Nghệ thuật

Bùi Bích Hà

Người nghệ sĩ luôn được nhân gian yêu mến, đặt ở vị trí cao trọng và được sử sách ghi tên. Họ được thiên phú một tư chất khác thường, một cảm quan nhạy bén, một khả năng tái tạo mọi khía cạnh đời sống tinh tế và nhân lớn các chiều kích cảm xúc đến vô tận.

Không có người nghệ sĩ, có lẽ nhiều vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên đã bị mai một, nhiều ân huệ bao dung của đất trời đã bị bỏ qua và đời sống đã thiếu đi nhiều hương vị. Những bức tranh, những khung ảnh đậm sắc Thu của nhiều tác giả trưng bày đâu đó mà tôi có dịp nhìn ngắm với nhiều cảm xúc, đã khiến cho con đường nhỏ chạy qua cửa nhà tôi mùa này lá vàng rụng đầy, dưới cơn mưa ướt át kéo dài mấy hôm, không còn nét ủ ê, nhếch nhác, lạnh lẽo và buồn bã nữa.

Những điều này khiến tôi biết để mắt mình đậu lại một chiếc lá đỏ rơi đúng giữa bụi xương rồng màu xanh lục, thoáng trông như một nụ hoa lạ; khiến thần trí tôi bay bổng về khoảng trời xa khi cha mẹ tôi còn và tôi mới là con bé con thích chạy dưới mưa đi nhặt trái bàng trong con ngõ nước đọng quẩn quanh như một dòng suối nhỏ; mang tôi trở về cái công viên lướt thướt những chiếc lá rụng trên các lối đi mát lạnh hơi thu ở tiểu bang Ngàn Xanh, bên cạnh người bạn dẫn đường nay chỉ còn là kỷ niệm.

Một cách nào đó, tôi đã may mắn được những người nghệ sĩ tài hoa và nhân đức khai nhãn, khai tâm, mở cửa cho tôi bước vào cuộc sống thứ hai, ẩn khuất, đẹp, nồng nàn, say đắm, là bức vẽ muôn màu, bản đàn muôn điệu, là một bù trừ cho cuộc sống tự nó buồn nhiều hơn vui.

Vừa qua,Nghệ thuật tôi được đọc bài viết có hình minh họa của tác giả Trần Nguyên Thắng trên nhật báo Người Việt, về công viên Vigeland ở Oslo, Na Uy. Tôi thực sự kinh ngạc, không thể nào tưởng tượng ra một người nghệ sĩ đơn độc, chỉ bằng sức mạnh của lòng đam mê công việc mình làm với sự yêu thích mà có thể miệt mài trong suốt hai mươi năm cuối đời, hoàn tất khối lượng tác phẩm điêu khắc đồ sộ đến như vậy.

Tôi nghĩ không chỉ đam mê, ông phải rất yêu loài người, yêu cuộc sống thiên hình vạn trạng làm nên chuyến đi của nhân loại trên địa cầu, dù buồn vui thế nào, gian nan hay êm ả, cũng là những tuyệt tác phẩm của tạo hóa mà ông muốn đem tài năng và tâm huyết cùa mình mô phỏng lại, dẫu không hoàn hảo, cũng xin là một bản tình ca ngợi khen…

Công viên Vigeland, mang họ của người nghệ sĩ gắn bó với thiên nhiên và các công trình tạo tác mang lại vẻ đẹp sinh động nơi đây, Gustav Vigeland. Ông là một điêu khắc gia thời danh của Na Uy cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (1869-1943.) Tác phẩm của ông được thực hiện bằng đồng hay bằng đá, kích thước to/nhỏ khác nhau, đặt trên các bệ lớn rải rác trong khu công viên hoặc gắn lên bốn phía tường xung quanh hồ nước, được xem là công trình khám phá với nhiều nét đặc thù về thế giới của con người gồm tuổi già, tuổi trẻ, đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ, bé trai, bé gái, trong nhiều cảnh ngộ, tình tiết, từ sơ sinh đến lão niên rồi trở về cát bụi. Tất cả đều trần truồng như để lột tả con người với nguyên vẹn tính năng thuần khiết khi lọt lòng mẹ vào đời.

Tượng của ông không có tên, mỗi tượng tự nó có ngôn ngữ riêng, người xem có thể bắt gặp ý ông nhưng cũng có thể không. Báo chí có thể đăng hình các bức tượng nhưng không kèm chú thích như trong nhiều trường hợp khác ngoại trừ tác giả bài viết muốn chia sẻ suy nghiệm riêng với người đọc.

Ví dụ, nhìn bức tượng một người đàn ông vóc vạc lực lưỡng như một nhân vật thần thoại Hy Lạp trong thế đứng vững chãi, tung hứng một lúc bốn đứa trẻ xung quanh mình, một bé nằm gọn trên bàn chân phải của ông, người xem phải nghĩ như thế nào nhỉ? Một ông bố gây nguy hiểm cho con theo cách nhìn của người Mỹ? Một ông bố mệt mỏi vì tả xung hữu đột nuôi con, có lúc muốn tung hê hết nhưng thật ra vẫn bảo đảm an toàn cho chúng? Mỗi khán giả sẽ tùy tâm lượng riêng mà thưởng ngoạn tác phẩm và có kết luận cho mình bởi chưng cuộc đời thường có những điều bất ngờ không ai dự đoán được nhưng vẫn xảy ra?

Hay là bức tượng một phụ nữ tuổi thanh xuân, có vẻ trong điệu nhảy một mình, tay lùa vào mớ tóc gió làm rối trên đầu, sợi tóc to và cứng, chằng chịt như rễ cây. Liệu có phải cô bị khuôn phép xã hội ràng buộc, khiến tư tưởng của cô không được tự do? Liệu có phải nữ tính trao cho cô quá nhiều gánh nặng, ngăn cản cô có một cách khác thể hiện cuộc sống hay hơn?

Ngoài một vài tượng mà tờ The Daily Mail gọi là “The weirdest statues in the world,” có lẽ người nghệ sĩ phi thường tạo dựng công viên Vigeland muốn đổi vai trò “khám phá ông” cho người ngắm tượng, phần lớn tác phẩm không dưới 200 bức của Vigeland phản ảnh rõ rệt mọi trạng thái của con người trong mọi tình huống và giai đoạn sinh tồn: đùa vui, hờn dỗi, tình tự, âu yếm, giận dữ, lo âu, mệt mỏi, tranh cạnh, trấn áp, tâm sự, dạy con bằng sức mạnh của quả đấm, gánh nặng thê nhi,…

Khi tình yêu trai gái bắt đầu, khi có đứa con đầu lòng nâng niu, khi ở tuổi trung niên tình bạn chỉ còn là ánh mắt tiếc nuối nhìn nhau qua một phiến lưng lạnh lẽo, gầy guộc chen ở giữa. Khi về già vợ chồng tựa vào lòng nhau tìm nơi nương náu, khuôn mặt người chồng nghiêng xuống người vợ, là điểm đến cuối cùng của một hành trình trọn vẹn với ít nhiều ngậm ngùi.

Tác giả có nhiều tượng mô tả cảnh trẻ thơ chen chúc, bám vào nhau, nằm ngang, nằm dọc, có bé rơi xuống đất, được thua hoặc để có bầu vú mẹ hoặc để cố lên cao hơn, như thể cuộc đời là một chiến trường và kiếp nhân sinh từ thơ ấu đã phải lăn thân vào, đọ sức, đọ tài để sống còn, để có một chỗ đứng. Ôi, thân xác bé thơ mỏng manh mà tâm hồn đã già trước tuổi!

Trải mình trên một diện tích tới 80 mẫu đất, con đường thẳng từ cổng vào đến cuối công viên dài gần một cây số, hàng năm thu hút hàng triệu du khách vào cửa miễn phí, Vigeland là trọng điểm du lịch của Na Uy trên nửa thế kỷ qua. Ngoài khu trưng bày tượng, công viên có nhiều hồ nước lớn nhỏ, những thảm cỏ xanh mướt, những bồn hoa theo mùa được chăm sóc kỹ.

Tôi đặc biệt yêu thích những bức tượng tạm gọi là Cây Đời (hay cây Nhân Sinh theo Trần Nguyên Thắng) của Gustav Vigeland. Những cái cây chóp nấm bằng đá tròn trịa và (lạ thay) trông mềm mại, tươi tắn như những búp bông cải xanh khổng lồ, thân cành là những thân người, thế cây cân đối, nhẹ, thanh, thoáng, tượng trưng mạch sống lưu truyền qua nhiều thế hệ nhân sinh.

Đời người cũng như đời cây, nhờ túc duyên màu nhiệm, phát triển từ mầm, nụ, giống, cho bóng mát, cho mùa màng hoa trái, cho chim chóc tha mồi làm tổ, cho gió hát qua lá cành,… những ngày sớm, những chiều muộn, những đêm thâu, những mùa nắng, những mùa mưa  rồi tàn tạ. Và vòng quay cứ thế tiếp tục với những chu kỳ xanh bất tận. (Bùi Bích Hà)

Mời độc giả xem chương trình “Du lịch Ice Cave ở Austria”(Phần 1)