Liên hệ Việt-Mỹ thời chính quyền Trump rạn nứt: Việt Nam làm gì?

Cổ-Lũy

Những phát triển đáng quan tâm

Đám mây đen đeo đẳng ứng cử viên rồi chính quyền Trump ngày một lan rộng. Công tố viên đặc nhiệm Robert Mueller ráo riết điều tra những “thông đồng” rõ rệt giữa mặt trận tranh cử Trump với chính quyền Putin. Tổng Thống Vladimir Putin cùng đám ưu quyền Nga bị giới tình báo và truyền thông Mỹ xem là đồng lõa với mặt trận Trump triệt hạ bà Hillary Clinton để ông Trump đắc cử. Ông Mueller chú mục vào chuyện dễ chứng minh và buộc tội qua nỗ lực chọn mời nhiều luật sư cự phách về những tội ác liên quan đến “thương vụ” và “tài chính” với “rửa tiền bẩn” từ Nga, để “bên ngoài giật dây,” giấu diếm hay khai láo “cản trở thi hành công lý,” thêm vô số tội trước sở thuế IRS – với một trong những trọng tội trên ông có thể bị Quốc Hội bãi nhiệm.

Đây chưa kể hồ sơ mới về Nga từ năm năm nay “cultivate/vun xới, nuôi dưỡng” ông Trump lên làm tổng thống. Gần hai năm trước đã có tin về liên hệ làm ăn và chính trị giữa ông với Nga; tuần này hai tờ New York Times và Washington Post đưa ra chi tiết việc ông theo đuổi dự án xây Trump Hotel ở Moscow năm 2013 và 2015 trước và trong tranh cử, nhờ vả phát ngôn nhân Dmitri Peskov của Putin trợ giúp, qua lời khai trước Hạ Viện của phó chủ tịch tổ hợp Trump, ông Michael Cohen. Môi giới chính là ông Felix Sater, gốc Nga, đã làm địa ốc cho tổ hợp, từng xác nhận với ông Cohen: “Tôi có thể đưa Putin vào kế hoạch này và chúng ta sẽ làm Donald đắc cử.” Ngân hàng quốc doanh Nga Sberbank loại lớn nhất Châu Âu có dự án 1.6 tỷ tài trợ xây cất.

Tháng Bảy, 2016 ông Trump còn “tuýt” mình có “ZERO đầu tư vào Nga… Không một dính dáng nào tới Nga.” Phần phó tổng thống, ông Mike Pence, rời thủ đô đầy xì-căng-đan, đi khắp nơi và làm tất cả việc tổng thống cần làm, nhất là về gây quỹ và đối ngoại – “để “sửa soạn lên chức” lúc ông Trump bị bãi nhiệm trước tái cử năm 2020.

Hai tuần qua ông Trump thêm cô lập, chọn đứng hẳn với “đám trung kiên/base” (nay chỉ còn 20% đến 24% cử tri) phần đông người da trắng bình dân, kỳ thị chủng tộc thuộc các nhóm “da trắng độc tôn, nước Mỹ cho người da trắng, Ku Klux Klan (KKK), tân Phát-Xít chống Do Thái.” Sau khi người kỳ thị dùng xe húc chết một phụ nữ phản đối ở Virginia, ông Trump đứng về phía  đám “base” cần thiết, bỏ hẳn vai trò tổng thống cho toàn dân. Rồi, ông lại bãi tội cho một cảnh sát trưởng Arizona kỳ thị trắng trợn, độc ác và lâu đời trước khi vào tù – đưa tín hiệu sẽ bãi tội những người “thông đồng” với Nga. Gần 2/3 dân chúng phản đối dữ dội và Quốc Hội với đa số Cộng Hòa cũng lên án và xem “Trump đã ly dị” đảng mình. Người trong nội các Trump không chịu mang tiếng kỳ thị với ông. “Phù thủy chính trị” Stephen Bannon, có công đưa ông vào Tòa Bạch Ốc bằng sách động đám “base,” phải từ chức. Ủy Hội LHQ chống kỳ thị chủng tộc tố cáo “lãnh đạo Mỹ cao nhất đã không lên án bạo hành kỳ thị chủng tộc” – điều LHQ chỉ làm với đám độc tài và khủng bố ISIS. 

Ngoại giao thời ông Trump: Việt Nam tìm cửa mở

Cùng thời gian trên, ông Trump làm nhiều việc bên ngoài dễ nhận ra: “đôn quân” thêm số cố vấn và huấn luyện viên Mỹ tới Afghanistan. Ông rêu rao chiến lược “mới,” tuy trước đây hai ông Bush (con) và Obama đã làm việc này – có thể là mới với ông Trump vì từ 2013 ông vẫn hô hào rút khỏi nước này để lo cho “nước Mỹ trước hết.” Nhưng cũng có điều “mới” vì ông thòng điều kiện cho đôn quân: Afghanistan phải để giới kỹ thương Mỹ vào khai thác khoáng sản – theo đúng sách vở thực dân Tây phương sáu thế kỷ trước! Nhưng ông lại bị các tướng lãnh ép phải bỏ kế hoạch ấp ủ: Thuê công ty Blackwater đánh mướn ở Afghanistan – không mới lắm vì chính quyền Bush-Cheney từng dùng cùng công ty và chủ nhân làm việc đắt giá, vô hiệu quả và đầy tai họa này ở Iraq. Chủ nhân Blackwater là ông Erik Prince, em bà Bộ Trưởng Giáo Dục Betsy Ross, người bị xem là thiếu giáo dục, kém hiểu biết và bị phản đối nhất trong nội các Trump. Gia đình chị em này đã đóng góp cho phía Cộng Hòa 200 triệu tiền ủng hộ, mà bà Ross tuyên bố là “một đầu tư” – khá chính xác vì ông Prince đòi giá đánh thuê ở mức 10 tỷ một năm. Hà Nội cùng các nước cần đi lại với Tòa Bạch Ốc có “đầu tư” nào chăng?

Kỳ báo trước đưa tin Việt Nam ký hợp tác với trung tâm nghiên cứu về Đông Á dưới chỉ đạo của Giáo Sư Sheldon Simon, thuộc Arizona State University. Ông Simon từng là chuyên gia về chính trị và ngoại giao, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Á Học; thành viên hội đồng chủ biên năm chuyên san khảo cứu, với kinh nghiệm giảng huấn tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật, Đông Nam Á, và cố vấn Hội Đồng Tình Báo Quốc Gia, Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Mỹ. Đây là liên hệ nghiên cứu, cố vấn chuyên môn giống như liên hệ giữa Việt Nam Cộng Hòa và đại học University of Michigan trước đây. Thường đây cũng là cánh cửa mở đi qua chuyện “lốp-bi” hợp pháp tới những nơi và người quan trọng. Độc nhất trong ASEAN, Việt Nam đã chọn nhóm “lốp-bi” Podesta Group giúp đỡ đắc lực ở Washington, cùng lợi thế đại sứ Mỹ thân thiện và rành tiếng Việt Ted Osius; tuy nhiên ông Trump đã chọn ông Daniel Kitenbrik, chuyên về Nam Hàn và Trung Quốc thay thế. Vì Thượng Viện bận rộn chưa phê chuẩn bổ nhiệm mới, ông Osius sẽ giữ chức tới sau chuyến thăm Việt Nam và ASEAN của ông Trump ba tháng nữa.

Trên chuyên san Comparative Connections bốn tháng đầu năm, ông Simon viết ông Trump miễn cưỡng đi theo chiến lược Obama về Châu Á. Nhưng Bộ Quốc Phòng khẳng định tự do quốc tế về hải hành thương mại và quân sự “là tuyệt đối,” và tuần dương là “ví dụ về gắn bó giữa Asia-Pacific và Hoa Kỳ.” Tập trận chung cùng các nước vùng ASEAN vẫn tiếp tục với tham dự của không và hải lực Mỹ từ các căn cứ Úc, Phillipines, và Singapore. Việt Nam cùng ASEAN đi lần tới hoàn tất “Cung Cách Hành Xử/Code of Conduct” với Trung Quốc trên vùng biển, nhưng chưa rõ khi thành luật lệ Bắc Kinh có chịu tuân theo không.

Về kinh tế, khi ông Trump bỏ Hiệp Định Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hà Nội nhỏ nhẹ “hiểu rằng Hoa Kỳ cần tạo công ăn việc làm [trong nước] và Việt Nam sẽ cố gắng mềm dẻo với Washington trong điều đình tương lai.” Hà Nội cũng bỏ vốn mua hàng đắt giá từ Hoa Kỳ: quân cụ, hệ thống radar vùng biển và máy bay, cơ khí nặng – vũ khí nữa chăng vì ông Obama đã bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam? Việc này hẳn làm vừa lòng ông Trump vì dân sẽ có nhiều việc làm, cho ông cơ hội hiếm hoi giữ lời hứa lớn khi tranh cử. Với đầu óc thương mại, làm “áp-phe/deal” và thành công bằng mọi cách, ông Trump vào chính trị cũng tìm chuyện “đi đôi với nhau/transactional” – không cần biết hợp pháp hay không, như gia đình ông đang lao đao vì những “deal” với Nga. Hà Nội có dịp “giúp” ông tạo công ăn việc làm, và có thể dễ quên chuyện Việt Nam là một trong 16 nước “mua ít, bán nhiều,” làm cho nước ông thâm thủng ngoại thương hàng trăm tỷ và dân Mỹ thất nghiệp. Theo hãng thông tấn Reuters đầu Tháng Sáu, những thông điệp này đã được chuyển tới giám đốc Đông Á Matt Potinger, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, và ông Pence. ASEAN lo sợ ông Trump theo lối “transactional” làm “deal” ngoại giao bất lợi cho mình, như dễ dãi với Bắc Kinh hầu nhờ vả về Bắc Hàn, để mất thế thượng phong kinh tế và chiến lược mà ông Obama cố tránh. Đây sẽ tạo “lỗ hổng quyền lực/power vacuum” ở Asia-Pacfic mà Bắc Kinh nỗ lực trám vào. Theo ông Simon, dẹp bỏ chiến lược Obama với “TPP” ngay khi nhậm chức ông Trump không hề biết 10 nước ASEAN là “một trong những khối kinh tế đầy triển vọng” với tổng sản lượng $2,500 tỷ (chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, và Nhật).

ASEAN xem TPP như một “hàng rào kinh tế và chiến lược” ngăn được Trung Quốc; nay với ông Trump thiển cận và “thoái vị” ở Đông Nam Á, Bắc Kinh có thể khống chế kinh tế và chiến lược ở đây – và đi quá Châu Á với kế hoạch “Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu” và “Một Vòng Đai, Một Con Đường,” mở màn với căn cứ quân sự ngoài nước đầu tiên nhờ “giúp” Đông Bắc Phi Châu xây dựng giao thông, vận tải.

Tham gia “đội quân hòa bình” của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam nhận được nhiều trợ giúp