Friday, March 29, 2024

Nhóm Phụ Trách Khủng Hoảng Bầu Cử thảo luận về Tu Chánh Án 25

Thiện Lê/Người Việt

ORANGE COUNTY, California (NV) – Sau tình hình hỗn loạn tại tòa nhà Quốc Hội ở Washington, DC hôm Thứ Tư, 6 Tháng Giêng, Nhóm Phụ Trách Khủng Hoảng Bầu Cử (National Task Force on Election Crises) tổ chức một buổi hội thảo để nói về những chuyện có thể xảy ra vào ngày 20 Tháng Giêng và sự khác biệt giữa giải nhiệm tổng thống nếu người đó phạm tội với Tu Chánh Án 25.

Người ủng hộ Tổng Thống Trump tràn vào tòa nhà Quốc Hội trưa 6 Tháng Giêng. (Hình: Jon Cherry/Getty Images)

Buổi hội thảo được tổ chức hôm Thứ Năm, 7 Tháng Giêng, có sự tham gia của ba diễn giả là những chuyên gia về luật bầu cử và Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Diễn giả đầu tiên là bà Rachel Kleinfeld, giám đốc của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace.

Bà phát biểu: “Tôi muốn nói ba điểm. Đầu tiên là chuyện gì đã xảy ra. Thứ hai là ý nghĩa của chuyện đó, và thứ ba khả năng bạo lực có thể xảy ra từ đây cho đến ngày 20 Tháng Giêng.”

“Vậy chuyện gì đã xảy ra vào ngày 6 Tháng Giêng? Trong một buổi vận động, những người ủng hộ Tổng Thống Donald Trump kêu gọi Quốc Hội không làm tròn trách nhiệm của họ và không công nhận kết quả bầu cử. Sau đó, một nhóm rời khỏi nơi tụ tập và đi đến tòa nhà Quốc Hội. Nhóm người đó đột nhập vào tòa nhà Quốc Hội trong lúc các thành viên đang họp để công nhận kết quả bầu cử và tấn công một số người,” bà Kleinfeld nói.

Theo bà, đây là một “quân đội cá nhân” do Tổng Thống Donald Trump tạo ra, và ông dùng “quân đội” này để đe dọa đối thủ chính trị như những nước có nền dân chủ yếu như Nicaragua, Venezuela và các nước Phi Châu.

Bà nói thêm: “Chúng ta cũng phải nhắc đến thành phần thiếu dân chủ trong đảng Cộng Hòa. Tuy họ phải đeo mặt nạ chống hơi cay để rời khỏi Quốc Hội, sáu thượng nghị sĩ và 121 dân biểu vẫn tiếp tục phản đối một cuộc bầu cử đã được tuyên bố không có gian lận.”

Bà Kleinfeld cho rằng cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc Hội sẽ thay đổi quá trình dân chủ của Hoa Kỳ, biến bạo lực thành một phần của chính trị.

Không chỉ vậy, bà còn nói đây là một thời điểm đầy nguy hiểm, hơn cả những lần tổng thống tuyên thệ trước.

Vào ngày 20 Tháng Giêng, bà cho rằng Tổng Thống Trump có thể ra lệnh đúng luật pháp để quân đội tuân theo, hoặc ông có thể ra lệnh trái luật, và quân đội sẽ không tuân theo.

“Đây là một tổng thống từng là thường dân, không có đủ thời gian để biết nhân viên làm việc ra sao. Vì vậy, Nhóm Phụ Trách Khủng Hoảng Bầu Cử kêu gọi ông từ chức để Phó Tổng Thống Mike Pence nắm quyền trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ. Nếu ông không từ chức, chúng tôi đề nghị ông bị giải nhiệm theo Hiến Pháp Hoa Kỳ,” bà Kleinfeld nói.

Từ trái, bà Rachel Kleinfeld, ông Edward B. Foley và ông Norman Ornstein, ba diễn giả của buổi hội thảo. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Cuối cùng, bà cho rằng khả năng bạo lực xảy ra sẽ rất cao vào ngày Tổng Thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ, tức là ngày 20 Tháng Giêng, vì có nhiều nhóm dân quân xuất hiện.

Theo bà, những nhóm này ủng hộ Tổng Thống Trump và coi cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng là một chiến thắng.

Diễn giả thứ hai là ông Eward B. Foley, giáo sư luật của đại học Ohio State University, nói về sự khác biệt giữa giải nhiệm tổng thống trong nhiệm kỳ và Tu Chính Án 25.

Ông Foley cho biết một tổng thống có thể bị giải nhiệm nếu phạm tội. Quốc Hội hiện nay không thể dùng quyền lực khẩn cấp để giải nhiệm Tổng Thống Trump trong hai tuần tới, nhưng vụ bạo loạn và kêu gọi bạo lực ngày 6 Tháng Giêng có thể được coi là ông Trump phạm tội.

Theo ông Foley, giải nhiệm không chỉ có nghĩa tổng thống không được nắm quyền trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ, mà người đó còn không được ứng cử thành dân cử trong tương lai.

“Tổng Thống Trump nói ông dự định tranh cử lại trong tương lai. Vì vậy, sau ngày 20 Tháng Giêng, chúng ta cần phải suy nghĩ rất nhiều về vấn đề giải nhiệm,” Giáo Sư Foley nói.

Về Tu Chính Án 25, ông Foley cho biết đó không phải là luật giải nhiệm tổng thống, mà đó là luật để nhận ra lúc một tổng thống không thể giữ quyền hành nữa trong lúc còn nhiệm kỳ như các lý do về sức khỏe hay tinh thần.

Tổng Thống Donald Trump kêu gọi đám đông hôm 6 Tháng Giêng. (Hình: Tasos Katopodis/Getty Images)

Diễn giả cuối cùng là ông Norman Ornstein, học giả của Học Viện Doanh Nghiệp Hoa Kỳ, nói về phản ứng của các cơ quan công lực trong cuộc bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng.

“Chúng ta từng bị khủng bố nhiều lần, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến một nhóm khủng bố trong nước tấn công tòa nhà Quốc Hội như vậy,” ông Ornstein nói.

Ông cho rằng các cơ quan công lực bảo vệ thủ đô Washington, DC không có phản ứng mạnh mẽ như những lần biểu tình hay bạo loạn từng xảy ra như biểu tình “Black Lives Matter” hay biểu tình kêu gọi bảo vệ quyền lợi người khuyết tật.

Trong những lần biểu tình đó, nhân viên công lực hiện diện rất đông đảo và còn trang bị để chống bạo động. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra vào ngày 6 Tháng Giêng.

“Chúng ta biết hôm đó có ít nhất là một người cầm súng có đạn và còn mặc áo chống đạn vào trong tòa nhà Quốc Hội. Chúng ta còn thấy được nhiều hình ảnh các cảnh sát viên của Quốc Hội mở hàng rào cho đám đông vào, thậm chí còn chụp ‘selfie’ với họ,” ông cho biết.

Vì vậy, ông Ornstein cho rằng vụ bạo loạn đó có thể gây nguy hiểm cho tổng thống, khiến ông không làm việc được, dẫn đến việc Quốc Hội phải dùng Tu Chánh Án 25.

Khi đó, phó tổng thống và các giới chức thân cận phải kêu gọi Quốc Hội dùng Tu Chánh Án 25 để thay thế tổng thống. Ông Ornstein nhấn mạnh điều này hoàn toàn khác với việc giải nhiệm tổng thống nếu người đó phạm tội.

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT