Câu trả lời

Bùi Bích Hà

Một người bạn gởi cho cái link để xem bộ phim 54 tập kể câu chuyện cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni, từ lúc lọt lòng mẹ cho tới lúc Ngài nhập đại niết bàn năm 80 tuổi, giữa cảnh trí thiên nhiên cỏ cây hoa lá tuyệt đẹp của khu rừng từng ghi dấu chân ngài cùng các môn đệ trong nhiều chuyến đi hoằng dương đạo pháp và giờ đây, do thiện duyên, cũng là điểm hẹn cuối cùng tiễn ngài về cực lạc quốc.

Cuốn phim dài 54 tập sẽ lấy rất nhiều thời gian trong thời khóa biểu quá bận rộn của tôi nhưng ở quãng đời này, tôi có ưu tiên cho câu trả lời vốn chờ mong với muôn vàn khắc khoải, biết đâu tôi sẽ tìm được nó dưới chân đức Phật?

Trải qua 2,500 năm, hẳn nhiên câu chuyện và cả sự nghiệp giáo huấn của đức Phật sẽ có ít nhiều thêm hay bớt, điều mà trí tuệ siêu việt của ngài đã lường trước lúc bấy giờ và cho mai sau, nên đã mở lời dặn dò thính chúng đến nghe ngài giảng pháp, rằng: “Ðừng vội tin những gì nghe được, kể cả lời ta nói. Hãy dùng trí huệ riêng, sự tỉnh thức nơi chính mình mà sàng lọc, đắn đo, cân nhắc để tìm kiếm chân lý.” Khoảng 600 năm trước công nguyên, tri thức của loài người còn rất thô sơ. Thời điểm ấy ở Ấn Ðộ, giáo pháp Bà La Môn khuynh loát cả triều đình, hướng dẫn đường lối cai trị của nhà vua và tín ngưỡng của người dân. Ðối ngoại, Bà La Môn cổ võ chiến công của giai cấp Sát Ðế Lỵ, chuẩn bị họ cho những cuộc trường chinh chiếm đất của lân bang để mở mang bờ cõi. Ðối nội, họ bày ra nghi lễ cúng bái rườm rà, hiến tế súc vật cho thần thánh để đổi lấy thịnh vượng và an lạc. Là thái tử kế thừa ngai vàng của vua cha Tịnh Phạn Vương nước Ca Tì La Vệ, văn võ song toàn khi chưa qua tuổi 20, Tất Ðạt Ða kiên quyết chống lại mọi hình thái hủ tục, xâm hại sinh mệnh của muôn loài để mưu cầu lợi lạc cho kẻ nắm quyền. Chống nhưng không rơi vào bế tắc. Thái tử có giải pháp cho những vấn đề “bất ổn” dưới mắt mình. Thái tử minh chứng được chiến tranh cân não, bằng chiến thuật/chiến lược, bằng ngoại giao/thương thuyết, cũng đạt kết quả không kém mà bớt hao tổn sinh linh ngoài trận địa. Về pháp tu của Bà La Môn, sau này khi đã thành Phật, trên con đường hành đạo, để giải thích tín ngưỡng không bao giờ là sự cầu tìm ở thần lực vô hình, ngài đưa ra một ví dụ thật giản dị, dễ hiểu và thuyết phục. Ngài hỏi một vị Bà La Môn muốn tranh biện với ngài ở ven sông: “Có một người nọ muốn sang bờ bên kia, anh ta phải làm sao?” “Sông cạn thì lội, sông sâu thì bơi hay chèo thuyền.” “Nếu anh ta không muốn cả ba cách này mà chỉ cúng lễ, hiến tế súc vật để cầu xin thần thánh ban ơn, bờ sông bên kia có ở ngay dưới chân anh ta không?” Phật không tranh biện hơn thua, ngài nói chậm rãi, giọng từ tốn, sắc diện an nhiên và khiêm cung. Ðể dẫn giải. Ðể lay thức tri giác người nghe. Nghe được hay không còn tùy phước phận và duyên nghiệp của họ. Ngài chỉ làm công việc gieo hạt xuống đất, phần còn lại sẽ tùy nghiệp lực của người đó mà hạt bám rễ, phát sinh hay theo gió bay đi… Một ngày Ðông giá lạnh khác, trong khi thiền hành, ngài thấy một người không mặc áo, lặn hụp hàng trăm lần dưới hồ, mình mẩy rét run lật bật, bèn lên tiếng hỏi vọng xuống: “Ông làm gì vậy? Có biết là trời lạnh thế này mà ông dầm mình lâu thế sẽ có thể bị bệnh không?” Người kia trả lời: “Tôi vừa làm một việc sai quấy, tục truyền rằng đây là cách gội rửa hết tội lỗi.” Phật cười bao dung: “Ông nói vậy, có nghĩ là bao nhiêu ếch nhái lặn hụp trong hồ thảy đều thánh khiết hết không?” Người kia ngẩn ra một giây rồi tất tả chạy lên bờ để được Phật lấy tấm y trong bọc ra, khoác lên người ông, căn dặn: “Ðừng để mình bị bất cứ gì trói buộc khiến vì sợ hãi mà mất tư duy tự do.”

Lọt lòng mẹ giữa một đêm trăng tròn trong vườn Lâm Tỳ Ni, thoát khỏi âm mưu sát hại sớm sủa của thúc phụ Hộc Giác Vương muốn giành ngôi cho con trai mình, hài nhi cả triều đình mong đợi, đứa con cầu tự hiếm hoi của tộc Thích Ca, là một thái tử dung quang khôi vĩ, được tiên A Tư Ðà khen có 32 quý tướng, sẽ trở thành một đại chuyển luân thánh vương tài năng xuất chúng hay một bậc giác ngộ uy danh lẫy lừng thiên hạ. Tuy nhiên, tiên A Tư Ðà lại quả quyết rằng dù vua cha Tịnh Phạn không muốn và sẽ tìm đủ mọi cách ngăn chặn, sau cùng, thái tử nhất định sẽ xuất gia tu hành và sống đời khó nghèo khổ hạnh.

Ngay từ bé, Thái Tử Tất Ðạt Ða đã tỏ lộ nhiều thiên khiếu nổi trội và tấm lòng từ bi vô hạn. Một mặt lớn lên trong hoàng cung xa hoa nhung lụa, một mặt bị cách ly hoàn toàn với đời thường bên ngoài, thậm chí không được nghe kể hay nhìn thấy sự chết chóc, ốm đau, già nua của loài người xung quanh, ngay cả không được cho biết mẹ ruột của thái tử là Hoàng Hậu Maya đã qua đời chỉ bảy ngày sau khi hạ sinh thái tử và người mẹ dưỡng nuôi thái tử chỉ là hoàng hậu em gái của mẹ. Thuở nhỏ, thái tử không thích phải đeo nhiều trang sức vì chơi đùa không thoải mái nhưng tận tình vỗ về, chăm sóc một con chim bị thương, cứu sống nó. Tuổi dậy thì, được phụ vương khuyến khích đến chơi hoa viện, mong tửu sắc sẽ khiến thái tử đam mê nhưng thái tử mắt như lòng, trong trẻo, không gợn chút ham muốn. Dẫu thế nào, dòng sông vẫn ngày qua ngày trôi chảy và triều đình sắp đặt hôn lễ cho thái tử với Công Chúa Da Du Ðà La, con gái vua nước láng giềng. Cả hai là một đôi uyên ương hoàn hảo, yêu thương, tôn kính, hòa hợp, chia sẻ. Ðến đây, bầu trời đang quang đãng trong tâm hồn thái tử bắt đầu có những áng mây mờ, bên trong khởi đi từ ganh ghét, tỵ hiềm do thèm muốn danh lợi giữa thân thích trong hoàng gia, không qua được tầm nhận thức sáng suốt của thái tử dù người lớn tưởng đã che giấu kỹ; bên ngoài, thái tử chứng kiến nhiều cảnh khổ của dân chúng mà đức vua cố công tìm cách bôi xóa trong mắt thái tử để thái tử không sinh lòng buồn bã. Nhát chém cuối cùng vào trái tim từ ái của thái tử là quang cảnh một chiến trường với nhiều binh sĩ đã hy sinh hay bị thương đang rên la khắp nơi khi thái tử vừa trở về từ cuộc du thuyết gian khổ để tìm kiếm hòa bình, mong tránh cảnh máu đổ thịt rơi với lân bang.

Ðêm không ngủ, ngày biếng ăn, thái tử âu sầu, ray rứt niềm đau. Công Chúa Da Du Ðà La tuyệt đối thấu hiểu và cảm thương chồng. Bên cạnh tình riêng nồng đượm, công chúa không đành lòng nhìn thái tử mòn mỏi từng giây, từng phút vì những câu hỏi không có câu trả lời để biết cách nào khiến cho nhân loại bớt trầm luân? Mắt nàng đầy lệ, lòng nàng bão táp phong ba, giấc ngủ của nàng chập chùng lo sợ vì thái tử rời chăn êm, nệm ấm, ra vườn tâm sự với trăng sao, cỏ cây, muông thú, với con ngựa quý sẽ có một ngày đưa thái tử vào cuộc hành trình đi tìm câu trả lời cho những băn khoăn của thái tử về kiếp người? Họ đã có với nhau một hoàng nam khôi ngô tuấn tú. Thái tử đã bối rối, xót xa, nhìn vợ đau đớn lúc lâm bồn qua song cửa sổ hẹp. Thái tử đã vui sướng ôm con trong tay, nhìn ngắm phần máu thịt của chính mình và hôn lên trán con như mọi ông cha bình thường trên thế gian. Thế nhưng, phải chăng định mệnh đã an bài cách khác và con người không thể nào cãi được số phận nên khi thái tử quyết định rời cung vàng điện ngọc, công chúa chỉ còn biết khẩn khoản xin chồng nếu có đi, hãy đi giữa đêm khuya để công chúa không nhìn thấy biệt ly. Nàng nói vậy để thái tử yên tâm bên vợ con lần cuối trong căn phòng lờ mờ lửa nến rồi quay đi, bỏ lại đôi hài gấm trên ngưỡng cửa như một lời chào xé nát tim gan người vợ trẻ bỗng nhiên trở thành góa bụa. Nàng chỉ giả vờ nhắm mắt, lắng nghe trong thinh lặng tiếng chân thái tử ngập ngừng xê dịch, tiếng cửa nhẹ nhàng khép lại. Biết thái tử đã rời đi, công chúa bật dậy, nấp sau rèm, đau đớn dõi mắt theo chồng trên lưng con bạch mã chậm rãi tan dần trong ánh trăng im, cả người nàng đổ xuống như một thân cây bị cuồng phong đốn ngã.

Bạch Phật, 2,500 năm sau, con vẫn mãi ghi ơn công đức khai sáng của ngài, mở mắt, mở lòng cho con nhận biết:

-Chánh pháp, chánh niệm khởi sinh từ khả năng kiểm soát bản thân, bắt đầu bằng kiểm soát hơi thở, còn gọi là thiền định, con đường đã đưa ngài tới ngôi vị của bậc đại chánh giác, ra khỏi vòng đọa đày của thất tình lục dục.

-Tri thức là của riêng mỗi người, tự do, vô úy, là ngọn đèn sẵn có trong tâm cần được thắp lên để soi rọi chính mình và phá vỡ vô minh. Ðừng cầu tìm giải thoát ở đâu xa.

-Cuộc đời là vô thường, còn mất như nhau, chỉ là con u mê không chấp nhận chúng biến hóa và khổ đau vì vọng tưởng chi phối con trong tự ngã. Con phải biết buông bỏ, như dòng sông mỗi ngày chảy qua những bờ bến mới theo tính năng của nó, trải hàng vạn, hàng trăm, hàng tỷ năm, ra biển, thành mây, thành mưa rồi lại trở về sông. Cũng tương tự vậy, loài người không có cháu sao có ông bà? Không có chắt sao có ông bà cố? Cứ thế mà luân lưu, xoay chuyển. Chân lý tối thượng đằng sau sự bí ẩn của sinh mệnh là thông hiểu vòng quay luân hồi trong tạo vật để biết an trú trong hiện tại và sống đẹp nhất như bông hoa lúc mãn khai.

Thời gian 2,500 năm trước, giờ khắc sắp nhập đại niết bàn, Phật vẫn ân cần hỏi các tỳ kheo theo ngài, ai còn thắc mắc hay ngờ vực gì về con đường đạo do ngài dẫn dắt, hãy hỏi đi. Không có ai hỏi. Con tiếc là 2,500 năm trước, hoặc con chưa có thân phận làm người hoặc cũng có thể con ở đó nhưng chưa kịp hỏi, nay con xin được hỏi. Con tin rằng hạt cát phật tính trong con thừa hưởng từ đại công đức của đấng thế tôn, sẽ cho con tiếp nhận được câu trả lời của ngài.

Khi có người hỏi Xà Nặc, người hầu cận thân tín được ngài giao trọng trách săn sóc hoàng hậu và tiểu thái tử sau khi ngài ra đi tầm đạo, sao không quy y làm tỳ kheo của ngài, Xà Nặc trả lời: “Tôi không thể xa rời bổn phận đã nhận lãnh” thì ngài chỉ tay vào anh ấy, thốt lên câu “Ðây là vị tỳ kheo vĩ đại.” Từ việc này, con hiểu con đường xuất gia không phải là con đường giải thoát khổ đau và luân hồi duy nhất sau khi một mình ngài đã đi và đạt tới mầu nhiệm cao nhất để giác ngộ chúng sinh trong bối cảnh xã hội đầy rẫy bất công và khổ đau thời của ngài. Thứ nhất tu tại gia, nếu ai đó giờ đây đã tu tập để đạt được khả năng kiểm soát trọn vẹn thân/tâm/ý, làm chủ cảm xúc bản thân nhờ ân hưởng công sức tu tập ngài chỉ ra thì sống buông xả giữa đời như bông hoa mãn khai dâng hương cho thập phương, có khác với xuất gia, dứt bỏ thâm tình cha mẹ, vợ hiền, con thơ và cả con vật trung thành vì thương nhớ chủ mà buồn đau cho đến chết, hay không? Ðịnh tâm buông xả ngay giữa ngổn ngang dục lạc như ly nước đục được làm cho lắng trong, để hạt cát phật tánh trong đáy ly được tỏa rạng mỗi sát na hiện hữu, như Xà Nặc nhìn thấu hạnh phúc đích thực của anh ấy và không động tâm vì cái bóng hạnh phúc kêu đòi ở một ngoại cảnh nhiều hứa hẹn khác. Hay, sau lưng ngài, Công Chúa Da Du Ðà La dù không có 32 quý tướng cũng như phẩm hạnh qua vô lượng kiếp tu của ngài, đã vì tình yêu không chút vị kỷ, tự nguyện ăn chay nằm đất giữa cung điện phù hoa, đóng góp phần khổ hạnh của nàng để giúp ngài thực hiện quyết tâm và đi tới đích, một mình lãnh nhận trách nhiệm thay ngài phụng dưỡng cha mẹ già và giáo dưỡng con thơ, vượt qua hết mọi chê bai thị phi, mọi gièm pha biếm nhẽ, giác ngộ trước cả những thành tựu vĩ đại của ngài, làm cho phần đất nơi nàng hiện hữu trở nên đáng sống hơn, những chuẩn mực bồ tát ấy có đủ để công chúa được xem là bậc chánh giác không?

Bản thể cuộc sống buồn vui lẫn lộn. Ôm hết thì nặng quá, qua sông đắm đò. Bỏ hết thì phụ rẫy công trình tạo tác của Thượng Ðế. Vậy, bạch Phật, ứng xử khôn ngoan phải chăng là biết chọn lựa, như lời Phật nhắn nhủ: mỗi buổi sáng mở mắt ra cùng mặt trời, tự hát lên trong lòng những giai điệu du dương chào đón một ngày mới, dẫu thế nào cũng không là bi kịch trong tỉnh thức và cõi lòng an tịnh.