Thursday, April 25, 2024

Vang dội hùng tâm trong đêm nhạc ‘Đại Hiếu Thích Ca’

Văn Lan/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – “Đại Hiếu Thích Ca” là chủ đề đêm Pháp Nhạc Âm, do Viện Phật Học Bồ Đề Phật Quốc, Santa Ana, tổ chức tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley, hôm Chủ Nhật vừa qua với thính phòng đầy ắp người tham dự.

Trên sân khấu, 12 bức tranh khắc gỗ, kể lại hành trình tu chứng và giác ngộ giải thoát của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đưa dẫn khán thính giả về một cảnh trí của hơn 2,500 năm trước, khi Thái Tử Tất Đạt Đa rời bỏ ngai vàng điện ngọc, quyết chí xuất gia tìm đường giác ngộ để cứu khổ chúng sinh.

“Lâu nay mọi người thường nói đến hiếu dưỡng, hiếu ân, hiếu đễ, trong đạo Phật thường nhắc và ca ngợi Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát như tấm gương của đạo hiếu. Nhân mùa Vu Lan, đêm nhạc này nói về tinh thần đại hiếu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Có khác gì nhau chăng?” Thượng Tọa Thích Huyền Châu, viện trưởng Viện Phật Học Bồ Đề Phật Quốc, nói.

Và những lời Phật dạy, thể hiện tuần tự trên các bức tranh khắc gỗ, được thượng tọa giảng giải ý nghĩa tường tận trong một bài pháp ngắn.

Sau đó các ca sĩ Thiên Tôn, Quỳnh Vi, Ngọc Hạ, Diễm Liên, Nguyên Khang, và Lê Hồng Quang, cùng dàn âm thanh Việt Thanh trình diễn một bài nhạc theo phong cách Phật Giáo trong tinh thần thiện nguyện, đóng góp hết mình trong đêm diễn.

Khởi đầu cuộc hành trình từ khi giác ngộ, khởi bồ đề tâm, bài hát có tựa đề “Bồ Đề Vô Thượng,” ca sĩ Thiên Tôn mở màn cho đêm diễn.

Tiếp nối là nhạc phẩm “Giáng Thần” với giọng ca của ca sĩ Diễm Liên.

Giao lưu với thính giả, từ trái: Nhà văn Chu Tất Tiến, ông Phan Hữu Mỹ, Bác Sĩ Hoàng Lan, Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí, Thượng Tọa Thích Huyền Châu. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ca sĩ Ngọc Hạ với nhạc phẩm “Bảy Bước Xưng Tôn,” diễn tả bảy đóa sen vàng nâng bảy bước chân Phật khi Đức Phật vừa đản sanh, với câu nói nghiêng ngã đất trời: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (Chỉ có chân ngã là tuyệt đối, tối thượng. Ai sống với chân ngã sẽ hạnh phúc, ai sống với ngã mạn sẽ chuốc lấy đau khổ).

Bức tranh thứ tư diễn tả khi Phật dạo chơi qua bốn cổng thành, thấy cảnh sinh, già, bệnh, chết, Đức Phật bỗng thấy cuộc đời là vô thường, khổ, vô ngã, đó là sự thật. Trong lòng Đức Phật hun đúc một ý chí rất mãnh liệt, quyết chí tìm sự giải thoát niết bàn tịch tịnh. Muốn vậy phải soi chiếu trong lòng, trở về với thực tại, đừng ham muốn thú vui ngũ dục, phải trở về tự tâm mình.

Đêm nhạc tiếp nối con đường tu chứng của Đức Phật qua những bức tranh và nhạc phẩm: Khoác Áo Ca Sa, Khổ Hạnh Tuyết Sơn, Hàng Phục Vọng Tâm, Thành Đạo, Chuyển Pháp Luân, và Lời Dạy Cuối. Tất cả những Phật Sử Ca này do Thượng Tọa Thích Huyền Châu viết lời, Phương Nguyễn phổ nhạc.

Một slide show được chiếu lên cho thấy các quy trình để chế tác một bức tranh chạm khắc gỗ công phu với hình ảnh ba chiều, do nghệ nhân Phương Nguyễn thực hiện các công đoạn rất phức tạp, từ thực hiện chi tiết của mẫu chính, tạo những chi tiết ẩn trên mẫu chính, phá nền, cho đến tạo nét trên hình ảnh phụ.

Phần hai chương trình với các nhạc phẩm: Diệu Hạnh Quán Âm, Từ Bi Tịnh Thủy, Diệu Lực Vô Tác, Quán Âm Bát Nhã, Đóa Tâm Hương, Diệu Âm Thánh Tượng, Soi Bóng Tự Tâm.

Đặc biệt Thượng Tọa Thích Huyền Châu giới thiệu bức tranh “Đêm Hải Trình” qua tài chạm khắc gỗ điêu luyện của nghệ nhân Phương Nguyễn, với hình ảnh Đức Quán Âm Bồ Tát cứu độ sinh linh khi Đức Phật đứng trên ngàn cơn sóng dữ, cuộn lên cao nhấn chìm chiếc thuyền nhỏ bé bên dưới.

Sau những giây phút lắng lòng theo ý nhạc, thính phòng sôi nổi trở lại với sự giao lưu giữa khán thính giả và bốn vị khách mời danh dự của chương trình, gồm Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí, Bác Sĩ Hoàng Lan, Phật tử Phan Hữu Mỹ, và nhà văn Chu Tất Tiến. Có những giây phút yên lặng suy tư và có lúc vui vẻ cởi mở qua ý kiến của các vị diễn giả.

Thượng tọa cho biết khi viết về Đức Phật, ông dùng hết tất cả tâm tư và sự trong sáng nội tâm để cúng dường, cầu nguyện cho tất cả mọi người được an vui hạnh phúc. Phật là giác ngộ, trong lòng có Phật sẽ dẫn mọi người đến bờ hạnh phúc giải thoát.

Các ca sĩ và Thượng Tọa Thích Huyền Châu cảm niệm công đức khán thính giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Đức Phật nhìn thấy trong vô lượng kiếp mọi người đều là thân bằng quyến thuộc, cha mẹ của nhau, ràng buộc nhau với nhiều cảnh oan trái khổ đau. Muốn chấm dứt khổ não ấy, phải bắt nguồn từ khái niệm biết ơn, sâu dày nhất là ơn cha mẹ, và phải báo ơn bằng cách nào? Trong tinh thần Phật Giáo, tri ân và báo ân bằng cách phát bồ đề tâm,” thượng tọa giảng giải.

“Phật quyết chí xuất gia, đó là chân lý cao thượng mà ngài theo đuổi để tìm con đường giải thoát cho toàn nhân loại, không riêng gì cha mẹ của ngài. Đó chính là tinh thần ‘Đại Hiếu Thích Ca,’” thượng tọa nói tiếp.

Em Thu Hòa Nguyễn đi theo mẹ dự đêm nhạc cho biết: “Các ca sĩ hát hay lắm. Nhờ thường đi chùa, nên cũng hiểu biết chút ít về những bài nhạc này, lời nhạc hay và nhất là âm thanh rất xuất sắc!”

Với cảm nhận sâu sắc về đêm nhạc, cư sĩ Nguyên Giác, đến từ Alhambra, cho biết: “Những nhạc phẩm và các bức tranh tương tác với nhau thật tuyệt vời. Tôi thích nhất bức tranh ‘Đêm Hải Trình,’ gợi nhớ lại những giây phút thập tử nhất sinh trên biển cả đêm đen, trên đường tìm tự do, tôi chỉ biết niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Âm cứu độ.”

“Lời Phật dạy được chuyển thành những bài nhạc nghe thấm lắm, càng thích thú hơn khi được ngắm nhìn những tác phẩm tranh khắc gỗ. Thật tán thán công đức thầy Thích Huyền Châu rất nhiều. Nhất là hôm nay tôi hiểu thêm ‘Đại Hiếu Thích Ca’ là gì. Thật xúc động!” ông nói thêm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT