Tính sổ

Bùi Bích Hà

Người chủ tiệm tính sổ mỗi buổi tối. Người nội trợ tính sổ mỗi cuối tháng. Người tình hay vợ chồng tính sổ khi chia tay. Công ty thương mại ngoài tính sổ với cổ đông, còn một tính sổ khó thực hiện nhất với lương tâm và công lý về doanh nghiệp thiếu minh bạch. Ðó là vài hình thức tính sổ phù hợp với những ai trong các hoàn cảnh đặc biệt nhưng hành vi tính sổ lúc chung cuộc đời người thì không có ngoại lệ trừ phi người ra đi quá bất ngờ nên chưa kịp chuẩn bị.

Vì vậy, ở tuổi nào thì nên nghĩ tới việc tính sổ đời mình? Hình như cho tới nay, chưa có một tài liệu thống kê nào đưa ra con số cụ thể cho thấy mẫu mực của việc này nếu không là những kinh nghiệm lẻ tẻ nghe được qua câu chuyện truyền miệng lúc trà dư tửu hậu giữa bạn bè.

Bản thân kẻ viết bài này tuy có dặn dò con cháu về cách xử sự khi cuộc hành trình trên mặt đất của mẹ chúng chấm dứt ở sân ga cuối nhưng vẫn chưa một lần nào nghĩ tới tính sổ đời mình, có lẽ vì mơ hồ biết rằng nếu có “lời” thì đã xài lai rai dọc đường rồi mà nợ thì nghe chừng khẳm, rất ngại ngùng phải đối diện.

Lý do khiến tôi mấy hôm nay băn khoăn việc này là vì buổi tối ngày Thứ Hai đầu tuần qua, tôi nhận được email của D. Uyển, vừa trách móc vừa nhắn một tin buồn: “Mi đi mô mà tau điện thoại không trả lời. con khỉ? Thiềm mất rồi.”

Bạn tôi chỉ nhắn đúng 3 chữ, chị biết 3 chữ là quá đủ để tôi rụng rời tứ chi, hồn vía lên mây. Ðịnh thần một lúc, tôi bấm điện thoại gọi Uyển: “Có biết vì sao Th. mất không?” Bên kia đầu dây, tiếng U. rời rạc, như thể cổ họng chị khô rang, cố lắm mới ráp được một câu: “Nghe nói Th. bị cái bướu trên đầu.” Tôi tưởng mình sụm xuống, tan chảy như cây nến nhỏ ai ném vào lửa, thoáng nhanh qua đầu mấy câu thơ khóc vợ của Hữu Loan được Phạm Duy phổ nhạc: “Em ơi, giây phút cuối không được nghe nhau nói, không được trông nhau một lần…”

Ngày xa xưa khi tâm hồn còn như quả bong bóng màu mới bơm căng hơi, như đóa hồng mới nở, như mây sớm trên đỉnh trời, đọc tới câu này, nghe hát mấy câu này, tôi xót xa hình dung nỗi đau của người trong cuộc mà thương cảm ngập lòng. Bây giờ khi chính mình là người trong cuộc, mới thực sự thấm ngấm nỗi bi ai. Tôi thấy tôi ăn ở tệ với bạn quá. Từ khi bạn dọn nhà, tôi không có điện thoại mới của bạn rồi vin vào đấy, tự nhủ: “Không tin tức là không sao!” Tôi để thời gian trôi qua hàng năm, hàng năm, hàng năm. Tự dối lòng hay lười biếng tưới nước một loài hoa mong manh.

Không tin tức là không sao. Ðâu có không sao! Bạn tôi bệnh, đau đớn rồi mất. Tôi không hay biết nên không một lời hỏi thăm, không một lần gặp mặt và cầm tay. Tôi đã dùng thời gian ấy vào việc gì? Ðã dành sự quan tâm ấy vào việc gì? Tôi đã để bạn tôi buồn lòng nghĩ rằng tôi không còn nhớ con dốc Phủ Cam chạy qua cửa nhà chị. Không còn nhớ tô bún bò An Cựu hai đứa đã ngồi ăn dưới dàn thiên lý ở sân trước nhà chị.

Không còn nhớ những lá thư hàng tuần chị ân cần nhờ tôi đem bỏ giùm chị ở bưu điện trung ương trên đường tôi về học, gửi cho một người ở đồi Tăng Nhơn Phú. Không còn nhớ đôi mắt bồ câu thật đẹp với riềm mi mát rượi của chị chớp chớp khi chị cười rúc rích sau tay áo, khoe khẽ với tôi chiều hôm qua chị được tiếp anh lần đầu tại phòng khách nhà chị và dưới mắt bố mẹ. Không, tôi không quên gì cả, càng không quên những ngày sau cùng anh chị và tôi hẹn gặp nhau giữa đường để cùng bay lên Michigan thăm gia đình Cỏ May. Tôi tới trễ. Từ xa, đã nhận ra vẻ bồn chồn, lo âu của chị bên anh và khi tôi đi rảo bước như chạy tới gần, cảm động thấy khuôn mặt phút trước bồn chồn lo âu ấy sáng lên vì vui mừng. Buổi tối ở nhà Cỏ May, ba đứa chụm lại trong phòng khách xem video ca nhạc Thúy Nga, vừa xem vừa chuyện trò râm ran. Vui thế nào mặc dầu, chị vẫn để mắt cái đồng hồ rồi rụt rè nói: “Tụi bay coi tiếp đi nghe, tau vô, sợ anh Th. không quen một mình.” Có hôm sau khi cả nhà đi bộ hóng gió về, ba đứa rúc vào phòng ngủ, nằm ngang trên chiếc giường rộng bằng gỗ quý, nhắc kỷ niệm thời đi học. Chỉ một chốc lại nghe cái điệp khúc quen thuộc của chị: “Tau vô nghe, sợ anh Th. không quen một mình.”

Vì địa dư rộng lớn của nước Mỹ, vì hoàn cảnh sinh tồn mỗi đứa khác nhau, dường như trong thâm tâm cả ba, chúng tôi đành chấp nhận vui với những gì đến trong tầm tay và cất kỹ những gì đã qua vào kỷ niệm. Lần tạm biệt sau cùng, chúng tôi tha thiết hẹn gặp lại nhau nhưng lời hẹn ấy như nước chảy qua cầu. Anh D. chồng Cỏ May bất ngờ qua đời. Thiềm bất ngờ qua đời. Không ai biết lúc nào gió vô tình hay hữu ý khép lại những chương sách đời dở dang. Liệu có bao giờ cơn gió ấy sẽ đưa tôi về với ngôi nhà ở con đường mùa Thu thành Troy để tôi còn được ôm bạn trong tay và khóc những người đã mất ? Ðể tôi lại được ngồi vào bàn, vào ghế như tất cả chúng ta từng ngồi với nhau trong căn bếp nhỏ, rất thật nhưng cũng rất hoang đường?

Kiểm điểm hay tính sổ? Ðể thấy ra chúng tôi nợ nần nhau nhiều quá. Chúng tôi nợ nhau những lời hẹn ước. Nợ nhau những chuyến đi. Nợ nhau những khao khát đợi chờ. Nợ nhau những ngày vui, những nỗi lòng trao đổi. Nợ nhau những mong ngóng không thành. Nợ nhau một lá thư lần lữa, một cú điện thoại cho những điều khó bày tỏ. Ôi, những món nợ chồng chất tháng năm không bao giờ thanh thỏa được nếu không bắt đầu.

Kinh nghiệm mất bạn vào một lúc không ai có thể ngờ khiến chúng tôi hốt hoảng đi tìm nhau trong khoảng không gian năm bảy dặm đường. Hai năm trước (nhanh như một cái chớp mắt) chị tươi mươi đi dự những buổi họp mặt ái hữu. Chị chỉ có vài sở thích: đi chùa, gặp gỡ bạn bè và đeo kim cương. Chị ít nói nên hay cười, tính nết hiền hậu. Bẵng một thời gian vắng bóng chị, hỏi thăm nhân dịp tang lễ Thiềm, được biết chị không đi đâu vì hai chân đau. Ðến nhà thăm, biết ra trí nhớ chị bị sa sút. Chị ngồi trên ghế, walker bên cạnh, khay thuốc trên bàn, đôi mắt trống vắng. Ðừng làm khó chị mà hãy xưng tên rồi hỏi chị có nhớ không thì chị sẽ gật đầu. Chuyện trò một lúc, chị cất tiếng, thong thả, nhỏ nhẹ: “Nãy giờ nghe các bạn nói nhưng không nhớ các bạn nói chi hết.” Vậy là chị biết bệnh của mình nhưng chị không tỏ vẻ buồn giận mà nét mặt yên ả. Lúc bạn bè từ giã, chị theo ra cửa. Chúng tôi vẫy tay, chị cũng giơ tay vẫy trả và vẫy mãi.

Anh là bạn đồng nghiệp với tôi ở trung học NT/Saigon. Thời đó, anh là giáo sư dạy toán trẻ nhất và được học trò các trường công tư quý mến. Ngoài chuyên môn, anh hoạt bát, khẩu khiếu lưu loát và có óc hài hước. Trong đám đông, anh nổi trội, thu hút.

Di tản qua Mỹ biến cố 30 Tháng Tư 1975, anh không đi dạy nữa mà làm việc hành chánh. Chị đẹp, tươi tắn và trẻ hơn anh nhiều. Chị đặc biệt có giọng nói pha chút nũng nịu rất dễ gây thiện cảm. Chị cũng thích thể thao nên đi gym mỗi ngày. Một buổi chiều như mọi buổi chiều khác, chị đang tập bỗng bị một cơn nhức đầu rồi chị êm ái ra đi vì một mạch máu có chỗ bị mỏng (aneurism.) Mất chị hoàn toàn bất ngờ như thế nhưng anh vẫn gượng cười, nói đùa với bạn bè: “Bây giờ tôi không phải giấu thuốc lá nữa!” Tuy vậy, từ đấy sức khỏe của anh hao hụt dần rồi tới một lúc anh đi lại phải dùng walker. Những năm sau này, anh không đến với cuộc họp mặt ái hữu thường niên của trường NT nữa vì không tiện di chuyển. Ngày xưa, thầy đến với lớp, vỡ đất, gieo hạt. Giờ đây, các học trò cũ đem lớp đến với thầy, hoa trái tốt tươi. Thời gian đã làm việc thật sự có ý nghĩa cho cả thầy lẫn trò. Họ đã thay nhau giữ quả bóng kiến thức và tình người ở vị trí đẹp nhất của nó trên sân chơi của nhà trường và cuộc đời.

Cuộc họp mặt lần đầu, lần thứ hai với anh, cách nhau khoảng một năm, chỉ quy tụ trên dưới chừng mười người vừa thầy, cô vừa trò, xúm xít quanh cái bàn ăn rộng lỉnh kỉnh thức ăn mỗi người góp một món. Vậy nhưng tiếng nói, tiếng cười vẫn rộn rã bay lên và buổi trưa qua rất nhanh trong ngôi nhà ban ngày thường vắng vẻ vì người lớn đi làm, trẻ con đi học. Năm nay, đáp lời kêu gọi của nhóm tổ chức, con số 10 nhân lên gấp ba, gồm thêm nhiều thầy cô giáo cũ có lẽ cũng băn khoăn “tính sổ” như tôi.

Chỉ vài ngày nữa là đến hẹn. Tôi hình dung ra khu vườn nhà anh mùa Hè lung linh nắng, khói lò nướng như mây xuống lưng chừng không gian, giăng mắc trong những khóm lá xanh và 30 người từ một quá khứ đã ít nhiều tàn phai có dịp quay lại đốt trầm hương cũ, nhớ một thời đã qua và sẽ là như thế mãi mãi trong tâm tưởng của nhau. Anh sẽ vui lắm, sẽ không cay đắng và chua chát dẫu sau cùng, chỉ còn anh đối bóng mình trong hoàng hôn tịch mịch giữa khu vườn này mà anh sẽ lây niềm tự hào với câu nói của tướng MacArthur: “Các cựu chiến binh không bao giờ chết, họ chỉ tan hàng thôi!” Trên mặt trận văn hóa, lực lượng giáo chức là những chiến binh phục vụ đất nước và dân tộc bằng những cống hiến bền bỉ của họ. Mở mang bờ cõi hay mở mang trí tuệ, người chiến sĩ ở cả hai phòng tuyến để lại dấu ấn của họ dài hơn một chu kỳ sinh diệt của nhân gian và sẽ không đi vào quên lãng.

Chao ôi, “tính sổ” cũng cần nhiều thời gian mà bây giờ tôi mới chỉ bắt đầu, đành cố gắng thôi!