Tuesday, March 19, 2024

Đất nước tôi như thế đấy!

Huy Phương

Trong sự giao tiếp giữa người và người, sự khác biệt về bề ngoài thường không làm ta mấy khó chịu bằng sự khác biệt về lối sống, tức là văn hóa. Đứng gần một cô gái Ả Rập trùm kín từ đầu đến chân, chắc không khó chịu khi thấy bên cạnh ta một người Tàu vừa khạc nhổ vừa nói cười lớn tiếng như chỗ không người.

Trên trang Danlambao, tác giả Trần Văn Giang vừa dịch một bài báo từ blog của Blossom O’Bradovich, gọi là “Sáu điều kỳ quặc” (quirkly) ở Việt Nam, của một nữ y tá người Mỹ gốc Anh đã du lịch kiểu “Tây Ba Lô” đến đây.

Sáu chuyện đó là: xe cộ bóp còi liên tục; không biết tôn trọng thời gian; thức ăn, thức uống quái đản; không tôn trọng đời tư của người khác; khói thuốc lá; nhìn chằm chằm vào người khác.

Những điều cô viết, không làm chúng tôi ngạc nhiên nhiều, vì từ nơi đó chúng tôi đã sinh ra và lớn lên, lâu ngày tất cả đều trở thành quen thuộc. Nhưng ngày nay ra nước ngoài, người lâu nhất đã bốn, năm mươi năm, kẻ mới cũng năm bảy năm, nghe lại câu chuyện quê nhà, không khỏi mang tâm trạng buồn vui.

Những gì ngày xưa chúng tôi xem đó là chuyện bình thường, thì ngày nay, đối với những người đến từ các quốc gia khác là những điều khác lạ, gây ra những ấn tượng xấu, nói ra, đôi khi làm phật lòng chúng tôi, là những người Việt Nam đang sống xa quê nhà chăng?

O’Bradovich cho rằng, không cần biết kinh nghiệm của du khách sẽ cho những điều xảy ra ở đây là tốt hay xấu; một điều chắc chắn là ở Việt Nam, người ta sẽ không bao giờ cảm thấy buồn chán (bored), như vậy phải chăng tất cả đều mới mẻ, lạ lùng và gây ấn tượng để đời. Quả thật những hoạt cảnh đó, lúc nào cũng vui mắt, nếu không nói phải trố mắt ra nhìn. Nếu vậy thì Việt Nam là nơi đáng để cho cô đi du lịch.

Trước hết, du khách đến Việt Nam lấy làm khó chịu vì chuyện xe cộ vô cớ bóp còi inh ỏi. Đây không phải là chuyện lạ với chúng tôi. Tiếc là O’Bradovich không đến Việt Nam sớm hơn vài chục năm, để thưởng thức món “loa phường” và “nẹt ống bô.” Mặt khác, dù thời gian có thay đổi và ở đâu thì mùi mỡ, mùi xăng dầu, và hầu hết là mùi khai của “văn hóa đái đường” làm chúng tôi đôi khi bất chợt lầm tưởng đó là mùi vị của quê hương.

Đêm đầu tiên xa nhà đến Mỹ là một đêm khó ngủ, sự yên tĩnh làm tôi thao thức nhớ Sài Gòn. Sài Gòn náo nhiệt với muôn nghìn tiếng động ồn ào, nhẹ nhàng lanh lảnh như tiếng rao hàng, ồn ào như tiếng còi xe giờ tan sở, nửa đêm về sáng, tiếng xích lô máy nổ phành phạch, giòn giã dưới đường phố và cả tiếng chân ngựa của chiếc xe thổ mộ vừa vào thành phố buổi ban sáng. Dễ thường không có những tiếng động ấy, Sài Gòn không phải là Sài Gòn hay một Sài Gòn đã chết.

Cũng vì thói quen bóp còi xe, nhiều người Việt lúc đầu sang Mỹ đã bị phản ứng của những anh chàng lái xe đằng trước với ngón tay giữa đưa lên!

Chuyện thứ hai là chuyên cô cho rằng người Việt không biết tôn trọng thời gian. Ngày mới sang Mỹ tôi cảm thấy nước Mỹ là một quốc gia chạy theo cái kim đồng hồ. Thời gian đối với thói quen người Việt là không cần thiết. Trần Thiện Thanh có đến “bảy ngày đợi mong” cuối cùng “bóng Anh chẳng thấy!” Một tuần bỏ qua đâu có sao! Với Vũ Hoàng Chương: “Ta đợi em từ ba mươi năm, uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm!” Ba mươi năm trong cuộc đời cũng có là bao! Nếu O’Bradovich biết rằng sự chờ đợi làm nên văn chương, thì thời gian chẳng là cái gì cả! Bởi vậy Việt Nam mới có thành ngữ “giờ cao su,” đám cưới mời khách tham dự lúc 6 giờ chiều thì 8 giờ 30 đêm mới khai mạc. Ngu chi đi đúng giờ! Nếu biết rằng ngay cả máy bay cũng có thể trễ vài tiếng, thì giờ dạy học của cô bị hủy trong phút chót cũng là điều không lấy gì làm lạ.

Còn nói đến thức ăn tức là nói đến văn hóa. Ai đi trách Kampuchea ăn “mắm bò hóc,” trách chi Tàu ăn “tàu hủ thúi,” Đại Hàn ăn “thịt chó,” Peru có món “chuột bạch nướng,” dân Palau, một hòn đảo xa xôi ở giữa Thái Bình Dương với món “súp dơi.” Vậy thì đến Việt Nam thấy thiên hạ ăn chuột, đầu chó nhăn răng treo lủng lẳng đến việc cắt cổ rắn sống lấy máu tươi uống cạn ly, nuốt nguyên quả tim rắn đang phập phồng, hay nhậu với dế, bò cạp, ve và sâu bọ chiên dòn thì xin đừng vội phê phán. Đó là văn hóa, và văn chương bình dân xứ tôi cũng có những câu để đời: “Sống dương gian không ăn miếng dồi chó, chết về âm phủ biết có hay không?” Người Nhật vẫn ăn thịt cá voi, và không thể lấy quan điểm người Ấn để cấm chúng ta ăn thịt bò!

Cứ tìm hiểu, gật đầu như Anthony Bourdain và nếm thử xem sao?

Người Việt quan niệm rằng có hiểu nhau, mới thông cảm thương yêu nhau, bạn bè, tương tri thì không có gì giấu nhau. Ở Mỹ việc bảo vệ chuyện riêng tư của cá nhân là điều quan trọng. Ở Việt Nam, người ta hay nhìn chăm chăm vào màn hình điện thoại của mình khi đang nói chuyện, xộc vào nhà không cần hẹn trước, ít tôn trọng những phút riêng tư của người khác. Có cái mình tưởng là thân mật, hóa ra lại sỗ sàng khi đặt những câu hỏi cho là vì tình thân. Hồi mới sang Mỹ tôi đã được dặn dò là đừng hỏi đến lương tiền, tuổi tác và việc làm, cũng như chi tiết về đời tư của ai hết! Chạy xe ngoài đường, chớ bao giờ nhìn ngang, nhìn ngửa chăm chú vào xe người khác, có ngày ăn đạn. Kỵ nhất là chớ hỏi sao lúc này bạn mình gầy hay mập ra vậy!

Gặp lại ông bạn ngày xưa ngoài phố, giới thiệu bà vợ, cũng đừng thắc mắc sao thấy cái bà ngày xưa đen đen, nói giọng Nam mà bà này thì trắng, trẻ hơn mà nói giọng Bắc. Tôi bị “hố” một lần khi nghe chuyện một người bạn thân bỏ vợ, và đang sống với một người đàn bà khác. Vì chơi thân với cả hai vợ chồng, nên tôi vội vàng hỏi thăm, mới nói gần xa, đã bị bạn cho một bài học nhớ đời: “Đây là xứ Mỹ mà anh!”

Sống và suy nghĩ như cô, thì còn gì gọi là tình nghĩa nữa!

Chuyện cô O’Bradovich chê Việt Nam đầy khói thuốc, theo tôi cũng chẳng sao, nếu so với các loại khói nhà máy ô nhiễm tại đây. Tôi cũng biết tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40,000 người chết vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70,000 người mỗi năm. Ba triệu người Việt đã chết cho một cuộc chiến tranh vô nghĩa, bây giờ mỗi năm chết thêm chút đỉnh thì có sao?

Đất nước tôi nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, về phía nam giới cứ 10 người thì có gần năm người hút thuốc (45.3%). Cũng thưa thêm để cô mừng, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới. Trong khi mọi bề đều tụt hậu thì thế giới điểm danh Việt Nam là “cường quốc” thuốc lá và bia rượu, âu cũng là một điều an ủi. Ở đất nước tôi, không những chỉ có ông già, trẻ con hút thuốc mà cả Ông Địa, Thần Tài cũng được châm thuốc mỗi ngày, nên chuyện kỹ nghệ thuốc lá ăn nên làm ra ở Việt Nam cũng là chuyện thường thôi!

Trên thế giới để tẩm thuốc lá vào phổi, tim, gan, dạ dày, người ta dùng cách hút, hít, nhai, hết điếu đến tẩu, bây giờ đến thuốc lá điện tử… Việt Nam hút thuốc Lào ngất trời, nếu có trách thì trách nước Lào sao lại trách Việt Nam. Không có thuốc lá sao có thơ? “Nhớ nhà châm điếu thuốc!” Rồi cũng ông Hồ Dzếnh: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân, ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần…..”

Ông Clinton và Obama đến Việt Nam đều võ vẽ một vài câu Kiều, cô O’Bradovich học được điều này chắc sẽ được hoan nghênh!

Điều cuối cùng O’Bradovich trách là người Việt Nam hay nhìn chằm chằm vào người khác. Về chuyện này cô nói đúng, đối với văn hóa Tây phương, “nhìn chằm chằm” người khác được xem là rất thô lỗ (rude); nhưng ở Việt Nam “nhìn chằm chằm” chỉ đơn giản là sự “tò mò,” hoặc vì cô là người khách lạ hay vì cô đẹp. Cô có bao giờ thấy người đi đường nhìn chằm chằm vào anh công an giao thông hay hình “bác Hồ” xó xỉnh nào cũng có hay không? Chán chết!

Không phải bây giờ mà ngày xưa, đi cùng chiều, dù là xe đạp hay xe gắn máy, khi vượt qua người ta cũng ráng quay đầu lại để nhìn mặt một người phụ nữ, ai lại chẳng thích cái đẹp, đó là món quà của Thượng Đế dành cho đàn ông, phải không cô? Nếu có người nhìn cô như khi vào triển lãm, người ta nhìn một tác phẩm điêu khắc, nhiếp ảnh hay hội họa, thì cô phải cho đó là một thái độ “thưởng ngoạn” thay vì cô dùng chữ “chằm chằm!”

Trong bài viết, không nghe cô khen đất nước tôi một tiếng. Bao nhiêu là thiếu nữ xinh đẹp, bao nhiêu là tượng đài, bao nhiêu là cổng chào, bao nhiêu là cờ xí, bông hoa, bao nhiêu công trình của thế kỷ, mà cô chỉ chú ý đến những điều quá vụn vặt.

Duy có một điều, là trong bài viết của cô, đoạn làm tôi thích và hãnh diện về đất nước tôi nhất là đoạn cô kể chuyện anh xe ôm chở cô, thình lình dừng xe ngay giữa đường, tắt máy để tra cứu trên Google mấy chữ “Cô thật xinh đẹp!” tiếng Anh là gì để trưng ra cho cô xem.

Cô đi “bụi” nhiều nơi trên thế giới, gặp những kẻ “nòi tình” Don Juan như đàn ông Ý, Pháp, Tây Ban Nha, cô có thấy thứ đàn ông nào “ga-lăng” với người đẹp như ở Việt Nam không? Mà đó mới chỉ là anh xe ôm tầm thường trong xã hội, còn cỡ “nghệ sĩ” như chúng tôi, sẽ có người làm thơ, vẽ tranh hay viết nhạc để tặng những người đẹp, dù là người đẹp qua đường như cô.

Con người Việt Nam quả là vĩ đại trong một đất nước vĩ đại đó cô! (Huy Phương)

Thưởng thức bánh mì ở Bao N Baguette

MỚI CẬP NHẬT