Friday, April 19, 2024

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, con người và mong ước

Đằng-Giao/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, viện chủ chùa Bảo Quang kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, là một người đa tài, nhưng lại chỉ mong ước làm “một người bình thường.”

Ông có tài làm thơ, viết văn, chụp hình, vẽ tranh, nhưng lúc nào cũng chỉ mong ước mãi mãi là một Phật tử thuần thành.

Tư tưởng thiền học bàng bạc của Phật Giáo đã thấm nhuần trong tâm hòa thượng và toát ra một cách tự nhiên.

Hòa thượng kể: “Lần đó tôi đang lợp mái trên nóc chùa thì có người nhắc tôi có hẹn lên truyền hình ở chùa Điều Ngự. Tôi tức tốc lái xe qua. Tới nơi, một người hỏi tôi từ đâu tới. Không kịp suy nghĩ, tôi nói thật, ‘Tôi đang đóng đinh trên nóc chùa, sực nhớ trễ giờ thu hình nên đi thang xuống và lập tức lái xe tới đây.’”

Có một giai thoại hết sức mộc mạc và đời thường về ông, nhưng đầy “chất thiền” nếu chịu khó nghiền ngẫm.

“Nói gì thì nói, làm gì thì làm, tôi có duyên nợ với Phật Giáo từ khi còn nhỏ. Năm tuổi, hàng sáng, tôi lên chùa gần nhà học kinh, tối về ngủ. Mười ba tuổi, tôi chào mẹ lên chùa ở luôn,” vị hòa thượng hồi tưởng.

Mẹ ông, lúc đó rất ngạc nhiên, tức giận, và thương con. Nhưng sau cùng, bà đành để ông làm theo ước nguyện.

Và ông trở thành Tỳ Kheo Thích Quảng Thanh.

Làm thơ, viết văn chụp hình hay vẽ tranh, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh chỉ muốn tìm cái đẹp thanh cao trong cuộc sống. Vậy thì cái gì là cái đẹp đối với một vị tu hành?

“Truy tìm nét đẹp, có lẽ nét đẹp của nụ cười hoan hỷ là tuyệt vời nhất,” hòa thượng viết trong cuốn “Dấu Ấn Nghệ Thuật,” một sưu tập các tác phẩm nhiếp ảnh của ông.

Được nhiều người đồng ý hòa thượng là người cao ráo, dễ nhìn nhất trong số các vị hòa thượng hải ngoại, câu hỏi được đặt ra là ông có bao giờ bị sắc dục lôi cuốn.

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh mỉm cười: “Ngay từ khi còn là thanh niên, tôi từng bị nhiều đàn bà, con gái vây quanh, trêu chọc, rồi cám dỗ. Họ có sức lôi cuốn không? Có chứ! Tôi có thấy họ đẹp không? Có chứ!”

Ông giải thích: “Tôi yêu nghệ thuật, và nghệ thuật là tìm cái đẹp ở mọi nơi, mọi chỗ, huống hồ gì là người khác phái. Nhưng không ai lay chuyển được tôi vì từ lâu lắm rồi, tôi biết tôi được sinh ra để làm việc lớn.”

Ông nghiêm giọng: “Muốn làm việc lớn thì phải biết hy sinh.”

Để xây dựng được chùa Bảo Quang, hòa thượng phải xắn tay áo, tự tay đóng từng cái đinh, treo từng bức tranh.

Ông quan niệm tu hành là dấn thân vào cuộc đời, vào công việc.

Lúc thường, người ta có thể gặp ông đi chợ Stater Bros mua thức ăn.

Lúc đang xây chùa, người ta có thể gặp ông trong Home Depot mua vật liệu.

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh: “Tôi chỉ thích nói thật.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh không nề hà bất cứ việc gì, từ lớn tới nhỏ.

“Hồi mới qua Mỹ, tôi từng làm công việc xây dựng,” ông kể.

Ông biết cắm hoa, biết làm hòn non bộ, biết uốn bonsai, biết nấu ăn…

Xong đại học, hòa thượng có thời đi khắp nơi trong nước châm cứu cho người nghèo.

Sau 1975, vì không chịu nổi sự áp bức Phật Giáo của cộng sản, ông vượt biên lần thứ nhì năm 1984 và đến Mỹ năm 1986.

Hòa Thượng Thích Quảng Thanh tên thật là Dương Thanh Tùng, sinh quán Thanh Lương, Bình Thuận, Việt Nam.

Ông từng giữ chức Tổng Vụ Trưởng Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, sáng lập và là chủ tịch của Trung Tâm Phật Giáo Việt Mỹ phụng sự xã hội tại Orange County, là tổng thư ký tòa soạn tạp chí Trúc Lâm.

Trong lãnh vực văn hóa, ông là một thi sĩ nổi tiếng với bút hiệu Thanh Trí Cao, là hội viên của Hiệp Hội Thi Sĩ Quốc Tế, từng xuất bản nhiều tập thơ như Trăng Ngủ Trong Mây, Trên Dòng Tử Sinh, Hương Vị Chân Tâm, Hái Hoa Tuyết Đông, và Khoác Áo Chân Không v.v.. Thơ ông được đăng tải rộng rãi trên nhiều tập san tiếng Việt hải ngoại và được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc và phát hành CD rộng rãi khắp nơi.

Trong lãnh vực nghệ thuật, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh cũng là một họa sĩ tài hoa, có nhiều tác phẩm tranh sơn dầu nghệ thuật mang ý nghĩa tâm linh, được trưng bày và triển lãm tại nhiều nơi.

Hòa thượng còn có sở trường về nghệ thuật cắm hoa theo các trường phái Tây Phương, Nhật, và Việt Nam, viết sách hướng dẫn nghệ thuật cắm hoa, và từng đoạt huy chương vàng trong các cuộc triển lãm về nghệ thuật cắm hoa tại Việt Nam cũng như tham dự các cuộc triển lãm nghệ thuật của thế giới tại Hoa Kỳ.

Hòa thượng cũng là một nhiếp ảnh gia xuất sắc, từng đoạt nhiều giải huy chương vàng trong các kỳ thi nhiếp ảnh quốc tế.

Ngoài ra, ông còn là một nhà nghiên cứu và kiến trúc các kiểu non bộ lớn nhỏ.

Trung Tâm Văn Hóa Chùa Bảo Quang có nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị của ông được triển lãm nhiều lần để cống hiến khách thưởng ngoạn.

Kể từ ngày 19 Tháng Bảy, 2009, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh được bổ nhiệm vào chức Tổng Vụ Trưởng Ngoại Giao, kiêm Chánh Văn Phòng Trung Ương Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới do Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu ấn ký.

Khi được hỏi ông muốn được gì với những tác phẩm thơ văn, những tác phẩm nhiếp ảnh, và ngôi chùa đồ sộ, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh trả lời: “Người ta thì lựa lời khiêm nhượng, lẩn tránh sự thật, tôi thì không. Tôi thích nói thật. Tôi thích được thành huyền thoại, và tâm sự này tôi đã gởi gắm trong bài thơ ‘Bài Hát Không Tên’ đã được nhạc sĩ Lâm Hoài Thạch phổ nhạc.”

“Bài hát nào, huyền thoại vinh danh/Đường đi qua, kết nối mộng lành/Từng giọt nắng lung linh ảnh tượng/Thành phố này, ghi khắc tên anh…”

Hoàng Thượng Thích Quảng Thanh kết luận: “Tu là không muốn gì nữa. Nhưng đây là sự thật về mong ước của tôi.” (Đằng-Giao)

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT