỗi đông. Tôi không nhớ rõ ràng từng chi tiết lắm nhưng hình ảnh mấy trăm ngàn con người ứ đọng lại trên bến để giành giựt một chỗ trên tàu và thỉnh thoảng lại có những tiếng rơi nặng nề xuống biển thì không làm sao tôi quên được. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, bối rối, kinh hoàng, cùng quẫn. Kẻ đi tới, người đi lui, tiếng khóc lóc, kêu réo dội lên nghe thật dễ sợ. Suốt một ngày vất vả, lang thang khắp các xó xỉnh của bến cảng, đợi chờ, hy vọng rồi tuyệt vọng, cả nhà mệt lả. Mấy chị em tôi tưởng như không thể nào đi nổi nữa.

Đêm đến. Người đến mỗi lúc một đông. Cả nhà đứng trên bến. Tôi nhớ rõ lúc đó có một chiếc tàu đậu ở ngoài xa. Những người đứng trên bến kêu la í ới nhưng chiếc tàu không tiến vào. Bất chợt tôi nhìn thấy một người đàn ông nhảy xuống biển và bơi ra tàu. Mặt biển đen thẫm nhưng tôi vẫn thấy đầu ông lúc trồi lên, lúc lại chìm lỉm. Những người trên bờ, trong đó có tôi căng mắt hồi hộp nhìn theo ông. Những tiếng “Ồ” bật lên mỗi khi tưởng như ông chìm hẳn. Cuối cùng ông biến mất vào trong màn đêm. Lại thêm một, hai rồi ba, bốn người nữa nhảy xuống biển. Những cái đầu của họ cứ nhấp nhô trong sóng nước. Và rồi họ cũng lần lượt biến mất vào lòng biển. Bao năm qua, hình ảnh những chiếc đầu đen cứ ám ảnh tôi.  Dòng người lại tiếp tục đổ ra bến cảng càng lúc càng đông. Thấy tình hình có vẻ nguy hiểm nếu cứu cố tìm cách xuống tàu vào lúc đó, ba tôi dẫn cả nhà về chỗ làm của ba nghỉ tạm qua đêm.

Rạng sáng ngày 29 Tháng Ba, ba tôi lại dẫn cả nhà ra bến. Ngoài khơi có một chiếc tàu to đang tiến vào nhưng rồi nó cũng không dám vào sâu hơn nữa. Mỗi lần tàu tiến được vào chút ít, “họ” từ trên núi dội pháo xuống mặt biển nghe ùng oàng. Có một người lính to cao mặc đồ bộ binh, mũ giáp đầy đủ cầm đèn pin chớp chớp ba cái một, hình như là để ra hiệu cho tàu vào. Thình lình tôi thấy ở phía bên phải mình có vệt sáng dài như sấm chớp lóe lên. Đang ngơ ngác nhìn, tôi nghe tiếng ông ta hét to: “Pháo kích, nằm xuống.”

Ba tôi chỉ kịp dúi đầu năm đứa con xuống. Má và chị giúp việc đang bế hai đứa nhỏ nhất cũng hoảng hốt ngồi thụp xuống tức thì. Cả nhà vừa kịp nằm dài ra là: “Ầm, ầm.” Lúc đó tôi mới bắt đầu thấy khiếp sợ. Ngày hôm qua, tuy bị pháo kích nhưng thưa thớt hơn và mọi người ở trong một gian phòng kín. Còn bây giờ thì chúng tôi trần mình dưới cơn mưa đạn pháo. Pháo liên tiếp không ngớt. Tưởng chừng như bao nhiêu tiếng động kinh khiếp của Trái đất đều đổ dồn vào đây. Tiếng “ầm… ầm…” liên tục làm chúng tôi nằm im thin thít.

Sau này nghe ba tôi nói lại mới biết rằng lúc đó ba đã cố ý cho cả nhà nằm túm tụm vào nhau, bởi theo ba, lỡ rủi ro có quả nào rớt trúng thì “bị” hết cả nhà còn hơn là người còn, người mất. Pháo cứ trên núi dội xuống trên đầu mọi người. Giữa bến cảng không có một tàng cây hay túp nhà nào. Mọi người buông xuôi, mặc cho may rủi. Pháo vừa ngớt, ba kéo hết cả nhà ra một cái hầm dầu casol. Nói là hầm nhưng thật ra đó là một đường ống giống như những cái cống chứa đầy dầu nhớt trơn nhẫy. Chúng tôi phải nửa ngồi nửa đứng, hai tay bấu vào vách đá, lưng dựng vào vách này, chân bíu vào vách kia. Láng quáng sảy chân rơi xuống thì không biết thế nào. Tôi không hiểu lúc đó hai đứa em trai của tôi, đứa năm và đứa ba tuổi, lấy sức đâu mà bíu vào vách đá như vậy. Tôi cảm thấy tê dại cả chân tay đầu óc. “Họ” pháo kích gần khoảng một tiếng đồng hồ thì ngớt dần và ngưng hẳn. Lúc này trời đã sáng trưng.

Một cảnh tượng khủng khiếp trải dài dưới mắt tôi. Trên cảng la liệt đồ vật, xe cộ, người bị thương, bị chết nằm ngổn ngang. Xe Honda, Vespa, xe Dodge, xe Jeep nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Chen lẫn vào đó là đồ vật như: tivi, máy quạt, túi xách, va ly, kể cả những đồ vật đắt tiền. Trên bến còn vương vãi hàng ngàn đôi hài kết cườm, sandal, giày cao gót của đoàn người di tản bỏ lại.

Ba tôi kéo các con ra khỏi đường hầm chứa dầu casol. Thấy áo em trai tôi loang lổ vết máu, ba cởi áo em ra sờ soạng khắp người coi thử em bị thương chỗ nào. Hóa ra là máu của những người chết hay bị thương gần đó văng lên áo em. Lúc này kiểm lại đồ dùng mang theo thì nhà tôi gần như mất tất cả túi xách, chỉ còn lại túi xách đựng bao gạo sấy và cái cặp ba tôi đựng khai sinh, giấy tờ tùy thân của cả nhà. Ba má tôi lại kéo đàn con ra đi. Chúng tôi mệt mỏi vì thiếu ngủ, một phần vừa trải qua cơn hoảng sợ nên không còn sức. Chúng tôi cứ thất thểu lê bước theo người lớn.

Gia đình tác giả, năm 1977. (Hình: Tác giả cung cấp)

Bức tranh thu nhỏ của ngày miền Nam thất thủ 

Biết không thể nào thoát khỏi Đà Nẵng bằng tàu hải quân được nữa, ba tôi lại tính cách khác. Ba dẫn cả nhà đi về biển Mỹ Khê. Trên đường rời khỏi cảng Tiên Sa, tôi thấy những thân người nằm bất động, có người mắt mở trừng trừng nên tôi không rõ họ chỉ bị thương hay đã chết. Máu me loang lổ khắp mặt đất. Tiếng rên rỉ xin cứu vớt, xin nước của người bị thương vang lên không ngừng. Hơn 45 năm đã qua nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ như in hình ảnh một người đàn bà bị thương nặng; bốn đứa con trạc tuổi chị em tôi vây quanh bà khóc lóc thảm thiết nhưng bà xua tay và nặng nhọc nói: “Mẹ gần chết rồi. Mấy đứa con đi đi. Chạy theo họ đi. Pháo kích nữa đó.” Bà thả tay nằm bất động. Vậy là bốn đứa nhỏ ùa chạy theo sát sau gia đình tôi. Chúng vừa đi vừa ngoái đầu lại nhìn bà mẹ và khóc nức nở. Cảnh tượng này suốt đời mình tôi sẽ không bao giờ quên được.

Khung cảnh cảng ngổn ngang, bừa bãi. Sau trận pháo kinh thiên động địa, mọi người lại hoảng hốt ra đi. Đi về đâu? Cũng chẳng ai biết chắc họ sẽ đi về đâu. Nhưng thấy người khác đi, mình cũng đi. Cứ như những con kiến hoảng hốt bò quanh miệng chén nước sôi. Cùng quẫn, tuyệt vọng, bơ phờ, kinh hoàng, ngần ấy thứ in hằn lên từng khuôn mặt già cũng như trẻ.

Trên đường đi, tôi thấy dãy khu gia binh ở Tiên Sa mà những năm trước gia đình tôi sống ở đó giờ đã bị pháo dội dổ nát hết. Đến đoạn ngay trước cổng khu Hải Quân ở Sơn Trà, nơi tôi vừa rời bỏ hai ngày, tôi thấy một người đàn ông mặc bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến nằm vắt tay lên trán, hai chân hơi giang ra. Bên cạnh là chiếc Honda chất đầy đồ đạc. Có một người đàn ông lớn tuổi tách khỏi dòng người chạy loạn tiến đến và cúi xuống xếp lại tư thế nằm của người lính cho ngay ngắn. Đi một đoạn lại thấy một người đàn ông khác nằm bên đường. Bộ đồ của ông đẫm máu. Ông hé mở đôi mắt thều thào: “Nước, nước…” Tôi vừa đi vừa ngoái đầu nhìn ông. Chị giúp việc giật tay tôi ra hiệu đi tiếp. Sau này nhắc lại những ngày chạy loạn, má tôi hay nhắc đến người đàn ông đó và chép miệng nói một điều mà ai cũng biết: “Chắc rồi ổng cũng chết!” Còn tôi lúc đó vừa lúp xúp chạy theo ba má vừa nghĩ ngợi suốt đoạn đường: Không biết có ai cho ông ấy ngụm nước không?

Lúc này ba má tôi vẫn còn bảy đứa con nguyên vẹn. Tôi lớn nhất mới 11 tuổi, em kế 9 tuổi, em thứ ba 7 tuổi, em thứ tư 6 tuổi, em trai 5 tuổi, em kế út 3 tuổi và út mà chị giúp việc bồng trên tay mới 2 tuổi. Ba tôi căn dặn tôi phải níu chặt tay em kế tôi; má tôi nắm tay hai đứa kế tiếp. Còn ba tôi hai tay níu hai đứa em trai tôi. Cả nhà tôi như trôi đi vô định trong một khối biển người cuồn cuộn không dứt. Tôi không nhớ mình đã đi mất bao lâu dưới trời nắng gắt khát khô cả cổ. Đến giờ nghĩ lại tôi không hiểu sao chúng tôi, những đứa trẻ bé xíu lại có thể đi bộ đoạn đường dài đến hơn 10 km, cứ lầm lũi bám theo ba má mà đi. Có lẽ nỗi hoảng sợ khi trải qua trận pháo kích và những gì chứng kiến tận mắt đã khiến chúng tôi lờ mờ hiểu được rằng phải đi khỏi nơi này thì mới có thể không bị chết.

Chúng tôi đi mãi đến nhà một thầy giáo già là đồng nghiệp của má. Thầy tên Huỳnh. Thầy nói như khóc: “Thôi bây giờ cô chú vô ăn miếng cơm rồi ở lại đây, cô đừng đi đâu nữa. Đi là chết đó cô ơi.” Ba má cảm ơn ông và quyết định lên đường đi ra bãi Mỹ Khê. Sau khi nghe người chủ thuyền ra giá, cả nhà lên thuyền cùng gia đình một người bạn của ba. Chiếc thuyền nổ máy chạy ra một khoảng xa, tôi nhìn vào bờ thấy loáng thoáng không rõ lắm những dáng người mặc áo màu xanh.

Ông chủ thuyền thốt lên: “Tụi nó” vào rồi… Lúc đó là trưa ngày 29 Tháng Ba, 1975.

———————–

Các tác phẩm đoạt giải dự thi chương trình ‘Như Chỉ Mới Hôm Qua – Ký Ức 30 Tháng Tư’ do tuần báo Saigon Nhỏ tổ chức:

GIẢI NHẤT: Bạc tóc tuổi hai mươi
GIẢI NHÌ: Chuyện nhà chồng tôi – một bi kịch không hồi kết sau ngày ‘kết thúc’ tiếng súng chiến tranh
GIẢI BA: Như một lớp áo mỏng che những vết thương vĩnh viễn không lành…
GIẢI KHUYẾN KHÍCH: Ký ức Tháng Tư của một ‘hạ sĩ quèn’ Ông Tạ
GIẢI KHUYẾN KHÍCH: Nỗi đau vẫn ngậm ngùi
GIẢI KHUYẾN KHÍCH: Trăng thôi chiếu sáng
GIẢI KHUYẾN KHÍCH: Đùng một cái, ngày 30 Tháng Tư…
GIẢI KHUYẾN KHÍCH: Những chiếc đầu đen ám ảnh hơn nửa thế kỷ
Trò chuyện với tác giả đoạt giải nhất cuộc thi của tuần báo Saigon Nhỏ: Phải bước qua mọi thứ, mới thanh thản để ghi lại…
‘Lưu vong’ trên quê hương, chuyện của Phạm Thanh Nghiên đoạt giải nhì cuộc thi của Saigon Nhỏ
Báo Saigon Nhỏ tổng kết cuộc thi viết ‘Như Chỉ Mới Hôm Qua – Ký Ức 30 Tháng Tư’

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT