Tháng Tư đã ra đi: Liên hệ Việt-Mỹ trong thế kỷ mới

Cổ-Lũy

“Tháng Tư Đen” đã ra đi lần thứ 42; đây là dịp tiếp tục nhìn lại liên hệ Việt-Mỹ một cách đúng đắn để có khái niệm phần nào về tương lai. Như thường lệ, người viết dựa vào những học hỏi, nghiên cứu, và khám phá từ người đi trước và đương thời của những chuyên gia, giáo sư đại học – những vị này cũng đều dựa vào những khám phá, học hỏi và nghiên cứu của người đi trước và đương thời, theo đúng truyền thống học thuật.

Trong số những người trên đáng kể nhất là Giáo Sư George C. Herring; nay đã về hưu, ông vẫn nghiên cứu, diễn thuyết và viết sách. Ông chuyên về chính sách, đường lối ngoại giao Mỹ; đặc biệt là chính sách đối với Việt Nam, như qua hai tác phẩm: America’s Longest War: The United States and Vietnam, 1950-1975 (tái bản bốn lần), và From Colony to Superpower: U.S. Foreign Relations since 1776  (2008) được hội Sử gia Bang giao Quốc tế (SHAFR) xem là “công trình vĩ đại nhất” liên hệ đến ngoại giao Mỹ. Giai đoạn này cũng dựa vào nghiên cứu của GS Frederick Z. Brown, tại trường Cao Đẳng Bang Giao Quốc Tế lừng danh, thuộc viện đại học Johns Hopkins ở Maryland.

Bài kỳ trước nói về liên hệ Việt-Mỹ giai đoạn 1990 và 2000. Đây là thời gian hai nước thật sự xích lại gần nhau hơn nhằm hòa giải và “hóa giải” trong bối cảnh tương đối “đổi mới” kinh tế và “cởi mở” chính trị phía cộng sản Âu và Á trong nỗ lực “toàn cầu hóa kinh tế, chính trị và văn hóa Mỹ” hỗ trợ bởi thế lực quân sự siêu đẳng không mấy mới lạ từ sau Thế Chiến 2. Những đại công ty Mỹ như Caterpillar, Boeing, General Electric, Microsoft cùng những định chế tài chính và đầu tư làm áp lực quốc hội và chính quyền phải đi vào Việt Nam. Giữa năm 1995, Hà Nội và Washington chính thức nối lại bang giao sau nửa thế kỷ xa cách lẫn tương tranh. Cuối nhiệm kỳ chót đầu thế kỷ mới, Tổng Thống Bill Clinton cùng gia đình hân hoan thăm viếng Việt Nam và được dân chúng đón tiếp nồng hậu.

Liên hệ thập nhiên đầu thế kỷ 21: “Tất cả vì tiền?”

Theo Giáo Sư Brown, có thể nói kinh tế và quyền lợi thương mại là nguyên nhân đưa đến cải thiện liên hệ Việt-Mỹ, và đây là yếu tố căn bản trong liên hệ này. Đầu thế kỷ 21, Tổng Thống George W. Bush lên nhậm chức với mỗi mục tiêu “giảm thuế” và nghe theo giới đại kỹ thương và tài chính với hy vọng thiết lập một “thị trường nhỏ nhưng đầy triển vọng” ở Châu Á cho hàng hóa cũng như dịch vụ của mình – trước khi có “kẻ thù mới” là “khủng bố” Hồi Giáo. Theo truyền thống Cộng Hòa, (ít nhất từ thời Tổng Thống Ronald Reagan cho đến nay) quen cắt thuế cho nhà giầu và bảo vệ quyền lợi “Giới làm ăn Lớn/Big Business” ông Bush bình thường hóa liên hệ ngoại thương với Việt Nam (NTR/Normal Trade Relations), hạ thuế hàng nhập cảng từ Việt Nam. Hai nước ký Thỏa Ứơc Thương Mại Song Phương và Hà Nội đồng ý “đổi mới” và “cởi mở” kinh tế hơn.

Năm 2006, Washington bỏ tên Việt Nam khỏi danh sách “những nước đáng quan tâm” về tự do tôn giáo, và biến NTR thành thường trực. Năm 2007, “ủng hộ phải có” từ Washington” đưa Việt Nam vào Tổ Chức Thương Vụ Thế Giới/WTO; cùng năm, nhằm gia tăng trao đổi thương mại hai nước ký thỏa thuận về đầu tư để lần hồi đi đến “tự do mậu dịch/free trade” theo khuôn mẫu NAFTA sẵn có giữa Hoa Kỳ, Canada, và Mexico. Cuối năm 2008, thương vụ qua lại đã lên đến $15.2 tỷ (so với $220 triệu năm 1994), và cán cân ngoại thương ngả hẳn về phía Việt Nam: $15.2 tỷ xuất cảng từ Việt Nam so với $2.7 tỷ nhập cảng từ Hoa Kỳ. Mỹ trở thành một trong năm nước hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam, và là thị trường lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 20% tổng số hàng hóa Việt Nam xuất cảng). Hai năm sau ngoại thương gia tăng lên tổng số $176 tỷ, gấp 10 lần so với năm 2001, với cán cân ngả hẳn về phía Việt Nam.

Năm 2011, Việt Nam là một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất của Hoa Kỳ – $140 triệu dùng chống bệnh AIDS, cải tổ kinh tế, tháo gỡ bom, mìn, và giáo dục. Viện trợ đi cùng những cuộc gặp “thượng đỉnh/summit” giữa hai nguyên thủ quốc gia. Thủ Tướng Phan Văn Khải là người đầu tiên sau cuộc chiến được mời gặp Tổng Thống George W. Bush ở Washington, DC, sau khi làm một vài hành động “đẹp” về nhân quyền ở Việt Nam; ông Bush đáp lễ cuối năm 2006 ở Hà Nội. Người kế vị ông Khải, ông Nguyễn Tấn Dũng, đến thăm ông Bush năm 2008 nhằm cải thiện liên hệ kinh tế, và đồng ý gửi sĩ quan Việt Nam sang Hoa Kỳ trau dồi tiếng Anh và cho phép người Mỹ nhận con nuôi Việt. Ông Bush và ông Dũng cũng tuyên bố khởi đầu bàn thảo về các vấn đề chính trị và quân sự “và hoạch định chính sách nhằm đi đến những thảo luận thường lệ và sâu rộng hơn về an ninh và chiến lược.” Năm 2010 ông Brown nhận xét, “Những tham khảo và hợp tác thận trọng giữa đôi bên đánh dấu liên hệ chưa từng thấy trước đây.” 

Vẫn còn xa cách?

Tuy nhiên, theo Giáo Sư Herring những vấn đề lâu dài tiếp tục chia rẽ hai nước. Hà Nội vẫn đòi hỏi Washington nhận trách nhiệm, và giúp đỡ giải quyết hậu quả ghê gớm của khoảng 85 triệu lít thuốc khai quang đổ xuống 10% đất đai miền Nam thời chiến (hàng triệu người Việt là nạn nhân của chất độc dioxin). Washington không chính thức nhận trách nhiệm nhưng từ năm 2007 đã cung cấp ngân khoản lớn nhằm giải độc dioxin và chạy chữa cho các nạn nhân. Nỗ lực lớn của Hà Nội trong việc tìm binh sĩ Mỹ mất tích (MIA) khiến gia đình bộ đội phản đối chính quyền bỏ quên MIA Việt. Nhờ kỹ thuật tối tân và tài liệu Hà Nội có, Washington bắt đầu nhận giúp tìm kiếm MIA Việt Nam. Washington cũng tuyên bố mập mờ về chuyển/bán vũ khí cho Việt Nam.

Những khó khăn liên quan đến nhân quyền là vấn đề lớn cho Hà Nội. Nhiều người Mỹ bất bình với việc sau bao nhiêu năm Việt Nam vẫn là nước độc tài toàn trị với đảng Cộng Sản tiếp tục khống chế dù nay là thời bình. Hơn hai triệu người Việt ở Hoa Kỳ, một số rất khá giả và phần lớn chỉ trích “thành tích” nhân quyền của Hà Nội, từng vận động Washington làm áp lực Hà Nội phải nới lỏng về chính trị và tự do tín ngưỡng. Nhiều người Mỹ tìm cách dùng áp lực ngoại thương để thực hiện điều này nhưng không mấy hiệu quả – một phần vì trước năm 1975 họ đã không làm việc này với một số chính quyền miền Nam có Washington ủng hộ mọi mặt mà không mấy “thành tích” về nhân quyền. Quốc Hội và các nhóm tranh đấu nhân quyền Mỹ đều đặn đưa ra những dự luật nhằm trừng phạt Việt Nam vì áp chế chính trị – cũng thiếu hiệu quả vì họ quên mất là nhiều người Mỹ da mầu, nhất là người da đen, tiếp tục bị hạn chế quyền đi bầu, công bằng trong giáo dục và công ăn việc làm ở ngay Hoa Kỳ.

Mặt khác, chiến lược của Hà Nội đi theo sát đường lối được thử nghiệm trước từ Bắc Kinh: cho các “đại gia” có liên hệ chặt chẽ với nhà nước tha hồ làm ăn, bóc lột và hối lộ (như những thời tư bản cực thịnh trời Âu và Hoa Kỳ), nhưng thẳng tay dập tắt mọi cá nhân hay nhóm có thể đe dọa quyền lực nhà nước, kể cả chỉ trích nhà nước về một vấn đề nào đó. Những tự do dân sự bị hạn chế và giới trí thức, truyền thông, văn, nghệ sĩ bị khủng bố, giam cầm. Nhà nước dĩ nhiên theo dõi chặt chẽ và hạn chế các hoạt động tôn giáo; họ hiểu rằng trong xã hội độc đảng các nhóm tôn giáo là hình thức tương đối có tổ chức trên dưới và sức mạnh đáng kể từ đoàn kết. Hiện tượng vừa khôi hài lẫn chết người “Tư bản Đỏ/Red Capitalism” ở Trung Quốc, Việt Nam và Nga xem ra như là một phối hợp những khía cạnh xấu xa nhất của tư bản và xã hội chủ nghĩa – gạt qua một bên những cái hay, tốt thấy ở các nước “Bắc Âu/Scandinavian.”

Mời độc giả xem Người Việt Bếp Việt 2: Gỏi cầu vồng