Hoa, chợ Xuân, tình yêu

Bùi Bích Hà

Hàng năm, từ ngày rằm Tháng Chạp âm lịch trở lên, dấu hiệu báo tin Xuân về sớm sủa nhất trên phố Bolsa là những khu chợ hoa lớn nhỏ, lác đác ở những tụ điểm thương mại đông người vãng lai. Các nhà buôn nhỏ có một chỗ quen thuộc trên một khoảng bờ lề, bắt đầu ra bày ra những loại hoa hương sắc bền bỉ như hoa lan, hoa sống đời năm nay có màu hoàng yến rất đẹp, hoa mai rừng forsythia vàng tươi, từng bó lớn ngâm trong nước, những nhánh tầm xuân nhú một chút đỏ huyền hoặc trên đầu những cái nụ nhung mềm mầu nâu nhạt, những chậu hoa nhiệt đới ba màu vạm vỡ, hứa hẹn tuổi thọ. Người sắm Tết thong thả đi ngắm hoa song chưa vội mua, chỉ là tìm cơ hội so sánh nơi này với nơi kia, ước lượng thị trường dồi dào hay khan hiếm, chọn sẵn cho mình những thứ hoa và kiên nhẫn đợi chừng ngoài hai mươi sẽ mang về nhà để đón Xuân năm mới.

Chợ hoa chỉ thực sự rộn rịp sau ngày đưa ông Táo về Trời. Bây giờ, khách hàng đã có thêm cúc đại đóa màu vàng tươi, cúc lai giống hai màu tím thẫm và vàng sẫm, cành đào, cành mai, hoa glailleul, hoa huệ ta/huệ tây, hoa thủy tiên mỹ, hoa thủy tiên Á Đông củ đã gọt sẵn, cây phát tài cắm trong nước hoặc bện chân rết,…

Người đi chợ hoa đã thực sự săm soi từng cành, từng chậu hay từng bông, cầm lên, đặt xuống, lựa để riêng ra một chỗ thoáng rồi đứng lui ra ngắm nghía. Không ưng ý chậu nào, cành nào thì trả nó về chỗ cũ. Vô tình chứng kiến, quả thật tôi tận mắt thấy vẻ tươi đẹp của những thứ được chọn, được nâng niu và những thứ bị chê, bị bỏ lại không khác nhau là mấy một khi chúng đã qua kỳ tuyển lựa của chủ nhân bán buôn sành sỏi.

Thế nhưng người mua có đôi mắt khác, tâm cảm khác khi tới lượt họ chọn cho chính mình một dáng hoa ngày Tết để chưng trong ngôi nhà của họ hoặc để đem tặng một ai đó, muốn hoa là sứ giả chuyển tới người nhận thông điệp thẩm mỹ hoàn hảo của người cho. Tôi không biết N. đã ngắm nghía, đã bưng lên/đặt xuống, đã xê dịch bao nhiêu chậu thổ lan để cuối cùng, mang cho tôi chậu thổ lan màu thiên lý, các búp hoa bụ bẫm, tươi mát, gối lên nhau, là tuổi dậy thì đẹp đến nao lòng mà tôi không bao giờ biết được liệu nó có phải là chậu lan đẹp nhất ở chỗ nó được chọn mua hay không?

T. thì cười cười nói với tôi: “Em nhờ bà chủ chọn giùm em cây lan đang nụ này để tặng chị, hy vọng khi hoa nở, chị sẽ bằng lòng.” Tôi nhận quà, trân trọng tấm lòng và thời giờ bạn cho mình nhưng nhìn cành hoa gầy gò, cao lêu đêu, vài cái nụ vừa hé màu nâu gụ, không hình dung được mai mốt nó đẹp xấu ra sao? Có chút gì trong món quà ngày Xuân của T. khiến tôi liên tưởng mấy câu thơ duyên phận của một thi sĩ tiền chiến tôi không còn nhớ tên:

“…Chồng chị là ai/Nào chị có biết/Đợi đến ngày mai/Nhìn qua kẽ liếp…”

“Người quân tử” T. tặng tôi để cùng đón Tết Mậu Tuất hôm nay đã nở hết trong phòng khách, những bông lan năm cánh nâu viền màu vàng mơ xòe ra, đều tăm tắp, như năm ngón tay ôm kín một lòng bàn tay toàn màu vàng, xum xuê, vững chãi, trên mười cái nhánh thanh tú chia đều đặn một thân lan thẳng đứng vút lên cao gần một thước tây. Chao ôi là đẹp! Uy nghi. Đường bệ.

Nhớ lại khu chợ hoa hôm trước trên đường Bolsa, khách hàng cầm lên, đặt xuống, khen ít, chê nhiều, tôi tự hỏi nếu hoa có linh hồn, chúng có tủi thân không? Có sẵn lòng vui buồn cái vui buồn của người đi chợ hoa không? Lại còn hình ảnh những cái xe tải kìn kìn chở hoa thừa sau phiên chợ Xuân ế ẩm thẳng ra bãi rác Saigon-Hà Nội nữa, những đời hoa bị tung, ném, vùi dập ấy có nhỏ lệ khóc thương phận bạc không?

“…Khi sao phong gấm rủ là/Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?” (Kim Vân Kiều)

Ví hoa với đàn bà như người xưa thường xót xa ví von, nay coi bộ đã lỗi thời rồi! Hỏi như trên và tự trả lời để hiểu tôi đang sống ở thời đại nữ giới mặc jeans, mặc short ở mọi lứa tuổi, cắt tóc ngắn và dũng cảm thi đua bên cạnh nam giới ở Thế Vận Hội mùa đông trên các đường băng với sức mạnh khiếp đảm và tài năng đáng nể phục.

Tờ nhật báo OC Register vốn thường được xem là hiếm khi có cái nhìn mỹ cảm với sinh hoạt của cộng đồng người Việt địa phương, số ra ngày 18 Tháng Hai 2018, phóng viên nhiếp ảnh Greb Mellen đã ghi lại nhiều chi tiết khách quan nhưng đầy tình tự trong khu chợ Xuân tổ chức tại công viên Mile Square, thành phố Fountain Valley. Dưới mắt ông, bên cạnh hội chợ Xuân ở Costa Mesa đã hoàn toàn ổn định và thu hút đông đảo khách nhàn du, hội chợ Xuân ở Mile Square Park được cộng đồng thích thú với cảm giác mùa Xuân về gần hơn với “mái ấm” của họ.

Cảm ơn ông Mellen đã dùng chữ “home” làm rung động tấc lòng người lữ thứ trong tôi. Em Dylan Nguyễn, 19 tuổi, cư dân Huntington Beach, chia sẻ khi được nhà báo hỏi: “Cảm tưởng giống như ở quê nhà vậy.” Tôi đoán em là một trong nhóm chừng 5, 6 bạn trẻ, phục sức thoải mái, đứng chuyện trò vui vẻ, có lúc nhún nhẩy theo điệu nhạc bên cạnh sân khấu nhạc hội nắng chan hòa và không còn một ghế trống trước khán đài. Tuổi trẻ hiện diện ở bất cứ đâu trong các tổ chức cộng đồng luôn cho tôi nỗi vui mừng vì biết các em vẫn gắn bó cách này hay cách khác với cội nguồn, vượt qua thời gian và nghịch cảnh.

Anh Sean Lý cùng gia đình đi hội chợ Xuân MSP, mang theo một con trai lên 4. Anh nói: “Chúng tôi hẹn gặp nhau hàng năm ở đây, vào cửa miễn phí. Mong rằng ban tổ chức giữ mãi truyền thống này.”

Phóng viên Mellen chọn thu vào ống kính những màn trình diễn của các thành viên nhóm Bạch Hạc Thái Cực (White Crane Tai Chi) qua nhiều chiêu thức múa gậy, múa kiếm, múa đao, múa quạt, rất đẹp mắt và đầy uy lực. Nhóm đã chọn bản nhạc nền với lời ca, giai điệu, hòa âm, thể hiện trọn vẹn khí thế của các bài quyền cước, phong thái ung dung của người biểu diễn, cốt cách hào hùng của một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm, làm nức lòng khán giả với những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt. Em Rochelle Trần, 13 tuổi, múa côn, múa kiếm, múa đao, nhanh nhẹn, chính xác, nghiêm nghị trong vạt áo dài hồng mạnh mẽ tung bay, có lúc gió làm tà áo em quấn quyện với đường quyền nhưng không hề làm em bối rối.

Suốt gần một tiếng đồng hồ, sân khấu hội chợ Tết Mậu Tuất chiều Chủ Nhật trong khuôn viên MSP chợt bùng lên hùng khí của những trang sử tưởng chừng đã mai một, đã ngủ yên cùng với ngày tháng lặng thầm của khối người Việt di tản chấp nhận cuộc sống tha hương bên ngoài lãnh thổ. Một thành viên của nhóm, nghệ sĩ Hương Thơ, mời gọi đồng hương khán giả tham gia phong trào luyện tập thân thể để giữ sức khỏe. “Cho dù trau dồi võ thuật không làm sống lại lịch sử nhưng giúp chúng ta gìn giữ và phát huy bản chất năng động của một dân tộc lấy câu ‘Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh’ làm phương châm sống, phòng khi tổ quốc kêu gọi, (cười).”

Lâu lắm tôi mới lại có được một buổi chiều cảm thấy lòng êm ả như khí hậu dịu dàng đang bao trùm khu chợ Xuân nhiều màu sắc xung quanh tôi. Một gia đình ba cha con mặc quốc phục cách tân bằng gấm đỏ, chói chang con đường mòn chạy giữa hai bờ cỏ. Năm nay, nhiều bạn trẻ phái nam, nhất là giới nghệ sĩ, rủ nhau mặc áo dài gấm thêu rồng hay các hoa văn đẹp mắt. Các bé trai nhiều lứa tuổi đi theo cha mẹ cũng tung tăng trong quốc phục, có vẻ thích thú và không phàn nàn. Một cụ bà che ô mầu rượu chát, đi những bước nhanh băng qua khoảng sân rộng khiến một bé gái cũng bắt chước xòe cái ô màu vàng của mẹ, tất tả bước theo một quãng rồi quay lại, chắc sợ lạc. Một cụ ông 98 tuổi, lưng hơi còng nhưng đôi mắt tinh anh và dáng dấp còn linh hoạt, được ông con trai và bà con gái giống cụ như ba giọt nước, phò tá cụ đi hội Xuân. Cụ còn đủ khỏe, đủ tinh tường để tự mình chen vào các gian hàng giải trí đông người, nhìn tận mắt các trò chơi. Hỏi cụ có vui không? Cụ trả lời: “Ở nhà thì buồn nên tôi muốn ra đây, có nắng ấm, được nhìn mọi người, xem cái này, cái kia.” Hai anh em tuổi trên dưới bẩy mươi, thay phiên nhau theo săn sóc bố, lúc viên kẹo, lúc ly nước. Niềm vui của cụ nhỏ thôi nhưng thật đáng quý ở tuổi cụ, đó là một trong muôn vàn ý nghĩa của chợ Xuân MSP như diễn tả của anh Ryan Trần, cư dân Westminster, với phóng viên tờ OC Register: “It’s great, close by and accessible!” Hay anh Edmond Tống: “Đối với cộng đồng chúng tôi, có nhiều lễ hội càng tốt.”

Cộng vào niềm vui đầu năm thấy đồng hương nhân ngày Tết, hội tụ về nơi hẹn hò như hẹn với quê hương, bạn tôi gửi cho tôi câu chuyện tình diễm lệ của đôi vợ chồng Hàn-Việt, cùng là công dân của hai xứ sở Cộng Sản, Việt Nam và Bắc Triều Tiên. Thời thanh xuân, họ thoáng thấy nhau lần đầu năm 1967, khi chàng là sinh viên môn hóa học đi thực tập tại nhà máy phân đạm Hưng Nam, Bắc Hàn; khi nàng tình cờ đi qua cửa phòng thí nghiệm và lọt vào mắt xanh của chàng. Chàng khôi ngô, tuấn tú. Nàng đẹp, mát rượi như vuông lụa vừa dệt xong bằng những sợi tơ mượt mà, óng ả. Rồi thôi.

Chàng học xong, về nước. Năm 1971, họ gặp lại nhau lần thứ hai. Rồi 1973, chàng hồi hương, lại thôi.

Suốt 30 năm, chàng viết thư nhưng không có hồi âm. Vài lần trong vai trò thông dịch viên, chàng trở lại Bắc Hàn với mục đích dò hỏi tung tích nàng nhưng người xưa mịt mù tăm cá. Có người nói nàng đã sang sông theo chồng. Có người nói nàng đã hồng nhan mệnh bạc. Ai nói gì thì nói, trái tim chàng vẫn đinh ninh họ sẽ gặp lại nhau và nàng nhất định sẽ là vợ chàng.

Sau cùng, mối tình kỳ lạ của họ đã khiến lãnh đạo Việt Nam chấp thuận can thiệp với lãnh đạo Bắc Hàn. Kết quả năm 2001, nàng bấy giờ đã ở tuổi 55, được phép rời quê hương đi Hà Nội. Tháng Mười Hai, năm 2002, họ chính thức trở thành vợ chồng sau một lễ cưới đơn giản, cô dâu mặc áo cưới truyền thống Đại Hàn, một mình, không có cha mẹ, họ hàng thân thuộc; chú rể mặc âu phục, cũng chỉ có vài người thân thiết đến chung vui. Hiện nay, 2018, họ sống hạnh phúc bên nhau trong căn hộ nhỏ khu tập thể Thành Công/Hà Nội. Họ nghèo, sống bằng đồng lương hưu khiêm nhượng của chàng, bằng lợi tức ít ỏi do nàng dạy kèm Hàn ngữ và bằng cả tiền cho thuê một nửa căn hộ nhỏ họ đang ở. Nàng tâm sự: “Tôi rất nhớ quê hương nhưng lại không thể để anh ấy ở đây.” Theo tác giả bản tin viết về họ, có thể cuộc sống ở Hà Nội khá hơn ở Bắc Hàn đôi chút nhưng cũng không thể gọi là sung túc được. Tuy nhiên, tấm ảnh mới nhất cho thấy cả hai đang dạo chơi phố sá ngày Tết dù không thấy họ dừng chân mua sắm gì.

Để giải thích mối tình huyền nhiệm này, người ta dễ dàng dựa vào lý thuyết số phận. Riêng với tôi, số phận cứ mãi là điều không ai chứng minh được và tôi nhìn thấy một điều khác, rõ hơn, cụ thể hơn, trong ít nhất hai trường hợp mà tình yêu của họ rất khó để giải thích. Sau 30 năm chờ đợi chưa một lần tuyệt vọng, chỉ với linh tính sẽ thực hiện được giấc mơ kết hôn với người mình yêu, sau 17 năm thực tế chung sống như một cái áo mặc đã cũ, người đàn ông, người tình, người chồng trong mối tình Hàn-Việt vẫn nhìn nửa kia của mình với ánh mắt đắm đuối, thương cảm, bảo bọc. Ánh sáng ấy, tình yêu ấy không thể là gì khác ngoài lửa từ trái tim của chính ông, không là cơn hỏa hoạn bột phát, thiêu rụi rồi tắt ngấm nhưng sự bền bỉ làm mềm cả gang thép, nói chi đến lòng người nhận được sự bền bỉ ấy mà không tan chảy? Tình yêu không chờ đợi hay đòi hỏi gì ở đối phương mà nó có hay không có trong trái tim của mỗi người. “Ái tình sớm nở chiều phai nhạt, Chẳng phải vì anh, chẳng tại em.” Chỉ tại nó đến, nó đi, chập chờn không thật có trong trái tim của mỗi chúng ta.

Ánh mắt ấy, tình yêu ấy tôi cũng đã nhìn thấy một lần, nhiều lần, khi anh, người bạn văn nổi tiếng của tôi nay đã về thiên cổ, nhìn chị với ánh mắt cũng đắm đuối như thế, cũng chứa chan thương cảm, bảo bọc như thế sau gần nửa thế kỷ họ như hai chiếc áo cũ, không còn mới nữa, không còn đẹp nữa nhưng vẫn nồng nàn hơi hướm của nhau và mãi mãi thuộc về nhau.

Đừng tìm ở đâu xa, cũng “đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau,” tình yêu có hay không có, bắt đầu từ trong mỗi chúng ta. (Bùi Bích Hà)