Những góc phố lạ

Bùi Bích Hà

Sau cả tuần lễ nóng dội, trời California trở mát vào buổi chiều gió hiu hiu lạnh. Các cháu ngoại muốn đi ăn bánh mì ở tiệm Pandor, tuốt bên thành phố Orange. Thật ra đây là chi nhánh thứ tư của tiệm. Ba địa điểm kia nằm ở Newport Beach, Long Beach, và Anaheim.

Đã lâu lắm, tôi không có dịp về qua Orange. Vài người bạn thân ở đây đã dời về các thành phố gần cộng đồng Việt Nam hơn vì tuổi già, ngại lái xe hoặc không còn lái xe nữa. Những con phố nhỏ, chật, có chỗ vòng vèo chạy quanh một bùng binh, từng quen thuộc với tôi một thời nào dưới ánh nắng mặt trời ban ngày, trông khác lạ trong buổi tối với những ngọn đèn đường kiểu cổ soi sáng vừa phải hè phố, hàng quán và các lối đi. Chỗ đậu xe hiếm hoi khiến tôi nghĩ lẩn thẩn chắc thế kỷ trước, khi thành phố này được thành lập, người Mỹ ở đây không mấy khi có nhu cầu đi mua sắm, ăn uống hay vui chơi bên ngoài gia đình, cũng ít nhà có xe hơi, giống như thành phố Huế của tôi khi tôi khôn lớn. Cuộc sống êm ấm phía sau ngưỡng cửa những ngôi nhà trông sạch sẽ, ngăn nắp và xinh xắn như đồ chơi.

Con đường Glassell tối nay quãng giáp ranh khu phố cổ Santa Ana, có một vẻ nhàn nhã đáng yêu ở các cửa hàng bán những kỷ vật vụn vặt thu góp từ một quá khứ tản mát; ở các cửa hàng ăn bàn ghế gỗ, có một hành lang rộng sát lề đường; ở khách bộ hành đi từng đôi, vài ba người hay lẻ loi một mình, phục sức thoải mái và lạ mắt; ở những bàn “nhậu” lộ thiên với đồ ăn, thức uống thanh lịch và tửu đồ không ồn ào, vài người còn mang theo những con chó cưng giống quý, buộc ngay bên cạnh chủ bằng sợi dây thật đẹp. Nói tóm lại, một góc phố an bình, của nghỉ ngơi và có chút lãng mạn, không hề có TV màn hình lớn nhỏ nhắc nhở những điều không thích hợp với những ai tìm đến đây.

Từ 7 giờ tối trở đi, tiệm Pandor lũ lượt khách xếp hàng trước quầy nhận “order.” Một đĩa bánh mì với khoai tây chiên hay xà lách, gồm hai miếng vuông vức nhỉnh hơn lòng bàn tay một người tầm vóc trung bình, nhân thịt gà nướng, jambon gà tây, ham, bacon, tuna hay veggie, giá từ $10 đến $14 chưa tính nước, nghĩa là… không bình dân nhưng bên trong tiệm trang trí rất sơ sài, đúng như quảng cáo: Artisan Boulangerie & Café.

Tiệm là một căn phố sâu nhưng hẹp ngang, hơi nhỏ so với lượng khách hâm mộ vào giờ cao điểm: sáng, trưa, và chiều tối. Trần nhà từ ngoài vào đến chỗ quầy tiếp khách có hai ngọn đèn treo kiểu chandelier xoàng xĩnh. Vách tường một bên gắn chừng bảy hay tám ngọn đèn cốt lấy ánh sáng. Phía tường đối diện là tủ bán nhiều loại cà rem chưa thấy ở đâu khác tại Orange County. Sát bên cạnh và phía ngoài là những kệ gỗ đầy ập bánh mì đủ loại, có ổ to bằng cái gối ôm nhỏ và sandwich lớn gấp bốn lần sandwich của Pháp thường thấy bán ở Little Saigon. Ngoài một ít bàn ghế gỗ nhiều chỗ ngồi tiện cho gia đình hay bạn bè, bàn ghế của Pandor một phần bằng sắt và một phần bằng những dây nhựa hai màu nâu/trắng bện lại, kiểu cọ không giống ai. Tôi nghĩ không phải chủ nhân ít vốn hay quá sơ sài trong phong cách tiếp khách nhưng cái vẻ đơn giản của Pander thật ra không đơn giản mà tựa như một phụ nữ vừa đẹp, vừa biết cách trang điểm không lộ liễu, không cho thấy phấn son để toát ra nét tươi mát dễ thu hút người nhìn.

Chủ nhân Pander là một người (hay một gia đình) di dân từ Vienna, Áo, đến Mỹ, mang theo nghệ thuật ẩm thực với nét văn hóa tiêu biểu cho một Âu Châu cổ kim hòa điệu, nổi tiếng qua nhiều thề kỷ và gói gọn trong chỉ một chữ, mạnh mẽ, chắc nịch, in trên danh thiếp: Viennoiserie.

Tôi có người bạn đi du lịch nhiều. Mỗi khi có dịp chuyện vãn, anh thường nhắc đến tách cà phê uống ở một cái quán nhỏ ở Vienna và anh đoan chắc với tôi rằng phải được uống một tách cà phê như thế, trong một khung cảnh như thế mới gọi là nếm trải hạnh phúc của cái thú uống cà phê. Tôi chẳng biết ất giáp gì về cà phê, về những cái “như thế, như thế” mà anh kể với lòng say mê, càng ít có hy vọng đặt chân đến Vienna nhưng cứ nhìn đôi mắt ngày thường hơi nhỏ của anh chợt sáng lung linh như hai vì sao lạc, khuôn mặt anh nở nang và thư giãn trông thấy, tôi cũng phần nào hình dung ra và vui lây điều anh mô tả. Đối với tôi, Vienna gợi nhắc dòng sông Danube trong bản nhạc tuyệt vời của Johann Strauss, lời Việt của Phạm Duy. Không mông mênh, không rộn rã bằng Danube nhưng sông Hương của tôi cũng xanh không kém, cũng duyên dáng uốn mình chảy qua thành phố có “những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui, thả ý thắm cho người chở gió về xuôi” khiến người đi xa thật xa rồi vẫn nhớ thương khôn nguôi.

Bánh mì nhân tuna của Pandor rất ngon, đặc biệt vỏ bánh mỏng, dòn nhưng không cứng và sauce mayonnaise càng tuyệt vời với người sợ chất béo như tôi, nghe mùi thơm song không thấy nó trên bánh. Tuy nhiên, thức ăn tối nay ở Pandor không là tất cả vì thiếu dòng sông và âm nhạc gộp chung vào cái chữ Viennoiserie đầy tự hào của nhà hàng nhưng mà tôi rất yêu cái không gian thân tình, tự do, nhiều màu sắc ở khu phố này. Tôi cảm nhận hạnh phúc thật ra có rất nhiều trong cuộc sống, dễ dàng và gần gũi chứ không quá khó khăn hay hão huyền như nhiều khi tôi tưởng.

Một bà áng chừng ngoài 50 tuổi, vóc vạc hơi thừa cân. Bà đội cái nón đan bằng sợi cói, hình dáng giống cái sừng, nằm ngang đầu như nón của Napoleon nhưng vành nón nhỏ và thân nón kết những chùm hoa trông rất vui mắt. Bà ngồi một mình, ăn uống thong thả, thỉnh thoảng đi tới đi lui lấy vài thứ phụ tùng bà cần, vui vẻ chào hỏi hay trả lời người này người kia, xem ra bà rất bằng lòng mọi thứ, quan trọng nhất, bằng lòng chính mình. Nếu tôi biết vẽ, chắc đã có được bản vẽ phóng họa chân dung hạnh phúc đầu tiên. Mỗi thực khách bước vào tiệm có một kiểu y phục khác nhau và có vẻ như không ai quan tâm đến ý kiến của người xung quanh. Tiệm như cái sân khấu nhỏ, các kịch sĩ nói bằng một ngôn ngữ riêng để tự giới thiệu mình trong vở diễn độc thoại không có khán giả, chỉ có những người đồng diễn qua lại như những cái bóng không chạm nhau. Thú vị chi lạ! Một cô ốm nhom, cao lênh khênh mà lại mặc ngoài cái áo khoác mỏng không tay dài quá gối. Đâu có sao, thích thì mặc thôi mà!

Đặc biệt nhất là hai cô ngồi ở bàn ngay trước mặt tôi. Một cô da màu, tóc quăn từng chùm, mập quá so với tuổi của cô. Phải nói ngay là cô không có tí nhan sắc nào nếu không huỵch toẹt ra là cô xấu xí hơn tất cả những người con gái xấu xí thường thấy. Có thể do buồn thân phận nên cô ăn để tìm vui, khiến cô thừa cân quá mức. Vì cô ngồi đối diện tôi, cô bạn cùng đi với cô đối diện cô nên tôi chỉ thấy lưng của cô bạn ấy. Phiến lưng nhỏ nhắn đủ làm bức tường chắn, tôi không nhìn rõ mặt cô bạn, không nghe cô ấy nói gì nhưng tất cả những gì cô ấy làm, tôi đọc được ở người đối diện cô ấy. Cô đội cái mũ beret bằng len đỏ, hai cánh tay và bàn tay vung vẩy khi cô cần diễn tả. Chẳng biết cô kể chuyện gì mà khuôn mặt cau có tự nhiên của cô bạn da màu ngồi trước mặt đang nhăn nhúm, lông mày, mắt, mũi, miệng dồn hết vào giữa như một cái túi bị rút giây buộc, bỗng mở ra cho một nụ cười phô đủ hai hàm răng trắng nõn. Khuôn mặt ấy cứ tươi lên dần dần với nụ cười càng lúc càng rộng. Bây giờ, lông mày, mắt, mũi, môi cô tựa như những nét cọ của bức tranh lụa kéo căng trên khung, cho một dung nhan khác của một cô gái khác, không xấu/đẹp mà linh động và đầy sức sống. Tôi lại tiếc không có được tài chụp ảnh và cơ hội chụp cô để làm ví dụ kiểu “before and after,” quảng cáo cho ý nghĩa và công dụng nhiệm mầu của tình bạn. Cái mũ beret đỏ nói liên tục, nói không ngừng, hai tay làm công việc của người nhạc trưởng hướng dẫn ban nhạc riêng trong lòng cô trong buổi tấu nhạc tối nay chỉ có một thính giả trước mặt, một khán giả sau lưng. Hình như tôi đã không sai khi tin rằng tình bạn quả thật rất đẹp và bình an, là bầu trời không bão tố, là tháng ngày không mưa trên rặng sầu đông và không lệ nhòa trên mắt, biệt ly chỉ để lại nhớ nhung.

Trở lại Bolsa của tôi trong bóng đêm bắt đầu loàng nhoàng trên các đầu cây và những con đường không còn đông đầy xe cộ, không còn bóng bộ hành, đèn màu chớp nháy tự động trên các bảng tên cửa hàng/tiệm buôn, tôi vừa cảm nhận sự thân thiết của một nơi chốn mình thuộc về, của một cộng đồng đan kết chặt chẽ đến nỗi không những mỗi sự khác biệt với chung quanh trở thành một cái tội mà giống nhau quá ở cùng một mô hình như khuôn đúc cũng tạo một không gian ngột ngạt, bực bội, thiếu gió, thiếu dưỡng khí, thiếu sáng kiến, thiếu sự đa dạng đáng yêu của cái góc phố Orange tôi vừa từ đấy bước ra với sự thú vị lâu lắm tôi đã quên bẵng nó trong bộ óc cùn mòn của tôi.

Nhanh như một tia chớp, tôi nhớ lại lời nói tình cờ nghe được trong một buổi họp mặt mới đây, một sinh viên trong nước đến Hoa Kỳ theo diện thân nhân bảo lãnh, đã thốt lên với tất cả hào hứng về tình yêu của cô với nước Mỹ: “Em tới đây chưa bao lâu nhưng yêu xứ sở này cực kỳ.”

Tối hôm nay, tôi hiểu được cảm xúc của người sinh viên trẻ và hiểu luôn thế nào là cơ hội của nước Mỹ, những cơ hội mở ra cho mọi người cánh cửa hạnh phúc với tự do tư duy, chọn lựa và phát triển theo khả năng cao nhất của mỗi người. Tất cả vấn đề còn lại là thể hiện mình và chịu trách nhiệm về sự thể hiện ấy.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 20 tháng 9 năm 2017