Tuesday, April 23, 2024

Mẹ ơi!

Bùi Bích Hà

Thơ, truyện, văn xuôi, khảo luận, âm nhạc, tranh, ảnh, kịch, phim, điêu khắc, có thể nói mọi loại hình nghệ thuật, mọi phương cách diễn tả của những người con yêu kính, biết ơn và nhớ mẹ đều tập trung vào trái tim mẹ, hình tượng mẹ, phong cách mẹ, những hy sinh và công lao như trời biển của mẹ…

Chúng ta thường được nghe những lời tạ tội muộn màng, những ăn năn, ray rứt không còn cơ hội sửa chữa, những tiếc thương cho dẫu “có xót xa cũng hoài mà thôi.” Vì mẹ đã đi rồi. Đã thiên thu khuất bóng. Đối với mọi đứa con, nên hay hư, khi không còn mẹ nữa mới ngộ ra đại dương bao la rồi cũng cạn, non cao sừng sững giữa đất trời rồi cũng hao mòn.

Khi bóng mẹ rạt đi, những đứa con chợt thấy mình chênh vênh, thấy mình cô quạnh, mới biết thế nào là biệt ly, mới thấm ngấm nỗi niềm côi cút, từ nay một mình chèo chống với phong ba…

Tuy vậy nhưng thời gian vốn là liều thuốc quên nhiệm mầu nhất. Ngay cả những kỷ niệm buồn bã khắc sâu vào tâm trí một người cũng trở thành hồi tưởng êm đềm lúc quay nhìn lại vì cảm xúc đã bị bào mòn qua tháng năm chồng chất, “còn gì nữa đâu mà khóc với cười?”

Chúng ta ái ngại nhìn trẻ thơ với khăn tang trên tóc. Chúng ta ngậm ngùi với tuổi nửa đời mất mẹ. Cho nên tuổi già mà song đường tại thế được xem là phúc đức hiếm hoi cho dù tuổi già hạt lệ như sương, mất mẹ ở quãng đường này có mấy ai đồng hành đủ quan tâm để biết mình buồn vui ra sao? Có còn đủ thời giờ để khỏa lấp hay nguôi quên?

Chiều hôm qua, nghe Hương Lan hát “Mẹ Ơi!” của Trần Tiến, trong lòng tôi như có những bông hoa rưng rưng hé cánh: “Mẹ ơi, con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con.”

Trong mắt mọi bà mẹ, đứa con nào không cứ mãi là trẻ con? Có lẽ người già khi chưa lú lẫn mà nhớ mẹ, không muốn ai thấy và cười mình lẩn thẩn nên người già nào cũng giấu kỹ nỗi nhớ thương này tuy trong tận cùng tâm khảm, những giây phút được làm trẻ con, chao ôi là hạnh phúc!

Có nhiều buổi trưa trời Cali vào Hè nóng bức, tôi đứng rửa bát trước cái cửa sổ có mành mành che, nghe hơi nắng bốc lên từ cái sân xi măng trống trải bên ngoài, không có chiếc xe nào đậu vì mọi người đều đi làm, lòng tôi xót xa nhớ mẹ nón lá trên đầu, lưng áo đẫm mồ hôi, chống hai tay vào cán cuốc, đứng thở giữa khu vườn rộng cây lá xanh um.

Tôi nhớ mẹ vai lệch một bên vì giỏ chợ nặng, đi liêu xiêu trên con đường đá răm mấp mô và khi bóng mẹ gầy gò chìm vào bóng mát của cây nhãn ở đầu ngõ, tôi đoán được cả cái mát trên thân thể mẹ nóng hôi hổi sau hơn hai cây số lầm lũi cuốc bộ dưới cái nắng thiêu đốt từ chợ về nhà.

Mẹ tôi đi về như thế mỗi ngày, qua bao nhiêu tháng năm nuôi tôi lớn khôn. Mùa Hè đã vậy, mùa Đông mẹ như con ve sầu rã cánh, lướt thướt trong cái áo mưa sũng nước ken bằng lá gồi, xoay bốn phía che gió mưa từng chập. Thế mà mẹ không hề thở than, không hề trách móc số phận, càng không oán thù kẻ đã đày đọa mẹ.

Mẹ ơi, suốt đời mẹ không được đến trường mà sao mẹ như người thuộc thơ của Alfred de Vigny: “Gémir, pleurer, prier est également lâche/ Fais énergiquement ta longue et lourde tâche/ Dans la voie  où le Sort a voulu t’appeler/ Puis après, comme moi, souffre et meurs sans parler.”

Mà sao mẹ biết sống và dạy con bài học ứng xử không làm ung thối tâm hồn mình, không phí phạm sức lực mình, ngày nay người Mỹ thường diễn tả bằng câu “Đừng đau đớn tới hai lần, don’t get hurt twice?” Mẹ im lìm như núi, không chuyển dịch trong cuồng phong, bão tố. Mẹ như biển động riêng mình, chôn hết vào đáy thẳm. Cuộc đời mẹ cho con hiền hậu như trăng sao, ngọt bùi như sắn khoai, thơm hiền như bát canh hoa thiên lý. Ngay cả khi mẹ đã già rồi, mẹ vẫn sẵn nụ cười chỉ còn mấy chiếc răng thưa để gánh vác giùm con những khổ đau mẹ sợ con không kham được mà dại dột liều mình.

Rồi mẹ ra đi, không nói một lời nào. Bây giờ, ngoảnh đi ngoảnh lại, con cũng đã già rồi, già hơn mẹ lúc con thức giấc một đêm xưa, thấy mẹ xì xụp khấn lễ trong vuông sân gạch sau nhà, dưới bầu trời lác đác mấy vì sao, trước mâm cúng chỉ có nải chuối xanh, một ly nước lạnh và vài nén nhang đang lập lòe bày trên cái ghế gỗ nhỏ.

Mẹ ôm con vào lòng, nói thầm: “Bà ngoại đi chợ về qua con đê làng, bị lũ cuốn trôi rồi em ạ!” Lần đầu, con nghe mẹ nói một điều rất lạ, con không biết bà ngoại là ai nhưng nước mắt mẹ rơi xuống áo con nên con biết mẹ khóc. Mẹ vỗ vào lưng con, bảo con đi vào ngủ, “Ngoan, chị thương.” Trong các con của mẹ, có lẽ chỉ một mình con sau này lớn lên, nhớ lại, biết mẹ mồ côi bà ngoại kể từ đêm hôm ấy.

Bây giờ, chính con cũng “đã già rồi, con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa,” mới thấy ra chắc mẹ cũng từng có lúc ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa mà mẹ không cầm bút như con để kể lể, cũng không có ai để thở than nên mẹ “giấu quanh giấu quẩn nỗi buồn một nơi.”

Mẹ ơi, nhà mình không có “cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo,” chỉ có cây bàng đổ lá quanh năm ngoài cổng và mùa Đông rụng những quả chín vàng hươm cho con chạy dưới cơn mưa nhặt đầy túi áo. Ngày xưa, nhà mình không bao giờ có cảnh “mẹ ngồi xa vắng bên giường cha nằm, thương cha chí lớn không thành.” Từ khi khôn lớn, con chưa bao giờ thấy cha ngồi bên mâm cơm có mẹ hay hỏi han mẹ một câu gì. Ngày cha mất, con ở xa về nghe chị dâu kể lại, cha gọi mẹ lần đầu và cũng là lần cuối, để mẹ đỡ cha vào giấc ngủ ngàn năm.

Nhà con bây giờ nhìn đâu cũng thấy sách. Con có những cuốn sách gối đầu giường nhưng cuốn sách mẹ con đọc hoài không hết. Con không có tuổi thơ nhung lụa như các anh chị để được nghe tiếng ru hời bên nôi nhưng con lớn khôn trong âm giai thánh thót những bài quan họ Bắc Ninh mẹ hát trong gian bếp bập bùng ánh lửa thổi cơm chiều, khi mẹ một mình với nỗi u hoài một đời câm nín. Tiếng hát trong như mưa và mãi mãi thanh xuân của mẹ bay qua mấy khung cửa mở, bay qua khu vườn cây lá đứng im nghe, bay trên lối ngõ con đi học về, êm ái đậu lại trong lòng con thơ ngây và bồi hồi cảm xúc.

Nhạc sĩ Trần Tiến ví tuổi thơ ông như chiếc gối êm cho tuổi già ông úp mặt. Con không có chiếc gối êm ấy nên bây giờ mỗi khi nhớ mẹ, con úp mặt mình vào hai bàn tay khô héo, tưởng như một thời nào còn mẹ, con hay úp mặt con vào ngực áo mẹ để nhận ra mùi mẹ của những tháng ngày lam lũ. Con tha hồ khóc mà không ai hay biết, khóc bằng nước mắt cả một đời con, cho con và cho cả mẹ mà con biết cả mẹ và con đã cố nín nhịn để có sức đi cho hết cuộc hành trình thống khổ phần mình.

Mẹ kể mùa Đông ở Huế mưa dầm suốt mấy tháng, con không có đủ tã lót nên đêm đêm chỗ khô mẹ đặt con nằm, chỗ ướt của mẹ và cứ thế mẹ con thay nhau chờ sáng. Mẹ muốn con đường con đi mai này khô ráo, bốn mùa hoa nở và hương thơm dìu dặt.

Mẹ ơi, cuộc đời không như mình muốn đâu nhưng mẹ là bóng núi cho con cậy nương, là biển khơi cho con tắm gội ưu phiền, là bông hoa không bao giờ tàn rữa trong lòng con.

Nhạc sĩ Trần Tiến thở than: “Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình/ Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.”

Mẹ ơi, có thứ gì mà mẹ không cho con? Đất trời mênh mông và mẹ ở khắp nơi, nơi nào con cũng có mẹ như con có quê hương, có ngôi nhà con đang ở nhờ mẹ mà thành mêng mông như sông núi trải mình trên khắp địa cầu bao la này. Trong mọi phú quý vinh quang của kiếp người, con có mẹ, trái tim mẹ, là phú quý, vinh quang cao ngất, không nhạt phai như phấn son, không dễ tan biến như bọt xà phòng.

Nhạc sĩ họ Trần thảng thốt kêu lên: “Trèo lên dãy núi thiên thai, ối a mẹ tôi về đâu?/ Ngàn năm mây trắng bay theo, ối a mẹ ơi mẹ về đâu?”

Chao ôi, còn dãy núi thiên thai nào nữa khi mẹ là Thiên Thai vang lừng nhã nhạc? Chao ôi, còn thênh thang nào hơn khi mẹ là mây trắng ngàn năm phiêu du trên những đỉnh trời? Chao ôi, còn ngọn gió nào ngát thơm hơn khi mẹ là trầm hương trong hư vô tịnh không lòng con thương nhớ mẹ khôn nguôi?

Mẹ ơi, con cũng biết mẹ không về đâu cả nếu mẹ đã không thể về căn nhà xưa của tất cả chúng ta nay đã nhuốm màu cổ tích. (Bùi Bích Hà)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT