Thursday, April 18, 2024

Hằng Trường, vị tỳ kheo không xây chùa mà chỉ ‘xây người’

Đằng-Giao/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – Thầy Hằng Trường, sáng lập viên Hội Từ Bi Phụng Sự, một tu sĩ Phật Giáo hoạt động từ thiện tích cực với cộng đồng gốc Việt và các cộng đồng khác từ năm 2002 và được rất đông Phật tử khắp nơi nhiệt tình ủng hộ, nhưng đến nay vẫn chưa có một ngôi chùa.

Thầy Hằng Trường trong một buổi tu tập với chư tăng. (Hình: Hội Từ Bi Phụng Sự cung cấp)

“Mục đích cuộc đời tu hành của tôi không để xây chùa mà là ‘xây người,’” ông khoan thai nói với nụ cười hiền từ.

“‘Xây người’ vì tôi là một thầy giáo,” ông tiếp.

Câu nói này không phát ra từ đức khiêm cung của một người chay tịnh mà tự đáy lòng, ông chỉ muốn vậy.

Ông chia sẻ: “Thầy giáo, cô giáo là người tôi yêu kính nhất trên đời. Cho đến giờ tôi vẫn không quên được những thầy cô hồi lớp Tư, lớp Năm.”

Và người thầy gieo rắc, “xây dựng” vào đầu óc ông những lẽ huyền vi của Phật pháp thuở ông mới lên năm, lên sáu chính là người cha mà ông hằng kính yêu.

“Cha tôi thường kể những cuộc đọ phép giữa cái thiện và cái ác trong Tây Du Ký cho tôi nghe,” thầy Hằng Trường chia sẻ.

Ánh hào quang Phật pháp lóe lên trong tâm thức ông khá sớm.

Ông kể: “Năm tôi 16, cha tôi bệnh nặng, không thể qua khỏi. Thượng Tọa Viên Đức ở chùa Thiền Tịnh, Thủ Thiêm, có đến và giúp cha tôi sống thêm chín tháng. Với tôi, đó là phép lạ.”

Lập tức, chú bé 16 tuổi học sinh Petrus Ký thông minh đĩnh ngộ nảy ra ý nghĩ rằng nếu Phật muốn chú đi tu, xin cho một dấu hiệu.

“Cha tôi đang hôn mê. Phật Giáo tin rằng khi vãng sanh, nếu đầu óc người nào còn minh mẫn, nghe được kinh thì sẽ được siêu thoát,” ông kể. “Một đêm, đang ngủ, tôi bật dậy bên cạnh cha tôi, miệng tôi lập đi, lập lại câu, ‘Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát’ và cha tôi, đang hôn mê, bỗng nhìn tôi với ánh mắt tỉnh táo. Được 10 phút thì ông thở hắt ra rồi ra đi trong bình an.”

Năm đó là 1977. Với thầy Hằng Trường, đây là dấu hiệu quá rõ ràng để ông xuống tóc đi tu ngay, nhưng mãi đến năm 1982, ông mới được Đại Lão Hòa Thượng Tuyên Hóa làm lễ thọ giới tỳ kheo tại Vạn Phật Thánh Thành, là tên Việt Nam của City of Ten Thousand Buddhas ở Ukiah, Bắc California.

Thầy Hằng Trường (trái) gặp Đức Giáo Hoàng Francis tại Vatican hôm 16 Tháng Năm, 2018. (Hình: Hội Từ Bi Phụng Sự cung cấp)

Trước đó, ông vượt biên năm 1979 đến đảo Pulau Bidong, Malaysia, rồi sang Mỹ, ông được học bổng theo ngành kỹ sư hóa chất. Nhưng ông bỏ tất cả để học về Phật Giáo.

Ông gặp nhiều cơ duyên đưa đẩy, được nhiều vị thầy ảnh hưởng đến cuộc đời tu hành của ông.

Chính vì thế mà ông muốn thành thầy giáo. Và cũng chính vì thế mà ông viết cuốn “Xuất Tục Nhập Thế” để giới thiệu và phân tích triết lý đạo Bồ Tát của tông phái Hoa Nghiêm, tông phái ông tu tập.

Với thầy Hằng Trường, con đường tu tập của ông phải là “xuất tục nhập thế.”

Ông giải thích: “‘Xuất tục’ là thoát khỏi chốn thế tục và chỉ tu cho một mình mình thôi. Nhưng, với tôi, sau khi đã phá giải được phiền não, thói quen, tật xấu của mình, nhất là sau khi đã mở được tâm mình, có được sự thông thoáng rồi thì mình phải ‘nhập thế’ để cùng tu với tha nhân, chia sẻ giáo pháp với mọi người chung quanh, giải mở mọi khúc mắc tâm tình giữa ta và người.”

Ông nhấn mạnh: “Có vậy, ta mới đem sự an lạc cho bản thân và tha nhân.”

Làm gì thì cũng phải có sức khỏe. Vì vậy, đi đôi với nỗ lực rèn luyện thân thể, ông làm công tác từ thiện, cứu trợ những nơi khốn khổ, đem đạo Bồ Tát ra giúp đời.

Thầy Hằng Trường tại Mạn Đà La bằng người ở Long Beach năm 2016 phá kỷ lục thế giới, có hơn 1,500 người tham dự. (Hình: Hội Từ Bi Phụng Sự cung cấp)

Thầy Hằng Trường sáng lập Hội Từ Bi Phụng Sự năm 2002 với tên tiếng Anh là “Compassionate Service Society” (CSS), nay còn gọi là CompaSS, với chủ trương kết hợp sự luyện tập thân thể với phát triển tâm linh, vừa tu thân vừa phục vụ xã hội, vừa mở tình thương vừa học trí huệ.

Ý nguyện “xây người” được thể hiện trong mọi hoạt động của ông.

Hàng ngày, ông bận rộn từ sáng sớm đến khuya để dạy những lớp trực tuyến về thiền, lớp Càn Khôn Thập Linh, một môn thể dục dưỡng sinh tổng hợp, bằng ba thứ tiếng,Việt, Anh, và Hoa.

Ông cũng có những buổi nói chuyện trực tuyến với từng người để giúp họ giải tỏa những trăn trở, hầu đem lại sự hài hòa giữa cuộc sống tâm lý cá nhân và xã hội.

Ngoài ra, ông còn thực hiện chương trình TV Khai Tâm (SBTN) và Radio Khai Tâm (Bolsa Radio)

TV Khai Tâm phát hình mỗi Thứ Bảy lúc 6 giờ sáng và 5 giờ chiều trong lúc Radio Khai Tâm phát thanh lúc 8 giờ 30 tối Thứ Tư hàng tuần, trên băng tần 1980 AM.

Từ năm 2009 đến giờ, hàng năm, ông cùng Hội Từ Bi Phụng Sự tổ chức Pháp Hội Di Đà, một chương trình quy mô, mỗi lần quy tụ hàng ngàn người.

Thầy Hằng Trường trong một buổi hướng dẫn thiền trà. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hội là một tổ chức bất vụ lợi 501(c)3 có trụ sở tại Orange County, Nam California, được thành lập với tâm nguyện kết hợp tinh hoa Phật Giáo với trí tuệ của thế kỷ 21, trong mọi lãnh vực từ tư duy, tu trì, đến triết lý, văn hóa, để giúp cho thân, tâm, và linh tánh con người thời đại đạt tới chỗ hài hòa, siêu thoát. Vì thế hội chủ trương con đường hàm dung, xóa bỏ những ranh giới dị biệt do văn hóa hay tôn giáo tạo ra.

Hội có trung tâm huấn luyện Càn Khôn Thập Linh tại California (Orange County, San Diego, San Jose), Texas (Houston, Dallas), Virginia, Maryland, Florida, Canada (Montreal, Toronto), Đức (Duesseldorf, Frankfurt, Hamburg), Pháp, Đài Loan, Hungary, và Tahiti và sẽ còn mở rộng hơn nữa, nhưng thầy Hằng Trường vẫn không muốn xây cơ sở dù chỉ là một ngôi chùa.

Mọi nỗ lực của ông chỉ để theo đuổi con đường “nhập thế” làm lan tỏa tình thương, ân cần với mọi người để “xây người” cho một cộng đồng thông thoáng hơn và có tâm thức vị tha hơn.

Muốn nghe bài giảng của ông xin vào trang web https://tubiphungsu.com.

Muốn thỉnh sách miễn phí của hội, xin gọi bà Thân Tuyết (714) 594-8152.

Thầy Hằng Trường có thế danh là Lê Khắc Nhàn, sinh tại Huế năm 1961, là thứ nam của Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, nguyên khoa trưởng Đại Học Y Khoa Huế. [đ.d.]


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT