Saturday, April 20, 2024

Nhiều con đường đến dân chủ

 

Lê Phan

 

Có một cái gì thật hứng khởi khi giới thanh niên quyết định tham gia chính trị dân chủ. Và đó chính là việc đã xảy ra ở Moscow trong những ngày gần đây. Trong khi nhiều người trong phong trào chống đối đang phân vân không biết chọn đường nào để tiến lên sau khi ông Vladimir Putin lại một lần nữa thắng cử, có một nhóm đối thủ của điện Kremlin ở ngay chính thủ đô đang bận rộn tham gia chính trị địa phương.

Gợi hứng bởi những cuộc phản đối gần đây chống lại ông Putin, nhưng không hài lòng với chỉ có những cuộc xuống đường, dầu đầy kịch tính, nhiều trăm thanh niên Moscow đã quyết định ra ứng cử tại các cuộc bầu cử hội đồng nhân dân địa phương. Và điều đã làm họ sửng sốt là họ đã thắng, hay ít nhất vài chục người trong họ đã thắng.

Vera Kichanova, một sinh viên báo chí 20 tuổi, tranh cử một ghế trong hội đồng quận Yuzhnoe Tushino, công nhận “quả thật hoàn toàn ngạc nhiên. Mọi người nhìn chúng tôi và bảo là chúng tôi không phải là đối thủ thực sự, ấy vậy mà chúng tôi thắng”.

Việc một người như cô Kichanova có thể thắng cử, chưa kể là đang tìm cách tham gia công việc chính quyền địa phương, đã cho thấy nước Nga đã thay đổi đến mức nào kể từ tháng 12, khi nhiều chục ngàn người dân thủ đô, trước kia vẫn bị chê là lờ vờ, không có lập trường, đã đổ xuống một quảng trường ở trung tâm thành phố để phản đối chống lại chính quyền Putin.

Hầu như qua đêm, một nền văn hóa chính trị mới đã thành hình, ít nhất là ở thủ đô Moscow. Ðiều đáng nói hơn nữa là trong cái thành vốn chỉ biết có tiền và danh vọng, nay có một sự hăng say mới trong số các thanh niên có học của thủ đô sẵn sàng theo đuổi lý tưởng của mình, ngay cả việc đó có nghĩa là tham gia vào cái thế giới bẩn thỉu và khó khăn của chính quyền địa phương.

“Lý tưởng nhất, chúng tôi phản đối để vào một lúc nào đó bắt được Putin hãy ra và nói ‘Tôi mệt quá rồi, tôi bỏ cuộc’,” cô Kichanova nhận xét. Người con gái chỉ thích đeo kính dày cộm thời sang và tights bó chẽn nhiều màu thêm “Nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra, thành ra cũng có những bước nhỏ mà chúng tôi có thể làm. Nếu bạn thấy một lỗ hổng trên bức tường sắt, hẳn là có lý khi tìm cách chui qua cái lỗ đó.”

Ngày nay, thay vì cắm cúi viết những tấm bảng chống điện Kremlin bằng tay hay lo ngại bị bắt, cô Kichanova đang bàn luận những kế hoạch để thành lập một diễn đàn cộng đồng online và làm sao tổ chức các apartment kiểu hợp tác xã, vốn là hai chuyện mà quận của cô chưa từng có. Cô cũng muốn thành lập một đường dây điện thoại nóng về việc bắt quân dịch của nhà nước.

Cô là một trong số khoảng 200 ứng cử viên độc lập ở Moscow đã ra ứng cử cho những quận bầu cử nhỏ trong một sáng kiến mang cái tên rất giản dị “Thành phố của chúng ta”, đã được thành lập hồi năm ngoái bởi các đối thủ của ông Putin. Hơn 70 người trong số họ đã đắc cử.

Cũng xin nói ngay đây không phải là một tiến bộ cách mạng vượt bực, khi ta phải tính đến là có 1,500 ghế tại các hội đồng quận của thủ đô, hầu hết là do các tay chân bộ hạ của ông Putin hay những đảng viên cộng sản tóc bạc nắm. Và cũng phải nói ngay là cơ hội thăng quan tiến chức lên một bậc thang chính trị cao hơn rất giới hạn. Nhưng với sự trẻ trung của họ và với một thái độ về thời trang hoàn toàn không thích hợp với bầu không khí xám xịt và ảm đạm của các hội đồng quận, họ đã mang lại một chút gì mà cử tri cảm thấy rất hấp dẫn.

Mikhail Velmakin, 30 tuổi, sáng lập viên của sáng kiến “Thành phố của chúng tôi” giải thích “Tôi nghĩ điều chúng tôi đang làm và cái mà chúng tôi đạt được, cái sự chiếm đóng một phần nhỏ của các hội đồng địa phương, không phải là chuyện nhỏ, nhất là trong khi chúng tôi đang sống dưới một chế độ độc tài.” Ông Velmakin đã thắng cử lần thứ nhì ở một hội đồng địa phương trong một quận ngoại ô khá giả và nổi tiếng bảo thủ. Ông thắng mặc dầu mái tóc bù xù, ăn mặc lôi thôi.

Ông cũng cho biết là số bạn trẻ tham gia việc ứng cử các hội đồng địa phương tăng vọt sau khi phong trào phản đối bắt đầu hồi tháng 12, cũng như số cử tri sẵn lòng bỏ phiếu cho các ứng viên đối lập cũng tăng theo.

Không mấy ai trong số họ có ảo tưởng gì là công việc của họ trong các hội đồng quận lại dẫn đến thay đổi nhanh chóng. Hầu hết các quyết định quan trọng ở Moscow được áp đặt bởi các quan chức không được bầu lên tại các cơ quan chịu trách nhiệm với ông đô trưởng cũng không được dân bầu lên. Các hội đồng quận, vốn toàn các người tình nguyện được dân bầu lên, không có được cả uy quyền để quyết định việc đặt một cái ghế đá ở một công viên hay trồng một cái cây nào đó.

Nhưng một lợi thế duy nhất là các hội viên hội đồng quận có quyền và thường xuyên gặp cử tri và với đủ hăng say và nghị lực, có khả năng vận động họ, ông Velmakin giải thích. Thành công lớn nhất của ông là đã vận động cử tri chặn việc xây dựng một bãi đậu xe vốn có nghĩa là sân đá banh rất được ưa chuộng sẽ bị phá hủy. Ông kể lại là khi ông ăn sinh nhật 30 tuổi hồi tháng rồi, cử tri của ông, hầu hết là các bà cụ, đã đến mừng ông và trân trọng bảo ông là lần tới ông đi biểu tình chống ông Putin họ sẽ đi theo!

Ông Velmatin giải thích “Chúng tôi có thể mơ tưởng đạt được mục tiêu với xe tăng và phi cơ hay với các nguyên tắc đấu tranh bất bạo động của Gandhi. Có rất nhiều triển vọng nhưng không có bao nhiêu biện pháp chiến thuật. Chúng tôi phải làm sao nói chuyện được với dân chúng và giải thích cho họ chuyện gì đang xảy ra.”

Cũng phải nói đó chính là sự sai lầm lớn nhất của các lãnh tụ phong trào phản đối ông Putin. Ðược tăng sức nhờ những thành công lúc đầu, họ đã không có cố gắng nào để đưa thông điệp của họ ngoài khu trung tâm thủ đô Moscow và một vài thành phố lớn khác. Sở dĩ vậy là vì họ có lẽ đã tin là, trong cái phản xạ chán ghét ông Putin và chính quyền bẩn thỉu của ông, họ nghĩ là toàn dân cũng chia sẻ phản ứng đó.

Ðiều làm cho họ sửng sốt là tuy quả là có những sự gian lận thật sự đó, ông Putin, ngay cả không gian lận cũng đã có đủ phiếu để thắng cử.

Cái mà các cử tri có vẻ muốn là có những thay đổi từ từ, cũng như là có thêm một chút lương thiện.

Maksim Kats, tự nhận mình sống nhờ đánh poker, đã thắng một ghế ở quận Shchukino, một phần theo ông là bởi đã không chịu nói dối. Trong các truyền đơn tranh cử ông nhấn mạnh đến việc mình chả có kinh nghiệm gì cả và nhắc nhở mọi người đến cái tên rõ ràng là Do Thái của mình, vốn là một điều không tốt trong chính trị Nga. Truyền đơn viết “Tôi được cố vấn đừng nói thẳng quá, thay đổi tên họ và mặc bộ đồ suit, và hứa là sẽ tranh đấu để tăng lương hưu và lương bổng. Các chính trị gia của chúng ta và cách làm việc của họ là tôi chán ngán vô cùng, thành ra tôi nói thật và nói thẳng.”

Khi được một phóng viên của tờ New York Times hỏi, ông Kats nói nay ông đang tập trung làm sao cho lề đường thân thiện với khách bộ hành hơn bằng cách ngăn cản không cho xe hơi dùng lề đường làm bãi đậu xe. Ông bảo ông muốn thấy ông Putin từ chức nhưng ông sẵn sàng chờ. “Tôi mới có 27 tuổi. Tôi còn nhiều thời gian lắm,” ông thản nhiên trả lời.

Cô Kichanova thì nóng lòng hơn. Cô đã tìm được một cái pin theo kiểu Mỹ hình một con rắn độc đang cuộn lại với hàng chữ “Ðừng đạp lên tôi”. Lý tưởng nhất, cô tin là phong trào phản đối có thể huy động đủ người để chiếm đóng một quảng trường của thành phố và dựng lều như là người Ukraine đã làm trong cuộc Cách mạng Cam năm 2004. Cô điềm tĩnh nói “Chỉ vì tôi đã trở thành một nghị viên không có nghĩa là tôi không tham gia. Tôi đã có sẵn lều rồi!”

Nước Nga thật may mắn vẫn còn có những thanh niên như họ.

MỚI CẬP NHẬT