Lựa chọn đúng nhất

Bùi Bích Hà

Một người bạn vừa gửi cho tôi cuốn phim Samsara, bảo tôi xem đi để thấy con người không làm chủ những lựa chọn của nó trong đời. Chắc bạn muốn an ủi tôi khi cuộc sống không trôi chảy như mình mong muốn.

Tôi biết anh còn nhớ buổi tranh luận của hai chúng tôi cách đây chừng hơn một thập niên khi anh và tôi bàn về thuyết “Tài mệnh tương đố” của cụ Tiên Ðiền Nguyễn Du. Tôi tiếc cho cô Kiều, sao vội vã rẽ ra cho thiếp bán mình chuộc cha mà không gởi người về Liêu Dương tìm Kim Trọng? Trời Liêu non nước bao xa? Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi. Trong biến cố, tôi không thấy phần phản kháng số phận của cô Kiều như tôi vẫn xác tín theo lời dạy kiên cường của tiền nhân: “Tận nhân lực tri thiên mệnh.” Chưa làm hết sức mình, sao biết số phận là thế? Mãi đến những năm cuối thế kỷ 20, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới viết “Ði đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt? Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt…” và ở tuổi 40, tôi bỗng lờ mờ thấy ông có lý quá!

Bây giờ thì hoàn toàn biết sức mình rồi, tôi không cãi với anh bạn nữa và kiên nhẫn ngồi xem Samsara.

Phim được thực hiện năm 2001 với đạo diễn tài năng Pan Nalin, nhan đề phim có nghĩa là Vòng Luân Hồi: sinh ra, sống, chết rồi tái sinh.

Nhân vật chính là Tỳ Kheo Tashi. Anh đã một mình tịnh khẩu, tọa thiền trong hang động đúng 3 năm, 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày. Râu dài tới rốn. Người chỉ còn da bọc xương. Hết hạn kỳ, các đồng tu rước anh về lại chùa trong niềm tôn kính vô hạn. Cuộc đời của một nhà tu xả kỷ như anh tưởng chừng sẽ ngày càng tinh tấn thêm nhưng không, trong những giấc mơ nửa đêm của anh thấp thoáng bóng đàn bà và anh xuất tinh ướt cả sa y. Sư phụ hiểu thấu căn cơ lay động lòng anh nên mở đường cho anh tự xét mình. Anh xin phép hoàn tục như một nỗ lực thử thách sức mạnh của đức tin và sự cám dỗ của đời thường.

Một sáng sớm tinh mơ, anh khăn gói bịn rịn rời chùa xuống núi. Ngày hết, chiều lên, anh dạt vào một khu làng đang mùa gặt hái. Một trại chủ cho anh cơm ăn và việc làm. Ngay buổi sáng đầu tiên trên cánh đồng, anh lập tức chết mê chết mệt vì đôi mắt liếc nhìn anh tình tứ của Pema, cô con gái ông trại chủ. Ban đêm, họ hẹn hò nhau giữa đồng không mông quạnh và lăn vào nhau như hai con hổ đói. Bị phát giác, Tashi lãnh đòn của ông chủ sặc cả máu mũi nhưng cả hai quyết tâm thà chết chứ không lìa nhau. Bố mẹ Pema đành cho làm đám cưới. Có thêm chàng rể trẻ trai, tháo vát, lanh lợi, lại từng xuất gia tu hành có đẳng cấp, cũng vinh dự chán. Ðôi vợ chồng trẻ sống hết sức mặn nồng bên nhau và có ngay một con trai.

Tashi quên hết quá khứ, phụ với gia đình vợ làm ruộng, mỗi mùa thu hoạch hoa lợi và bán cho hàng xáo vào tận làng thu mua. Khôn ngoan, giỏi tính toán, Tashi biết bọn con buôn trung gian mua rẻ bán đắt nên anh bàn với bố vợ đem sản phẩm ra thẳng chợ. Việc mua bán khả quan hơn nhưng bọn con buôn để tâm thù hận. Một đêm, chúng nổi lửa đốt hết lúa của nhà Pema. Ðang đêm choàng tỉnh giấc vì lửa cháy ngùn ngụt khắp đồi nương, cả gia đình đổ ra cứu chữa một cách vô vọng. Ngọn lửa thiêu sạch công trình mồ hôi nước mắt của họ, thiêu luôn những mơ tưởng là bình an của Tashi trong cuộc sống.

Nhân khi bị thương tích trong lúc chữa cháy và đánh nhau với bọn xấu, Tashi ở nhà để Pema thay chồng đi xuống phố. Một cô bạn thân của Pema vốn thích Tashi, từng đầu mày cuối mắt với anh nhiều lần, vội lẻn tới nhà anh bày trò ân ái với chiêu thức cực kỳ quái dị. Giây phút hưng phấn cao độ, cô xé phăng dải áo của Tashi tung lên sà nhà, xoắn nó như cái dây chão rồi quấn mình quay tít với Tashi trần truồng, ngây dại ngửa cổ trông lên. Ðang giữa cuộc vui bỗng nghe tiếng mẹ con Pema về trước sân. Tashi hoảng hốt vớ lấy quần áo thì áo đã rách. Nỗi sợ hãi chẹn lên cổ Tashi đang cố lấy hết tàn hơi hò hét để đuổi cô gái thoát đi thật nhanh.

Dư vị chua chát của những biến động eo xèo trong đời thường chợt khiến Tashi chán ngán. Anh thấy mình lạc lõng ở một nơi không có gì vui nữa và cửa thiền hiện ra trong tâm trí đảo điên, mệt mỏi của Tashi. Anh muốn quay về và nghĩ suy trong lặng lẽ. Một đêm, khi vợ con đã ngủ say, anh hôn thằng bé rồi khoác tay nải trốn đi. Anh đi bộ, băng qua những đồi cát chập chùng. Khi mệt, anh ngồi phịch xuống nghỉ ngơi. Ở nhà, Pema tỉnh giấc, thấu hiểu tâm can chồng và lấy lừa đuổi theo. Quả nhiên, Pema bắt gặp anh ngồi dưới nắng trưa. Cũng dưới cái nắng trưa chói lòa mắt ấy, Tashi thấy vợ hiện ra trong cái quầng sáng hư hư thực thực dưới hai hàng mi hấp háy của anh.

Rồi anh nghe tiếng Pema dõng dạc cất lên. Nàng kể lại sự tích Thái Tử Tất Ðạt Ða bỏ cung vàng, điện ngọc và vợ đẹp, con thơ để đi tu. Thế gian tôn phục hành vi xuất gia cứu nhân độ thế của thái tử khi ngài thoát sông mê tới được bờ giác, giúp giải thoát con người khỏi vòng luân hồi tục lụy nhưng hãy hỏi xem có ai nghĩ giùm cho thân phận của Hoàng Hậu Da Du Ðà La (Yashodhara) tuổi xuân mòn mỏi, khô héo trong hậu cung lạnh lẽo không? Thái tử chỉ cần đem hạnh phúc cho chính gia đình của mình thì đã đắc đạo rồi. Pema không đứng yên một chỗ mà đi vòng quanh nơi Tashi ngồi, thanh âm giọng nói nàng rơi lả tả như trái chín lìa cành, vỡ ra nhầy nhụa; như những nhịp búa không nương tay gõ lên nắp áo quan, quyết liệt. Khuôn mặt nàng là khối ngọc lung linh với sức thu hút huyền bí lồ lộ dưới bầu trời chan chứa nắng.

Cuối cùng, khi ngừng nói, nàng vứt vào lòng Tashi nắm cơm ăn đường mà nàng vẫn thường gói ghém cho Tashi mang theo trong chiếc khăn gấm mỗi khi chàng phải đi đâu ra khỏi nhà. Nhìn theo Pema quay gót trở về con đường làng cũ, mở bọc cơm ra và thấy lại tất cả tình yêu nồng nàn của vợ, bàn tay nâng niu, ân cần của vợ những ngày bên nhau, Tashi ngã vật lên cát, khóc gào đứt hơi, tự giằng xé mình trước ngã ba đường không biết phương hướng nào là đúng để lựa chọn?

Sau cùng, khóc chán rồi thì Tashi cũng phải đứng dậy, liêu xiêu cất bước trong trời đất hoang mang, vô tình hay hữu ý để rơi trên cát, sau gót chân mình, tấm áo cà sa chàng đã cởi ra khi dừng chân nghỉ mệt trên chặng đường chỉ mới khởi đầu.

Ðạo diễn cuốn phim không có kết luận nào cho khán giả và cho chính ông mà dường như chỉ muốn chia sẻ cảm nghiệm rằng trong cuộc đời này, không có lựa chọn nào thập phần đúng và sống là chấp nhận những thực tế bất toàn rất đỗi đáng thương. Tashi muốn đi tìm sự thăng hoa của tâm hồn, từ bỏ cuộc sống thế gian đa đoan nhưng số phận đã buộc vào anh một lựa chọn khác. Pema suốt đời chỉ ước ao được sống chết với tình yêu nhưng dù phấn đấu cách nào, nàng cũng đành buồn bã nhận ra quyền lựa chọn không ở trong tay mình.

Qua các nhân vật ông dựng lên, Pan Nalin cho thấy nguồn gốc bi kịch của đời người. Cho dẫu Tashi tiếp tục đường tu hay trở lại mái nhà xưa, cả hai lựa chọn đều dở dang, đều mang dư vị chua chát của nguyện ước thất bại. Nói cách khác, chàng sẽ như con thú hoang thỉnh thoảng tìm nơi vắng vẻ nằm liếm vết thương của nó cho tới chết. Về phía Pema, cho dẫu Tashi có quay về ôm nàng trong hai tay, giây phút mặn nồng của tình nghĩa vợ chồng sẽ không bao giờ còn trọn vẹn, sẽ khắc khoải và sẽ mãi thấp thoáng ít nhiều bóng tối của biệt ly.

Tôi biết anh bạn đồng thuận với đạo diễn Pan Nalin khi anh gởi cuốn phim cho tôi nhưng tôi thực sự không biết anh có tìm thấy bình an trong cách giải thích của Pan Nalin về những hạn hẹp của con người dưới mắt ông ấy không? Vì Pema trưng dẫn câu chuyện Thái Tử Tất Ðạt Ða thành đạo, tôi có một suy nghĩ khác. Phải chăng thái tử thành Phật vì ngài nhận biết nhân loại loay hoay khổ đau là do những xiềng xích tự mình buộc cho mình? Phải chăng Phật là biểu tượng cao nhất, toàn vẹn nhất của Tự Do tuyệt đối có khả năng giải thoát con người khỏi mọi dục lạc bi lụy của thế gian đời thường? Còn Tashi, anh vật vã giữa mê đắm thể xác và thánh thiện tâm hồn. Anh ta muốn nhiều thứ quá và đau khổ vì những ham muốn ấy, dù lựa chọn thế nào cũng là luẩn quẩn trong cái “vòng tiều tụy.”

Và Pema, nàng muốn sở hữu tình yêu theo những kinh nghiệm êm ái nàng trải qua và đau khổ khi quyền sở hữu ấy bị đe dọa hoặc lấy đi, quên rằng sống là đương đầu với bất trắc, nay còn mai mất, lựa chọn sự bền vững bất di dịch trong tình yêu là không tưởng, là tự chuốc lấy phiền não vào thân.

Còn đạo diễn Pan Nalin, ông có cố tình bỏ qua sự lựa chọn viên mãn nhất thị hiện nơi đức Phật Thích Ca không? Nếu có cũng dễ hiểu thôi vì ông không phải là nhà truyền giáo đi hành đạo, ông làm phim cho khán giả đến xem ông và mong tìm được sự đồng cảm, khi mọi người đang cùng nhau bơi lội trên cùng những nhánh sông đời rong rêu.

Còn tôi, tôi có câu hỏi lẩm cẩm này, bạn nghe, chiêm nghiệm, rồi trả lời cho tôi: Lựa chọn thiết thân nhất của con người là lựa chọn “không khổ đau.” Ðúng hay Sai?

Tôi hình dung ra anh bạn tôi đang cười chế diễu và câu trả lời của anh tôi đoán trước, sẽ là: “Sai bét! Tôi đâu đã đi tu, còn lâu mới đắc đạo để có thể đứng ngoài khổ đau.” Nghĩa là anh hoan hỷ lựa chọn con đường trầm mình trong hệ lụy ấy? Vậy, có nên than rằng con người không có quyền chọn lựa không nhỉ? Anh còn nhắc đến “đi tu,” ngụ ý anh chưa vào chùa thế phát quy y. Thôi, có lẽ tôi đành phải rút lại lời hứa không lý sự cùn với anh nữa để nói nhỏ với anh rằng ngôi chùa đầu tiên khi Thái Tử Tất Ðạt Ða chưa thành đạo, đâu ở nơi nào khác hơn là chính nội tâm của ngài?

Chúng ta thường nghe câu nói “Phật tại Tâm” mà không kịp nghĩ sâu để suy ra “Chùa cũng tại Tâm.” Thái tử tọa thiền dưới cội bồ đề, cội cây trở thành ngôi chùa nguy nga, tráng lệ, quang chiếu ánh đạo vàng khi thị chứng sự giác ngộ tuyệt đỉnh đưa đến Tự Do tuyệt đỉnh của ngài trước mọi quyền uy vô hình hay hữu hình trong cõi sống tạm. Chỉ cần vượt qua tấm bảng “Sợ Hãi” luôn án ngữ tâm thức chúng sinh là thấy Niết Bàn hay Thiên Ðàng.

“Ði tu” trong ý nghĩ của tôi, là chuỗi thời gian thinh lặng, giúp gạn lọc hết mọi tạp âm và vọng tưởng gây ra phiền não, để chúng ta thành khẩn, khiêm cung tự vấn lòng mình giữa bộn bề tạo vật, để chúng ta nhìn thấu bản lai diện mục của chúng ta, thế thôi. Còn như sự vận hành bí nhiệm của vũ trụ thì cho tới giờ phút này, chưa có ai “giải mật” được ngoài ý thức chấp nhận.

Tâm nguyện “đi tu” thể hiện bất cứ dưới hình thức nào, tu chợ, tu tại gia, tu chùa, nếu có thể tan hòa mình vào vô ngã để cảm thụ sức mạnh vô biên sẵn cho tất cả mọi ai, như khí trời vô tận thì đây là bước tu thành tựu đầu tiên đáng kể.

Cho nên, ở đâu, lúc nào mà chả tu được? Ba năm, ba tháng, ba tuần, ba ngày tọa thiền của Tashi hồ dễ mấy ai đã có thể thực hiện nhưng so với sinh thời hạn hẹp của một kiếp người, quãng thời gian này đâu có nhiều? Bao lâu Tâm chưa định, như Tashi, con người vẫn cuống quýt chạy đi chạy lại giữa hai đầu con đường tu vì vẫn chưa thấy chùa ở trong tâm.

Cảm ơn anh bạn đã nhắc tôi một kỷ niệm cũ và cho tôi cơ hội chia sẻ những suy nghĩ về cái đề tài thảo luận từng khiến tôi thao thức hơn mười năm trước. Bây giờ, tới lượt anh suy nghĩ về sự lựa chọn “không đau khổ” tôi viết ở phần trên thư này, có lẽ là lựa chọn đúng nhất vì nó sẽ không làm ai ân hận cả. Cảm ơn Trời mỗi sớm mai thức dậy, biết ta còn ngày nữa để yêu thương.

Sau cùng, “không khổ đau” nên là thái độ sống thay vì là một lựa chọn giữa nhiều lựa chọn.

Mời độc giả xem bình luận “Tình nghĩa đồng hương”(Phần 1)