Chùm hoa ti gôn

Bùi Bích Hà

Một người ở điện thoại vùng 626 gửi cho tôi tin nhắn có mấy tấm hình chụp những chùm hoa ti gôn sum suê màu hồng thẫm rất đẹp. Tôi vừa thích thú ngắm hoa, vừa ngạc nhiên tự hỏi thầm: “Ai vậy nhỉ?”

Mãi đến cái tin nhắn thứ tư, tôi mới đọc được vài dòng thăm hỏi thân tình của con gái một người bạn chí thiết hiện định cư ở San Diego, như sau: “Cháu là con của mẹ Vân. Mẹ cháu bảo gửi cho cô xem hình mấy bụi ti gôn mẹ cháu trồng trong vườn nhà để cô nhớ lại ngày xưa. Lâu lắm cháu không gặp cô nhưng biết cô vẫn khỏe…”

Không có hoa ti gôn, tôi vẫn chưa bao giờ quên mẹ của cô bé và cả cô nữa vì cô là hình ảnh đúc khuôn của bà, có khác chăng là khi mẹ cô và tôi “đàn đúm” với nhau loanh quanh ở khu Ðò Cồn thì có lẽ chúng tôi chỉ ở tuổi con gái của cô bây giờ thôi, nghĩa là rất trẻ, trẻ lắm.

Nhà chúng tôi gần nhau. Ðứng ở cổng vào nhà Vân thấy rõ mồn một cổng vào nhà tôi. Chúng tôi chỉ bắt đầu thân thiết với nhau sau khi cả hai đứa cùng thi đậu kỳ thi nhập học lớp Ðệ Thất trường nữ trung học Ðồng Khánh. Tuy nhiên, vì được xếp lớp khác nhau, tôi ở Ðệ Thất B1 và Vân ở B3 nên chúng tôi lại có những bạn cùng lớp riêng.

Ở trường, vào giờ chơi, chúng tôi ra chơi ở những khoảng sân khác nhau. Không biết Vân có để ý gì đến tôi những lúc ấy không nhưng tôi thường thấy Vân đi lại trong sân, chuyện trò với Cầm và Giảng, hai cô bạn họp với Vân thành một bộ ba không rời suốt những năm trung học Ðệ Nhất cấp cho đến hết lớp Ðệ Tứ. Ở tuổi mới lớn, cả ba như những bông hoa hàm tiếu đầy hương sắc, mỗi cô một vẻ.

Vân có khuôn mặt phúc hậu, đôi lông mày đậm ôm kín khuôn mắt với ánh nhìn hiền hòa, đôi môi đầy đặn, hơi cong, như cánh một đóa hồng chớm nở. Ðặc biệt Vân có đôi tai rất đẹp, thành quách tròn trịa, rất cân xứng với toàn bộ dung mạo sáng như trăng của cô. Bên cạnh Vân, Giảng có khuôn mặt vuông, làn da bánh mật, hai mắt to màu hạt dẻ và nụ cười rộng. Cầm ở giữa, là gạch nối dịu dàng với khuôn mặt thon, đôi mắt bồ câu tươi tắn, da trắng mịn, chiếc cằm hơi đưa ra khiến khi nói hay cười, đôi môi cô có một chút nũng nịu tự nhiên đầy nữ tính.

Cả bốn chúng tôi nhà ở bên tả ngạn sông Hương, cách trường từ 5 tới 7 cây số, tôi ở gần Vân nhưng xa nhất. Vân đi và về học với Cầm, Giảng qua Gia Hội, rẽ vào đường Trung Bộ, chỉ còn chừng nửa cây số mới một mình qua Ngự Viên hay Ao Hồ là về tới nhà. Trái lại, tôi từ biệt các bạn đồng hành rất sớm, ngay từ bên này đầu phố Trần Hưng Ðạo, một mình đi quãng đường còn lại theo lộ trình tùy thích: Gia Long với phố phường đông vui, tấp nập hay Hàng Ðường men theo bên này nhánh sông êm ả xuôi về Bao Vinh với hàng thuyền neo bến, bên kia sông là Hàng Bè với những khóm nứa san sát ngâm mình dưới nước, ngọn vươn lên trời.

Cũng có hôm nhớ ngôi nhà cũ tuổi thơ, tôi chọn đi con đường Gia Hội, qua ngôi chùa nhỏ cheo leo ở mom sông, thẳng xuống Ngự Viên hay Ðò Cồn-Ao Hồ. Những chiều vui chân, tôi mải miết xuống tới ngõ Trường Trạch để về nhà vì nhớ mấy cây mít trĩu quả, mấy cây khế hoa tím li ti trong vườn những ngôi nhà dọc hai bên con ngõ chật, nhớ cái am lên đồng có cây bàng rơi những trái chín vàng nằm khêu gợi trong vũng nước mưa.

Chỉ những ngày nghỉ cuối tuần không đi học, Vân mới chạy đi tìm tôi, có lẽ chạnh lòng vì biết tôi cô đơn trong khu vườn rộng nên muốn rủ tôi sang bên nhà Vân lúc nào cũng đông vui tiếng nói cười của cả một gia đình con đông mà bố mẹ còn trẻ.

Bố Vân trong quân đội, xuề xòa, dễ tính. Mẹ Vân ở nhà nội trợ, trông nom con cái, hầu như chưa bao giờ tôi thấy bà vắng nụ cười. Bố mẹ Vân xưng hô anh em với nhau, khiến tôi ngạc nhiên khi nghe lần đầu nên tôi hỏi Vân: “Sao bố mẹ Vân là vợ chồng mà lại gọi nhau là anh em?” Vân trố mắt nhìn tôi nhưng không biết trả lời sao, chỉ òa ra cười trừ: “Mình không biết, thấy hai ông bà vẫn thế mà!”

Vân là con gái thứ hai trong năm chị em gái (có hai em sinh đôi) và hai em trai, người nào cũng đẹp. Chị Thuyết lớn nhất lấy chồng xa, thỉnh thoảng mang con về thăm gia đình. Nếu khuôn mặt Vân là trăng mười bốn hay rằm thì chị Thuyết là trăng mười sáu, làn da trắng tươi, hồng mịn, tôi thường mê mải ngắm chị ngồi bế con ở sân trước nhà Vân những buổi chiều Hè nồng nực, tiếng ve sầu kêu ran khắp bốn xung quanh. Mẹ Vân thương tôi như con, hôm nào nhà nấu món gì ngon, bà hay bảo Vân chạy sang gọi tôi, xếp cho tôi ngồi vào giữa cái phản rộng với cả nhà cùng quây quần quanh cái mâm đồng thật lớn.

Vườn nhà tôi có nhiều cây ăn quả nhưng có lẽ Vân thích nhất cây roi ở bên trái mặt tiền ngôi nhà. Roi rất ngon, giòn, thơm và ngọt. Cây đã thấp, lại có cái chạc ba, chỉ cần tay níu cành, co một chân đu người lên là đứng ngay vào vị trí đắc địa này, tha hồ tung hoành. Có lẽ Vân cũng thích cả cây vú sữa nếp ngay cạnh giếng nước vì đến bây giờ, Vân vẫn còn nhắc những quả vú sữa màu xanh cốm non, bóng mượt như lụa.

Trái lại, vườn trước nhà Vân chỉ có một cây trần bì thôi nhưng tuyệt vời. Những chùm trần bì vàng hươm, vỏ mỏng, mọng nước, bứt từng trái nhỏ bỏ vào miệng, nhè ra mấy cái hột xanh và nghe mùi thơm tỏa lan đến tận óc. Những đêm trăng sáng, ở cái góc sân này, vài khi đôi song ca Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết về chơi, cùng đàn ca rộn ràng, náo nhiệt.

Ôi, những ngày xưa thân ái của một thời trẻ dại hồn nhiên ấy bây giờ chỉ còn là kỷ niệm ngủ vùi trong ký ức chập chùng sương phủ. Bao nhiêu nước đã chảy dưới chân cầu. Bao nhiêu tháng năm đã rụng rơi vào hư vô theo những tờ lịch mỏng. Bao nhiêu tóc trên đầu cả hai đã bạc. Thế mà hôm nay Vân vẫn còn dặn con gửi cho tôi tấm hình chụp hoa ti gôn Vân trồng ở vườn nhà, bảo tôi nhớ lại những ngày xưa ấy. Những ngày đứng ở cổng nhà Vân nhìn sang cổng nhà tôi là thấy hoa ti gôn hồng ôm kín ngõ.

Ðây không phải là lần đầu Vân làm tôi khóc vì tình bạn thâm sâu, cao quý của Vân. Lần đầu là khi chúng tôi gặp lại nhau ở đây, sau 40 năm bặt tin vì mỗi đứa như con thuyền trôi theo những nhánh sông riêng.

Sau trung học, tôi tiếp tục học lên vì không biết làm gì khác. Có lẽ do bản tính mẫn cảm và nhân hậu, Vân chọn theo ngành điều dưỡng. Về sau, có lúc tôi tự hỏi hay là Vân linh cảm trước rồi sẽ phải làm công việc này từ trong nhà ra tới xã hội? Ở cái thành phố Huế nhỏ xíu, mọi người đều quen biết nhau. Gia đình bên chồng Vân là chỗ thâm giao với gia đình tôi.

Chồng Vân là bạn học của anh ruột tôi. Chuyện trăm năm của Vân do gia đình hai bên sắp đặt và Vân có hôn nhân hạnh phúc bên chồng với một đàn con hiếu thảo. Cũng như anh em chúng tôi có nhiều hơn một bà mẹ, ngoài bà mẹ sinh, chồng Vân cũng có bà mẹ già. Vân săn sóc, phụng dưỡng các cụ tươm tất, chu đáo, xong mẹ này tới mẹ kia, cho đến giây phút cuối cùng của hai cụ.

Nay trong tuổi già của đôi lứa, Vân tiếp tục là người điều dưỡng đặc biệt cho “nửa kia” của mình. Cũng như mẹ Vân ngày xưa, Vân hay cười mặc dầu quãng đời Vân đang sống không phải là quãng đời thần tiên khi tất cả chúng tôi còn là những thiên thần nhỏ của gia đình và cha mẹ chúng tôi không có những nỗi lo âu của chúng tôi bây giờ nơi xứ người.

Món quà bất ngờ Vân cho tôi ngày tái ngộ là hai tấm hình, một hai đứa chụp chung, một tôi riêng. Áo trắng học trò. Tóc kẹp ngang vai. Tôi chắc chính Vân đã vì tình bạn, thu xếp buổi chụp hình này nên xong rồi là tôi quên, không nhớ nữa. Vậy mà Vân đã cất giữ chúng, đã mang chúng theo với Vân trong mọi cảnh đời, cả trong cuộc di tản kinh hoàng ngày 30 Tháng Tư, 1975, như một kỷ vật không rời.

Thời xa xưa ấy, nữ học sinh Ðệ Nhất cấp chúng tôi lớn lên ở thành phố Huế cổ kính không đứa nào biết trang điểm. Có lẽ Vân đã một mình dành dụm rồi khi đủ tiền thì hẹn tôi (cả Cầm và Giảng nữa chăng?) một buổi chiều nào đó trên đường về học, cùng ghé lại tiệm chụp hình La Cảnh Lưu ở cuối đường Trần Hưng Ðạo, ngay khúc quanh vào đường Gia Long, để có những tấm hình nay trở thành quá đỗi lạ thường với tôi.

Tôi để những tấm hình ấy trên bàn đêm đầu giường, những tấm hình ngỡ là im lặng, không có tiếng nói nhưng không phải thế. Những tấm hình chỉ có hai đứa chúng tôi “ngây ngô như đá cuội” nhưng không phải thế. Tôi nghe từ chúng âm vang những tiếng lặng dội vào bốn bức tường quá khứ xa xôi.

Tiếng những đêm mưa dai dẳng, buồn thê thiết trên khu vườn rét mướt. Tiếng những đêm trăng nồng nàn mùi hoa bưởi ru giấc ngủ tuổi thơ tôi. Tiếng chị hàng chè bán rong qua cổng lúc chập tối, áo vá vai, quang gánh nhỏ, lửng lơ mấy hạt đậu ván trong cái âu nước đường trong veo.

Và, xót xa ơi, tiếng những mái đầu tóc rậm như rừng chúi vào nhau cười nói râm ran giữa sân trường. Và, nhớ thương ơi, tiếng của cha, của mẹ. Của lời gọi tan vào hoàng hôn khói lam quặn trên nóc bếp khi chén cơm chiều chờ tôi trong bàn tay lam lũ của mẹ. Là những tiếng xưa vô tận phả vào mấy tấm hình bạn tôi đã giữ cho tôi như một sống sót kỳ diệu qua bao nhiêu cuồng phong bão tố của cuộc đời. Là “cung đàn ngân buồn xa vắng trong tiếng thầm” như Văn Cao đã viết trong bài hát “Cung Ðàn Xưa.”

Tôi nhìn thấy từ mấy tấm hình cả cái nơi chôn nhau cắt rốn không ngớt đeo bám tôi từ ngày cất bước ra đi vào cuộc đời riêng. Cũng như mẹ tôi ngày nào, đâu biết một lần đi là mãi mãi chia ly, mãi mãi chỉ còn “ngàn lau thấp thoáng bóng kinh kỳ sầu bao la…”

Bạn ơi, tất cả chữ nghĩa mình có, không thể nào đủ để tạ ơn bạn, để ngợi ca bàn tay miệt mài vun xới hạnh phúc trong vườn đời của bạn. Bụi hoa ti gôn bạn trồng cách nào trong thổ ngơi xa lạ này, chăm bón cách nào trong thời khóa biểu nhiều lo toan và bận rộn của bạn hiện nay, cặm cụi hà hơi cách nào cho nó tốt tươi để chia sớt cho nhau niềm vui.

Ôi, có phải đây chính là “của tin còn một chút này” giữa ngổn ngang những gì đã mất, là bài thơ đẹp nhất gửi cho quê hương và tình bằng hữu bền vững hơn định mệnh ngắn ngủi của kiếp người?

Cảnh sát Virginia bắn chết một ông cầm dao, rìu đi giữa phố