Giữa lằn ranh sinh tử

Bùi Bích Hà

Những đứa trẻ ra đời ở Việt Nam trong ba hay bốn thập niên đầu thế kỷ 20 thường phải chấp nhận sống chết trong tay số phận. Tôi từng nghe mẹ tôi kể lại, tôi là một trong những đứa trẻ ấy.

Mùa Hè năm tôi lên ba, gia đình tôi gồm bố, mẹ già, anh ruột hơn tôi 3 tuổi, đi nghỉ Hè ở Tourane. Mẹ tôi có bổn phận theo hầu hạ nên tôi được đi cùng. Lúc đi, tôi vừa qua một trận cảm sốt thường do mẹ tôi tự chữa cho con bằng vài gói Tiêu Ban Lộ mua ở cửa hàng thuốc Bắc ngoài phố.

Theo lời mẹ tôi kể câu chuyện bằng trí nhớ thì hôm ấy vào lúc xế trưa, mẹ già tôi sau giấc ngủ ngắn, ngồi hóng gió biển ở hàng hiên ngôi nhà nghỉ mát của gia đình. Bà ăn khoai môn ráu chấm mật ong do mẹ tôi dọn ra theo lời dặn của bà. Thấy tôi lẫm đẫm chạy chơi xung quanh, bà thương nên gọi tôi lại và cho tôi một củ. Có lẽ thấy tôi còn thòm thèm, bà cho thêm một củ nữa.

Tương truyền khoai lang thì hiền nhưng khoai môn thì độc. Không biết lời đồn đãi ấy đúng hay sai, chỉ biết chừng một tiếng đồng hồ sau vì không tiêu hóa được những thứ ăn vào, tôi nôn ra lênh láng và sốt cao rồi làm kinh phong. Mẹ tôi vừa khóc vừa ngáng cái thìa nhôm qua miệng tôi để tôi không cắn phải lưỡi.

Người nhà phụ đổ nước cốt trái chanh vào khóe miệng tôi để làm dịu cơn động kinh với kết quả là tôi nằm xụi lơ, thở thoi thóp, tay chân mềm oặt, lay lắc cái hình hài nhỏ xíu của tôi chỉ như sờ vào mớ giẻ rách.

Mẹ tôi khóc inh ỏi, khóc tấm tức, khóc vật vã, thề sẽ gieo mình xuống đèo Hải Vân chứ không trở về Huế mà không có tôi, quên cả mọi sự khép nép giữ gìn thường ngày vì sợ hãi người trên của mẹ. Bố tôi nhìn qua quang cảnh, vội vã thân chinh cõng anh tôi ra khách sạn vì sợ tử khí không tốt cho anh sau khi dặn mẹ già tôi khi nào tôi “đi” rồi thì báo tin cho ông về.

Trong lúc mẹ già tôi lần tràng hạt và niệm Phật cầu tai qua nạn khỏi, những người khác trong nhà khắc khoải chờ hơi thở cuối ra khỏi tấm hình hài nhỏ bé nằm im bằn bặt của tôi thì có ai đó chợt nghe tiếng rao mời của bà chích lể dạo đi qua cửa. Mừng như bắt được vàng trong tình thế còn nước còn tát, mẹ già tôi cho mời bà thầy lể vào.

Bà vạch hai mí mắt tôi, sờ bụng tôi rồi bảo người nhà chạy ngay ra chuồng bắt một con gà, để nguyên cả lông và mổ đôi nó ra theo đường xương ức, cứ thế úp nó lên vùng bụng của tôi với cả máu me lòng ruột tùm lum của nó. Bà cũng lấy một miếng kiếng nhỏ trong gói kiếng bà mang theo, dùng như một thứ y cụ hành nghề để lể ở chỗ khoang giữa ngón cái và ngón trỏ của tôi, nặn máu ra, ở đâu nữa thì mẹ tôi không nhớ. Xong, bà ngồi chờ.

Vẫn theo lời mẹ tôi kể, chừng nhai dập miếng trầu thì tôi hắt hơi. Nét mặt bà thầy lể sáng ra, bà mỉm cười nói với mọi người đứng xung quanh: “Sống rồi đấy!” Ngồi thêm một lúc, chờ cho tôi mở mắt và gọi được “Chị ơi!” thì bà đứng dậy, dặn dò “chị” lau rửa sạch sẽ cho tôi, xoa dầu khắp người tôi cho ấm và cho tôi đi ngủ. Mẹ già tôi lấy tiền tạ ơn bà thầy và tiễn chân bà ra cửa. Có lẽ mệt mỏi vì biến cố vừa qua, mẹ già tôi đi nằm mà quên cho người ra khách sạn báo tin với bố tôi.

Sáng sớm hôm sau, bố tôi cõng anh tôi về qua nhà nhưng không dám vào. Ông đến cửa sổ phòng ngủ của mẹ già tôi, hỏi vọng vào: “Con Bích đi chưa?” Mẹ già tôi phì cười, trả lời ông: “Chả đi đâu cả, nó sống rồi, gọi thầy nheo nhẻo đấy!”

Mời độc giả xem phóng sự “Cuộc sống trong những chung cư cũ nát ở Sài Gòn”

Sau này, nhắc lại chuyện cũ, bố và hai mẹ tôi bảo là “Trời chứng sống nên số tôi không chết!” Hình như tôi cũng nghĩ như cha mẹ, có một đấng nào đấy có quyền năng ban phát sự sống và chết cho mọi người, không ai cãi được.

Cho nên, sau này tới lượt tôi làm mẹ lần đầu, bế đứa con vừa lọt lòng, mỏng manh như một nụ hoa vừa hé cánh, tôi bắt đầu biết run sợ. Mỗi tối, khi đặt con vào giường, giữa chăn gối không thân thiết chở che như vòm bụng mẹ chín tháng cưu mang, tôi tự trấn an mình bằng cách niệm hồng danh chư Phật với tất cả trông cậy, xin xót thương và bảo vệ hài nhi non nớt, nhỏ bé, vô tội của tôi.

Tôi giữ nghi lễ riêng này suốt nhiều năm, qua nhiều lần sinh nở, cho đến ngày đứa con gái đầu lòng của tôi đi vượt biên và bị đắm thuyền. Một phần tôi mất đức tin, một phần tôi nghiệm ra sự thật là Trời Phật đầy quyền năng như tôi từng nghĩ, trong thực tế, cũng chỉ là chứng nhân cho kịch bản cuộc đời mỗi người đã được viết sẵn khi họ được tái sinh cho một kiếp mới. Cho nên, những giờ khắc tĩnh tâm hay niệm kinh, đối với tôi, trở thành những giờ khắc đi tìm sự bình an cho tâm hồn, không cầu xin một ân huệ nào cả.

Ngoài trường hợp bản thân tôi mấp mé bên bờ sinh tử như kể ở đầu bài viết này, tôi còn một lần nữa cũng suýt chết năm tôi lên 8 tuổi, bị sốt thương hàn phải vào bệnh viện Trung Ương Huế. Thập niên 1940, y khoa thế giới còn thô sơ, thậm chí chưa có cả Tyfomycine, bệnh nhân ốm thương hàn ít có cơ may sống sót nên họ được xếp nằm cạnh khu vực nhà xác. Tuyệt nhiên không một ai lên tiếng đòi quyền được đối xử khác hơn coi họ như những cái xác khi họ còn hy vọng được chữa lành.

Tôi vẫn chưa quên những buổi sáng sớm thức giấc trong tiếng lao xao của đám đông nuôi bệnh qua lại trên cái hành lang hẹp vàng vọt ánh đèn trước cửa phòng; tiếng chân rầm rập xen lẫn tiếng nói xi xa xi xô của bọn Tàu phù chân quấn xà cạp to như cái cột nhà, rộn rịp khiêng xác bạn chúng chết vì dịch thương hàn, vì bội thực, trên những cái cáng để đưa vào nhà xác.

Quan niệm sống chết nhờ Trời hay tại số được chấp nhận hầu như khắp trong dân gian. Trước khi có những đứa con của riêng mình, tôi cũng đã có dịp ngồi canh cái chết tới chậm chạp của hai đứa bé bị nhà thương trả về vì hết thuốc chữa, hai bà mẹ trẻ ngồi im như tượng đá dưới mưa, ngây ngô, bất lực nhìn con họ trôi dần vào cõi tịnh không.

Họ biết họ không còn ai hay nơi nào để cầu cứu hoặc van xin, họa chăng là phép lạ. Rất khác với nước Mỹ/nước Anh thế kỷ này khi cha mẹ bệnh nhi có quyền cưỡng lại nhận định của bác sĩ, thậm chí tranh cãi với bác sĩ xung quanh ý niệm thế nào là sự vô nghĩa của việc chữa trị một khi y khoa đã phải bó tay và đành bỏ cuộc.

Mới đây, tạp chí The View số Tháng Bảy, 2014, có đăng tải một bài của nhà báo Alice Park, viết về chủ đề này.

Với cuộc sống chỉ mới vỏn vẹn 11 tháng, bé Charlie Gard đã huy động được cả một đội quân gồm hàng trăm ngàn người có lòng mẫn cảm, bao gồm cả giáo hoàng và tổng thống, đã ký một thỉnh nguyện thư trên mạng nhân danh bé nhằm hỗ trợ cha mẹ bé trong sứ mạng duy trì mạng sống của bé.

Phía kia, một nhóm nhỏ hơn nhưng không kém kiên định, bao gồm bệnh viện và tòa án, đã chống lại thỉnh nguyện trên để tranh đấu cho quyền định đoạt của y giới về phương cách điều trị thế nào là đủ, lúc nào nên ngừng lại để bé ra đi trong an bình và với toàn vẹn phẩm cách.

Đây là cuộc tranh luận giữa đạo đức và nhận thức của các bác sĩ khi họ đồng thuận chấm dứt mọi hình thức săn sóc bệnh nhân mà họ từng cam kết thực hiện với hết sức mình. Cho dẫu điều gì sẽ xảy ra với bé Charlie, các câu hỏi được nêu lên trong trường hợp của bé sẽ còn kéo dài.

Bé Charlie chào đời mùa Thu năm ngoái với chứng bệnh bẩm sinh khiến các tế bào không cung cấp được năng lượng cho cơ thể bé, đưa tới hệ quả làm hư hại một phần não bộ, bé không tự thở được và không nghe được.

Hầu hết thời gian trong cuộc sống ngắn ngủi của bé trải qua trong phòng săn sóc đặc biệt của bệnh viện Great Ormond Street ở London và bé phải thở bằng máy trợ sinh, tứ chi không cử động được. Bé thường xuyên lên cơn động kinh và phải dùng thuốc để chế ngự.

Mùa Xuân vừa qua, bệnh viện kết luận rằng không còn cách nào nữa để chữa trị bé và cuộc sống giữa dây nhợ/máy móc không xứng đáng cho một con người. Theo quan điểm này, tháo bỏ hệ thống trợ sinh cho bé là lựa chọn nhân bản nhất.

Tuy nhiên, cha mẹ của bé không đồng thuận với ý kiến của bệnh viện. Với họ, vẫn biết tình trạng sức khỏe của con trai họ là mong manh và bất định nhưng họ không thể không nuôi hy vọng để xin bệnh viện áp dụng cho Charlie phương pháp chữa trị thử nghiệm (có nghĩa là chưa được áp dụng qua con người). Theo họ, may ra bé sẽ khá hơn, ngay cả dù bé không hoàn toàn bình phục thì họ vẫn có quyền quyết định điều này.

Phát biểu trên truyền thông Anh Quốc, mẹ của bé Charlie nói: “Charlie là con của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi có quyền tìm kiếm cho con mình một cơ may được sống. Nếu không thực hiện thì sẽ không thể biết kết quả. Con chúng tôi vẫn còn phấn đấu nên chúng tôi vẫn còn phấn đấu.” Như vậy, tại sao bệnh viện lại đưa ra một luận cứ đạo đức để ngưng việc chữa trị và chống lại ước muốn của cha mẹ bệnh nhi?

Thật ra, trước khi đề nghị tháo bỏ hệ thống trợ sinh cho Charlie, các bác sĩ điều trị đã thấy trước cuộc sống nhiều khổ đau, buồn bã và nhọc nhằn của bé với bộ não bị thương tổn nặng nề cho dẫu phương pháp thực nghiệm có mang lại một kết quả khả quan hơn. Vấn đề là rồi đây, khi bé rời bệnh viện trong bất kỳ điều kiện nào, các bác sĩ đâu còn liên hệ gì với thảm trạng đời bé, tại sao họ phải ôm vào mình trách nhiệm giải quyết thay vì nhắm mắt chữa trị bằng chuyên môn của mình và nhường cho ông Trời đưa ra phán quyết cuối cùng?

Ở Hoa Kỳ, mâu thuẫn loại này thường được giải quyết theo nguyện vọng của cha mẹ. Một khi các bác sĩ điều trị cảm thấy mọi phương tiện chữa trị y khoa đã trở nên vô ích, xét về cả hai mặt đạo đức và y lý, họ đề nghị cha mẹ bệnh nhi hãy tìm một bệnh viện nào muốn tiếp tục. Mỹ có nền văn hóa cho phép mọi người lựa chọn dịch vụ y tế mà họ muốn. Bao lâu không có dấu hiệu lạm dụng hay bỏ bê, cha mẹ được trao quyền tự do ứng xử và làm mọi quyết định cho con cái họ.

Ở Anh Quốc thì không vậy. Phần lớn bởi y phí do chính phủ đài thọ, thông thường y giới và tòa án có thẩm quyền quyết định thế nào là mức độ chữa trị chấp nhận được, thế nào là quá đáng, thậm chí như trường hợp của bé Charlie, khi nào thì phải chấm dứt.

Nghĩ cho cùng, trong mọi vấn đề gây tranh cãi quanh sự sống/chết của một bệnh nhân, vấn đề quan trọng nhất như tôi biết, luôn là sự sống, thì rõ ràng con người không có thẩm quyền trọn vẹn.