Thursday, April 25, 2024

Nhà giáo

Bùi Bích Hà

Niên học 1967-1968, tôi nhận được sự vụ lệnh cho phép thuyên chuyển từ trường Nữ Trung Học Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho, về trường Trung Học Nguyễn Trãi, Quận IV, Sài Gòn. Trước đó, tôi đang dạy ở Nguyễn Đình Chiểu thì Lê Ngọc Hân được thành lập. Vì trường mới thiếu giáo chức, bộ đưa tôi về tăng cường.

Tôi dạy ở Lê Ngọc Hân hai niên khóa trong khi chờ đợi được trở lại Sài Gòn vì lúc đó tôi có hai con nhỏ và gia đình sống ở Quận I, hằng tuần phải đáp xe đò đi về giữa hai nơi trong tình trạng quốc lộ thường xuyên bị Việt Cộng chôn mìn quãng ngã ba Trung Lương.

Khi nhận được sự vụ lệnh thuyên chuyển, tôi mừng quýnh nhưng bạn bè thì lắc đầu, khuyên tôi nên từ chối, đợi cơ hội khác vì học trò nam sinh Nguyễn Trãi hung dữ, đánh nhau với học trò Kỹ Thuật Cao Thắng bươu đầu, sứt trán. Thêm nữa, trường ở giữa khu lao động bến cảng, không có an ninh mà tôi lại là phụ nữ chân yếu tay mềm. Một lô truyền thuyết không mấy đẹp ấy làm tôi nản lòng nên đành quyết định thân chinh lên bộ, xin trả lại sự vụ lệnh và tình nguyện chờ cơ hội tốt hơn.

Giám đốc Nha Học Vụ khoảng cuối thập niên 1960 là ông Thúy. Ông nghe tôi giãi bày tâm sự, bèn cười và trả lời: “Tôi biết các bà chỉ muốn trường ở bên kia đường, ngay trước mặt nhà mình, thì mới bằng lòng. Bà nên biết Quận IV tuy xa Quận I nhưng vẫn gần hơn Mỹ Tho, bà không phải sợ đường đắp mô, nhất là lúc này, đảo chánh, chỉnh lý liên miên, bà càng không sợ bị kẹt ở mũi tàu Phú Lâm, Thế là tốt rồi! cứ về Nguyễn Trãi đi, tôi hứa khi nào trong nội vi Sài Gòn có chỗ, bộ sẽ ưu tiên xét cho bà về gần hơn.”

Giải thích của ông giám đốc nghe chừng hữu lý, tôi bèn líu ríu vâng dạ. Trước khi cáo từ, chỉ xin ông bút phê cho mấy chữ bên lề sự vụ lệnh để lời hứa của ông có bằng chứng. Bằng chứng ấy đã không bao giờ được tôi nại ra trong bất cứ trường hợp nào bởi vì quãng đời dạy học của tôi ở Nguyễn Trãi là quãng đời nghiệp vụ đẹp nhất của tôi với gần hai thập niên buồn vui không thể nào phai mờ trong ký ức.

Cuối Tháng Tám, 1967, tôi đến trường Nguyễn Trãi trình sự vụ lệnh. Sài Gòn vừa tạnh cơn mưa, tôi nhớ cả thời tiết vì cái hành lang có vài viên gạch vỡ, lênh láng nước, dài theo dãy lớp ngay ở cổng vào vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi cho đến tận bây giờ. Sau phần thủ tục trình diện, ông Hiệu Trưởng Phạm Văn Đàm hướng dẫn tôi đi xem qua cơ sở, phòng ốc của trường, tôi ngạc nhiên thấy gia đình ông cư ngụ ngay trong một lớp học ở cuối hành lang tạm trưng dụng làm tư thất cho hiệu trưởng.

Sau này, tôi được biết ngày đó ông nguyên là hiệu trưởng trường Trung Học Phan Thanh Giản, Cần Thơ, mới thuyên chuyển về Nguyễn Trãi mùa Hè vừa qua. Các con ông còn bé, quanh quẩn chơi đùa trong cái không gian trống trải và hẳn là thiếu tiện nghi của gia đình. Phía trước cửa, trên cái hè xi măng dưới thấp, sát với sân trường, có cái xô lớn hứng nước mưa mà cơn mưa ồ ạt vừa qua đã làm đầy tràn. Tôi đoán có lẽ ông hiệu trưởng hay bà đã có ý tiết kiệm nước dùng cho những việc lặt vặt.

Ông còn trẻ, tôi đoán chỉ chừng ngoài 30. Khuôn mặt sáng, ánh nhìn hiền hậu, giọng nói trong, rõ, ngay cả khi ông nói vừa đủ nghe. Ông nhã nhặn nhưng nghiêm nghị, diễn tả mạch lạc, cho người đối diện cảm giác ông là người cẩn trọng trong ứng xử và công việc.

Suốt thời gian đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng tại Trung Học Nguyễn Trãi, ông được đồng nghiệp nể trọng và quý mến, được học trò nhớ ơn vì ông gần gũi các em, luôn quan tâm khuyến khích các em trên đường học vấn, xây dựng lòng tự tin nơi các em hướng về tương lai. Ông cũng sinh hoạt chặt chẽ trong lãnh vực thể thao của nhà trường để cổ võ nếp sống vui khỏe, năng động, rất cần cho tuổi thanh thiếu niên đang phát triển theo phương châm “một tâm hồn lành mạnh trong một thân thể tráng kiện.” Nhiều em ra trường đã lâu vẫn còn nhắc lại cảnh thầy hiệu trưởng mỗi buổi sáng đứng ở cổng vào để kiểm soát em nào không đeo phù hiệu trên túi áo thì bị cảnh cáo. Thế hệ giáo chức chúng tôi ngày đó dựa vào định chế như một thứ kỷ cương để rèn luyện tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cho các em.

Năm năm sau, 1972, ông được bổ nhiệm Thanh Tra trung học nên rời Nguyễn Trãi. Ông giữ chức vụ này cho đến ngày miền Nam sụp đổ.

Tôi không biết thầy trò chúng tôi thất lạc nhau bao lâu cho tới ngày tôi và gia đình đặt chân đến Quận Cam đầu năm 1986, lần hồi biết được tin tức của nhau thông qua hoạt động thân tình và đắc lực của Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức và Cựu Môn Sinh Nguyễn Trãi với các anh/chị Loan Đỗ, Phạm Quýnh, Phạm Hoài, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Trọng Thi, Hoàng Phùng Miên; các em Nguyễn Bảo, Mai Đông Thành, Nguyễn Hải Bằng, Phạm Duy Quang, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Đức Tâm, Bùi Xuân Trường, Phùng Minh Tiến, Nguyễn Văn Chương và nhiều em khác.

Hằng năm, gia đình thầy trò Nguyễn Trãi lập thông lệ, chọn một ngày họp mặt. Các thầy cô gặp nhau buổi trưa để tiện cho các anh chị ở xa nán lại, buổi chiều cũng có mặt trong tiệc đoàn viên do học sinh tổ chức trên quy mô lớn tại một nhà hàng nào đó trong vùng Little Saigon. Để duy trì tình nghĩa keo sơn thầy trò, đồng nghiệp, đồng môn, từng chia nhau một lý tưởng, một hoài bão, cất giữ cho nhau những kỷ niệm của một thời nhiều mơ ước cho quê hương, hội đã chăm chút thể hiện trong khả năng mình tinh thần được đưa ra trong bản nhạc hiệu đoàn Nguyễn Trãi hành khúc của Phạm Ngọc Cung, cựu học sinh Nguyễn Trãi niên khóa 1955: “Một ngày Nguyễn Trãi, mãi mãi anh em.”

Từ ngày Giáo Sư Phạm Quýnh qua đời, cựu môn sinh Mai Đông Thành mặc nhiên gánh vác cả trách nhiệm ái hữu của các thấy cô ban giảng huấn nay bước vào tuổi già, lực bất tòng tâm, cố gắng lắm cũng chỉ có thể tham gia với các em thay vì chủ động. Thầy trò kết hợp hay cử đại diện tại chỗ, đi thăm viếng, ủy lạo, tương trợ các thành viên Nguyễn Trãi quốc ngoại, quốc nội, lâm cảnh ốm đau, tai nạn, qua đời, với tình nghĩa và tấm lòng.

Chúng tôi sinh hoạt như một đại gia đình, thân thiết và đùm bọc, không bị chia ba xẻ bảy vì bất cứ lý do gì. Phần đông các cựu môn sinh đều thành đạt, thuộc giới khoa bảng. Có em kinh doanh nhà hàng ăn thành công ở đây, là nhà hàng duy nhất vùng Nam Cali đoạt giải thưởng hiếm quý của giới ẩm thực tinh hoa Mỹ, Thầy cô và bằng hữu đến ăn vì thực đơn xuất sắc, đều được mời nên thỉnh thoảng mới dám ghé qua hoặc chọn buổi nào không có ông chủ ở quầy thâu ngân. Có em xuất ngoại du học sau khi rời trường, nay nhờ Internet vẫn tìm được nhau.

Các em từ xa đến Mỹ, đều tìm cách gặp lại thầy cô giáo cũ, tặng quà, mời cơm, nhắc lại một lời nói, một ánh mắt, một cái nắm tay khuyến khích ngày em lên đường, đưa ra cả cái thành tích biểu vàng úa thời gian, ghi một lời phê tích cực, giúp đơn xin học bổng du học của em được cứu xét thuận lợi… Ôi, bao nhiêu là kỷ niệm đẹp mà nhiều thế hệ học sinh Nguyễn Trãi đã luôn mang theo mình và lấy đó làm hành trang vào đời, không chỉ thừa hưởng từ các thầy cô giáo, từ nền học thuật nhân bản và khai phóng của học đường, gia đình mà cao quý hơn cả, từ tinh thần yêu nước kiên cường, yêu dân như bản thân của nhà đại chí sĩ đã đem tâm huyết viết Bình Ngô Đại Cáo – và trường được vinh hạnh mang tên – là bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai trên dòng lịch sử lập quốc của Việt Nam sau Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư với Lý Thường Kiệt, đời vua Lý Nhân Tông chống quân xâm lược nhà Tống.

Khoảng cuối thập niên 1980, tôi chỉ mới đến Mỹ được ít lâu, nhân một buổi họp mặt của trường mà tôi không tới được vì một lý do bất khả kháng nào đấy, ông cựu Hiệu Trưởng Phạm Văn Đàm đã quan tâm lái xe đến thăm mẹ con chúng tôi ở một thành phố khá xa Little Saigon. Khi ông từ giã, trời đã chập choạng tối. Ông lái chiếc xe khá to, có lẽ để được an toàn hơn khi di chuyển. Tôi cảm thấy lo ngại vì từ nơi tôi ở về San Diego phải hơn hai tiếng chạy xa lộ nên xin phép ngỏ lời mời ông nghỉ lại, nhà có phòng cho khách rất tiện nghi, nhưng ông từ chối, nói là ông vẫn lái quen, không có gì khó khăn cả. Về tới nhà, ông còn tế nhị gọi điện thoại báo tin để tôi được yên tâm.

Biết ông là người ứng xử cẩn trọng trong giao tế ngay từ hôm tôi đến trình diện ông lần đầu tại trường, tôi biết trong mọi trường hợp, ông sẽ luôn lấy lễ đối đãi với mọi người theo đúng cung cách một nhà giáo gương mẫu nên càng quý mến ông hơn qua thời gian.

Năm cuối cùng, 2016,  tuổi thọ đã ngoài 80, ông về Cali dự họp mặt tất niên với trường, thấy ông gầy yếu đi nhiều nhưng thần thái vẫn an nhiên, tự tại, nụ cười vẫn hiền hòa và chí tình nên chúng tôi không cảm thấy lo âu nhiều. Năm sau, ông hẹn với học trò nhưng không về, Mai Đông Thành cho biết thầy không khỏe để đi xa nữa, chỉ gửi lời chúc đại hội thành công. Đến đây, chúng tôi biết bất đắc dĩ lắm ông mới vắng mặt liền hai năm như vậy nhưng thực sự không nghe ông bệnh nạn gì.

Năm sau nữa, 2018, quả thật chúng tôi nợ ông một thái độ đúng mức, ít ra là điện thoại vấn an ông nhưng bản thân tôi đã không làm, đã phạm tội ỷ y, chểnh mảng, vô tâm, lần lữa, so với thái độ luôn ân cần ông dành cho mọi người.

Đã vậy, giây phút cuối cùng tiễn ông về cõi Phúc, vì cái chân đau cả năm trời, không đi lâu, đứng lâu, ngồi lâu được, tôi đành ngậm ngùi nhìn Nguyễn Hải Bằng một mình đáp xe đò Hoàng đi Arizona thay mặt Hội Trưởng Mai Đông Thành đang ở Âu Châu, thay mặt các đồng môn vì nhiều lý do cũng không đi cùng anh để dự tang lễ được. Tất nhiên lòng tôi buồn vô hạn nhưng hổ thẹn, ăn năn và tự thống trách mình mới là hình phạt đáng kể. Nếu chúng ta không vì quốc nạn, phải bỏ xứ ra đi, mỗi người một phương trời phiêu bạt, liệu đám tang một nhà giáo sẽ có bao nhiêu học trò theo sau linh cữu, bao nhiêu khăn trắng quấn trên đầu?

“Bài viết muộn màng này xin là nén nhang gửi hương theo anh, thưa anh Đàm, đưa anh về cửa Phật; xin là bông hoa gửi về chị, thưa chị Đàm và các cháu, để bày tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ của riêng tôi đối với gia đình mẫu mực của anh chị, trong bất cứ cảnh ngộ nào, cũng thể hiện sâu sắc nét văn hóa đặc thù của hai miền Nam/Bắc Việt Nam, đơn sơ, giản dị/thanh đạm, cần kiệm, đã kết hợp anh chị trong cuộc trăm năm còn lưu dấu cho mai sau.” (Bùi Bích Hà)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT