Thursday, April 18, 2024

Little Saigon: ‘Tết, không về Bolsa thì đi đâu?’

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Mấy tuần nay, đại lộ Bolsa chật cứng xe cộ. Một phần vì dân ta sắm Tết, phần vì người ở xa rủ nhau về Little Saigon ăn Tết, tạo nên khung cảnh như trong xứ nàng Kiều của cụ Nguyễn Du, “… Gần xa nô nức yến anh…”, dẫn đến cảnh “Dập dìu tài tử giai nhân/Ngựa xe như nước áo quần như nêm.”

Nhạc sĩ Cung Tiến, người nổi tiếng với những nhạc phẩm Hương Xưa, Hoài Cảm và Vang Vang Trời Vào Xuân,… cùng phu nhân từ Minnesota cũng về đây ăn Tết.

Ông nói: “Năm nào chúng tôi cũng về đây cả. Vừa thăm con ở Los Angeles, vừa thăm bạn hữu ở Bolsa.”

Phố Bolsa đã trở thành một điểm hẹn cho bao người tự bao giờ. Ông cho biết: “Về đây rất tiện, chúng tôi có hẹn với một số bạn bè ở Đức, ở New York và San Francisco cùng về gặp nhau ở đây.”

Ông cười: “Tết, không về đây thì đi đâu?”

Có lẽ những “tài tử, giai nhân” đang sánh vai dạo phố Xuân cũng nghĩ như vậy.

Tết, về đây ăn Tết mới vui.

Từ West Yorkshire, Anh quốc, sang đây, ông Freddy Colgan và bà Thu Hằng chen chân cùng đoàn người du Xuân trong thương xá Phước Lộc Thọ. Khi hỏi có phải họ sang đây ăn Tết, ông Freddy lắc đầu nói: “Chúng tôi thăm con gái học ở đại học UCI chứ không phải vì Tết.”

Bà Thu Hằng đánh khẽ vào vai chồng rồi hỏi: “Thăm con, sao năm nào cũng đi vào mùa Tết? Thăm con thì đi vào mùa Hè, có phải nó nghỉ lâu hơn không?”

Ông William Trương: “Tụi tôi đang tính chuyện thu xếp về đây mua nhà rồi ở luôn.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Freddy đỏ mặt cười vang: “Không phải cho tôi đâu. Tôi muốn vợ tôi ăn Tết ở đây vì bà thích lắm.”

Bà Thu Hằng nói đùa: “Vậy mai ông ở khách sạn, để tôi đi sắm đồ Tết một mình.”

Ông Freddy cười khanh khách rồi bặp bẹ tiếng Việt: “Thôi đi mà. Thôi đi mà. Tha đi mà.”

Từ ngày con ông vào học đại học UCI, ba năm liên tiếp ai vợ chồng ông đều đến Bolsa chơi Xuân.

“Trước đó, chúng tôi có về Việt Nam rồi, nhưng phần lớn thời gian là ngồi trên taxi. Đâu có đi đâu nhiều. Đường xá bụi bặm và ồn ào ‘nhức óc’. Ăn uống thì không an toàn, cả hai chúng tôi đều bị đau bụng nhiều lần. Thức ăn ở đây sạch sẽ hơn nhiều nên chúng tôi chưa gặp vấn đề gì,” bà Thu Hằng nói.

Sau cùng ông Fredy thú nhận: “Tôi thích không khí Xuân ở đây. Giống Việt Nam, nhưng không nóng và không bụi.”

Từ Việt Nam sang lần đầu, bà Huỳnh Thu Anh đã thấy ngay những gì thiên hạ đồn nhau không sai là bên này, cái gì cũng có, kể cả “không khí ngày xưa”.

Bà nói: “Tôi qua Mỹ thăm con gái, sẵn tiện muốn trải nghiệm Tết ở đây như thế nào. Mấy bữa nay, con tôi có dẫn đi chợ Tết ở Phước Lộc Thọ và chợ hoa ở khu Brookhurst và Edinger gần nhà. Tôi thấy ở đây cũng có không khí Tết lắm.”

Bà so sánh: “Chỉ có điều khác nhất là Việt Nam thì nhộn nhịp hơn. Nhưng bên đây nghe nói cho đốt pháo nên sẽ có không khí Tết của ngày xưa, có tiếng pháo nổ đì đùng với mùi xác pháo như cái thời tôi còn bé.”

“Tôi cứ tưởng là ở Mỹ chắc cũng sẽ thiếu thứ này thứ kia, nhưng tôi lầm. Ở đây, Tết, cái gì cũng có, từ bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu đến cành mai, cành đào. Ở đây không sợ nhớ nhà vì cũng giống nhà lắm rồi,” bà tiếp.

Cũng nghĩ như vậy, ông Phillip Trương Phúc ở Indianapolis, Indiana, đưa gia đình đi chợ hoa Phước Lộc Thọ để tìm không khí Xuân Việt Nam.

“Phải về đây mới ra ‘mùi Tết’. Mấy năm trước, chúng tôi có tới khu Bellaire ở Houston, Texas, nhưng bên đó nóng quá. Vợ tôi và mấy đứa nhỏ thích bên này hơn,” ông chia sẻ.

Bà Tonia, vợ ông, nói: “Nếu không qua bên này thì gia đình tôi lái xe cả hai tiếng tới chùa An Lạc ăn Tết thôi. Tới nhà ai thì cũng chỉ có nồi thịt kho hột gà, ngán lắm. Bên này hàng quán bốn phương, tám hướng, nhìn là thấy sướng rồi.”

Cả hai vợ chồng cùng đồng ý là: “Muốn coi diễn hành thì chỉ có Bolsa thôi.”

Vào từng gian hàng ở chợ hoa Phước Lộc Thọ và lựa chọn tỉ mỉ từng món, bà Tina Lê, đến từ Buffalo, New York, cho biết về đây chơi Xuân rất vui. Vui đến nỗi cả tuần nay, gia đình bà không ngủ được chút nào.

“Ngủ gì mà ngủ, tối về khách sạn là tụi tôi dồn vô một phòng rồi nhắc lại chuyện trong ngày rồi thức trắng. Nói đủ mọi chuyện, chuyện mua đồ, chuyện ăn uống, chuyện gặp bà con. Vui ơi là vui,” bà hồn nhiên kể.

Ông Tyron Lê, chồng bà, góp chuyện: “Mướn ba phòng, mà cả tuần rồi, tụi tôi ngủ chung một phòng thôi. Mai mốt về chắc ngủ cả tháng mới hồi sức.”

Bà Tina dứt khoát: “Tụi tôi đã hẹn nhau là Hè năm tới không lấy ‘vacation’, để dành về đây ăn Tết lâu hơn. Kỳ này chỉ có ba tuần, chưa ‘đã’. Mê quá! Mê Bolsa quá!”

Từ New York, New York, ông Willian Trương và vợ là Loan Trương cũng đưa con gái về đây ăn Tết. Khi nghe hỏi về đây, ông và gia đình thấy vui không, ông trả lời ngay: “Tụi tôi đang tính chuyện thu xếp về đây mua nhà rồi ở luôn.”

Gia đình cô Từ Mỹ Lệ từ Seatle, Washington đến. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà Loan nói: “Tết ở New York buồn lắm. Có thời gian thì người mình chỉ đi chùa Bốn Phương mà thôi.”

Ông tiếp: “Muốn có không khí Tết thì nên về đây là vui nhất. Khí hậu thì quá tốt.”

Người khác cũng thích khí hậu ôn hòa tại đây. Cô Phương Đỗ, ở Virginia, tươi cười: “Chỉ cần nhìn cây hai bên đường ở đây là thấy mùa Xuân rồi. Virginia buồn lắm lắm. Cây thì xác xơ trụi lá, trời thì lạnh căm căm. Có đêm xuống tới 17 độ F.”

Người bạn cô nói: “Thường thì Giao Thừa, người ta có đốt pháo ở khu Eden, nhưng chỉ vài tiếng đì đẹt thôi, không có gì đáng nói hết.”

Cả hai cô cùng tấm tắc khen khí hậu khu Little Saigon.

Những ai đã đến Bolsa vào dịp Tết cũng phải khen sinh hoạt cận Tết ở đây, kể cả người ở rất gần.

Cô Từ Thu Vân, cư dân Las Vegas, Nevada không ngớt lời ngợi khen không khí Xuân của phố Bolsa.

Cô nói: “Em ở Vegas 20 năm rồi mà chưa bao giờ về đây ăn Tết. Ai cũng khuyên em nên về một lần cho biết mà em không tin. Bây giờ, mới về đây lần đầu, em thấy tiếc vì đã chần chừ. Đáng ra, em phải về đây ăn Tết từ lâu lắm rồi.”

Thuộc nhóm khác, cô Từ Mỹ Lệ, cư dân Seatle, Washington, cũng trầm trồ trước sự tưng bừng, nhộn nhịp của phố xá Little Saigon.

Cô Cindy Chung, cũng từ Seatle đến, cho biết cô thích ăn Tết ở Bolsa vì… thức ăn.

Cô nói: “Seatle cũng có khu Việt Nam nhưng làm sao mà sánh được với Bolsa. Thức ăn Việt Nam cũng có nhưng không thể nào ngon bằng. Món gì ở đây cũng ngon. Nhưng tôi thích bún bò Huế ở Vỹ Dạ nhất.”

Cô gãi đầu rồi so sánh: “Đồ hải sản thì phải ghé Lầu Xanh là tươi nhất. Người ta nói ở Garden Grove có quán đặc sản lẩu ngon lắm, nhưng là ‘thợ ăn’, tôi chọn Lầu Xanh.”

Ông Hà Thanh Khiết và bà Nguyễn Thị Kế, đến từ Virginia, cho biết chỉ riêng thời tiết ở Bolsa thôi, họ đã thấy Mùa Xuân rồi.

Ông giải thích: “Chỗ chúng tôi ở, trời lạnh tê, lạnh tái. Lạnh quá, ai cũng lười biếng, chẳng muốn đi đâu, chẳng muốn làm gì. Mùa Xuân, phải về đây mới có sinh khí.”

Bà Kế góp chuyện: “Tôi cứ nói với ông ấy hoài là ở xứ lạnh, mình sẽ bị giảm thọ nhiều. Mùa này, chung quanh trắng xóa, buồn ghê lắm.”

Mỗi người một lý do, tài tử, gia nhân cứ hẹn nhau cùng về Bolsa chơi Xuân, góp phần tạo cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm.”

Khi bỏ nước ra đi, không ai có thể tiên đoán được người Việt mình lại có thể tạo lại mùa Xuân trên quê hương thứ hai vời vợi xa cố quốc như vậy.


Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Một vòng chợ Tết Phước Lộc Thọ”

MỚI CẬP NHẬT