Không muốn nhớ

Bùi Bích Hà

Nếu có một quãng đời nào tôi thực sự không muốn nhớ nhưng cũng không muốn quên, thì đó là 11 năm tôi và gia đình kẹt lại Sài Gòn sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.

Tin nhắn cuối cùng của người anh ruột tôi trước khi anh di tản là bảo tôi đem mẹ chúng tôi và các con tới gặp một cố vấn Mỹ nhà trên đường Công Lý, gần Tân Sơn Nhất, để được đưa đi theo sự thu xếp của anh. Tuy nhiên, khi chúng tôi tới nơi thì cổng ngoài ngôi nhà đã khóa bằng xích, không còn ai ở đó trả lời chuông cửa. Tôi lái xe về lại nhà qua những con đường lưu thông chộn rộn và mọi người nhốn nháo đi như chạy không biết về đâu nhưng lòng tôi hoang vắng và buồn thê thiết.

Sáng 1 Tháng Năm, tôi đến trường trình diện Ủy Ban Quân Quản tiếp thu Sài Gòn theo lệnh phát đi trên đài phát thanh và hệ thống loa của nhóm đeo băng đỏ trên cánh tay. Sau khi được điểm danh, giáo chức và nhân viên nhà trường còn ở lại được cho về chờ nhận chỉ thị mới. Buổi chiều, nhóm đeo băng đỏ lùa dân chúng trong khu phố ra tập họp ở cây xăng gần rạp chớp bóng Cao Đồng Hưng, chợ Bà Chiểu, để nghe huấn thị.

Một bà mẹ già khi được hỏi ý kiến về các chủ nhân mới của thành phố, đã hồn nhiên trả lời: “Cám ơn các anh vô sớm chớ không thôi Cộng Sản nó pháo vô là chết hết!” Những “đồng chí cán bộ” bất ngờ trong những giây phút cầm quyền đầu tiên, không biết phản ứng thế nào, cũng gượng cười theo. Tan họp, mọi người ra về, bước chân nặng trĩu lo âu trong bóng đêm bắt đầu trùm phủ lên mấy con đường đất đá phía sau con lộ lớn Bạch Đằng và cũng sẽ trùm phủ lên cuộc đời của họ kể từ đây.

Các tổ gia đình được thành lập ngay trong địa bàn khóm phường để “học tập cách mạng” và để nhòm ngó lẫn nhau. Những ngôi nhà có chủ di tản lập tức được cán bộ từ Bắc vào Nam điền thế với một tốc độ chóng mặt. Mạng lưới công an khu vực được rải đồng bộ để kiểm soát sinh hoạt của mỗi nhà.

Trẻ con từ lớp một bị tách ra khỏi người lớn và gia nhập tổ chức đoàn đội, học các sách giáo khoa có những bài vè với những câu nhảm nhí tựa như “Ngu nhất đời là tổng thống Mỹ.”

Công an khu vực mặc thường phục thoắt biến thoắt hiện như những bóng ma ở cửa trước, cửa sau, len lỏi qua mọi ngõ ngách, tự tiện tạt vào bếp nhà này hỏi “Hôm nay nhà ta nấu món gì đây?” xông xông vào nhà kia đảo mắt tìm đồ quốc cấm: cái radio đang nghe gì, cuốn sách cũ tàn dư của “văn hóa ngụy đồi trụy” hay một vật dụng nào vừa mắt thì hắn ta lân la nhờ mua như một cách hỏi xin lịch sự.

Các bà nội trợ bắt đầu dùng bị cói khi đi chợ để giữ kín đáo thức ăn mua cho gia đình có cha mẹ già hay trẻ con đang lớn, cần dinh dưỡng. Những lúc củi lửa, những bữa ăn thường ngày luôn là những giờ khắc hồi hộp của các bà vợ, bà mẹ phải chuẩn bị sẵn câu trả lời cho mọi câu hỏi ỡm ờ của công an khu vực muốn bắt mạch khả năng tài chánh của từng nhà trong thời cuộc đổi thay.

Trong trí nhớ tôi, hình ảnh tiêu biểu nhất của chế độ Cộng Sản, để lại ám ảnh lâu dài, là người công an khu vực. Họ có nhiều bộ mặt, áp dụng tùy lúc và không ai có thể lường trước được bộ mặt nào sẽ thấy ở họ, lúc nào, và những gì sẽ đi theo bộ mặt ấy? Trong giai đoạn tiếp quản Sài Gòn, tất cả công an khu vực đều được điều động từ Hà Nội vào.

Tôi không bao giờ quên anh công an khu vực công tác ở tổ dân phố của tôi, thuộc phường 3, quận Phú Nhuận. Đầu thập niên 1980, khi các gia đình kẹt lại miền Nam bắt đầu nhận được những thùng quà viện trợ của thân nhân kịp di tản hồi Tháng Tư, 1975, hiện cư ngụ ở nhiều quốc gia hải ngoại gửi về tiếp tế, các công an khu vực “làm việc” rất tích cực trong lãnh vực này.

Họ phải có con mắt thần thông đằng sau gáy để không bỏ sót một trường hợp nào, ngay cả những gia đình đã cẩn thận phân tán số hàng nhận được vào nhiều túi vải nhỏ thay vì đi xích lô hay xe ôm về nhà với nguyên cái thùng các-tông to tướng. Các gia đình nhận quà có chung những vị khách quý là các công an khu vực.

Khi trời chập choạng tối, mọi ngôi nhà trong giờ tắt điện lù mù ánh đèn dầu hôi, họ lách cửa vào nhà như những con mèo hoang, cười giả lả: “Hôm nay nhà ta có quà, ấm rồi, em muốn xin vài cây bút bi.” Họ nói vài cây nhưng có nghĩa là họ muốn nguyên một vỉ bởi vì nếu gia chủ thật thà đưa ra vài cây, họ sẽ hỏi thẳng là có vỉ chưa bóc ra không? Sau bút bi là quần jeans hiệu Levis, là áo gió, là vải may quần tây, thuốc Tylenol và thuốc lá.

Tất nhiên khổ chủ có thể chối không có vài thứ nhưng con số những thứ trao tặng không bao giờ là một nếu không muốn phải nhìn thấy bộ mặt lầm lỳ khó hiểu một cách đáng sợ của anh công an khu vực.

Tuy không muốn nhớ nhưng tôi cũng sẽ không bao giờ có thể quên cảnh tượng một buổi sáng tôi được mời lên công an phường để làm việc với công an khu vực về một vấn đề sẽ cho biết sau. Bước qua cửa văn phòng, tôi nhận ra ngay anh ta nhưng giờ đây là một người hoàn toàn xa lạ, lạnh lùng, sắt máu, rất khác với người công an khu vực đi vào cửa sau nhà tôi trong buổi tối mới cách đây vài hôm, cười cợt, nhũn nhặn, xưng em với tôi để hỏi xin bút bi và quần jeans.

Trước mặt anh ta, trên bàn, là cái bìa hồ sơ màu vàng, tôi không biết có gì ở trong. Anh ta giữ yên lặng khá lâu, nhìn tôi chăm chăm với một vẻ đe dọa không giấu diếm. Tôi tự biết tôi không làm gì sai, ngay cả việc con gái tôi đi vượt biên và chết đuối ở vàm sông Ô Môn vì thuyền bị lật, tôi cũng đã có câu trả lời nên tôi cố bình tĩnh nhìn trả lại anh ta, cố đương cự với ánh mắt soi mói nhà nghề của hắn.

Tuy nhiên, một nỗi sợ hãi kỳ lạ bỗng chạy suốt sống lưng tôi và làm quai hàm tôi cứng lại. Trong đời tôi, cho tới giây phút đó, cái cảm giác sợ hãi làm xương hàm tôi cứng đơ, đến với tôi là lần thứ bao nhiêu tôi không nhớ vì nó đã đến với tôi nhiều lần trong bóng đêm, cứ đúng khoảng 3 giờ sáng sau Tết Mậu Thân, khi Việt Cộng nghe nói từ mật khu bên kia Thủ Thiêm nã pháo vào thành phố. Lúc đó tôi ở ngã ba Hòa Hưng. Tiếng đạn đi xé gió, rít qua mái nhà, tiếng nổ khi đạn chạm đất, tiếng chó sủa ran và tiếng người kêu khóc như ri. Có hôm sáng ra tôi đạp xe tới trường, qua bùng binh Ngã Sáu, còn thấy xác người bán bánh mì nằm chết giữa đường, những ổ bánh mì lăn tung tóe xung quanh cái giỏ cần xé dập nát lẫn lộn máu.

Giờ đây, cái cảm giác xương hàm cứng đơ vì sợ lại đến với tôi. Trong trận mưa pháo giữa lưng trời, tôi không biết được đường bay của đạn. Ngồi trước mặt anh công an khu vực Cộng Sản, tôi thực sự cũng không lường được chuyện gì sẽ xảy ra. Thiếu kiến thức. Nghèo khổ. Được đào tạo trong môi trường hận thù giai cấp. Không thể hy vọng một điều gì tốt đẹp, nhân bản, phải lẽ ở những con người xa lạ với các giá trị làm người căn bản họ luôn được dạy là sản phẩm xấu xa, vô bổ, của bọn tiểu tư sản mà tôi là một thành viên bị bắt buộc phải tự khai trong bản sơ yếu lý lịch. Tuy nhiên, buổi “làm việc” ở đồn công an hôm đó dù có căng thẳng nhưng có lẽ nhờ phước đức tổ tiên, tôi được ra về an toàn sau khi anh công an khu vực cho biết là “để làm sáng tỏ nếu như tôi có quan hệ mật thiết với một tổ chức vượt biên nào phải khai báo.”

Từ đó đến nay, do bản tính tôn trọng sự thật và sự công bằng, tôi vẫn có chút thắc mắc, không biết nhận định của tôi ngày ấy có đúng hay không? Thời gian gần đây, tin tức dồn dập trên báo chí và Internet cho thấy người dân lành bước vào đồn công an Cộng Sản, ít khi ra về lành lặn, khiến tôi tin chắc trực giác của mình không sai. Không những vậy, tính cách độc ác của tầng lớp công an ngày càng tệ hại hơn trong một đất nước ngày càng đào sâu hố thẳm giữa đám cán bộ giàu có vì nhũng lạm và đám cán bộ không có cả khúc xương để gặm.

Hình ảnh mới nhất khiến tôi hết sức xúc động là của anh Trần Văn Doanh, bị công an đánh bầm tím vùng khoang bụng là nơi có những bộ phận quan yếu trong thân thể một người, chỉ với nghi vấn anh là thủ phạm trộm chiếc xe máy của ai đó trong khi anh đã được xác minh là ngày giờ vụ mất xe xảy ra, anh đang đi làm có chấm công, nghĩa là có bằng chứng ngoại phạm. Một nhóm công an hành xử phi pháp ngay giữa cơ quan công quyền, vô cớ tra tấn một nghi phạm cô thân, yếu thế, suốt hai tiếng đồng hồ để ép cung, cố tình đánh vào nơi xung yếu của nạn nhân thì đó là hành vi giết người của loài thú hoang say máu.

Tin tức cho biết anh Doanh may mắn thoát chết sau một đêm và một ngày nằm lả ra, phơi thân trên sàn gạch hoa với nội tạng bị thương trầm trọng. Anh thoát chết có lẽ nhờ sức lực tuổi thanh niên nhưng hậu quả của trận đòn đánh cho ra tiền của bọn công an không khác gì thảo khấu chưa biết sau này sẽ phát tác thế nào trên cơ thể anh?

Cứ hình dung ra cảnh người dân Việt Nam lương thiện phải sống nơm nớp trong nỗi lo sợ không biết lúc nào, vì cớ gì, bị mời lên đồn công an làm việc và trong nhiều trường hợp như thế, họ không còn đường về, hãy hỏi liệu có ai còn chút lương tri mà không cảm thấy lòng như muối xát và đứt ra từng đoạn?

Làm sao để người dân hiền hòa nước tôi với sức chịu đựng phi thường, phần đông chào đời trên tro tàn của cuộc chiến tranh đầy bất công đã khép lại, biết được có một thời chưa xa, cha anh họ đã sinh sống ngay trên quê hương của họ ngày nay, một cuộc sống có thể còn nhọc nhằn vì sinh kế nhưng không một ai vô cớ bị kẻ ỷ quyền thế tước đoạt sinh mạng hay quyền làm người của họ, thường chỉ vì một bữa nhậu tồi tàn hay một canh bạc cò con cạn láng.

Tôi tự hỏi biết đâu những trận mưa đòn thù sẵn sàng trút lên đầu các nạn nhân vô tội kia, kể cả những bà mẹ luống tuổi buôn thúng bán bưng ven đường, không là cách để bọn công an trút bỏ tất cả sự căm phẫn tích lũy trong chính thâm tâm chúng khi mỗi ngày nhìn lại thân phận hèn mọn của họ, liếm láp chút cơm thừa canh cặn so với giai cấp tư bản mới ngất ngưởng trên tột đỉnh danh vọng và sự giàu sang bằng máu xương đồng đội và bằng tiền của vơ vét từ công quỹ?

Làm sao nói cho họ biết lịch sử thường trùng lắp và kẻ thù của họ ngày nay là những kẻ cầm cương thời cuộc, ngồi trên đầu trên cổ họ, đun đẩy họ vào tăm tối nên họ cần mạnh dạn khước từ những bàn tay tàn bạo, bất nhân ấy để thực sự giải phóng mình cho một đời sống tốt đẹp hơn? Hãy đứng với dân vì sức dân là ý trời. Đừng để như câu chuyện vua An Dương Vương được thần Kim Quy chỉ ra kẻ nội thù là núm ruột của mình cùng ngồi trên lưng ngựa thì đã quá muộn để phải chết cả hai trong tuyệt lộ.

Nhược điểm của người quốc gia gốc tiểu tư sản như tôi học mãi vẫn chưa thuộc bài học phân biệt rõ ràng bạn với thù của người Cộng Sản nhưng người Cộng Sản thì đã học kỹ rồi, chỉ cần gậy ông đập lưng ông để thay đổi vận mạng cả một đất nước và dân tộc. Mong lắm thay!