Friday, April 19, 2024

Sao thành viên đầu tiên trong Ban Quản Trị chùa Bảo Quang không lên tiếng?

Người đồng cam cộng khổ xây chùa Bảo Quang cùng cố Hòa Thượng Quảng Thanh giờ ra sao?
Tân trụ trì chùa Bảo Quang: ‘Oan ức mà bày tỏ là hèn nhát, nhưng im lặng thì họ làm tới’
Chùa Bảo Quang náo động: Trụ trì Thích Phước Hậu lần đầu lên tiếng vì ‘tức nước vỡ bờ’
Luật Sư Trương Phú Hòa: HĐQT chùa Bảo Quang vi phạm ‘By Law’ nhưng vẫn hợp pháp
HĐQT Chùa Bảo Quang muốn kiểm kê tài sản, một số Phật tử ngăn cản
Kỳ 1: Ai thực sự là chủ chùa Bảo Quang?
Kỳ 2: Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?
Kỳ cuối: ‘Chùa có yên thì Phật tử mới tới’

WESTMINSTER, California (NV) – Tại sao ông Howard Lâm không lên tiếng giải thích gì về nội dung của bản “điều lệ” (by law) mà ông Tony Bùi, người xưng là đại diện Phật tử chùa Bảo Quang, mang ra đặt vấn đề trong thời gian qua? Tại sao ông Lộc Bạch lại chuyển địa chỉ nhận thư từ, giấy tờ từ chùa Bảo Quang về nhà riêng của mình?

Đó là một số câu hỏi mà báo Người Việt cảm thấy thắc mắc khi đi tìm hiểu những vấn đề đang gây nên sự “náo động” tại chùa Bảo Quang, Santa Ana, một trong những ngôi chùa lớn nhất tại Orange County, trong những ngày gần đây.

Công việc của Ban Quản Trị: coi sóc các loại giấy tờ của chùa 

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Người Việt vào chiều Thứ Ba, 17 Tháng Mười Hai, ông Lộc Bạch (Na) giải thích về công việc mà ông cùng cô Christie Bạch (Trâm) đã làm suốt 18 năm qua trong vai trò là thành viên Ban Quản Trị (BQT) chùa Bảo Quang cùng cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh.

Ông nói, “Hồi làm việc với thầy Thích Quảng Thanh thì mỗi năm BQT thường họp một lần vào đầu năm. Khi đó thầy Quảng Thanh sẽ nói năm này chùa làm lễ nào, làm công việc gì, việc xây sửa chùa ra làm sao… Khi đó, tôi và Christie viết xuống những điều đó rồi bỏ vô ‘quyển sách’ để biết tháng nào mình làm gì, có vậy thôi.”

Không chỉ vậy, theo ông Lộc, “chùa giống như cái nhà, mà lại lớn hơn cái nhà” nên có rất nhiều chuyện phải lo đến như vấn đề bảo hiểm, khai thuế, các chứng từ.

“Bên Mỹ khi mình lập ra công ty, dù chùa không gọi là công ty, nhưng mỗi năm mình phải báo cáo cho chính phủ biết chùa làm gì thì tiền bạc, giấy tờ phải có đàng hoàng để nếu ai hỏi thì mình có để đưa ra cho họ coi liền,” ông tiếp.

Ông giãi bày, “Thầy Quảng Thanh di ngôn để thầy Phước Hậu làm trụ trì. Theo tôi, ý của thầy Quảng Thanh là để thầy Phước Hậu lo phần làm lễ, lo cho Phật tử. Còn chùa Bảo Quang là một ‘non-profit corporation’ thì thầy Hậu không hiểu rõ, nên tôi và Christie có ở đó để coi qua giấy tờ để không có bị vấn đề gì. Nhưng thầy Phước Hậu lại tưởng là cái gì thầy cũng làm được hết. Bên Mỹ này không phải như vậy. Mình chỉ muốn giải thích cho thầy Phước Hậu hiểu như vậy thôi, mà thầy không muốn nghe.”

Ông Luyến Phạm, phát ngôn nhân của BQT chùa Bảo Quang, nói thêm, “Trong một cuộc họp với báo chí hồi Tháng Tám, 2019, thầy Phước Hậu có nói rằng ‘từ ngày thành lập chùa Bảo Quang cho đến nay không có gì gọi là HĐQT.’ Đó là vì thầy Phước Hậu không chịu hiểu hoặc cố tình không hiểu, dù bên BQT đã cố gắng giải thích rất nhiều lần.”

“Trong di ngôn thầy Quảng Thanh có nói rõ ràng thầy Thích Phước Hậu là trụ trì, BQT thì có anh Na và chị Trâm và có thầy Huệ Minh là tri khách. Nhưng không hiểu vì sao thầy Thích Phước Hậu chỉ nhớ mình là trụ trì mà quên đi vai trò của những người kia,” ông Luyến nói tiếp.

Ông Lộc Bạch. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Theo ông Luyến, do nhiều lần không nói chuyện được với thầy trụ trì, nên BQT quyết định gửi thư mời thầy Phước Hậu họp riêng vào ngày 17 Tháng Mười Một để luật sư cũng như thông dịch viên đến để giải thích cho thầy hiểu, trong đó có những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tiền bạc.

“Nhưng không hiểu vì sao thầy Phước Hậu lại nghĩ là BQT có thể ăn hiếp thầy vì thầy chỉ có một mình, cho nên thầy đưa thông tin đó ra cho mọi người biết, để cuối cùng có rất nhiều người đến dự la ó, không cho BQT nói chuyện, và buổi họp đã trở thành sự hỗn loạn,” ông Luyến nói.

Từ ngày đó, chùa Bảo Quang đã thật sự biến thành “đấu trường” của một số người nhân danh Phật tử, mà theo cư sĩ Tâm Diệu, tổng biên tập website Thư Viện Hoa Sen chuyên về Phật Giáo nổi tiếng trên toàn thế giới, nhận xét, “Từ bé tôi đã đi chùa, nhưng chưa bao giờ trong đời tôi chứng kiến cảnh náo loạn ngay trước điện Phật tôn nghiêm như cảnh diễn ra ở chùa Bảo Quang hôm 12 Tháng Mười Hai, cảnh cãi nhau giống như là ngoài chợ cá Trần Quốc Toản. Tôi tự hỏi không biết đó có phải là dấu hiệu thời mạt pháp hay không?”

Ông Tony Bùi yêu cầu ngân hàng cho xem tài khoản của chùa? 

Đó cũng là một phần lý do vì sao ông Lộc quyết định chuyển địa chỉ nhận thư của ngân hàng từ chùa về nhà riêng của ông.

Ông nói, “Tôi đổi địa chỉ, gọi là ‘mailing address’ thôi, còn ‘bank account’ thì vẫn là của chùa Bảo Quang. Lý do là vì hồi xưa tôi xuống chùa Chủ Nhật hay ngày lễ, nhưng mấy tháng nay mỗi lần xuống bị bên kia la um sùm, không làm công việc gì được hết, trong khi mình phải coi giấy tờ này kia, cho nên tôi xin nhà bank gửi ‘statement’ về nhà tôi.”

“Ngoài ra còn có một lý do nữa để tôi làm như vậy là vì nhà băng EastWest gọi tôi nói có một người tên Tony Bui của chùa Bảo Quang yêu cầu nhà băng cho coi tài khoản của chùa nên tôi cũng sợ nên mới vô nói chuyện với nhà băng,” ông Lộc cho biết thêm.

Liên quan đến việc thầy Thích Phước Hậu trong cơn “tức nước vỡ bờ” đã nói trước chánh điện chùa Bảo Quang rằng ông Lộc tự một mình vào lấy số tiền $227,000 “là đúng hay sai” trong khi cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh yêu cầu ông Lộc cùng “vợ chồng chú Hòa, ba người cùng lên lấy.” Ông Lộc nói, “Giai đoạn thầy Thích Quảng Thanh gần cuối đời thì tôi đưa thầy đi vô nhà thương nhiều. Có nhiều bữa tối tôi ngồi gần thầy Thích Quảng Thanh, thầy nói cho tôi về một số tiền mà không ai biết hết. Thầy nói ‘nếu thầy đi thì con lấy số tiền này để lo cho thầy’ và thầy nói lo làm sao. Thầy chỉ nói như vậy và thầy cũng đâu có nói là nói thêm cho ai biết nữa đâu.”

Ba ông Tony Bùi (phải), ông Howard Lâm (thứ hai, phải), và ông Ngô Văn Thuận (thứ hai, trái) thuộc Ban Hộ Trì Tam Bảo chùa Bảo Quang đứng vây quanh và đôi lúc chen vào câu trả lời của Thượng Tọa Thích Phước Hậu trong lúc phóng viên nhật báo Người Việt phỏng vấn vị trụ trì chùa Bảo Quang. (Hình: Thanh Long/Người Việt)

“Như vậy điều thầy Phước Hậu nói thì anh không biết?” Người Việt hỏi lại.

“Không phải là không biết mà là không có. Chứ nếu mà có là thầy Phước Hậu đã đi lấy tiền đó rồi,” ông Lộc trả lời.

Số tiền $227,000 này, trong lần phỏng vấn trước đây, ông Lộc cho biết đã trao cho thầy Phước Hậu $200,000 theo lời dặn của thầy Quảng Thanh để thầy Phước Hậu gửi về Việt Nam $100,000, còn $100,000 thầy Phước Hậu lo vấn đề bỏ bao thư cúng dường chư tăng. Còn lại $27,000 lo đám cho thầy Quảng Thanh.

“Vợ chồng chú Hòa” là ai? 

Trong lần trả lời phỏng vấn báo Người Việt hôm Chủ Nhật, 15 Tháng Mười Hai, trụ trì chùa Bảo Quang giới thiệu “chú Hòa” là thành viên trong Ban Hộ Trì Tam Bảo của chùa. Ông Hòa cũng chính là người đến ra hiệu cho Thượng Tọa Thích Phước Hậu không được tiếp tục cuộc nói chuyện với phóng viên Người Việt.

Trước đó, trong lần “nổ ra trận đại náo” nơi chánh điện, một người phụ nữ chỉ tay vào cả Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng lẫn Thích Huệ Minh nói bằng giọng run run xúc động, “Những tên này sẽ bị đọa hết! Gian dối!” Người phụ nữ đó chính bà Thủy, vợ của ông Hòa.

“Tôi tên là Thủy, pháp danh Diệu Tâm, ngày đầu tiên  thầy Quảng Thanh đến xứ Mỹ này, cái chùa đầu tiên của thầy ở đường Magnolia là tên tôi đứng,” bà Thủy nói với báo Người Việt.

Bà Thủy hẹn sau đó sẽ “nói tất cả sự thật” mà bà biết liên quan đến chùa Bảo Quang, và “chỉ nói một lần” vì trong ngày hôm đó bà quá xúc động không thể nói được. Tuy nhiên, sau đó khi phóng viên Người Việt gọi điện thoại đến thì bà cho biết rằng “đã có hứa với Tiến Dũng (người chuyên quay phim cho chùa Bảo Quang) để trình bày những sự thật” và “cám ơn” phóng viên đã gọi.

Khi đi tìm hiểu giấy tờ về ngôi chùa ở đường Magnolia mà bà Thủy nhắc đến, phóng viên Người Việt được biết người đứng tên bán ngôi chùa này vào Tháng Tư, 2002, là Tùng Thanh Dương (tức Hòa Thượng Thích Quảng Thanh) và Bảo Quang Trust.

Giấy đổi tên chùa Bảo Quang. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ông Howard Lâm liên quan đến “điều lệ” chùa Bảo Quang như thế nào? 

Khi phỏng vấn BQT chùa Bảo Quang về vấn đề “điều lệ” (by law) mà ông Tony Bùi, người xưng là đại diện Phật tử, đã mang ra chất vấn xem như một bằng chứng “vi phạm” nghiêm trọng của BQT hiện tại, thì ông Lộc Bạch cho biết một trong ba thành viên đầu tiên của BQT chùa Bảo Quang từ khi mới thành lập năm 1990 chính là ông Hòa, tên trên giấy tờ là Howard Lâm.

Ông Lộc mang ra tờ giấy liên quan đến việc đổi tên chùa Bảo Quang “Certificate of Amendment of Articles of Incorporation” được tiểu bang California ký xác nhận ngày 12 Tháng Sáu, 1990, giải thích “khi mới thành lập, tên chùa là ‘Vietnamese-American center for Buddhism and Charitable Services – Bao Quang.’ Sau đó thầy Quảng Thanh đổi lại thành tên ‘Vietnamese-American Buddhist Center for Charitable Services.’”

Ba người đứng tên xác nhận là BQT của chùa Bảo Quang lúc đó ký tên đề nghị đổi tên chùa là cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, chủ tịch; ông Thế Vinh Trần, thư ký; và ông Howard Lâm, tức ông Hòa, thư ký.

Ông Lộc nói, “Năm 1990 tôi chưa vào ‘board of directors’ của chùa Bảo Quang. Trong thời gian từ 1990 đến năm 2000 thì anh Howard Lâm có ở đó, nên nếu anh biết có 20 người theo ‘by law’ thì anh đưa mấy tên người đó ra để tôi đi nói chuyện.”

Ông Lộc cũng cho biết, “Năm 2001, khi thầy Quảng Thanh hỏi tôi và chị tôi vô ‘board of directors’ thì một câu hỏi mà tôi cũng hỏi thầy là ‘by law’ của thầy ở đâu thì thầy nói thầy cũng không biết.”

Ông Luyến giải thích thêm, “Tờ ‘by law’ này anh Lộc nói chưa bao giờ nhìn thấy kể từ khi anh vào chùa. Trong khi anh Hòa Howard Lâm là một Phật tử của chùa, nếu anh Howard Lâm nhận rằng tờ ‘by law’ này là đúng, vì tờ này được cho rằng có từ năm 1990, là thời kỳ anh Howard Lâm đang là thư ký trong ‘board of directors’ thì anh Hòa phải nhìn thấy tờ này. Nên để cho công minh thì anh Howard Lâm phải ký nhận xác minh tờ giấy ‘by law’ này là giấy của năm 1990.”

Mà điều lệ năm 1990 của chùa Bảo Quang có thể không phải là điều lệ của những năm tiếp theo sau đó, vì luật pháp cho phép các công ty được điều chỉnh “by law.”

Ông Lộc Bạch và ông Luyến Phạm. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ông Lộc cho biết, “‘By law’ không phải là vĩnh viễn mà có thể thay đổi được. Năm 2001, chị tôi và tôi vào BQT cũng có lập ra một ‘by law’ mới để vô quyển sách cất giữ trong chùa mà bây giờ mình vô ra chùa không được nữa. Chỉ những giấy tờ gì thầy đưa thì mình giữ thôi.”

Cũng theo ông Lộc, “Khi thầy Thích Quảng Thanh qua đời, thì ‘by law’ cũng thay đổi một chút để cho người mới vô. Đến giờ này chùa Bảo Quang cũng có ‘by law’ mới do BQT sửa lại và BQT mới gồm có năm người là tôi, Christie Bạch, Kiệt Cao, thầy Thích Nhuận Hùng và thầy Thích Huệ Minh.”

“Việc các thành viên trong cùng một gia đình ở chung trong BQT có được luật pháp chấp thuận không?” Phóng viên hỏi.

“Được phép. Lý do được phép là vì công việc này làm không có tiền lương,” ông Lộc trả lời.

“Làm không lương mà rắc rối như vậy thì có khi nào anh nghĩ là không làm nữa không?” phóng viên Người Việt hỏi thêm.

“Có chứ. Nhưng mà nhớ lại tôi đã hứa với thầy Thích Quảng Thanh là làm hết lòng để giữ chùa Bảo Quang cho Phật tử nên tôi làm.” Câu trả lời của ông Lộc cũng là câu mà cô Christie từng nói trong lần phỏng vấn đầu tiên với báo Người Việt liên quan đến chùa Bảo Quang. (Ngọc Lan)

Kỳ tới: Tại sao Thượng Tọa Thích Nhuận Hùng bị cáo buộc là “phản thầy?” Thực hư chuyện thầy Hùng có $100,000 cất trong phòng riêng tại chùa Bảo Quang là gì?

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT