Bữa cơm chay

Bùi Bích Hà

Gần trưa ngày Thứ Hai, 9 Tháng Mười, 2017, bầu trời dài theo con đường Brookhurst chạy lên hướng Bắc về phía Anaheim Hills, phủ đầy mây xám. Một người bạn đi cùng xe cất tiếng hỏi bâng quơ: “Lạ thiệt, không có vẻ mưa gió chi cả mà sao trời xám ngoét?” HT đang lái xe, nhân chờ đèn ở một ngã tư, nhanh nhẹn vào Internet tìm câu trả lời. Cô cười: “Không phải mây đâu, trời đặc cứng thế kia. Có đám cháy ở vùng chúng ta sắp tới đó các anh chị. Có ai sợ không?” Sau câu nói của HT, mùi khét của khói đã bắt đầu phảng phất len vào xe. Mây màu xám lúc nãy bây giờ nhuộm khói của đám cháy, thẫm lại như nghiên mực tàu, cuồn cuộn bay lên và nắng đỏ như pha chu sa.

Tôi định cư ở quận Cam, Nam Cali, hơn ba thập niên, chưa một lần đi tới khu vực này. Những con đường nửa quê, nửa tỉnh trông lạ mắt tuy xe cộ lưu thông không kém bận rộn so với các thành phố trung tâm. HT vừa trả lời điện thoại vừa điều khiển cái xe chạy ngoằn ngoèo qua nhiều con đường như thế, có lúc người trong xe hồi hộp khi cô lách một xe chạy trước hay chạy bên hông để tìm lane trống cho mình.

Đã quá giờ hẹn 20 phút, một chị ở bữa cơm chay nóng ruột, điện thoại hỏi. Vừa liếc cái GPS trên xe, HT vừa trả lời: “Tám phút nữa tới! Khi không máy nó chỉ đi đường trong, chắc sợ xa lộ kẹt vì người trong khu có cháy di tản.”

Xe rẽ vào con đường đất nhỏ bên kia lối vào xa lộ 91west và bắt đầu lên dốc. Nhà cửa nơi này có lẽ thích hợp với người có khuynh hướng ẩn cư. Hội Từ Bi Phụng Sự Xã Hội và Thầy Hằng Trường đã khéo chọn địa điểm khuất tịch và u nhã này để lập “tổng hành dinh” của hội, xem ra rất hữu lý.

Vườn trước vườn sau cỏ cây không có bàn tay chăm sóc kỹ, mang nét tiêu sơ của mùa Thu mới về trong tịch mịch. Ngôi nhà lớn không để ở và cũng không là nơi thờ phượng dù ngay cửa vào, có một khoảng rộng lát đá, trên trải thảm, có tượng đức Phật Bà Quán Thế Âm uy nghi khắc trên cây gỗ cổ nghe nói cả ngàn năm tuổi. Chúng tôi cung kính đảnh lễ như những đứa con xa về, tâm thái nhẹ nhàng vấn an hiền mẫu. Cơ sở cũng được dùng làm nơi truyền dạy giáo pháp cho môn sinh và hội viên, làm nơi tạm trú cho tăng đoàn khi có việc về qua vùng này.

Ngôi nhà lớn tất nhiên còn có nơi để kinh sách, có một phòng thiền tập chỉ vừa đủ cho khoảng mươi chiếc bồ đoàn màu đỏ không phải là những miếng nệm tròn mà có hình dáng những chiếc ghế dựa không có chân, xếp ngay trên nền nhà và sát vào hai mé tường đối diện, chỉ cách nhau chưa tới một thước.

Thầy Hằng Trường có một phòng nhỏ trong ngôi nhà, ăn chay ngày một bữa và nằm đất. Thầy đi về giữa cơ sở này và Trung Tâm Sinh Hoạt của hội trên đường Brookhurst, thành phố Anaheim, nơi tổ chức các lớp dưỡng sinh miễn phí cho quần chúng. Cũng ở địa điểm này, thầy thực hiện nhiều chương trình truyền hình và truyền thanh nhằm gởi ra thính chúng một cách nhìn mới về Phật pháp, lấy thân tâm con người làm trọng điểm phát triển con đường tu học; một triết lý giải thoát mới giải thích quan điểm xuất gia nhập thế, thể hiện từ bi của người Phật tử thay vì lập chùa với nhiều hình thức cúng kiến và lễ bái. Nói là mới có lẽ trong ý nghĩa khác với cách hành đạo phổ biến hiện nay thôi vì thật ra, quan điểm như vừa nêu trên rất gần, thậm chí chính là giáo pháp chân truyền theo chân Phật trên bước đường hoằng dương đạo pháp của người.

Hơn hai ngàn năm trước, cùng đứng bên bờ sông, Phật đã nói với một người đang trò chuyện với Phật, rằng muốn qua bờ bên kia, ông ta chỉ có mấy lựa chọn mà lựa chọn nào cũng do bản thân ông ta quyết định và thực hiện: bơi, lội, chèo thuyền, bắc cầu,… Cứ đứng ở chỗ ông mà chờ, mà cầu khẩn thì Phật ngay đây cũng không có pháp thuật nào giúp ông qua sông được. Thấy được năng lực vi diệu với đặc tính hướng thượng và khám phá trong mỗi con người, chỉ ra cho con người cách tế nhận năng lực ấy, sử dụng nó, phát triển nó, để một phút sau hoàn hảo hơn một phút trước và luôn đạt được ý nguyện, là quá trình tu tập tinh tấn mà Phật đã trải nghiệm và muốn chia sẻ với chúng sinh là vô vàn Phật sẽ thành. Chính tâm thế lớn lao vô lượng này là hành trang đưa Phật lên ngôi vị của bậc Đại Chánh giác.

Hơn hai ngàn năm trước, nhân loại chưa hình thành khoa Tâm Lý Học nghiên cứu về con người, Phật đã dùng ánh sáng uy lực của thiền định để nhìn thấu những tầng tâm thức còn trong u minh của con người, định vị nó trong vũ trụ và trong đời sống. Hơn hai ngàn năm trước, xã hội chưa có các định chế văn minh xác lập các giá trị nhân bản như tự do, bình đẳng, Phật đã chiêm nghiệm sự vận hành của muôn loài trong thiên nhiên để kêu gọi tự do và bình đẳng mà dạy chúng sinh đừng lệ thuộc tư tưởng của bất cứ ai, kể cả Phật, đừng sát sanh vì sự sống sinh linh đáng quý. Đạo Phật lớn lao ở chủ trương con người có khả năng tự hoàn thiện. Ai nghĩ đạo Phật là bi quan, yếm thế hay cầu ơn, xin lộc, hẳn đã hiểu sai về đạo Phật.

80 năm trụ thế, non một nửa con đường này để khôn lớn, tìm tòi, khám phá và chứng nghiệm. Hơn một nửa còn lại Phật đã cùng môn đệ đi khắp nơi trên nước Ấn Độ, xuyên rừng, qua núi để giáo hóa đại chúng những gì Phật đã thu thập được, để mỗi người độ thân và giác tha ngõ hầu cuộc sống bớt được tối tăm và khổ đau. Tuy nhiên, con đường tu học không đơn giản, cũng không mau như mì ăn liền. Sau khi Phật nhập diệt, xã hội thời bấy giờ loạn ly, nhũng nhiễu, từ triết lý Phật Giáo nguyên thủy đi tìm và xây đựng minh triết để tự tỏa sáng và soi sáng xung quanh, con người có nhu cầu vay mượn ánh sáng từ hào quang Phật để thấy mình yên tâm vì được che chở. Có lẽ từ đây, đạo Phật dưới hình thức lễ bái, cấu tài, cầu phước lộc được hình thành, đi ngược lại giáo pháp ban đầu được Phật truyền dạy lấy sức mình là chính và lấy buông bỏ làm chánh niệm.

Trong đạo Phật, có hai chữ Tùy Duyên rất hay. Tùy duyên cũng có nghĩa là thành tựu tùy nghiệp lực đưa đẩy. Duyên và nghiệp đi với nhau như bóng với hình nhưng Tạo nghiệp hay giải nghiệp lại do chính con người. Nói tùy duyên có nghĩa là cây giống tốt đã trồng, chỉ không biềt khi nào trái quả đủ thời giờ và nắng gió để chín thôi. Cho nên duyên lành (thiện duyên) hay duyên dữ (nghiệt duyên) là do bàn tay đã trồng cây, như cụ Nguyễn Du từng hạ bút viết: “Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa, thiện căn ở tại lòng ta…” Sau nhiều lần hẹn bất thành vì nhiều lý do (hay chưa đủ túc duyên) bữa cơm chay mong đợi đến đúng vào trưa ngày Thứ Hai khi đồi Anaheim có trận hỏa hoạn lịch sử. Ngọn gió tùy duyên trước khi ngừng bỗng nhiên đổi hướng đi của lửa, đuổi nó vòng xuống phía Tây Nam đe dọa Orange và North Tustin. Quá trưa, cư dân các vùng lân cận này ngỡ ngàng nhận được lệnh báo động di tản. Bụi tro và tàn lửa nguội lợp trắng những chiếc xe đậu trên parking chợ Thuận Phát trên đường Brookhurst, thành phố Garden Grove, có thể cả Westminster và một phần Santa Ana.

Lúc mọi người bắt đầu cầm đũa, một bà có tuổi bước vào, băn khoăn hỏi Thầy Hằng Trường: “Con thấy cháy, chạy về. Trước khi về nhà, con tạt qua coi thầy và bằng hữu có sao không?” Trước sự bình yên của mọi người có mặt, bà hỏi thêm để được an tâm hơn: “Dạ, như vậy chúng ta có phải di tản không ạ?” Thầy Hằng Trường dung dị cười đáp: “Chưa có lệnh thì chắc mình chưa phải đi.”

Bữa cơm chay do một nhóm chừng năm chị cùng nhau ra thực đơn và nấu nướng. Ngoài món mì nước chủ lực, các chị thực hiện nhiều món rất lạ mắt và cầu kỳ mà tôi không thể đoán ra vật liệu là gì ngoại trừ một món các chị có sáng kiến dùng những lá sà lách nhỏ trong ruột cây sà lách romaine, có hình dáng những cánh hoa sen, để đựng một loại nhân bằm nhuyễn chỉ vừa một miếng ăn. Sà lách dọn cho khách thì có dressing nhưng thầy có một tô riêng cũng như hai quả mướp đắng thái mỏng để thầy dùng tươi với mayonnaise chay. Ra về, một anh bạn trong nhóm chúng tôi khen thầy có tướng ăn như hổ, ý nói một người có thể lực khỏe, mạnh mẽ, mau lẹ và dứt khoát. Riêng tôi nhìn thức ăn thanh đạm dọn cho thầy chỉ một bữa trưa, so với sức làm việc hàng ngày của thầy, trộm nghĩ có sự không cân xứng. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ của một người chưa từng có kinh nghiệm tu tập nhưng với bậc hành giả luôn đề cao thể lực như một điều kiện học đạo và hành đạo căn bản qua các chương trình huấn luyện được Hội Từ Bi Phụng Sự Xã Hội quảng bá kiên trì và rộng rãi gần hai thập niên qua, tôi tự biết mình đã nghĩ sai. Điều này khiến tôi nhớ lại hình ảnh Thái Tử Tất Đạt Đa khi mới bỏ cung điện ra đi tìm đường giải thoát, ngài đã nôn nóng giam mình trong hang động, nhịn ăn, nhịn uống, ngồi thiền suốt ngày đêm đến kiệt lực, gần chết, mà ánh đạo vàng đâu không thấy thì thức tỉnh, hiểu ra rằng muốn đi trọn con đường tầm đạo cũng phải có sức khỏe để sống đã. Xem ra Thầy Hằng Trường đang đi con đường rất gần với giáo lý của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chủ trương dùng phương pháp trường kỳ khai mở tâm thức bằng giáo dục và đối thoại. Trong các cuộc chiến thế gian phải đương đầu, cuộc chiến trong tự ngã chống lại sự mê muội khó khăn nhất, nói gì hay mơ tưởng gì đến chuyện khuất phục sự mê muội ở tha nhân? Không thể đốn ngã hay đập vỡ vì mê muội không thể bị trấn áp mà nó cần được chuyển hóa, từ tối ra sáng. Không thể phá cửa để thâm nhập nội tâm một người như căn phòng đóng kín vì sẽ bị khước từ, phản kháng và xua đuổi nên chỉ có thể kiên trì, rón rén, chân thành, gõ nhè nhẹ, nói sau bức tường, khơi gợi niềm tin vào khả năng tự hoàn thiện sẵn có (mà bị bỏ quên) nơi người đó, trao cho họ cái chìa khóa bằng,… đối thoại. Như Phật đã làm hơn hai ngàn năm trước, xuất gia rồi nhập thế. Không có tình thương và cả sự đam mê giáo hóa (là đặc ân trời ban hay sứ mệnh tự buộc) để giúp chúng sinh thông suốt cội nguồn của khổ đau, chế ngự, hóa giải nó, bậc hành giả sẽ dễ dàng  xa lánh thế gian và đi tìm nơi am thanh cốc vắng, đạt sự viên mãn cho riêng mình. Tôi không biết Thầy Hằng Trường đang ở chặng đường nào trong vô lượng kiếp tu của một hành giả nhưng thầy đã chọn con đường dấn thân cô đơn và quả cảm. Tôi cũng không được biết tại các đạo tràng lớn trên thế giới, sinh hoạt diễn tiến như thế nào nhưng tại các cơ sở của Hội TBPS Xã Hội ở quận Cam, Phật tử tìm đến để cùng nhau sưởi ấm trong tình đồng đạo an vui, cho họ cơ hội phục hồi tâm thể lực, niềm tin thiện hảo vào con người và tương lai. Trong căn bếp vui ở đồi Anaheim trưa Thứ Hai vừa qua, phần thưởng của chúng tôi không phải là được khoản đãi bữa cơm chay quá đẹp, quá tinh khiết và công phu mà là được nhìn thấy bên cạnh những khuôn mặt sáng ngời an lạc, còn có những khuôn mặt chưa phai hết dấu ấn khổ đau của đời thường nhưng đã thấp thoáng nét cười báo hiệu mùa Xuân đang hồi sinh. (Bùi Bích Hà)