Mùa Hè năm 2017

Bùi Bích Hà

Buổi sáng thức dậy, cảm giác mùa Hè năm nay dễ chịu và êm đềm với nắng như lụa mềm trên sân trước, vườn sau.

Vào bếp, phân vân không biết điểm tâm bằng gì? Cháo trắng ăn với nấm oyster kho tiêu? Instant oatmeal với đường nâu? Bánh mì chấm tương vắt chanh và dầm ớt tươi? Lưng chén cơm nguội từ hôm kia nhắc nhở những ngày xa xưa mẹ vẫn hay để dành cho trong garde-manger với con cá móm kho xổi, phòng khi cái bụng đói của tôi kêu réo bất cứ lúc nào.

Có lẽ bao tử của tôi cũng chợt nhớ cái hương vị đậm tình mẹ con ấy nên khiến tôi bỏ chén cơm vào lò vi ba. Chỉ còn chọn lựa cuối là ăn với cá trích kho khô, ruốc bông hay kim chi, muối mè?

Bữa ăn sáng thú vị chậm chạp trôi qua ở cái góc vườn sau gió hiu hiu, với một lũ gà con, vịt con, thỏ con, ễnh ương, có cả hai con hạc đã quên đường về Bồng Lai, đứng im lìm ở chỗ của chúng nó từ khi mảnh vườn được dọn dẹp sạch sẽ và tôi rước chúng về từ Tuesday Morning, từ T.J. Maxx Home Goods, từ Ross Store, hay Good Will.

Nấu xong nồi bún riêu nhỏ đủ cho bữa chiều, vào tới phòng làm việc thì đã quá trưa. Mở máy điện toán xem điện thư, nhận được tấm hình chụp con chim hummingbird ấp trứng trong cái tổ xinh xắn đan bện kỹ càng bằng cỏ khô giữa đám lá xanh do V. gửi… chay, không một lời dẫn giải. Ðã vui. Ðã hạnh phúc vì tấm hình đẹp quá! Nhắc tôi những buổi sáng mùa Hè hạnh phúc khác khi tôi có mấy ngày nghỉ với nhà thơ TMT ở Bellevue, Washington.

Vườn sau nhà chị thoải lên lưng núi, có nhiều hoa nở theo mùa. Mấy con hummingbird thoắt biến thoắt hiện như những mũi tên nhỏ bay vèo dưới bóng cây mộc lan lá xanh mướt như tắm dầu, bao giờ cũng làm chúng tôi vui sướng nhìn theo không chớp mắt. Vậy mà sáng nay, thình lình V. gửi cho tôi một cô hummingbird đang làm mẹ, nằm úp bụng gọn lỏn trong cái tổ cô tự đan với kích thước vừa khít để ấp ủ cô, giữ cho hơi ấm từ thân thể cô chuyển vào cái trứng, kín bưng, không thất thoát ra ngoài.

Ai bảo “Phúc bất trùng lai?” khi tôi đang lâng lâng niềm vui, chưa muốn ra khỏi email thì nhận thêm thư của anh M. Anh cho biết xuất xứ cái tổ chim tuyệt đẹp kia là hàng hiên trước nhà anh và nó đã ở đó hơn tháng nay để hoàn tất một chu kỳ sinh sản của chim mẹ, con hummingbird dễ thương, duyên dáng và tài hoa, ai đã nhìn thấy một lần là yêu ngay, yêu mãi, nhớ mãi.

Nó bé xíu, chỉ dài chừng 3 inch. Nó có cái mỏ nhọn hoắt như mũi kiếm, được cho là dài nhất trong các loài chim tính theo kích thước thân thể nó. Nó có bộ lông nhiều màu xanh, đỏ, vàng, lục, trắng, xám không do huyết sắc tố bẩm sinh mà tùy thuộc vào ánh sáng, độ ẩm, cả góc nhìn cùng với nhiều yếu tố khách quan khác nữa, làm cho bộ lông của nó sáng lên, màu sắc tươi tắn hơn.

Nó có đôi cánh xếp mở nhiều cách và tùy lúc nhưng lúc nào cũng quạt liên tục, quạt nhanh đến nỗi khi nó ở thế ngửa mặt nhìn trời để hút mật một bông hoa rủ trên đầu nó, người nhìn cảm tưởng như nó đứng thẳng băng giữa thinh không. Nó không thể bước đi đủng đỉnh, cũng không nhảy cẫng được. Tất cả sức mạnh của nó dồn vào động thái bay, bay ngược, bay xuôi, bay lộn nhào và nó bay rất nhanh.

Bây giờ nhớ lại, tôi lấy làm lạ là khu vườn tuổi thơ của tôi ở ngoại ô thành phố Huế có rất nhiều chim nhưng tuyệt nhiên không có hummingbird. Ngoại trừ tiếng bồ câu gù mỗi buổi sáng khi chúng soi bóng xuống hồ nước ở vườn trước, tiếng con chim cu gáy đâu đó lúc xế trưa ngoài bờ tre, tôi thường chỉ nghe tiếng chiêm chiếp ríu rít của lũ chim sẻ loanh quanh ngoài cửa sổ và thấy chúng ồn ào sà xuống rồi bay lên tứ tung trên khoảng sân đầy nắng. Có một loại chim nữa, nhỏ hơn chim sẻ, mẹ tôi gọi là chim sâu (có lẽ vì nó chuyên mổ sâu làm lương thực) nhưng lông nó cũng màu nâu sẫm hay màu xám đậm không khác gì chim sẻ.

Vậy đấy nhưng nói đâu cho xa xôi, ngay căn nhà tôi đang ở không xa khu Little Saigon, cũng có vườn, có hoa hồng thay nhau nở, có hoa trà, hoa tường vi, bông bụp tòe loe cả bụi to tướng nhưng chả bao giờ thấy bóng một con hummingbird.

Thông tin từ Google cho biết trong tổng số trên 300 loại hummingbird, chỉ có tám loại chọn quốc tịch Hoa Kỳ cho con của chúng và hơn hai chục loại nữa thích lang thang làm kẻ du mục đi qua xứ sở này chỉ để cưỡi gió xem hoa, không định cư. Là giống chim thích khí hậu nhiệt đới nhưng lại không đến Việt Nam, chắc vì Biển Ðông sóng gió.

Hummingbird tự chúng là vưu vật của tạo hóa, hẳn chúng phải yêu cái đẹp nên tôi không lạ khi biết có một nàng chọn xây tổ, ấp trứng, nuôi con ở hàng hiên nhà anh M. (mà chúng tôi hay gọi đùa là hiên Lãm Thúy nhưng Thúy đi đâu mất rồi!).

Hàng hiên ấy trông ra khu vườn có nét đẹp như trong tiểu thuyết cổ, có chút quạnh hiu của hoa lá ngậm ngùi qua thời gian. Nó um tùm. Nó sum suê. Trái quả hầu như quanh năm. Vào thăm nó để ngắt một trái cam tròn đầy, mấy trái quýt vàng thật ngọt hay chùm ổi xanh ròn, phải luồn lách qua những nhánh cành một thời chăm chút, chân giẫm lên lối đi đầy lá.

Vườn nhà văn nên nó tĩnh mịch, mùa Xuân có hoa đào tuyệt đẹp, những mùa còn lại trong năm rợp màu xanh của cỏ cây đổ bóng xung quanh nhà. Hàng hiên dài rộng bày nhiều chậu kiểng và anh M. nói bà mẹ đơn thân kia chọn làm tổ trên một chiếc lá của cây phát tài. Một thân một mình nên tính toán giỏi. Tổ làm xong, nàng lặng lẽ đặt vào đấy một cái trứng nhỏ, nhỏ nhất trong các chủng loại chim, nghe nói chỉ nặng bằng 1/3 trọng lượng toàn thân bà mẹ vốn cũng chỉ nặng bằng một đồng nickel. Anh M. nói: “Cả chim mẹ, cái trứng sau này nở thành con và cả cái tổ trên một chiếc lá mà không làm chiếc lá trĩu xuống!”

Chao ôi, nhiệm màu sự sống có thể nhẹ nhàng tới vậy, sao gánh hành trang của loài người nặng nề quá đỗi, có khi chìm lỉm giữa dòng? Hummingbird có buồng ngực nở lớn so với toàn bộ vóc vạc nó vì nó bay nhanh, thở nhiều. Trái tim tí hon trong lồng ngực như búp sen non đập tới 1,200 nhịp trong một phút và đập liên tục từ ba đến 12 năm là tuổi đại thọ của chúng. Bộ máy huyền vi đấng tạo sinh bỏ vào thân xác muôn loài tài tình khôn tả xiết, “lớn bé nhỏ to vừa vặn cả,” tưởng chừng không cách nào mà hiển nhiên vẫn có cách.

Chim ấp trứng trong hai tuần lễ. Anh M. kể: “Chị hummingbird ở hiên nhà tôi dạn dĩ, tin cậy người trong nhà hàng ngày qua lại trên lối đi sát chỗ chị nằm ổ nhưng chúng tôi cẩn trọng, không làm chị kinh động.”

Anh để tâm quan sát và kể tiếp: “Trứng nở ra chim con. Ban ngày, chim mẹ bay đi hút mật nuôi thân và kiếm mồi về mớm cho con. Tối về nằm ủ con dưới cánh để giữ cho con ấm. Thỉnh thoảng có hôm trời mưa mới biết rằng chim mẹ thật khôn khi làm tổ dưới mái hiên. Thời gian gần đây, chim con lớn hẳn, chim mẹ tối không về tổ nữa (không chừng đã có bồ mới chăng?) nhưng ban ngày vẫn đi/về mớm mồi cho con. Tôi nghĩ không lâu nữa, chim con đủ lông đủ cánh sẽ tự bay đi kiếm ăn lấy, chỉ không biết tối tối nó có nhớ cái tổ ấm cũ mà quay về ngủ không?”

Ðến đây, tôi chắc anh M. rồi cũng sẽ nhớ mẹ con chúng, sẽ để mắt nhìn vào cái tổ vắng tanh và sẽ có câu trả lời.

Lúc thầy mẹ tôi còn sống, tôi thường nghe hai cụ nói câu “Nhân sao vật vậy,” ngụ ý dạy chúng tôi phải đối đãi tử tế với loài vật. Nếu phải chứng kiến cảnh cha mẹ bạc đãi hay nhẫn tâm bỏ bê con cái, hai cụ hay ví von: “Chao ôi, hùm đói còn không nỡ ăn thịt con mà!” Bữa nay được nghe, được xem những tấm ảnh của mẹ con con hummingbird, tôi chạnh lòng nghĩ tới những bà mẹ phải nuôi con một mình.

Những bà mẹ chẳng biết may hay rủi, tự mình chọn lựa hay bị xô đẩy đến cảnh ngộ phải đơn chiếc gánh vác trách nhiệm làm mẹ ấy, liệu có được cái tâm thái an nhiên như chị hummingbird bé xíu khi biết mang trong mình mầm sống mới, đã bình thản, tinh tường, tìm nơi vượt cạn, bất chấp hiểm nghèo trong trời cao, đất rộng, bất chấp cái hàng hiên xa lạ có những sinh vật kỳ dị, chỉ một bàn tay cũng lớn hơn chị cả chục lần, càng không chắc có thân thiện với mẹ con chị không?

Trên chặng đường lẻ loi, gian nan ấy, chị có giống các bà mẹ của loài người, nhỏ lệ tiếc thương cuộc tình mây bay gió thoảng, nâng niu cất giữ hương vị ái ân đã tàn phai? Chị có khóc những dòng nước mắt đau thương, hờn tủi trên số phận mình và mãi thù ghét một người đã bỏ đi? Anh M. nói: “Khi tôi theo dõi quá trình làm tổ đẻ con của con chim, tôi cảm nhận loài vật làm những việc này hầu như theo một quy luật mà chúng đã thuộc lòng thành một bản năng.” Nhiều phần trăm anh M. nhận xét rất đúng.

Có lẽ loài vật có khả năng ứng xử được Thượng Ðế lập trình theo cách riêng, phù hợp với quy luật sinh tồn của chúng. Ngoại trừ số ít sống bầu bạn cùng con người dưới một mái nhà, có thể chịu ảnh hưởng tương tác qua sự gần gũi, gắn bó, được coi là hiểu nhau, kỳ dư, cũng đúng như anh M. nhận xét, loài vật vẫn có thế giới bí ẩn riêng, kể từ con hummingbird mà anh đặt câu hỏi: “Chim mẹ ngủ đâu khi nó thôi không về tổ nữa?” Và anh trả lời: “Tôi đoán chừng nó cũng ngủ ngay trong bụi bông giấy gần sát tổ của nó thôi, bản năng làm mẹ chưa cho phép nó đi xa đứa con còn nhỏ dại như thế.”

Nhân sao vật vậy, anh đoán theo một suy nghĩ hợp tình, hợp lý, có thể kiểm chứng nhưng chim mẹ nghĩ gì và có nghĩ gì hay không thì vẫn cứ là một ẩn số. So với đời người dài sáu, bảy chục năm hoặc hơn, đời con hummingbird nhiều nhất chỉ ngoài mười năm, cũng chịu đủ tai ương rủi ro như loài người vậy. So với thời gian nuôi con của loài người ít nhất là 18, 20 năm trước khi đứa con có thể tự lập, hummingbird chỉ thu vào chừng một tháng là chim mẹ buông chim con và buông dứt khoát khi thấy chim con không còn chờ mẹ mang thức ăn về tổ mớm cho nữa.

Tôi không biết trong lãnh vực này, bà mẹ loài người có bao nhiêu phần trăm rời con trong bản năng bẩm sinh hay sự đeo bám con là do tập quán xã hội của loài người đẻ ra từ lối sống quần tụ? Dân tộc có biên cương. Con người có nơi ăn chốn ở, có một địa chỉ hẹn nhau đi về trong suốt cuộc đời, không như loài chim tự do trong bầu trời bao la, rày đây mai đó, nếu có lúc hợp đoàn trong mùa thiên di thì cũng chỉ trong một đường bay giới hạn.

Sau rốt, có một câu hỏi khác, dễ trả lời hơn: “Những gì chị hummingbird làm được, bà mẹ loài người có thể lấy cảm hứng từ chị không?” Không quay nhìn quá khứ, trách móc. Không buồn phiền hiện tại, bế tắc. Không bám vào kẻ chịu ơn trong tương lai, khổ tâm. Mỗi ngày hãy là một khám phá mới với vạn vật đổi thay không ngớt; hãy là một kinh nghiệm mới để thử thách và tự hài lòng; hãy là một hạnh phúc mới để tận hưởng cùng với khí trời uyên nguyên, trong trẻo.

Ai cũng chỉ có 24 tiếng đồng hồ để hoàn tất một cách thật ý vị cuộc hành trình không biết sẽ kết thúc lúc nào, có nên đi những bước chân chim nhẹ tênh?

Mời độc giả xem phóng sự “Còn những cảnh nghèo”