Mùa Hè đầu tiên

Bùi Bích Hà

Con gái tôi dặn dò: “Lễ bắt đầu lúc 1 giờ nhưng mình phải đến sớm vì khó tìm chỗ đậu xe lắm mẹ ạ!”

Tôi tới trước hẹn 45 phút nhưng các bãi đậu xe mặt tiền và bên hông Irvine High School đã kín đặc, không còn một chỗ trống. Nhân viên an ninh túc trực ở những khoảng cách ngắn để hướng dẫn phụ huynh và thân nhân các em học sinh đậu xe vào bãi đất trống phía sau trường.

Buổi sáng Thứ Năm, 8 Tháng Sáu, bầu trời nhiều mây, nắng lên muộn. Khá đông quan khách ngồi rải rác trên các hàng ghế dài lộ thiên từ thấp lên cao nhìn xuống sân vận động đã chuẩn bị sẵn sàng cho lễ ra trường của 482 học sinh vừa hoàn tất bốn năm “dùi mài kinh sử” bậc trung học.

Những dãy ghế màu trắng dành cho các em và thầy cô giáo xếp ngay ngắn giữa sân, trông như một đàn cò đậu trên bờ ruộng xanh, yên lặng chờ đợi. Khán đài đối diện dành cho ban quản trị nhà trường chưa có ai. Bên cánh trái khán đài là chỗ của ban nhạc và các nhạc sĩ “mầm non” lục tục di chuyển đến vị trí của mỗi em cùng với nhạc khí họ sử dụng.

Ðến 12 giờ rưỡi trưa, nắng lên, trời có gió nhưng bắt đầu oi bức. Giáo sư nhạc trưởng của các em, nhìn xa, vóc dáng thanh mảnh, hơi gầy, đội cái nón nan rộng vành, đứng trên một cái bục và điều khiển ban nhạc chơi các tấu khúc vui tươi, êm dịu, khiến cho không gian xung quanh trở nên thân tình, gần gũi.

Hệt như cảnh tượng tôi từng nhìn thấy ở cùng nơi chốn này một buổi sáng mùa Hè khác cách đây năm năm, khi dự lễ ra trường của đứa cháu ngoại đầu tiên, nắng gắt hơn hôm nay nhiều và vì tôi không đeo kính râm, có lúc thấy nắng lóa lên như những mảnh kim loại phản chiếu mặt trời, tung tăng nhảy múa.

Ðúng 1 giờ, ban giám hiệu từ phía cuối địa điểm hành lễ tiến vào khán đài. Họ mang mũ áo đại khoa, dải choàng vai bằng nhung màu sắc khác nhau biểu tượng chuyên môn và học vị.

Tiếng vỗ tay vang lên không dứt từ hai khán đài phụ huynh tả hữu đối diện cùng lúc với tiếng hò reo òa vỡ khi các sĩ tử tân khoa áo thụng xanh màu da trời đi hàng một vào chỗ ngồi cùng với các giáo sư cố vấn, tuần tự từ dãy ghế trên cùng xuống dãy ghế cuối cùng. Cảnh vật bỗng nhòa đi trong đôi mắt tôi thốt nhiên rưng lệ, nhớ lại một thời phấn trắng bảng đen của tôi ở quê nhà, những mùa Hè không bình yên và nhiều thế hệ học trò rời trường đi theo những lộ trình may rủi riêng của chúng.

Một em gái khuyết tật di chuyển trong hàng ngũ bằng xe lăn điện. Ba em gái gốc Trung Ðông đội khăn truyền thống dưới mũ ra trường. Các nữ sinh mang giầy cao/thấp, kiểu cọ tùy lựa chọn theo sở thích trong khi tuyệt đại đa số các nam sinh mang giầy thể thao hay giầy vải, ngoại trừ một em duy nhất lọt vào tầm mắt tôi, mang “giầy tây” màu đen, đánh xi bóng loáng, càng tề chỉnh hơn với dải sa tanh vàng trên cổ áo. Tôi nghĩ thầm trong lòng: “Cậu này chuẩn bị tương lai kỹ càng đây!”

Sau diễn văn khai mạc của bà hiệu trưởng, sau phần phát biểu của một nam sinh (Dahvi Cohen) và một nữ sinh (Katelynn Nguyễn) có điểm GPA từ 4.0 trở lên là phần xướng danh các học sinh tốt nghiệp niên khóa 2017.

Nhìn xuống sân cỏ, tôi thấy ba nữ nhân viên của nhà trường đẩy một cái ghế rất đẹp bằng kim loại trắng có dựa lưng và bốn bánh xe, ngạc nhiên không biết họ định làm gì? Hóa ra, ai bảo người Mỹ không có văn hóa “Tôn sư, trọng đạo?” Chiếc ghế ấy dành cho em nữ sinh khuyết tật khi cô lên sân khấu nhận chứng chỉ tốt nghiệp từ tay quý vị giáo sư.

Hai trong ba nữ nhân viên giữ yên cái ghế, người kia chuyển em nữ sinh bằng cách bế em từ xe lăn đặt em ngồi vào đấy (vì em không thể đứng) trước khi em được đẩy, chỉ một bước, đến trước vị giáo sư sẽ trao bằng cho em. Tất cả công khó của từng ấy người chỉ để phục vụ một nghi lễ diễn ra trong vòng năm giây đồng hồ, sau đó, em lại được chuyển về chiếc xe lăn điện để em tự di chuyển về chỗ ngồi dưới sân cỏ. Tôi vốn là người không đặt nặng vấn đề hình thức nhưng lần đầu tiên hôm nay, chợt thấy có lúc hình thức cũng rất cần khi nó thực sự hàm chứa một ý nghĩa.

Bài hát “On Up The Road” tiễn chân các em vào đời trong mùa Hè đầu tiên, được một em gái có giọng ca tuyệt vời hát lên, mô tả “Các hành lang sẽ vắng lặng sau khi các học sinh tốt nghiệp học khóa này rời trường lần cuối mang theo cuốn yearbook đầy kỷ niệm, những gì các em đã được trao truyền và mạnh dạn lên đường. Cơn gió lạnh của đổi thay sẽ quét qua bầu trời, thì thầm trong sương mỏng, trái tim chúng ta dậy lửa, mắt chúng ta lấp lánh sao trên chặng đường tiến ra phía trước. Những ước ao to lớn sẽ không ngớt thôi thúc chúng ta cho tới khi chúng ta đổi mới cả thế giới đã mòn mỏi này, các bạn biết chúng ta làm được điều này mà! Những cô dâu, những chú rể trong cuốn sách đời có vẻ như còn xa lắm nhưng hãy nhớ thời gian như gió qua cửa và chỉ một chớp mắt thôi, những sớm mai tương lai sẽ là hiện tại hôm nay. Và hôm nay đây, những giấc mơ cuồng dại của chúng ta sẽ cất cánh cùng chúng ta lên đường. Sẵn sàng rồi, chúng ta đi thôi!”

Những giấc mơ tuổi trẻ đều vá trời, lấp biển giống nhau và những thử thách của số phận đến với họ dưới nhiều bộ mặt cũng giống nhau nhưng không ai cấm được tuổi trẻ nuôi những giấc mơ, nhất là ở một đất nước với nhiều trang sử và nhân vật thần kỳ như nước Mỹ đã nuôi các em khôn lớn như câu chuyện thần tiên.

Ða số ông bà/cha mẹ dự lễ ra trường của con cháu hôm nay đều đã đi qua con đường đang chờ đợi các tân khoa. Rồi đây, sau những khoảnh khắc tưng bừng, nôn nao, náo nhiệt này, cùng với gần 500 cái mũ lụa xanh tung lên bầu trời bao la, các tân khoa như đàn chim ra ràng, bay theo những đường bay về nhiều hướng khác nhau, sẽ phải một mình đối phó với nắng mưa, bão táp, sẽ vượt qua mọi trở ngại hay sẽ quỵ ngã, sẽ hạnh phúc hay sẽ khổ đau, sẽ nhìn nhau mừng rỡ hay ngậm ngùi nếu còn gặp lại nhưng con đường tới đây, ngày hôm nay, giờ khắc họp mặt đông đủ lần cuối bên nhau này sẽ mãi mãi là ký ức thương yêu theo các em qua mọi lộ trình các em sẽ đi, để các em nhớ về trong thành công và trong cả thất bại. Là món quà, là kỷ vật cuộc đời trao tặng các em như một đặc ân vì biết bao đứa trẻ khác ở những phần địa cầu kém may mắn khác, cùng trang lứa hay lớn/nhỏ hơn đôi chút tuổi các em, đã không bao giờ có được dù chỉ trong mơ tưởng.

Trong phần nói chuyện đặt tên là “Numbers” của Dahvi Cohen, em đưa ra những con số mà em cho biết em đã tra cứu, đã đếm cẩn trọng, đã hãnh diện và mãi giữ gìn chúng trong tâm khảm về ngôi trường em theo học và tốt nghiệp. 41 năm nổi tiếng với thành tích đào tạo ưu tú, mỗi năm gửi ra xã hội những công dân có phẩm chất, có hành trang chuẩn bị kỹ lưỡng. 156 giáo chức trong nhiều nhiệm vụ khác nhau: thầy cô giáo, nhân viên hành chánh, cố vấn khải đạo và thành viên học hiệu, cả một đội ngũ những người miệt mài cống hiến không kể ngày giờ trong suốt bốn năm trung học để bảo đảm mỗi học sinh đi tới đích ở cuối học khóa. Trong tổng số 2,060 học sinh ghi danh các cấp lớp, một phần tư đang hiện diện trên vận động trường này. Các em nói trên 20 thứ tiếng mẹ đẻ, cho thấy với tính cách đa dạng ấy, trường Trung Học Irvine cung cấp cho học sinh những kinh nghiệm sinh hoạt cộng đồng phong phú không thể tìm được ở nơi nào khác. Sau cùng, con số quan trọng nhất Dahvi hứa sẽ không quên, không đánh đổi lấy bất cứ thứ gì khác trên cõi đời này là 1,367 ngày nỗ lực thể hiện mình cách nào tốt nhất trong suốt học trình bốn năm vừa qua. 1,367 ngày buồn vui, học tập, khôn lớn, phạm lỗi lầm rồi bước ra đàng hoàng hơn. Trên hết, 1,367 ngày xây đắp những tình bạn sẽ ở lại với các em đến cuối đời.

Về phần Katelynn Nguyễn, diễn từ của em có tên là “Impressed,” gây ấn tượng. Phụ nữ thường không nói về con số mà cảm xúc. Em diễn tả tâm trạng mong ngóng từng ngày được lên lớp, xong tiểu học qua trung học, thấy thời gian nhanh như cái chớp mắt nhưng cũng chậm rì rì. Thế mà cái chớp mắt làm thay đổi tuổi thơ của em thành người lớn, nao nức trước ngưỡng cửa đại học hay một công việc mới mẻ, hăng hái khai phá con đường vào đời không một chút do dự, đã tới ngay trong ít giây phút còn lại này trên sân trường trung học! Em không biết mình có chớp mắt nhanh quá hay không nhưng em không muốn chỉ nghe nói “chúng ta có thể” hay “chúng ta sẽ…” Em muốn chia động từ ở cách khẳng định và ở thì hiện tại. Em nói: “Chúng ta khắc phục mọi trở lực để thành công. Chúng ta tiếp tục nuôi những giấc mơ lớn và biến chúng thành hiện thực. Mặc dầu tiến về tương lai, chúng ta để lại quá khứ những phần đời quan trọng nhất của mình bên thầy cô giáo, các vị phụ giáo và khuôn viên ngôi trường này, chỉ mang theo các giá trị giáo dục đã thấm ngấm vào huyết quản chúng ta: lòng công chính, danh dự và trách nhiệm xã hội. Xin chúc mừng thành công học khóa 2017 của chúng ta và hãy cùng nhau tiếp tục gây ấn tượng các bạn nhé!”

Cùng với những bó hoa tươi và những chùm bong bóng bằng giấy kim nhũ màu phất phới bay đó đây, lòng tôi cũng lâng lâng cùng với làn gió mùa Hè trên sân trường mênh mông nắng, bay theo mơ ước của những cánh chim non sẽ sớm trưởng thành trong thử thách đời thường với lời cầu nguyện chân thành nhất, tha thiết nhất.

Ðối với riêng tôi, cuộc sống là một mầu nhiệm kỳ lạ khi tôi hồi tưởng lại một buổi trưa đầy lo âu và sợ hãi 18 năm trước, thấy mình đứng chôn chân nhìn qua ô kính nhỏ của phòng ICU khu trẻ con bệnh viện Garden Grove, run rẩy đoán từng cử chỉ, từng ánh mắt, từng cái động môi của các bác sĩ và y tá suốt mấy tiếng đồng hồ cực hình của tôi khi họ tận lực điều chỉnh tình trạng cháu bé ra trường hôm nay, bị sặc nước ối vào phổi lúc chào đời.

Trong lúc cắm cúi nhìn những bước chân ra về giẫm lên cỏ, tôi bắt gặp lại đôi “giầy tây đen” bóng loáng lúc nãy, phía trên là “hai ống quần tây” là ủi thẳng nếp. Trong một thoáng nhìn gần, tôi thấy cậu học trò tóc húi cao, có khuôn mặt thông minh, nụ cười rộng. Cậu tươi cười chụp ảnh với vài người bạn thân thiết, bà mẹ Việt Nam, một em trai và một chị gái, có lẽ thiếu vắng người cha bên cạnh trong ngày trọng đại này. Có thể chủ quan nhưng ngay khi nhìn thấy đôi giầy rất “trang trọng” kia, tôi đã thầm nghĩ cậu bé phải lớn lên trong một gia đình Việt Nam và được một bà mẹ Việt Nam truyền thống nuôi dạy.

Ôi, những bà mẹ Việt Nam nuôi con bằng tất cả tình yêu, năng lực và sự hy sinh trong đó có mẹ tôi, ngày ra trường của họ, may lắm và nếu có, cũng là ngày vĩnh viễn trả lại đời hơi thở cuối cùng.