Tuesday, April 16, 2024

Homeless

Bùi Bích Hà

Cuối năm 2015, tôi dọn về căn nhà nhỏ nằm ngay đầu một con đường ngắn, thành phố Santa Ana. Nếu cho chọn lựa, tôi hẳn không chọn khu vực này để sống những năm còn lại trong đời vì tiếng đồn an ninh trong vùng không tốt lắm.

Trong các yếu tố quyết định, có khoản giá cả ngôi nhà vừa với khả năng tài chánh của cô con gái đầu lòng của tôi muốn giúp mẹ. Sau nữa, buổi sáng tôi theo chân người địa ốc đến xem tình hình chung, một buổi sáng cuối Thu, bầu trời đầy mây, hoang hoải, con đường ngắn nhìn thấu suốt đến ngã ba cuối đường là một dòng sông ngập lá vàng, thỉnh thoảng gió làm những chiếc lá nhấp nhô như sóng gợn. Ngôi nhà có ba mặt tường gạch mới quây xung quanh thửa đất vuông vức, mặt tiền bên phải chia chung thảm cỏ nhà hàng xóm, được chăm nom, cắt tỉa gọn ghẽ; bên trái có hàng cau vươn những tàu lá xanh tốt khiến quang cảnh trông có chút bình yên và ấm áp.

Tôi dọn vào trong tình trạng căn nhà còn hệ thống cửa nẻo chưa kịp sửa chữa. Buổi tối, tôi ngủ trên sofa phòng khách, cảm giác nếu chẳng may xảy ra điều gì, tôi ít bất ngờ hơn trong phòng ngủ sâu phía trong cái hành lang hẹp. Buổi sáng thức dậy, mặt trời sáng trưng bên ngoài các cửa sổ và chan chứa mấy gian phòng, tôi vui mừng, cảm thấy hạnh phúc cùng ngày mới rạng ở chân trời.

Rất bất ngờ, hàng xóm của tôi thân thiện hơn tôi có thể mường tượng ra. Ông cụ nhà bên phải gặp tôi lần đầu ngoài sân trước, vui vẻ chào hỏi, tự giới thiệu, cho biết sẵn sàng giúp nếu tôi có gì cần. Ông cũng cho biết ngôi nhà lẽ ra thuộc về người bà con của ông đã hiến giá trước nhất và cao hơn nhưng không vay được nợ ngân hàng. Các cậu thanh niên ở trọ nhà bên trái, luôn vội vàng dập tắt điếu thuốc lá đang hút dở để chạy tới, giành đẩy giùm tôi mấy cái thùng rác xuống vệ đường.

Tóm lại, nếu Trời Đất an bài cho tôi tới đây, thì sự an bài ấy là một ân huệ. Con đường trước nhà vắng tanh vào ban ngày nhưng buổi chiều sau giờ tan sở hay hãng xưởng, xe hơi như đàn trâu ra ruộng từ hừng đông, lại quay về, nối đuôi nhau, đậu ngay ngắn sát hai bên lề. Tôi có lối đi bộ chiều chiều ven cái bờ xi măng thoải từ mặt đường xuống lòng con sông Santa Ana quanh năm cạn khô, trơ trọi, trắng hếu.

Được chừng vài tháng, hàng xóm phàn nàn xe họ đậu ngoài đường bị đập kiếng, bị cậy khóa. Đêm đêm, tiếng quạt xoành xoạch và ánh đèn pha chói chang rọi xuống từ trực thăng tuần tiễu của cảnh sát khua động giấc ngủ của cư dân. Ban ngày, cảnh sát sắc phục đến từng nhà hỏi chúng tôi có bị quấy rầy vì kẻ lạ đột nhập và phía sau nhà chúng tôi có lối ra không?… Không khí bất an bắt đầu dấy lên cùng với những lều bạt, túi xách, thùng giấy, shopping cart, xe đạp lớn nhỏ của đám người vô gia cư không biết từ đâu tới, cắm dùi ngay trên con đường men theo sông Santa Ana, nơi tôi vẫn đi bộ để thể thao trước đây.

Hiện tượng tiêu cực này xảy ra đúng như Giám Sát Viên Andrew Đỗ đã tiên liệu và ông cũng vừa khởi xướng chương trình ổn định người vô gia cư với Hội Đồng Giám Sát Orange County. Nhờ vậy, ông tìm được sự hỗ trợ của hội đồng để nhanh chóng giải quyết những tụ điểm nóng nhất. Ngoài ba trung tâm tạm trú đã được thiết lập tại hai thành phố Santa Ana và Fullerton, có khả năng tiếp nhận 800 người vô gia cư, số người nhiều hơn được cấp voucher để tạm dùng các motel trong vùng.

Tất cả chúng ta đều biết rõ mọi công dân bình thường của đất nước Hoa Kỳ được luật pháp và hiến pháp bảo vệ quyền tự do đi lại và quyền tự do chọn nơi cư trú khi họ không phạm pháp. Nếu vì những lý do công ích như vẻ mỹ quan của thành phố, trật tự và vệ sinh môi trường ảnh hưởng đến đông đảo cư dân xung quanh, chính phủ cần tiên quyết đưa ra nhiều lựa chọn cho họ trước khi muốn họ thay đổi. Thống Đốc California Gavin Newsom mới đây quy trách chính phủ liên bang đã không giải quyết vấn đề ngân sách cho Housing nên không giải quyết được nạn vô gia cư chiếm cứ bừa bãi công viên hay hè đường.

Thật ra, housing chỉ là một khía cạnh. Trong thực tế, một tỷ lệ rất cao, tới 40% số người vô gia cư có sự bất ổn tâm lý, được coi là hậu quả của nhiều kinh nghiệm sống khó khăn họ từng trải qua (ly dị, làm ăn thất bại, nghiện ngập, rượu, thuốc xái hay cờ bạc, từng bị án tù, gia đình từ bỏ…). Trải qua thời gian với nhiều khó khăn chồng chất thêm, không được trợ giúp y tế để họ có sự săn sóc đúng mức tình trạng sức khỏe tinh thần khiến bệnh lý của họ ngày càng nặng hơn, đưa tới nghi ngờ, chán ghét, thậm chí từ chối xã hội. Họ quậy phá để bày tỏ thái độ phản kháng hoặc khép mình trong cuộc sống bất hợp tác. Muốn lấy lại niềm tin của họ, cần một quá trình dài và kiên nhẫn, người Mỹ gọi là “earn the trust.” Để hỗ trợ quá trình này, ngoài sự thân cận, cần một kế hoạch cụ thể chứng tỏ cho họ thấy họ thật sự được xã hội quan tâm và thật sự có một con đường giúp họ làm lại cuộc đời với sức mạnh và tín nhiệm.

Trong lãnh vực sinh hoạt cộng đồng tôi chọn bước vào sau khi nghỉ hưu và con cái đã trưởng thành, như một cách giải thích lý do tôi bỏ nước ra đi, tôi có cơ hội làm việc thiện nguyện bên cạnh vài dân cử trẻ gốc Việt ở nhiều thời khoảng và cương vị khác nhau. Tôi biết Luật Sư Andrew Đỗ từ những ngày ông là cố vấn cho Nghị Viên Janet Nguyễn khi cô ở trong Hội Đồng Thành Phố Garden Grove rồi trở thành giám sát viên Hội Đồng Giám Sát Orange County và ông là chánh văn phòng. Giúp cô đắc cử thượng nghị sĩ tiểu bang California xong rồi, ông thấy vị trí cô vừa rời đi có khả năng rơi vào tay một người thuộc cộng đồng khác từng ở vị trí này trước đây. Ông lại trải qua kinh nghiệm làm việc ở môi trường này trong nhiều năm trong chức vụ chánh văn phòng, biết rằng đây là cơ hội cho phép ông thực hiện được nhiều việc giúp đem lại phúc lợi cho cư dân nên trong một quyết định nhanh chóng, ông ứng cử trong kỳ đầu phiếu giữa kỳ năm 2014, thay thế Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn. Ông thắng cử, đem thắng lợi về cho cộng đồng gốc Việt chúng ta.

Không bỏ phí một ngày nào, tuyên thệ nhậm chức xong, ông bắt đầu ngay một lịch trình làm việc năng động và chặt chẽ. Phải nói là ngoài tài trí, ông có một đam mê đặc biệt đối với các dự án có tính cách nhân bản, giúp con người và xã hội thăng tiến, thụ hưởng và phát huy những giá trị tốt đẹp của đời sống và của thời đại. Ký ức của một cậu bé da vàng đến Mỹ ở tuổi niên thiếu, gia đình thoạt tiên định cư ở tiểu bang Alabama, bản thân cậu nếm mùi bị đám đông cùng lớp hiếp đáp và coi thường, đã khắc ghi ngay từ thuở ấy ý chí phải vượt trội để giành quyền bình đẳng nếu không là để có ưu thế. Cậu thiếu niên họ Đỗ ra sức tranh đua về cả hai phương diện văn hóa và thể thao. Gãy xương, trật vai, rách đầu gối, thương tích cùng mình, chấp hết. Cho đến trưởng thành, vào đời, cậu bé gan dạ năm xưa ấy theo học luật với ước mơ bảo vệ công lý cho những người không có tiếng nói. Ra trường, ở vị thế một phó biện lý ngành tư pháp gần 20 năm hay một luật sư hành nghề tự do, ý thức vươn lên trong mọi công việc làm hàng ngày trở thành kim chỉ nam cho ông Đỗ trong mọi tư thế xã hội.

Người vô gia cư được yêu cầu không sống bên cạnh sông Santa Ana nữa, mà dời đến chỗ ở mới có đầy đủ tiện nghi điện nước, cải biến từ cái bãi đậu xe buýt trước đây, tọa lạc tại số 400 Santa Ana Blvd. (Hình: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

Thời gian làm việc ở trung tâm hành chánh Orange County tại downtown Santa Ana, hằng ngày ông đi bộ qua cái xóm người không nhà đóng đô tại khu vực này không biết từ bao giờ? Họ như những cái cây to bắt rễ lâu đời ở mấy khúc đường quanh mấy tòa cao ốc cũ kỹ hiện là văn phòng làm việc của các ban ngành thuộc quận. Có lúc tôi nghe ông nói, giọng ngậm ngùi: “Mình là di dân đến nơi này, mình có những nỗ lực nhất định nhưng nước Mỹ cho mình cơ hội. Thấy người bản địa hay một vài sắc tộc khác, có cả trẻ con, sống trên lề đường thế này, cháu muốn làm một cái gì cho họ.” Mọi người thấy ông bỏ bữa ăn trưa ở hàng quán, lân la ra xóm không nhà, ngồi xuống vỉa hè, nói chuyện với họ. Sau này hỏi ông, ông trả lời: “Cháu phải tìm hiểu, xem họ có nhu cầu di dời đến một nơi khác tốt hơn cho họ không hay mình chỉ nghĩ giùm họ?”

Khi thu thập đủ yếu tố để làm việc, quan trọng hơn cả là nguyện vọng thiết yếu của người vô gia cư, ông lập tức thiết kế dự án định cư người không nhà và đưa vào nghị trình của Hội Đồng Giám Sát. Ông trình bày, ông thuyết phục các đồng viện. Ông vui mừng nhận ra hầu như ai cũng sẵn từ tâm, chỉ là thiếu một đôi mắt ân cần nhìn thấu suốt vấn đề và thiếu một tiếng gọi dũng cảm để bắt đầu. Từ trung tâm tiếp cư thứ nhất có sức chứa 400 người với tiện nghi điện nước, cải biến từ cái bãi đậu xe buýt trước đây, tọa lạc tại số 400 Santa Ana Blvd., ông mở thêm trung tâm thứ hai tại thành phố Anaheim… Một nửa cư dân xóm không nhà trong khu hành chánh Santa Ana dọn đi ngay đợt đầu. Số còn lại lần lượt dời đi khi họ biết rõ chính quyền có cả một chính sách lo an cư cho họ từ A đến Z, không đem con bỏ chợ. Kế hoạch di dời xóm không nhà ở đây thành công bước đầu, trả lại khung trời thoáng đãng trên cao, các vỉa hè sạch sẽ và cảm giác bình an cho người dân trong quận khi cần tới đây vì nhu cầu giấy tờ hộ tịch, thuế khóa…

Tất nhiên Hội Đồng Giám Sát Orange County cũng như ở các địa bàn khác, họ không có ngân khoản nào thêm ngoài giới hạn quy định từ Quốc Hội liên bang qua tiểu bang nhưng sử dụng ngân khoản ấy cho các ưu tiên nào hay thế nào là tùy nhận định của Hội Đồng Giám Sát chiếu tình hình địa phương và bỏ phiếu cho đề xuất nào hợp lý. Trong giao tế, ứng xử, trong thể hiện khả năng và trách nhiệm, Giám Sát Viên Andrew Đỗ nhận được sự nể trọng và tin cậy của cả bốn đồng viện nên dự án ông đưa ra được thông qua với 100% phiếu bầu. Hiện nay, các chương trình vệ tinh hỗ trợ kế hoạch định cư người không nhà như xây bệnh viện tâm thần, cất trung tâm tạm trú, nhà trung chuyển và nhà giá rẻ cho người lợi tức thấp, ưu tiên người vô gia cư trở lại cuộc sống bình thường, đang tiến triển khả quan tại quận nhà với tổng ngân sách dự chi lên tới hơn $150 triệu hằng năm.

Kế hoạch liên tục có những thành công leo thang, cho phép chính quyền mạnh tay giải tán các tụ điểm người không nhà, nhiều nhất ở hai bên bờ sông Santa Ana rồi đến các thành phố lân cận và trung tâm vùng Little Saigon. Bất ngờ nhưng hạnh phúc hơn nữa khi mấy ngày gần đây, tôi bàng hoàng thấy cấp lãnh đạo cao nhất ở Washington, trong hai ngày liên tiếp trước Giáng Sinh, đã đề cập đến việc giải quyết nạn không nhà đang gia tăng ở California, nói chung, song song với việc chữa trị bệnh tâm thần cho số người lang thang trong tình trạng này. Đây là cơ sở lý luận được kiểm chứng, trở thành mục tiêu của kế hoạch giải quyết tận gốc vấn đề người vô gia cư chọn sống trên hè phố do Giám Sát Viên Andrew Đỗ nêu lên đầu tiên trước Hội Đồng Giám Sát cách nay gần năm năm qua.

Bản tin đọc được trên mạng cho thấy chính quyền trung ương dựa trên thẩm quyền can thiệp ở nơi nào xảy ra tình trạng khẩn trương, hứa sẽ giúp đưa số người vô gia cư mắc bệnh tâm thần đến các cơ sở chữa trị của liên bang (thực tế là chưa có) trong quá trình định cư họ. Trước tin này, tôi thực sự vui mừng biết rõ đây là kết quả những chuyến bay du thuyết của Giám Sát Viên Andrew Đỗ từ California lên thủ đô để gặp gỡ các giới chức hành pháp và lập pháp, tìm kiếm sự đồng cảm và sự tiếp tay của họ trong dự án chữa chạy vết thương quá lớn của nước Mỹ, cho tới nay, vốn được coi là bất trị. Các phương án do Giám Sát Viên Andrew Đỗ ứng dụng vào thực tế để giải quyết nạn vô gia cư trở thành mô hình mẫu mực cho các nơi khác trên toàn nước Mỹ học hỏi lấy kinh nghiệm.

Tôi thầm nghĩ nếu đây là thành tựu của một dân cử bản xứ, hơn thế nữa, thuộc phe cánh Dân Chủ, hẳn là truyền thông cánh tả đã đánh trống khua chiêng ầm ĩ để lấy điểm và bồi đắp thanh danh. Thế nhưng trong cuộc hành trình kéo dài năm năm cho tới nay, mỗi tối thứ năm đều đặn hằng tuần, ngồi với Giám Sát Viên Andrew Đỗ trong chương trình phát thanh Tiếng Nói Cộng Đồng do ông thực hiện từ ngày đầu nhiệm chức, có mục đích tường trình công việc ông làm trong tuần với thính giả, đồng hương, các cử tri đã tín nhiệm bầu ông vào chức vụ, tôi hiểu rằng Giám Sát Viên Andrew Đỗ có con đường riêng của ông, những quan tâm và ưu tư khác, vượt qua những cảm xúc phù phiếm, vượt qua cả sự thất vọng của chính ông khi phải đối đầu với sự tiêu cực của con người thay vì với những khó khăn do công việc. Để luôn giữ trái banh trong tầm mắt như người Mỹ thường nói, ngoài khối lượng công việc và trách nhiệm tại văn phòng, Giám Sát Viên Andrew Đỗ không rời tâm trí khỏi mục tiêu làm sao để thay đổi thân phận người vô gia cư, vợ, chồng và con cái họ, để quá nhiều cuộc sống không bị phí uổng và để đất nước có cơ hội phát triển đồng đều cho mọi người dân mà sự khiếm khuyết cá nhân không nên là lý do để họ bị bỏ rơi.

Ức Trai Tiên sinh có câu: “Nhân tài như lá mùa Thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm, mạnh hay yếu tùy lúc nhưng thời nào cũng có.” Cho tới nay, 45 năm sau kể từ quốc nạn 30 Tháng Tư, 1975, nam/nữ thế hệ thứ hai của khối người Việt di tản định cư ở Mỹ đã hiện diện hết sức vẻ vang trong mọi lãnh vực: văn hóa, văn học, khoa học, y tế, kinh tế, quân đội, quản trị các dự án quân sự lớn lao, điều gì đã cản trở người trẻ Việt Nam thể hiện mình trong lãnh vực chính trị? Đã đến lúc chúng ta thấy chúng ta cần phải có tiếng nói với trọng lượng ở nghị trường các cấp trong sinh hoạt chính trị giòng chính chưa? Mọi thành đạt cá nhân đều tạo tiếng thơm và gia tăng uy tín cho cộng đồng nhưng thành đạt chính trị là mảnh puzzle cuối cùng giúp định hình bản sắc của cộng đồng ấy và cho nó sức mạnh để tự tồn.

Làm việc trong gần một thập niên với Giám Sát Viên Andrew Đỗ, tôi thực sự thấy ông luôn đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân, đồng minh và thuộc cấp. Ông không có thì giờ để thở dài nhưng tôi nghĩ nếu ông có một tiếng thở dài đâu đó riêng mình, đó là cảm giác cô đơn của một chính trị gia ít tham vọng cá nhân và không bè phái. Nghị lực sắt đá đến cho ông từ nỗi khao khát muốn thấy đời sống hoàn hảo hơn và từ sự cảm thông bao dung của người bạn đời đối với lý tưởng ông theo đuổi. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT