Friday, March 29, 2024

Ngày tốt nghiệp

Tạp ghi Huy Phương

Hai mươi bảy năm trước, con chỉ là một đứa trẻ tám tháng, ngủ mê mệt trên tay bà ngoại trên chuyến bay xuyên Thái Bình Dương từ Sài Gòn đến San Francisco.

Cuộc sống bắt đầu ở Mỹ đầy bận rộn và khó khăn, trong khi bố mẹ phải đi làm cật lực, con được phó thác cho ông bà. Làm sao con có thể nhớ ngày đầu tiên, ngoại đưa con đến trường vào lớp mẫu giáo, cho đến bây giờ, sau khi ra trường con đã đi xa.

Quãng thời gian dài nhưng đi quá nhanh, phải nói là như một chớp mắt. Trong quãng thời gian đó, đã bao lần ông ngoại đưa đón, chờ xe dưới cơn nóng nắng gắt hay cả trong khi tuyết rơi, chờ con ngoài sân vận động hay ở nhà bạn bè trong một buổi hội họp cuối tuần. Ở miền Đông, ông bà ngoại đã cùng chơi tuyết với con, dắt con đi tìm các loại lá vàng mùa thu để làm bộ sưu tập mai đem vào lớp học.

Cuối tuần, ông bà đã dắt con ra ngoài park để con chạy nhảy nô đùa với bạn bè. Con lớn lên từng ngày, có thể ông bà không bao giờ nhận ra, cũng như tuổi già đến lúc nào mà ông bà không bao giờ thấy, cho đến một ngày nọ. Một biến cố gì đó xảy ra, khi chúng ta dừng lại ở một dấu mốc ngày tháng nào đó, như chuyện ông ngoại vào bệnh viện trên chiếc xe cấp cứu, ngày ra trường của con, hay đến một lúc nào đó, con được cha con đưa vào nhà thờ, đi trên tấm thảm đỏ để nhận chiếc nhẫn đính hôn từ tay một thằng con trai xa lạ nào đó.

Đối với những người mẹ, thì nuôi con, tấm lòng mẹ đã trải dài biết bao nhiêu năm, với những tất bật, lo âu, phiền muộn từ khi đứa bé lọt lòng. Những bình sữa ấm, muỗng thuốc giảm sốt thời bé bỏng cho đến những chiếc lunch-box với chiếc bánh mì thịt, chai nước lúc vào trường. Mẹ mừng con chập chững biết đi ngày nào, cũng như lo âu vào ngày con được chính thức ngồi vào sau tay lái của chiếc xe đầu tiên của đời con.

Mẹ đã chờ con lúc đi học về, nhìn y phục của con, nhìn vẻ mặt của con để tìm ra những gì đã xảy ra trong lớp học hay ngoài sân chơi trong ngày hôm nay, cũng như mẹ thức suốt đêm lo lắng và cầu nguyện lúc con đi dự lễ prom mải mê với bạn bè chưa về. Nếu con là trai, mẹ sợ con theo bạn bè hư hỏng, nhận phải những điều tai ương, với con gái mẹ lo sợ từng lúc theo quan niệm Á Đông của mẹ, chuyện “khôn ba năm, dại một giờ.” Mẹ muốn con thật thà, tỏ bày với mẹ những gì con đã gặp, con đã làm và những điều gì con dấu giếm, không muốn nói ra, nhưng bây giờ con đã có một thế giới riêng của con.

Đối với mẹ, bao giờ con cũng là đứa con bé bỏng dưới bàn tay che chở của mẹ, dù hôm nay, ngày tốt nghiệp con đã trở thành một ai, một nhân vật nào đi nữa. Nhưng những lời khuyên răn, dạy dỗ của mẹ bây giờ không còn phù hợp nữa. Nhiều đứa con gái đã chẳng kêu lên: “Mẹ ơi! Con đâu còn nhỏ nữa!” là gì!

Ngày ra trường kết thúc một thời gian theo đuổi việc học, có thể để bắt đầu cho một cuộc đời mới mẻ của đứa con, nhưng người mẹ mơ hồ cảm thấy đó là một giai đoạn kết thúc từng chặng đời của bà, đối với từng đứa con. Như con chim đủ lông đủ cánh, đứa con sắp rời tổ để bay xa. Đội mũ tốt nghiệp, mặc áo choàng, cổ mang vòng hoa tím, con tươi cười giữa đám bạn bè, anh chị em vây quanh chúc mừng ngày ra trường của con. Cả cha mẹ cũng đến ôm con vào lòng, nói những lời chúc tụng bình thường, nhưng có đứa con nào nói được một lời, chân thành với nước mắt, mà cũng không người mẹ nào mong được nghe con nói một câu như: “Mẹ ơi! được như ngày hôm nay cho con, mẹ đã trải qua biết bao nhiêu lo âu, hy sinh biết bao nhiêu tiền bạc, sức khỏe. Con mang ơn mẹ biết bao nhiêu!”

Tình thương như dòng suối chảy mãi từ cao xuống thấp, như “nước mắt chảy xuôi,” chuyện thường tình mà nhiều thế hệ người Việt chúng ta đã xem như là một định luật. Mười tám tuổi, đối với đứa con là tuổi trưởng thành, nhưng đối với người mẹ con chỉ là một đứa bé ngày nào không hơn không kém. Người mẹ ao ước được ôm những đứa con trong tay vì lúc nào bà cũng tưởng như chúng hãy còn bé dại. Những món ăn bà chăm chút nấu ra không còn là món thích của con thời nhỏ, những giờ phút quanh quẩn bên mẹ không còn có gì thích thú, bây giờ bạn bè công việc là nguồn vui mới, đâu có điều gì mà đứa con cần phải kêu lên hai tiếng “Mẹ ơi!”

Cứ một vài năm hay có khi từng năm một, người mẹ đã lần lượt dự nhiều ngày lễ ra trường của con cái, nhưng nhà mỗi năm mỗi vắng, những đứa con càng ngày càng xa gia đình hơn, trong khoảng cách lẫn trong tâm tưởng. Ngày Mother’s Day vừa qua, nhiều bà mẹ nhận được những lẵng hoa từ tiệm bán hoa mang lại, kèm theo hoa là những tấm thiệp vô hồn, đã được in ra hằng loạt. Tên của con đó, nhưng do một bàn tay xa lạ đã viết thay. Có khi là một tấm thiệp mua từ tiệm tạp hóa do con đã gởi từ xa về, có khi là một vài dòng chữ gởi mẹ qua máy điện toán. Và có khi, không là gì cả.

Vào khoảng thời gian này, nhiều trường lễ tốt nghiệp đã được cử hành trọng thể, đem lại niềm vui cho nhiều gia đình. Lời chúc mừng đầy trên các trang báo, tiệm hoa đông người mua, những nhà hàng nhiều gia đình đặt chỗ cho tiệc mừng. Ngày ra trường đối với nhiều người là sự kết thúc một đoạn đường vất vả học hành, nhưng bắt đầu từ đây là sự nghiệp, tiền bạc và thăng tiến ngoài xã hội. “Đại đăng khoa” rồi “tiểu đăng khoa,” sau đỗ đạt là hôn nhân, rồi tiếp theo là xe mới, nhà đẹp, con ngoan, “vinh thân-phì gia.” Ít người nhìn lại tình nghĩa gia đình và món nợ xã hội phải trả (trừ món “loan” mượn để học hành), vì những món nợ này không có chủ nợ và cũng không thấy ai đòi.

Đối với gia đình, ngày ra trường để lại trong mỗi gia đình những khoảng trống.

Ngày ra trường là một dấu mốc thời gian. Từ đó con ra đi với cuộc đời mới, con đường thênh thang trước mắt mà ít khi nhìn lại. Người mẹ vẫn ở đó, dưới mái nhà xưa kia, rộn rã tiếng cười trẻ thơ, bây giờ chỉ còn nghe tiếng Việt chuyển âm từ những cuốn phim bộ Trung Quốc đang chiếu trên máy truyền hình.

Người xưa thường cho rằng trên bàn thờ những đứa con nhà nghèo lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Chúng ta nhìn lại những gia đình ở Việt Nam ngày trước, những gia đình có những đứa con đỗ đạt là những gia đình trống vắng, vì những đứa con giỏi giang may mắn đều có nhiệm sở mới, đi làm ăn xa để lại nơi ngôi nhà cũ những đứa con ít học, nghèo hèn hay những cô con gái lỡ duyên, muộn màng hầu hạ cha già mẹ yếu hoặc chăm lo hương hỏa từ đường. Một ngôi làng có nhiều khoa bảng là một ngôi làng thường mang cảnh vắng lặng trong những ngày giỗ chạp, cúng tế hằng năm.

Ở hải ngoại ngày nay, thường ít có cảnh cha mẹ ở với con cháu chung nhà như người xưa vẫn thường ca tụng: phước đức cho ai có được cảnh “tứ đại đồng đường” (bốn đời ở chung dưới một mái nhà). Nhưng đó là câu chuyện của một ngày xưa xa lắc, xa lơ!

Sau những niềm vui, là những nỗi buồn.

MỚI CẬP NHẬT