Friday, April 19, 2024

Nghệ thuật trên giấy

Bùi Bích Hà

Bạn gửi cho cái link cuộc triển lãm Art On Paper 2019, diễn ra ở NYC Gallery Openings, New York, trong ba ngày, từ 2 đến 4 Tháng Năm, thu hút con số nam nữ khán giả thưởng ngoạn lên tới 24,436 người gồm nhiều lứa tuổi, chủng tộc, đi một mình, hai người, thành nhóm.

Ở những nơi mọi người thong dong, nhàn nhã như thế này, tôi thường rất vui khi thấy có “đầu đen,” căng mắt nhìn gần, đoán nhiều phần trăm là đồng hương trẻ của tôi. Chừng một, hai thập niên trở lại đây, có lẽ vì đã ổn thỏa với cuộc sống ở Mỹ, tôi thấy người Việt tham gia sinh hoạt nghệ thuật (đặc biệt nghệ thuật tạo hình) rộn ràng hơn, sở thích đi xem triển lãm các loại và ngân quỹ gia đình dành cho du lịch phát triển rất khích lệ.

Có vẻ như con người bị trói buộc quá nhiều với bổn phận và nhu cầu áo cơm trong xã hội Mỹ, cảm thấy tù túng, mệt mỏi, nay cần tìm một lối thoát cho phép có nhiều hơn vài cái khung cảnh đi về thường ngày, cho phép có hơn một cuộc sống và những giới hạn phải chấp nhận. Đi xem triển lãm hay đi du lịch là cơ hội khám phá những cái mới, những cái bất ngờ, kể cả đi nghe nhạc, nhất là nhạc thính phòng, để thấy biên cương nhòa nhạt giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, mộng và thực, tan vào nhau, ru êm nỗi khát khao có thêm không gian/thời gian cho trái tim chập chủng kỷ niệm và dạt dào ước mơ.

Phòng triển lãm NYC Gallery khá rộng, người đông nhưng thoáng vì trần nhà cao, lối đi thênh thang. Xem triển lãm qua video được quay từ nhiều góc cạnh rất nghệ thuật, thậm chí nhiều điểm được highlighted để hướng dẫn khách thưởng ngoạn, không đến nỗi như người mù sờ voi nhưng cảm xúc có phần nào không trọn vẹn. Tuy nhiên, thế giới đang bày ra trước mắt tôi như những cửa sổ đóng kín của mấy trăm ngôi nhà chất chứa riêng tư bỗng đồng loạt mở toang, tràn trề màu sắc, hình thái, âm thanh, tiếng nói, của bộc lộ, của mời chào, của quấy đảo, của sáng tạo, của đam mê, của tình yêu, của kiêu hãnh, của mâu thuẫn, của hòa hợp, của ánh sáng, của bóng tối, của hy vọng và thất vọng. Không chút dè xẻn.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn được ai đó tặng cuốn tạp chí thời trang có tên một chữ W, in đậm, khổ lớn, ở góc bìa trái. Có lẽ ban chủ trương tạp chí để dành quyền đặt tên tờ báo cho độc giả, muốn thêm gì phía sau chữ W, tùy ý. We. Woman. World. Weird. Way, Wellness… Góc bìa phải, tờ báo giới thiệu đại cương nội dung như sau: “Thời trang, nghệ thuật và vẻ đẹp thời thượng trong kỷ nguyên mới của chàng, của nàng và của cả đôi.”

Là một tạp chí thời trang, tất nhiên tiêu đề chính là quảng cáo cho sản phẩm của các công ty thời trang nổi tiếng như Dior, Givenchy, Chanel, Tommy Hilfiger, Louis Vuitton, Gucci, Prada, Tiffany, Stephen Russell, L’Oreal, Fendi, St Laurent, Cartier và rất nhiều thương hiệu khác nữa.

Với 105 trang báo khổ tabloid in trên giấy mờ sang trọng, có công dụng làm sáng các quảng cáo với trình bày vốn đã sẵn tính nghệ thuật cao. Tờ báo nặng trĩu trên tay độc giả luôn khiến tôi kinh ngạc đến sững sờ khi lần giở từng trang. Thấy phụ nữ thế hệ Me Too không đẹp thêm nhờ lụa là son phấn mà… biến dạng, mất hẳn nữ tính với những đôi lông mày vuông vức, tô chì mắt chành bành, màu xanh, màu đỏ, những đôi giầy đế bự và cao gấp mấy lần hai cổ chân thanh tao của người mẫu, phô bày sức mạnh dựa vào áo mão cân đai xưa nay vốn thuộc về nam giới, sinh ra để suốt đời trận mạc.

Giờ đây, người phụ nữ thời đại @ không còn chấp nhận họ trong khuôn khổ những nguyên mẫu phóng chiếu người phụ nữ hầu như đã thành nề nếp. Giờ đây, cách trang điểm, kiểu tóc, hình thức y trang không còn công dụng làm nổi bật nữ tính như trước đây mà nhằm gửi ra những tín hiệu về quyền lực và sức mạnh hoang dại, vượt qua mọi quy định thằng thúc của đám đông.

Ngoài đời, tôi chưa được biết có bao nhiêu khách hàng đã đặt mua những bộ y phục quái dị như xuất hiện trong W, cuốn 3/2019? Có vẻ như các nhà tạo mẫu nay định nghĩa sáng tạo phải là tư kiến không giống ai, càng khác thường càng thu hút, người mẫu là những cái giá treo mắc quần áo tuy có nhục thể nhưng là những xác ướp vô hồn.

Đâu rồi sự mê hoặc của “khóe thu ba gợn sóng khuynh thành?” Đâu rồi mái tóc dạ hương và người đàn bà giấu đêm trong tóc để “em ạ, yêu nhau chết cũng đành?” Tóc giai nhân mốt mới bây giờ nếu không là tổ quạ của chiếu chăn nhàu nát thì là những vòng kim cô tủa gai ra bốn phía, báo động giai nhân nay trang bị vũ khí đến tận đầu! Tôi hơi thất vọng vì một mặt phụ nữ đòi tự do, quyền xác lập cá tính và nhân dáng mình nhưng lại luôn cất công tìm đọc các tạp chí thời trang muốn uốn nắn phụ nữ một cách lộ liễu đến mức thô bạo.

Trở lại với cuộc triển lãm Nghệ Thuật Trên Giấy 2019 tại NYC Gallery Openings, tôi thực sự choáng ngợp với một tập hợp đa dạng, phong phú, lạ mắt, của các thể loại nghệ thuật trưng bày. Cái ý nghĩ xung quanh tôi, giữa cuộc sống bề bộn nhu cầu thế sự này, có những con người ngoại khổ, trùm phủ bóng mình như bóng núi, thoát ra khỏi hệ lụy để bay bổng trong một thế giới khác, lung linh màu sắc, vẻ đẹp, để đạt những giấc mơ của họ, khiến tôi như cũng lây được niềm hạnh phúc hiếm hoi ấy. Nếu tất cả sự việc trên cõi đời đều giả tạm hết căn cứ vào lý thuyết tôn giáo hay kinh nghiệm sống bình thường thì cách thể hiện cuộc sống của người không biết mơ mộng và người mơ mộng có khác gì nhau, là những giấc mơ dài ngắn mà thôi.

Những vật liệu tầm thường sẽ mãi tầm thường nếu không có một đôi mắt, một bàn tay, một ý nghĩ nhìn thấy nó cách khác và cho nó một dung nhan khác, một vị trí khác và một số phận khác. Khi không bị xét nét đúng sai theo chủ quan chai lì như xi măng, cốt sắt, mỗi khác biệt tự do, sinh động và thẩm mỹ là một đóa hoa chuyển biến trong luân hồi qua vô lượng thời gian để tạo ra vườn thượng uyển cho nhân loại ngày một nhiều màu sắc hơn.

Không chỉ giấy, người nghệ sĩ tận dụng mọi vật liệu trong tầm tay: đồng, gỗ, hạt sáng, sành sứ, cẩm thạch, kiếng, thủy tinh, sợi thép, sơn, phẩm màu… để hoàn thành tác phẩm của mình. Có nhiều tác phẩm người xem mù tịt, không đoán được gửi gắm của tác giả ngoài cảm nhận một điều gì cho chính mình: một cảm giác êm đềm, sự thanh thản, sự hài hòa.

Có những tác phẩm như òa lên tiếng reo vui khi chạm mặt ai đó chợt thấy một thoáng mình ở trong, mừng nhau như gặp cố nhân. Có khi là ánh mắt tình cờ, chút thân thiện thoảng qua, của một người xa lạ có duyên may “chào nhau ở giữa con đường.” Có nhiều tác phẩm người xem đến thật gần, gần như mình với tác phẩm dính chặt vào nhau làm một, khiến tần ngần, ngơ ngẩn, “rốn ngồi chẳng đặng, dứt về chỉn khôn.”

Cả khán phòng lênh đênh những bước chân vô định, như mây trong một ngày trời gió nhẹ. Mọi người tha hồ tìm kiếm, đón nhận, một điều gì đã biết, chưa biết, một mật ước mơ hồ cho hôm nay khác hôm qua, nôn nao mong gặp lại cái phần thất lạc đâu đó của mình.

Có nhiều tác phẩm đơn sơ như cái bánh bóc lá trần trụi để lên đĩa: chiếc đồng hồ cổ hai cánh ngả nghiêng và em bé nằm duỗi hết tứ chi, ngủ mềm bên cạnh. Cũng diễn tả thời gian như cánh chim bay nhưng buồn vui tùy tâm. Đừng cưỡng lại, đừng xụ mặt than van mà hồn nhiên buông mình theo nó, “mau với chứ, vội vàng lên với chứ, em, em ơi tình non đã già rồi,” biết đâu mùa màng gặt hái tốt tươi hơn?

Trong chủ đề Love Stories, bức tốc họa vẽ cái thang lơ lửng cùng cụm mây trắng bồng bềnh giữa trời, kẻ đánh đu bên dưới sợi dây buộc trái tim đong đưa, kẻ đang ở nấc thang còn cách trái tim bị trói ngang dọc một sải tay, ráng vươn ra, “Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ, cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa.” Tác giả là ngưới Á Đông hay Đông Tây gặp gỡ vì máu trong tim cùng đỏ như nhau?

Bức con voi kết bằng hột sáng, lộng lẫy, đắt giá, quyền lực, nên bị loài người tham lam, tị hiềm và nhẫn tâm bạo hành, cắt của voi một bên tai, một bên ngà, để lại vết thương loang máu, tròn to như cái nia. Bức vẽ gây ấn tượng mạnh đến nỗi người xem không thấy gì khác hơn tội lỗi của loài người thể hiện trên mình voi bị tùng xẻo một cách ghê rợn.

Bức tranh Phật ngồi (giữa chợ đời) tươi như hoa, hai cánh tay tatoo thương hiệu nước hoa Chanel thượng hạng thay thế cho hương sen thanh khiết chốn thiền môn, thực tế hơn, thời trang hơn, con người hơn, thu hút temple-goers hơn với phong cách “văn minh” hơn. Không biết tác giả là ai mà am hiểu con đường hoằng dương Phật pháp thời buổi này đến vậy?

Bên cạnh những tác phẩm hàm chứa loại ngôn ngữ dễ hiểu, dễ cảm nhận, có vô số những bức diễn tả cảm xúc bằng vật liệu khô cứng, những khuôn mặt người được hình thành từ bề mặt mỗi đầu thanh gỗ vuông, nhỏ, xếp tầng lên nhau và sát nhau, cái thô ráp, sần sượng của những đầu gỗ này, lạ thay, nói lên được sự truân chuyên, khổ đau của kiếp người.

Phải nói là trí tưởng tượng, óc sáng tạo của người nghệ sĩ thật kỳ diệu. Từ hư vô trống không, bàn tay người nghệ sĩ làm công việc của tạo hóa, tạo ra các sinh vật có linh hồn. Tôi cũng khâm phục những tác phẩm dùng các miếng nhỏ sành sứ óng ánh, hình vuông hay chữ nhật, màu sắc, kích thước khác nhau, sắp đặt chúng trên một mặt phẳng, trật tự, hài hòa, thể hiện khả năng sống chung của cùng một chủng loại mà sự khác biệt sẽ tạo ra giá trị mỹ quan to lớn trong bất kỳ cảnh ngộ nào. Tầm thường thôi nhưng không phải dễ một khi những thứ óng ánh thường hay kèn cựa nhau chỗ đứng.

Tôi đặc biệt thích bức tranh vẽ một phụ nữ khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt sâu đen có nét nhìn chan chứa chờ mong, hướng ra phía trước, được tác giả đặt tên là “Serendipity,” ngụ ý “Sự Cầu May.” Vẻ hiền hậu quý tộc của cô lạc loài giữa vô số tranh diễn tả sự nổi loạn của con người sống trong thời đại bị kẹt dưới quá nhiều áp lực, sấm sét nổ trong đầu, cho người nhin ngắm cô cảm giác được ghé vào một ốc đảo của bình yên hiếm hoi với tâm trạng cầu may vẫn hơn là tự phân hủy.

Tôi cũng đặc biệt thích lời nói thật trong loạt tranh chủ đề Modern Houses. Những ngôi nhà tênh hênh, trơ trẽn, không cửa ngõ ngăn che, màu sắc chói chang đến khó chịu nên cũng không một chút riêng tư, ai cũng có thể tự do vào ra trong thời buổi ai cũng có chìa khóa đọc hết lý lịch đầu cua tai nheo của bất cứ ai trong bất kỳ cái xó xỉnh nào xưa nay vẫn được gọi là tư gia hay đời riêng của một người. Nó rất khác với mơ ước “Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ” của cụ Nguyễn Công Trứ, ba gian nhà trống trăng gió thảnh thơi vào ra, không lời, không tiếng.

Sau cùng, với riêng tôi, nghệ thuật và vẻ đẹp muôn đời của nó mãi mãi là chiếc phao cứu sinh cho hành khách của những con tàu Titanic hằng ngày ra khơi từ nhiều bến cảng của địa cầu huy hoàng này. (Bùi Bích Hà)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT