Anh em như tay chân

Bùi Bích Hà

Hai anh em tôi sinh ra cùng một mẹ cha nhưng chúng tôi chỉ biết điều này khi anh tôi 17 tuổi và tôi 14. Hoàn cảnh éo le ấy là do bố tôi hiếm muộn, ngoài 50 vẫn chưa có mụn con nào.

Hai mẹ già tôi là vợ cả, vợ hai của bố tôi, giòng giõi trâm anh thế phiệt nhưng không biết tại sao không sinh được con cho nhà họ Bùi. Khi bà hai chính thức bước chân vào nhà bố tôi, bà nhất mà sau này chúng tôi gọi là Me già, cư xử rất phong cách và chững chạc, phù hợp với tư thế bề trên của mình. Bà dọn ra một cơ ngơi riêng và ngày càng ít can thiệp vào công việc của bố tôi. Tôi nghe nói rằng thời gian đầu, bố tôi dùng bữa trưa ở nhà me già và bữa tối ở ngôi nhà ông sống với me trẻ. Tuy vậy, khi sự nghiệp của bố tôi phát triển lớn với nhiều cơ sở từ Bắc vào Trung, bố tôi thường phải di chuyển, không còn giờ giấc cố định nên khi ông về nhà thì đây là ngôi nhà ông sống với bà hai.

Thời khoảng một phần tư đầu thế kỷ 20, không biết do đâu mà bà hai của bố tôi nảy ra ý định lập công bằng cách đi tìm người thay bà sinh con cho bố tôi. Ban đầu, bà nhòm ngó các cô mặt hoa da phấn ở thành thị. Tôi đoán các cô nhận vai trò này vì bố tôi vừa đẹp trai, tướng mạo uy nghi, quắc thước, lại tài năng, danh vọng, sản nghiệp đầy đù. Thế nhưng có lẽ số phận chọn mẹ tôi gánh vác sự bất công tủi cực này nên không ai sanh nở gì cả cho tới một ngày, bà hai của bố tôi nhân chuyến về Bắc Ninh thăm họ hàng và thu mua gạo, tình cờ nhìn thấy mẹ tôi đang xắn quần cấy mạ dưới ruộng, dáng vóc thôn nữ tươi mươi, khỏe mạnh, đúng tiêu chuẩn “tốt nái” bà săn tìm nên bà vào làng, tìm gặp, thương lượng với ông bà ngoại của tôi rồi đem mẹ tôi “về dinh.”

Định mệnh làm phép lạ nên mẹ tôi sớm cấn thai. Bố tôi có “tin mừng” nhưng mẹ tôi lãnh họa trước vì bà hai không vội tin ngay. Suốt ba tháng trời ròng rã, mẹ tôi vừa bỡ ngỡ chuyện thai nghén lần đầu, vừa phải làm lụng công việc nằm trong phận sự không khác gì tôi tớ trong nhà, vừa phải trả lời sự chất vấn cay nghiệt của bà hai hỏi xem mẹ tôi có lỡ dại với thầy thông/thầy ký nào dưới quyền bố tôi không? Câu hỏi lập đi lập lại của bà với hàm ý đe dọa là tại sao những cô ngàn lần đẹp hơn, thanh lịch hơn mẹ tôi đã không thể nào sinh nở mà mẹ tôi lại sớm mang thai với bố tôi? Câu trả lời của mẹ tôi cũng lập đi lập lại trước sau không sai một chữ là: “Thưa bà, con không biết ai ngoài ông cụ.”

Mẹ tôi trở dạ sinh chị Túy Sơn đúng ngày tháng bố tôi ghi trong sổ nhật ký. Thời đó chưa có thử nghiệm DNA để truy tầm phụ hệ, chỉ thấy chị giống bố như hai giọt nước và mẹ tôi được minh oan.

Sau lần đầu nhiều nghi nan và tủi cực ấy, mẹ tôi liên tiếp bỏ một anh, sẩy một lần trước khi sinh và nuôi được anh thứ tư. Là đứa con trai nối dõi tông đường hiếm muộn, lọt lòng mẹ, anh tôi lập tức được bà hai của bố tôi bế tắp lên nhà trên, khai sinh là con của bố tôi và bà, được bà thành kính sửa soạn lễ vật và thân chinh ẵm ra đền đức Thánh Trần, đội sớ bán khoán anh, nhận pháp danh cho anh là Minh Châu.

Tôi lót tót ra đời sau anh ba năm, lại là gái nên xem ra thừa, không ai đòi quyền sở hữu cả và mẹ tôi được… tự do nuôi tôi. Sau này tôi nghe mẹ kể mùa Đông ở Huế mưa dầm, mẹ không có đủ tã lót cho tôi nên chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô phần tôi, cứ thế thay qua đổi lại cả đêm. Do vậy, tuy anh em tôi cùng giòng giống cha, cùng bọc trứng mẹ sinh ra nhưng chúng tôi được nuôi dạy tinh thần và thể lý bằng hai nền giáo dục và hai chế độ dinh dưỡng khác nhau. Dưới mắt anh, tôi là con của cô S, người hàng ngày nấu cơm, dọn cơm cho anh ăn, giặt quần áo, bỏ màn buổi tối cho anh đi ngủ, vắt màn và làm giường buổi sáng khi anh thức dậy, v.v… Anh hay cậy quyền, bắt nạt tôi nên tôi rất sợ anh. Không chỉ một mình tôi sợ, né tránh anh tối đa mà đám con nít bạn học cùng lớp với tôi thỉnh thoảng đến chơi vì vườn nhà tôi nhiều cây ăn quả lắm, thoáng thấy anh là chúng dạt ra ngay.

Hoàn cảnh anh em tôi nhì nhằng như vậy cho tới một hôm, anh tôi không bằng lòng với những món ăn “cô S” dọn ra mâm và bưng lên bàn cho anh ăn trưa nên anh vung tay hất cả mâm cơm đổ xuống đất rồi chạy lên lầu mách bố tôi “cô S” ăn bớt tiền chợ, cho anh ăn đồ ăn dở. Có lẽ việc này là giọt nước cuối cùng làm tràn cái ly đã quá đầy nên ông quản gia lâu năm, rất mực trung thành của gia đình tôi không nhịn nữa, càng bất chấp bị bà hai của bố tôi đuổi nên ông tiết lộ bí mật với anh tôi: “Này cậu, ‘cô S’ là mẹ đẻ của cậu đấy, không phải bà L. đâu!” Tôi thấy anh tôi đứng ngây ra một lúc, không nói gì rồi lẳng lặng vào phòng riêng đóng cửa lại. Ít lâu sau, anh bỏ học và anh nói với bố tôi anh muốn tình nguyện vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Ở tuổi 17, bố tôi phải cùng ký đơn với anh để anh hội đủ điều kiện nhập ngũ. Tôi hơi ngạc nhiên thấy bố tôi không phản đối đề nghị vào quân trường của anh vì tôi biết bố tôi đặt nhiều kỳ vọng và đầu tư nhiều vào anh trên con đường học vấn. Có lẽ vì thành tích học của anh không xuất sắc nên bố tôi hoặc hoài nghi về đường lối giáo dục gia đình áp dụng cho anh, hoặc muốn thấy anh được thử thách cách khác xem năng khiếu của anh là gì nên bố tôi không ngăn cản mà ủng hộ quyết định thoát ly của anh.

Anh khăn gói rời nhà. Đối với bà hai của bố tôi, anh đã tự nhổ cái gai trong mắt bà vì anh lạnh nhạt và xa lánh bà kể từ khi anh biết mình bị người lớn lừa dối, không những cư xử sai trái với người mẹ đã rứt ruột sinh ra anh mà còn khiến anh vô tình ăn ở như một kẻ vô đạo. Đối với mẹ tôi, không còn được nhìn thấy anh hàng ngày, âm thầm chăm nom anh dù chỉ với tư cách người hầu hạ thân tín, tệ hơn nữa, anh còn dấn thân vào chỗ hiểm nguy khi không ai bắt buộc, mẹ tôi đau đớn tận cùng trong câm nín, như phiến đá chảy mồ hôi dưới trời băng giá. Đêm đêm, mẹ thắp nhang khấn khứa. Ngày ngày, thỉnh thoảng mẹ chết sững, quên quên nhớ nhớ giữa bộn bề công việc, sợ anh tôi ăn không đủ no, sợ anh bị hiếp đáp và cuộc sống nhà binh vô cùng khắc nghiệt.

Nếu tấm lòng thương con của mỗi bà mẹ sẽ động tới ý Trời thì mẹ tôi đã được ơn phước này. Anh tôi ra trường, về qua nhà trong quân phục oai vệ, lon chuẩn úy mới tinh trên cầu vai, cao lớn, khỏe mạnh. Anh đã có đủ thời gian để nhai, nuốt, bỏ qua chuyện cũ, bắt đầu cái mới dưới mái nhà cha mẹ. Anh nhìn mẹ với ánh mắt đằm thắm, thương yêu, thậm chí bảo bọc nhưng anh không biết xưng hô với mẹ thế nào? Anh hỏi tôi: “Cả em nữa, chúng ta không thể tiếp tục gọi bà L. bằng me và gọi mẹ mình bằng chị. Mình phải làm sao?” Ở tuổi 15, tôi không có nhiều kinh nghiệm ứng xử nhưng tôi nhớ người Bắc quê mùa hay gọi mẹ bằng “Đẻ,” nghe gần gũi và dễ thương nên tôi trả lời anh: “Hay mình gọi mẹ bằng “Đẻ” nhé?”

Do ảnh hưởng giao tế rộng rãi của bố tôi, anh tôi được liên tục theo học các khóa huấn luyện chuyên môn và anh chọn phục vụ trong các đơn vị Công Binh chiến đấu. Đóng quân ở đâu chừng vài tháng, nếu vào mùa Hè tôi được nghỉ học, anh đem mẹ và tôi theo. Tôi với mẹ được trải qua một mùa Hè tuyệt đẹp với nắng gió lồng lộng và trời nước mênh mông ở Hà Tiên.

Kỷ niệm một thời niên thiếu và tuổi trẻ xanh tươi, ròn rã, lung linh hạnh phúc, chan chứa ước mơ tưởng như mới đâu đây nhưng tôi bây giờ đang trên chuyến bay trở lại quận Cam sau cuộc thăm viếng anh tôi vỏn vẹn năm ngày. Bây giờ, anh là một ông già tuổi ngoài 80, gầy guộc, lưng khòm, râu tóc bạc, một mình lui cui trong ngôi nhà anh giữ sạch như ly như lau, như nỗi quạnh vắng của anh khi chiều xuống không một tiếng động khắp xung quanh. Máy đo áp huyết, hộp dụng cụ đo đường mỗi sớm mai để ngay ngắn ở đầu bàn. Chiếc xe lăn mới tinh ở cửa ra vào. Cái gậy chống đầu tòe hoa thị dựng bên chiếc ghế trong phòng ăn. Suốt ngày anh điện thoại cho sở xã hội để khiếu nại về thái độ kỳ thị của case manager, để cãi nhau về các chương trình trợ giúp y tế dành cho người cao niên không còn khả năng tự lo cho mình một số việc. Suốt ngày anh điện thoại cho các văn phòng bác sĩ để theo dõi hay cự nự về giấy tờ referral/approval chậm trễ, khiến anh cứ phải chờ đợi mà không thực hiện được các thủ tục y khoa chẩn bệnh cần thiết.

Anh có một vườn hoa hồng và rau xanh, một hồ cá Koi với suối nhân tạo ở sân sau, hai con chó Chihuahua làm bạn với anh đã hơn mười năm. Trời mưa, anh cười, mắt nheo lại vì vui, bảo tôi: “Vừa mát, khỏi tưới cây, lại có nước dự trữ (trong dãy thùng phuy xếp hàng dưới hiên) đỡ phải trả bill cô ạ!” Nhìn anh lúc này, tôi biết ý nghĩ riêng trong tôi khi bay sang thăm anh, muốn anh về Cali để anh em có điều kiện thăm nom, tiếp trợ nhau khi cần, sẽ không thể thành sự thực. Anh như cái cây đã bắt rễ sâu vào cảnh thổ nơi này, mỗi mỗi đều gắn bó xương thịt với anh, hà hơi nuôi dưỡng anh. Từ cái góc nhà nơi anh ngồi một mình mỗi buổi tối dưới ánh đèn, thong thả ăn những món ăn anh yêu thích, xem một cuốn phim có những vai diễn thông minh, tàn bạo, luôn xoay chuyển hay làm chủ tình hình; từ cái sofa êm ái đôi khi anh thức ngủ chập chờn theo cách một người già, giữa tiếng người cười nói ồn ào hay tiếng nhạc phát ra từ cái TV to đùng ở phòng khách ít khi tiếp đãi ai. Dẫu sao, tôi vẫn xót xa thương anh, thương cái hình ảnh anh lọm khọm kéo cái túi rác tôi buộc sẵn ra lề đường để sáng sớm hôm sau xe rác tới mang đi tuy nhìn vào mắt tôi, anh biết tôi thắc mắc điều gì nên anh bảo tôi: “Anh còn chưa có thời giờ đề nghị thành phố phải cấp thùng rác như bên Cali của cô để có an toàn vệ sinh hơn.”

Anh em ruột như tay chân, giữ một phần thịt da của mẹ cha và cả quãng đời chung nhiều kỷ niệm. Đau một người là đau cả hai, cả ba,… Mỗi chuyến đi thăm anh về, tôi buồn rất lâu, nhớ anh và khóc một mình. Con gái tôi nói với tôi: “Mẹ sai rồi. Mẹ đừng nghĩ thay bác. Mẹ tự làm khổ mình khi hình dung bác bằng cảm xúc của mẹ. Tất cả những gì mẹ nên làm, có thể làm là cầu nguyện bình an cho bác, nghe bác nói nếu bác có nói, ngoài ra, mẹ chớ bao giờ vạch ra cho mình phải thế nào thì mới đúng cho bác?” Cháu làm tôi nhớ lại lời Linh Mục U. đã phê bên lề một bài viết của tôi khi Cha dạy môn cổ văn Pháp ở Đại Học Huế: “Cô nên thận trọng, đừng để tưởng tượng đưa cô đi quá xa.”

Tôi cũng biết người ta thường khổ vì chính những điều mình nghĩ hơn là sự thật. Bây giờ, tôi chọn ly nước đầy một nửa thay vì vơi một nửa để nghĩ và nhớ về anh tôi trong sự hài lòng riêng của anh với những gì anh đang có, thêm được niềm vui cho anh thì tốt nhưng đừng muốn anh phải thay đổi.

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách làm nấu súp cua nhanh cấp kỳ”