Ðừng bỏ cuộc!

Bùi Bích Hà

Khi tôi dọn vào căn nhà này giữa mùa Hè nóng bức năm 2015, vườn trước vườn sau cỏ cây vàng úa, khô héo. Hai bụi hoa hồng xác xơ, trơ mấy cái cành nâu đen, đứng ủ rũ ven tường chờ chết. Tôi không biết phải làm gì trước cảnh hoang tàn, từ những cái cửa sổ xộc xệch, rất khó mở đóng cho tới mấy gian buồng hầm hập nóng từ sáng cho tới nửa đêm; từ cái lối vào nhà xi măng vỡ từng chỗ và mảnh vườn trước cỏ dại thưa thớt, loang lổ như cái đầu một bệnh nhân trầm kha rụng tóc gần hết. Tôi biết căn nhà cần đại tu và con gái tôi sẽ phải đảm đương việc này nên điều gì tôi có thể làm chỉ là kiên nhẫn chờ đợi.

Một buổi chiều nắng vừa tắt, tôi đem rác nhà bếp ra thùng rác để ở vườn sau, nhân tiện thấy trời còn sáng, tôi tạt qua chỗ mấy bụi hồng, tò mò quan sát. Tôi ngạc nhiên thấy mặt đất dưới chân chúng khô nhẵn, trắng hếu, nứt nẻ, nhưng ở vài chỗ trên thân chúng vẫn có mấy cái lá nhỏ màu xanh tím, dường như vừa nhú ra, có lẽ nhờ mấy hạt sương đêm. Tôi giật mình, bối rối, cảm thấy ân hận vì đã toan để mặc cho chúng chết luôn (đằng nào khu vườn cũng phải được sửa sang, chỉnh đốn lại cho tươm tất) nên không hề nghĩ tới việc tưới nước cả hai tuần lễ tôi đến đây. Thấy là làm, tôi mở vòi nước có sẵn ở cuối vườn và bắt đầu cho chúng uống no nước, khấp khởi hy vọng chúng hồi sinh. Tôi không nhớ rõ bao lâu, một hay hai tháng kể từ chiều hôm đó, cứ cách ngày tôi lại cho hai bụi hồng tắm táp mát mẻ một lần, không ngờ công lao ấy được đền bù nhanh chóng và bội hậu hơn tôi mong đợi (nếu có mong đợi).

Bụi hồng đỏ cho tôi khoảng sáu mươi bông thật to, thật đẹp; bụi hồng vàng cho bông nhỏ hơn và ít hơn, khoảng chừng trên dưới bốn mươi bông! Hai bụi hoa lộng lẫy giữa mảnh vườn ngổn ngang cỏ dại chết khô, vàng như rơm, rải rác các ụ đất mấp mô, là một tương phản kỳ lạ của sức sống trường kỳ trong tạo vật vượt lên trên sự hoang phế của thời gian vô tình.

Từ đấy, cứ sau mỗi đợt hoa, tôi lại cắt cành cho cây đơm lượt hoa khác. Mùa Xuân, tôi bón phân cho chúng. Năm nay mưa nhiều, những đóa hồng to hơn cái bát ăn cơm, cánh dày và mượt, đẹp khôn tả. Không biết chúng bao nhiêu tuổi nhưng gốc của chúng khá to, sần sùi, làm tôi chợt ái ngại liên tưởng đến tay chân người già bị thống phong, các khớp xương nhô ra, quặt quẹo. Cái kéo nhỏ bình thường tỉa cành không dùng cho chúng được, tôi phải mua cái kéo có hai cán dài, lưỡi kéo to, khi cắt phải lấy sức và dùng cả hai tay. Bây giờ, toàn bộ khu vườn đã sửa sang tươm tất, chúng không còn là ngôi sao sáng trong bức tranh ảm đạm trước đây nhưng vẫn là chúa tể ở cái rẻo đất mới bắt đầu với chỗ này cây chanh, chỗ kia cây nhãn, chỗ nọ cây hoa đào và có cả một chậu mai Việt Nam, thứ nào cũng thấp bé, lẹt đẹt vì mới trồng.

Bài học “Còn nước còn tát này,” Trịnh Công Sơn hát bằng lời của riêng ông: “Ðừng tuyệt vọng, em ơi, đừng tuyệt vọng!” và người Mỹ thì khuyên nhau “Don’t give up!” Còn tôi, may mắn học được nhờ một chút quan tâm ngẫu nhiên đến hai bụi hồng tưởng đã chết theo khu vườn hoang.

Xế trưa Chủ Nhật, con gái tôi text cho mẹ: “Con có cuốn phim hay lắm, con đem đến xem cùng với mẹ nhé!” Ðó là cuốn phim Pháp, có tựa đề Les Intouchables.

Phim được đạo diễn Olivier Nakache thực hiện dựa trên câu chuyện có thật. Hai nhân vật chính hiện còn sống ở Morocco, mỗi người hạnh phúc theo cách riêng của họ song vẫn duy trì một tình bạn thắm thiết và thủy chung đối với nhau. Truyện không có gì gay cấn, không cả tình tiết éo le, các diễn viên thủ vai không thuộc hạng tên tuổi lẫy lừng Hollywood nhưng cuốn phim được xếp hạng 4 sao rưỡi, rất đáng xem vì nó thật và hàm chứa một kinh nghiệm sống đáng giá. Có vẻ như cũng rất tình cờ, nó trùng hợp với nội dung phần đầu bài viết này, “đừng bỏ cuộc” mà hãy làm một ly đá chanh ngọt lịm, thơm tho với trái chanh ai đó ném cho bạn.

Phim xoay quanh nhân vật Philippe, một nhà quý tộc người Pháp giàu có, chẳng may bị tai nạn thể thao và sống tàn tật trong tòa lâu đài xa hoa giữa thành phố Ba Lê. Dù ông đã có cả một đội ngũ gồm thân nhân, bạn bè và người giúp việc cùng nhau gần gũi, chăm sóc, ông vẫn cảm thấy thiếu một ai đó khả năng nhìn ông như một con người, không phải một phế nhân vô dụng cần sự gượng nhẹ và thương hại.

Ông rao tìm đối tượng ông muốn. Trong số người đến sắp hàng xin việc, ngồi thành hàng dài chờ cô thư ký Magalie phỏng vấn dưới sự giám sát của ông, có một anh chàng da màu cao lênh khênh, dáng dấp đường phố, cựa quậy không yên. Nhìn ngó mông lung chán rồi, anh đứng dậy đi loanh quanh, nhón tay lấy bỏ túi một trong 25 quả trứng bằng đồng chạm khắc mỹ thuật bày trên lò sưởi. Xong rồi, không còn gì để làm nữa và cũng không muốn chờ đợi thêm vì anh ta biết chắc không thể nào được thâu nhận ở một nơi như thế này. Anh ta chỉ cần đơn xin việc được ký và từ chối để nộp cho Sở Lao Ðộng lấy trợ cấp thất nghiệp. Nên anh làm liều, xé rào, đẩy đơn của mình đến trước mặt cô Magaliee và nói tôi cần cô ký vào đây, không nhận tôi cho tôi về. Tất cả cử chỉ, hành động của anh được ông Philippe ngồi yên trên xe lăn, ghi nhận không sót một chi tiết. Trong khi Magalie tròn xoe mắt kinh ngạc, chưa biết phải đối phó thế nào, ông lên tiếng: “Anh về đi, sáng mai trở lại nhận giấy tờ như anh muốn.” Còn muốn cự nự nữa nhưng ánh mắt nghiêm nghị của ông Philippe cho anh biết đây là quyết định cuối cùng.

Sáng hôm sau khi chàng lãng tử tên Driss trở lại lâu đài, anh được tiếp đón một cách hơi bất thường. Bà quản gia Yvonne hướng dẫn anh đi một vòng trong nội thất tòa nhà, chỉ cho anh một căn phòng trang hoàng sang trọng, với phòng tắm riêng, nói rằng đây là nơi anh sẽ ở, v.v… Không cần biết ất giáp gì, cũng không mảy may nghĩ ngợi bất cứ một cơ hội nào, anh ta tơn tơn cười cợt đi theo bà quản gia ra phòng khách để nhận lại lá đơn xin việc bị bác, được ký như đã hứa. Tình thế không như anh nghĩ, ông Philippe rụt rè hỏi anh có muốn thử làm công việc săn sóc một người bệnh ngồi xe lăn vì bị liệt tứ chi như ông không? Ôi chao, sẵn không có chỗ ở vì mới ra tù vì tội ăn cắp, bị gia đình xua đuổi, anh ta vui vẻ nhận lời.

Ngay những giờ khắc đầu tiên, bà Yvonne bất bình Driss về cử chỉ vô tư, mạnh bạo của anh, theo bà là quá đáng, khi anh ta săn sóc ông chủ, kể cả lấy nhầm dầu bóp chân làm dầu cạo râu, thoải mái xoa lên cằm ông chủ mãi không thấy bọt? Thế nhưng ông chủ thì được dịp cùng tớ cười ngả nghiêng, những tràng cười lâu lắm ông không thấy thoát ra từ buồng phổi mình? Khi cần di chuyển ông, Driss bế thốc ông bỏ vào xe lăn, có khi quên cài dây an toàn, suýt nữa ông chủ té nhủi ra phía trước dưới con mắt kinh hoàng của bà quản gia nhưng ông chủ thì bằng lòng với xử sự hồn nhiên, lanh lợi của Driss, quên hẳn ông là người tàn phế. Driss đưa ông vào xe hơi, lái ra đường, chạy hết tốc lực, luồn lách thoát khỏi dòng xe kẹt cứng trên những con phố chật khiến cảnh sát hoảng vía hụ còi đuổi theo. Không ai dặn ai nhưng cả hai biết ý nhau, hiệp lực đạo diễn một vụ đi cấp cứu bệnh viện. Bên ngoài, Driss hoa chân múa tay giải thích, bên trong, ông Philippe làm bộ đang bị khó thở, hộc lên từng cơn, cảnh sát bị mắc lỡm, sợ quá, đề nghị hộ tống họ tới nhà thương. Tới nơi, xe cảnh sát vừa khuất ở đầu đường, Driss cũng phóng xe theo thay vì vào cổng bệnh viện. Với anh chàng caregiver thông minh, nhiều sinh lực, nhiều sáng kiến và bản chất đôn hậu, cuộc sống tù hãm của ông Philippe chuyển sang một gam màu khác, tươi vui, sống động. Thấy ông chủ đi xem triển lãm tranh, mua một bức (mà Driss nghĩ thầm mình cũng vẽ như thế được) với giá 45,000 euros, anh ngẩn người vì cách tiêu tiền của giới thượng lưu giàu có. Hôm sau, anh ta đi mua màu, mua cọ, mua khung bố, đóng cửa phòng thực tập trên trí nhớ của mình và hoàn thành tác phẩm đầu tay. Anh ngắm nghía, đắc ý đem khoe chủ, hỏi ý kiến ông. Philippe chỉ mỉm cười, không nói gì. Sinh nhật Philippe, ban nhạc riêng của ông họp ở phòng khách, tấu nhạc cổ điển chúc mừng. Tất nhiên Driss cảm thấy chán, buồn ngủ, mặc dầu ông chủ hết sức khuyến khích anh ta hãy thưởng thức vì đây toàn là tuyệt phẩm của các nhà soạn nhạc bất tử của nhân loại, Beethoven, Litz, Mozart, Chopin…. Không thuyết phục được anh người hầu cứng đầu, ông hỏi vậy anh có gì đề nghị? Chỉ chờ có thế, Driss ào ra trong điệu Rock thời trang sôi động, một mình biểu diễn những bước nhảy đầy nghệ thuật và quyến rũ, lôi kéo tất cả mọi người trong phòng đứng dậy, gắn lò xo vào chân họ, kể cả ông già đầu bạc, hăng quá, trượt chân té rồi đứng dậy nhảy tiếp, cả bà quản gia khó tính ít khi cười. Philippe ngồi yên trong xe lăn, cũng lây sự cuồng nhiệt của đám đông xung quanh trong một đêm vui làm đôi mắt ông long lanh.

Hàng ngày, khi ngồi bên cạnh ông chủ lựa thư từ nhận được, Driss tinh ý biết ông có mối giao hảo thân thiết qua thư tín với một phụ nữ tên là Eleonore. Cho là thời gian đã đủ lâu để tiến xa hơn biên giới cuộc tình ảo, Driss đề nghị ông nên gọi Eleonore và hẹn gặp nhau. Câu chuyện đem theo nó một viễn ảnh hạnh phúc khiến Philippe vừa phấn khích, vừa lo sợ kết quả có thể không như ý muốn nhưng Driss dùng hết khả năng hùng biện thúc đẩy ông. Họ trải qua những giờ phút nôn nao chuẩn bị cho ngày trọng đại ấy và có lúc Philippe quên hẳn thân phận mình. Tuy nhiên, khi bà quản gia Yvonne tháp tùng ông đến nơi hẹn, sự âu lo chờ đợi làm ông mất nhuệ khí ban đầu khi bàn bạc kế hoạch với Driss và ông nhất định đòi về, bỏ cuộc hẹn trước 5 phút.

Sau đó, gia đình Driss có vấn đề, cần anh có mặt để giúp giải quyết. Ông Philippe trao cho anh số tiền bán bức tranh 11,000 euros và ngậm ngùi nói: “Cậu cũng không nên phí cả đời với một người tàn tật như tôi.” Ông nhắc đến quả trứng bằng đồng Driss đã lấy đi, cho biết nó thuộc chuỗi kỷ vật của 25 năm yêu thương với người vợ yểu mệnh của ông khiến Driss bàng hoàng, không ngờ ông biết việc xấu anh làm mà không nói. Driss đi rồi, ông buồn bã khép mình vào nếp sống âm u trước kia, càng buồn bã hơn xưa, không ăn, không ngủ, không rửa mặt, cạo râu. Ông quạu cọ, không tự săn sóc mình và cũng không chịu để ai săn sóc. Bà Yvonne phải gọi cho Driss và anh ta vội vã quay lại, đem theo anh sự sinh động và tiếng nói cười thỏa thuê đến từ cuộc sống tràn đầy giai điệu bên ngoài tòa lâu đài tịch mịch (chỉ bởi vì cái bóng một chiếc xe lăn bất động đã bị khuếch tán đến mức trùm phủ lên cảnh vật và con người sống bên trong nó.) Cuối cùng, Driss kín đáo thu xếp cho ông chủ buổi gặp gỡ bất ngờ Eleonore trong khung cảnh thơ mộng của một bãi biển. Trước khi rời đi, Driss đặt quả trứng bằng đồng lên bàn, vừa để trả lại Philippe nét vẽ thiếu trong bức tranh 25 năm hạnh phúc đã qua của ông, vừa là nét vẽ khởi đầu bức tranh hạnh phúc 25 năm sắp tới. Với Eleonore xinh đẹp, hiền dịu bên cạnh, Philippe tràn ngập xúc động, nhìn theo cái bóng lênh khênh của Driss lẫn vào đám đông.

Trong câu chuyện thật ngoài đời sau đó, Philippe có hai con gái. Driss có ba con, trở thành nhà sản xuất phim ảnh với sự giúp đỡ của Philippe. Cả hai là hiện thân của những con người “không chịu cùng đường và bỏ phí thanh xuân.”

Mời độc giả xem phón sự thăm KABC News ở Los Angeles