Thỉnh thoảng một vài chuyện…

Bùi Bích Hà

Thỉnh thoảng lắm, nơi tôi ở mới lại có một đêm trăng đẹp như đêm rằm Tháng Sáu Âm Lịch mùa Hè năm nay.

Vầng trăng tròn vành vạnh, treo lơ lửng dưới bầu trời chớm đêm màu sữa loãng, như chân dung một khuôn mặt không đường nét, chỉ có vầng trán thông minh, lạnh băng, gợi nhắc một đóa quỳnh lẻ loi nở giữa đêm huyền ảo.

Cái nóng gay gắt ban ngày đã dịu đi rất nhiều với mặt trời đi ngủ từ lúc chập tối và những thoáng gió nhẹ mơn man qua những đỉnh cây dài hai bên vỉa hè con phố ngắn xào xạc tiếng lá chạm vào nhau.

Những đêm trăng thinh lặng, mênh mông, sâu thẳm, thường làm tôi nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ anh, nhớ một khoảng đời khi nhìn lại như chiêm bao. Khu vườn xưa là thượng uyển của tuổi thơ tôi đã mất hút cùng với những ước mơ non yếu, những bước chân dẫm lên huy hoàng của một thời mới lớn ôm hết vũ trụ trong vòng tay.

Giờ đây, trùng trùng yêu dấu trong đời đã rời xa, có còn chăng chỉ là dư hương mùi khói bếp trên áo mẹ, ký ức đôi mắt bố đêm đêm ngồi ở góc cầu thang chia chung với tôi ánh sáng quạnh hiu từ ngọn đèn giữa nhà không còn dùng vào việc gì khác cho ông ngoài việc để nhìn thấy tôi miệt mài kinh sử.

Nhưng thôi. Đêm đang thở nhẹ nhàng xung quanh tôi. Mùi bột lên men chua nhà ai đang làm bánh mì. Mùi thuốc giặt nồng ấm bay ra khỏi ống thoát dưới một mái hiên, thơm lừng con đường nhỏ loáng thoáng người và xe qua lại. Mùi một tô mì gói nóng hổi của ai đó thức khuya và đói bụng.

Cuộc sống vẫn tràn đầy. Sức sống vẫn hăm hở. Mọi lúc. Mọi nơi. Tôi nghiệm ra, để tiết kiệm năng lực, có lẽ chỉ nên gói gọn mình trong vừa đủ những gì thật cần thiết, tựa như một đêm nào đã lâu lắm, khi thức giấc nửa đêm ở nhà Cỏ May, nhìn ra đồi cỏ bên ngoài cửa sổ, tôi bàng hoàng thấy một không gian sáng choang, vằng vặc ánh trăng gội chan hòa lên cảnh vật.

Lay bạn: “May ơi, dậy mà xem, trăng đẹp quá!” Tôi ngạc nhiên thấy bạn cựa mình rồi quay lưng lại, lầu bầu: “Ngủ đi khỉ ạ! Trăng gì, đèn cư xá đấy!” Bán tín bán nghi vì giọng bạn nghe chắc nịch, tôi bỏ chân xuống giường, bước lại gần cửa sổ và ngước nhìn lên bầu trời. Quả nhiên, vầng trăng giữa tháng đầy đặn thả ánh sáng long lanh khắp nơi. Mãi về sau, tôi mới hiểu: Xa Huế rồi, bạn tôi không muốn nhìn trăng nữa.

Tôi đọc tin, xem truyền hình, biết và thấy câu chuyện thương tâm của bà mẹ già Việt Nam đâu như ở một tỉnh lỵ miền Nam quê mình. Không biết bà bao nhiêu tuổi nhưng lưng bà còng, người khô gầy.

Chồng chết trận, bà góa bụa lúc còn trẻ, có một con gái rất xinh. Cô đang cố lớn trên mảnh đất quê nghèo như một mầm nụ tốt tươi thì định mệnh đời cô làm bão tố. Đầu hôm sớm mai, cô trở thành phế nhân sau một cơn bạo bệnh bất ngờ làm não bị hư hoại. Tấm thân con gái mượt mà gãy gập thành mấy khúc cây khẳng khiu, quặt quẹo, đan chéo vào nhau. Cô nằm còng queo trên tấm phản chiếm gần hết diện tích căn phòng trọ, chờ mẹ bón cơm, châm nước, rửa ráy, lau dọn, từng bữa, từng ngày.

Hàng xóm láng giềng thương tình giúp đỡ nhưng bà không thể trông cậy hết vào lòng từ bi của mọi người. Bà có nghề làm kẹo mạch nha. Hằng ngày bên bếp lửa, bà quấy kẹo với hai cánh tay da bọc xương, nước mắt lặng lẽ tuôn trào. Cuộc sống hẩm hiu của hai mẹ con cứ thế trôi đi, như đám lục bình gió mưa xô đẩy trên dòng trường giang không biết đâu là bờ bến.

Một bữa, khi bà mang kẹo ra chợ, có người thanh niên trong xóm lẻn vào nhà, cưỡng hiếp cô gái tật nguyền. Tiếng kêu ú ớ của cô đánh động ông hàng xóm. Ông chạy vội qua, bắt gặp quả tang can phạm chưa kịp mặc lại quần. Cậu không biện bạch gì, chỉ một mực van xin nhưng tất nhiên cậu không được tha. Ít lâu sau tai biến này, cô qua đời trong sự phỏng đoán của mọi người, cho là cô bị khủng hoảng vì sợ hãi và vì những chấn thương trên thân thể.

Tấm ảnh cô thiếu nữ tên Mai trên bàn thờ xinh tươi quá! Mái tóc cắt bôm-bê ôm khuôn mặt trái xoan, vầng trán phẳng, đôi mắt nhung đen, đôi môi ngậm cười.

Tôi đã bao lần dặn lòng nhớ lời thầy giáo cũ,Đừng để trí tưởng tượng bị lôi cuốn theo những bước tango của nó” nhưng có cái gì trong tôi như cơn gió vi vu không ngừng chuyển động, cứ khua thức tôi lật tìm một nguyên nhân khuất lấp nào đấy, ngay cả một vẻ đẹp đằng sau mỗi bi kịch buồn bã và khó hiểu.

Tôi hình dung một mối tình thơ dại, âm thầm, giữa cậu bé hàng xóm bị coi là phạm tội và cô bé Mai khi chưa lâm bệnh. Chúng nó học cùng trường, có thể cùng lớp, hằng ngày đi về học trên cùng những con đường làng ngắn như những đường chỉ tay. Cậu chưa dám nói. Cô chưa kịp biết thì tai họa xảy tới.

Nội tâm, ngoại hình cô biến dạng. Cô không lớn nữa nhưng cậu vẫn tiếp tục lớn. Đến một lúc cậu bắt đầu biết những cảm giác hoan lạc của tình yêu và cậu muốn chia sẻ với cô, biết đâu… biết đâu… Cậu nghe theo sự thôi thúc từ trái tim khắc ghi hình ảnh cô khi cuộc sống còn nguyên vẹn ước mơ cho cả hai.

Ở cái góc làng quê mộc mạc này, cậu không có đủ kiến thức để biết rằng cô không còn là bé Mai của cậu ngày xưa nữa nhưng cái tiếng nói thầm của bản năng ngây ngô đeo đẳng cậu bao lâu nay cứ bảo cậu hãy tới với cô, đánh thức cô, cho cô niềm vui. Nó trả lại trên khuôn mặt dị dạng, khóe môi nhễ nhại nước dãi, đôi mắt lơ láo, những khúc củi khô cong queo kềnh càng trên tấm phản, hình ảnh bé Mai thời mới lớn, tóc cắt bôm-bê, xinh như một nụ hồng, chạy tung tăng trên bờ ruộng.

Nó làm cậu quên hết thực tại, vượt qua nỗi ghê sợ chạm vào sự xấu xí của một con bệnh không còn cách nào hội nhập trở lại cuộc sống bình thường và cần được đối xử cách khác. Cậu là một thanh niên si tình khờ khạo, một trai làng không có nơi trút bỏ ham muốn thể xác ở tuổi đôi mươi hay cậu thực sự là kẻ cuồng dâm phạm tội vì không kiềm chế được bản năng?

Tôi biết khi cậu được dẫn ra ủy ban hành chánh làng xã để bị xét xử như một can phạm, sẽ không ai có thời giờ hỏi cậu để biết thực sự cậu là ai trong vô số chân dung có thể ẩn náu hay phóng chiếu từ hành vi vô luân của cậu. Hai đứa trẻ sinh ra, lớn lên, như lúa trổ đòng đòng trên cánh đồng hứa hẹn một vụ mùa tươi tốt đã bị định mệnh thui chột.

Giờ đây, Mai được yên nghỉ trên cái bàn thờ nhỏ, khói hương, hoa trái thơm em từng ngày với tấm lòng mẹ già nước mắt như mưa, hai bàn tay không còn những lúc âu yếm, tẩn mẩn chăm bón con nhưng vẫn phải gắng gượng, miệt mài quấy những chảo kẹo đặc dính để đổi lấy chén cơm và mái nhà cho linh hồn bé bỏng của con có nơi đụt nắng che mưa.

Nhìn những nhọc nhằn này rồi nhìn lại mình, khổ đau thật chẳng thấm vào đâu!

Ngày tôi còn đi học, đọc sách báo, biết người Pháp rất coi trọng món tiền “pourboire,” ngôn ngữ dân gian gọi là tiền bo, được coi là lời cám ơn cho những dịch vụ nhận được: Xách giùm cái vali nặng, mở hộ cái cửa xe, phục vụ một bàn ăn, thay mới tấm chăn trải giường… Những ai không cho hoặc cho pourboire ít, sẽ bị coi là keo kiệt, không nhận được sự kính trọng.

Chẳng biết nước Pháp trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay có còn giữ được thói quen hào phóng, lịch lãm như xưa không nhưng bản tin công bố kết quả một cuộc khảo sát mới đây của MasterCard thực hiện với 8,000 dân cư sinh sống tại khu vực Á Châu-Thái Bình Dương để tìm hiểu về thói quen cho khoản tiền thưởng này, đã tiết lộ những điều bất ngờ làm tôi ngạc nhiên.

Chẳng hạn, người dân Thái Lan đang đứng đầu bảng với 84% con số thực khách đi ăn nhà hàng chịu tặng pourboire/tip cho người phục vụ có công giúp họ được thưởng thức một bữa ăn ngon miệng. Bangladesh 80%, Ấn Độ 74%, Philippines 73%, Hồng Kông 56%, Myanmar 42%, Indonesia 33%, Malaysia 31%, Singapore và Việt Nam đồng hạng 20%, Trung Quốc 15%, Nam Hàn 10%, Nhật chiếm cuối bảng với 4%.

Cuộc khảo sát không đi sâu vào chi tiết khoản tiền pourboire/tip nhiều hay ít, tỷ lệ thế nào với số tiền tính trên hóa đơn nhưng chú trọng tới phong cách cho và nhận của các sắc dân.

Tại Đức, tiền thưởng này được trao tặng một cách tế nhị thay vì để lại tơ hơ trên bàn.

Ở Nhật, cho pourboire/tip là một hình thức sỉ nhục người phục vụ, làm tổn thương tinh thần trách nhiệm của họ khi từ trong bản chất, họ tự nguyện cống hiến dịch vụ với chuẩn mực cao, tuyệt đối không vì tiền.

Ở Úc, chỉ khi nào tới những nhà hàng thực sự sang trọng, thực khách mới phải chi tiền pourboire/tip. Một cách tổng quát, tại Úc và New Zealand, nhân viên phục vụ không chờ đợi nhận được tiền tip vì đồng lương cơ bản của họ đã bao gồm cả khoản này trừ phi vào cuối tuần hay các ngày lễ, khi họ phải làm thêm ngoài giờ.

Tại Bỉ, hóa đơn cho khách đã tính luôn khoản chi phí này và nhân viên được thuê mướn với lương cao. Đặc biệt tại Nam Hàn không có văn hóa cho và nhận pourboire/tip ngoại trừ chút tiền lẻ thối lại mà khách hàng không cầm.

Sau hết, Singapore là quốc gia đông người tứ xứ vãng lai nhưng họ cũng không có tập quán cho tiền thưởng. Tại nhiều khách sạn và địa điểm du lịch, nơi khách hàng thường tiêu tiền không thấy tiếc, những người phục vụ cũng không nhận pourboire/tip dưới bất kỳ hình thức nào.

Quan niệm và cách ứng xử trong việc này đưa tới nhiều cuộc tranh luận không có câu trả lời rõ rệt. Nhiều khách hàng cho rằng khi nhận làm việc với một mức lương nào đó, người công nhân không nên tự động cộng cho mình bất cứ khoản tiền pourboire/tip nào mà nên hỏi thẳng người chủ xem công việc họ làm có mang lại lợi tức phụ trội này không? Tùy thuộc thực tế trong câu trả lời, người công nhân sẽ có thái độ phục vụ đúng với phẩm giá và trách nhiệm của họ.

Riêng tôi, tôi ủng hộ việc cho tiền pourboire/tip như một lời cám ơn theo sau dịch vụ tôi nhận được một cách tử tế. Đối với tôi, đây là sự công bằng, một cử chỉ giao tế đẹp trong ý nghĩa cảm thông và tương trợ.

Ở quầy cá các chợ Việt Nam, một, hai hoặc ba đồng tặng ngoài cho người công nhân làm những con cá sạch sẽ giùm người mua thật không đáng là bao nhưng ánh mắt biểu lộ chút vui ngỡ ngàng cho thấy họ hạnh phúc vì có người hiểu được và tán thưởng sự giúp đỡ của họ.

Tôi tin chắc nhiều bà nội trợ rất khó xoay trở trong cái sink nhỏ ở nhà bếp với việc móc mang, mổ ruột, cạo sạch một con cá bông lau lớn cho bữa cơm chiều gia đình đông người, chưa kể sau đó còn phải lau rửa, dọn dẹp. Giới chủ chợ kinh doanh lấy lợi nhuận làm phần thưởng, người công nhân nghèo suốt ngày ướt át, tanh tưởi, làm việc trong tư thế đứng ở quầy cá, sẽ vui khi khách hàng sẵn sàng làm một cử chỉ cám ơn họ.

Thế nhưng, ngay ở Mỹ, tôi bất ngờ trải qua hai lần bị lễ phép từ chối tiền pourboire/tip, một lần ở Walmart, một lần ở Home Depot, bởi vì hai công nhân lương thiện giúp tôi chuyển món hàng nặng ra xe song chừng như họ tuân thủ quy định của nơi làm việc, không nhận thêm dù là tiền thưởng từ khách hàng.

Ở Bolsa nhiều năm, tôi có cơ hội quan sát phong cách cho pourboire/tip tại các tiệm ăn do người đồng hương làm chủ. Phần đông các bạn trẻ cho tip hậu hĩnh, có lẽ vì họ quen xử sự tại các nhà hàng của người bản xứ. Trái lại, phần đông các bậc cao niên một mặt do lợi tức về hưu eo hẹp, mặt khác vẫn giữ ý niệm quý trọng đồng Mỹ kim nên con số truyền thống là $1 tính trên đầu người, hai cụ $2 bất luận bữa ăn nhiều ít thế nào và cung cách người phục vụ ra sao.

Có hôm vừa bước vào một tiệm phở, tôi thấy trên một bàn đã ăn xong có khoảng 10 cái tô chưa kịp dọn đi nhưng chỉ có hai tờ $1 nằm tênh hênh giữa ngổn ngang những đĩa rau ăn dở, giấy lau tay và muỗng đũa.

Có dịp trao đổi với bằng hữu, nghe được lời phiền trách là nhà hàng này, nhà hàng kia tịch thu tiền tip, nói là để chia đều cho mọi người sau mỗi tuần làm việc nên thực khách không muốn cho tip vì không biết thực hư ra sao? Dẫu thế nào, nếu $2 cho một bàn 10 người ăn phở là lời cảnh cáo về cung cách phục vụ kém thì theo tôi là… hơi nhiều. Kỳ dư, chắc không ai nỡ.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 12 tháng 7 năm 2017