Thursday, March 28, 2024

Ông sui

Bùi Bích Hà

Ông chỉ cảm thấy mệt mệt ít ngày, ăn uống không ngon miệng, tay chân bên phải tê tê khến ông ngại lái xe dù chỉ để đưa bà đi một đoạn đường ngắn đến tiệm gội đầu, chải tóc theo thói quen của hai ông bà suốt hơn hai chục năm qua.

Con trai, con gái, con dâu của hai ông bà đều làm việc trong ngành y tế, có kinh nghiệm hành nghề trên hai thập niên nhưng ông không gọi đứa nào cả. Chỉ tới buổi sáng Chủ Nhật cuối cùng, ngày Mồng Một Tháng Chạp Âm Lịch năm Mậu Tuất, bỗng nhiên ông bị nôn mửa và cảm thấy cần đi châm cứu nên mới điện thoại bảo cô con gái về nhà đón ông đi ông thầy Hàn Quốc quen. Chủ Nhật tiệm đóng cửa, thay vì đưa ông về nhà, cô lo lắng đề nghị đưa ông đến phòng cấp cứu ở bệnh viện gần đấy nhưng ông cương quyết không chịu, nhất định đòi cô chở ông về vì ông chỉ cần nghỉ ngơi thôi, sáng mai tính sau.

Ông vào phòng, nói là đi ngủ. Bà và con gái ngồi ở nhà ngoài chuyện trò loanh quanh. Xẩm tối nghe trong phòng ông có tiếng động như bàn ghế bị xô đẩy, cả hai mẹ con vội chạy vào thì thấy ông đã mê man. Cô con gái lập tức làm CPR cho bố và bà gọi 911. Đến phòng cấp cứu, bác sĩ và nhân viên nhà thương nhanh chóng thực hiện mọi thủ tục hồi sinh cần thiết nhưng ông không tỉnh lại nữa rồi êm ả ra đi. Đối với bà, giây phút cuối của đời người sao dễ dàng và bất ngờ đến lạ, bà ngẩn ngơ như vừa trải qua nhưng cũng như đang ở trong cơn mơ.

Sáng sớm hôm sau, được con gái tôi là con dâu bà, báo tin. Tôi vội vã chạy đến nhà bà. Ngôi nhà của ông bà sui tôi, trong ngoài, sân trước vườn sau lúc nào cũng tươm tất, sạch như như ngày nào cũng Tết, không một bụi cỏ, không một chiếc lá rụng, cây cối cắt xén gọn ghẽ, suối nước êm đềm chảy. Quang cảnh vẫn y nguyên như mọi lần khác tôi tới, xuân thu nhị kỳ, ngoài những ngày lễ lạt hay sinh nhật người lớn, trẻ con được tổ chức chung ở nhà cậu trưởng nam và cũng là con rể của tôi. Bước hẳn vào trong, căn phòng khách nhỏ yên lặng, ngăn nắp, bà sui tiếp tôi, thong thả, nhỏ nhẹ, như tôi vẫn biết bà gần hai mươi năm qua. Tôi không có cảm giác gì khác hơn là ông sui đi đâu ra ngoài, vắng nhà.

Không có ông, bà tự chủ hơn nên hỏi tôi: “Chị đau chân, có đi một vòng ra vườn được không?” Tôi đã đi xem vườn nhiều lần nhưng nay nghe bà hỏi, tôi nghĩ bà cần mở cửa ra ngoài cho khuây khỏa nên sốt sắng nhận lời: “Em không sao, đi được chị ạ!”

Bước xuống bậc thềm ở cửa hông, bà thay dép và nhắc có sẵn một đôi nữa cho tôi ở đấy. Nhìn đôi dép lớn hơn chân mình nhiều, tôi biết đây là đôi dép của ông sui nhưng tôi không ngần ngừ để bà phải suy nghĩ mà vội xâu chân mình vào đôi quai quá rộng, khiến tôi không bước được, cứ phải hơi kéo lê một chút trong tình trạng cái chân phải đang đau.

Ngoài những cây ăn trái cao vời vợi bà vừa cho người làm vườn cắt xén sau mùa Đông, bà còn chỉ vài loại cây thuốc ông trồng có công dụng chữa tiểu đường, chữa cảm… Mái hiên, nhà kho, chỗ nào cũng sắp xếp gọn ghẽ, thứ tự và sạch sẽ, ngay cả những tấm ván thừa, những vật liệu linh tinh khác bên cạnh thùng đồ nghề sửa chữa có nhiều thứ hệt như của một handyman thực thụ.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là ông có cả một kho thuốc Bắc y như ở bất cứ một tiệm thuốc Bắc nào ngoài phố. Các vị thuốc được xếp trong các hộc tủ nhỏ, dán nhãn tên bên ngoài. Ông có cả dụng cụ dùng để nấu nhiều loại cao làm thuốc bổ chỉ với dụng ý bảo dưỡng sức khỏe của chính ông.

Càng ngạc nhiên hơn nữa khi trở vào nhà, bà dẫn tôi đi qua mấy căn phòng nhỏ trong ngôi nhà khá cũ họ mua và cư ngụ ở một chỗ này đã hơn ba mươi năm, nuôi dạy ba con nên người, thành công trên đường học vấn. Các con khôn lớn, rời tổ ấm nên ông sắp đặt cách khác các chỗ trống chúng để lại.

Ngoài phòng ngủ và bàn làm việc có computer, ông còn một phòng để thực hành môn xoa bóp trị liệu với gần 30 chứng chỉ tốt nghiệp ngành này, chuyên từng bộ phận như đầu, cổ, vai, lưng, chân tay… Phòng ngủ của bà sát bên cạnh và ông tự chế biến, tạo cho bà một chỗ retreat rất tiện nghi, lịch sự và dễ thương, có ghế recliner êm ái để bà xem ti vi, xem phim hay nghe nhạc mỗi buổi tối trước khi vào giường.

Kỳ dư, mọi không gian lớn, bé còn lại trong nhà đều đuợc ông tận dụng làm kệ sách, sách nhiều vô số kể, đủ cỡ, đủ loại, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt. Sách về Tây y, Đông y, tôn giáo, triết lý, giao tế và ứng xử, tình dục, hạnh phúc gia đình, giữ gìn tuổi trẻ… đều có đủ. Vốn cũng nòi mê sách, từng vất vả vì sách qua mấy lần dọn nhà, vậy mà bây giờ nhìn số lượng sách ở nhà ông, tôi không khỏi phát hoảng.

Bà sui mời tôi thích cuốn nào thì lấy trước khi các con bà di tản chúng. Nhác thấy một cuốn bìa cứng, nhan đề “Staying Young,” với hình tác giả Liz Renay là một bà ngoại trông rất tươi mươi, tôi nghĩ chắc mình cũng cần để có kinh nghiệm “uýnh nhau” với tuổi già nên xin phép bà mang về nhà. Buổi tối, chong đèn đọc, qua vài chương thì biết ngay rằng bà ngoại Việt Nam như tôi không thể học đòi bà ngoại Liz Renay vì yếu tố văn hóa nằm trong máu huyết mỗi người rất khác nhau. Không có căn bản chung để có cùng mục tiêu và quyết tâm là những điều kiện để tiến bộ thì nên sớm chào thua là phải.

Đứng giữa cái thế giới ngổn ngang di sản ông sui bất ngờ để lại mà trong gần hai mươi năm làm thông gia với nhau, ông chưa một lần hé lộ và tôi cũng không hề có một dịp nào thoáng thấy hay đoán ra, lòng tôi dấy lên nỗi ngậm ngùi khiến tôi trải qua nhiều lần tự trách mình sau khi một người bạn ra đi, là đã không quan tâm đủ về nhau để có một cư xử xứng đáng hơn.

Đối với ông sui, thêm một lần nữa, tôi lập lại kinh nghiệm đáng tiếc ấy, bài học học mãi vẫn không thuộc. Tôi đã chỉ tập trung vào việc giữ lễ trong giao tế, nói cười, thưa gửi lễ phép phía này cái bàn ăn rộng những lúc gia đình hai bên gặp gỡ trong dịp vui chung. Từ nay về sau, mỗi lần sum họp tiệc tùng ở nhà con gái và chàng rể, tôi vẫn sẽ ngồi bên cạnh bà sui như thường lệ, cái ghế ở đầu bàn ăn bên tay phải bà sẽ luôn nhắc nhở tôi ông sui, một con người có cuộc sống phong phú lạ thường, có phẩm chất đáng quý mà tôi không còn cơ hội nào để bày tỏ lòng khâm phục.

Tôi băn khoăn hỏi bà sui: “Chị định làm gì với kho thuốc và kho sách của anh?” Bà trả lời tôi một cách dứt khoát như chính bà đã dứt khoát với ý định làm theo sự căn dặn của chồng một lúc nào đó: “Ông dặn tôi thuê xe chở hết ra bãi rác.” Đó là sự ủy nhiệm nhẹ nhàng nhất cho người bạn đời ông biết sẽ phải thay ông dọn dẹp những đồ chơi ông bày ra, vì thương yêu, nể phục, mà bà lặng lẽ chấp nhận hết nhưng chắc là không hưởng ứng?

Tôi biết cả một cuộc đời khá dài bên nhau, bà luôn luôn nghe lời ông, làm theo ý ông cho dù người ngoài nhìn vào, thấy hai ông bà hầu như vẫn thường xuyên lời qua tiếng lại và kết luận là họ khắc khẩu. Sự thật, ông biết ngay từ đầu là nói gì thì nói, bà chỉ muốn ông biết bà có ý nghĩ khác ông thế nhưng rồi cuối cùng, bà vẫn tin tưởng, thậm chí có chút hãnh diện, về mọi quyết định “nên cửa nên nhà” của ông.

Giờ đây, ngôi nhà vắng bóng ông hình như tĩnh mịch hơn những lần trước tôi đến nhưng không quạnh quẽ vì đâu đâu cũng thấy dấu ấn và sự bảo bọc của ông. Bà nói với tôi: “Cái sàn nhà này ông ấy làm. Cái sân này ông ấy lót gạch.” Bà để tay vào một vật dụng lạ mắt đặt trên cái bàn nhỏ gần bàn ăn và giải thích: “Cái đèn hâm thức ăn này là sáng kiến của ông ấy vì ông không dùng lò vi ba, bảo là độc.”

Trong tang lễ ông, bà đội mấn và mặc xô gai. Cậu trưởng nam đã đọc một bài ai điếu tóm lược cuộc sống với bố bắt đầu từ giai đoạn mất miền Nam, mô tả cuộc hành trình tìm đường ra bờ sông của gia đình năm người xuyên qua một Sài Gòn hỗn loạn vì cuộc di tản, ngoài cha mẹ, cậu lúc đó lên 9, em trai lên 5 và em gái chưa được 1 tuổi. Nhiều con đường bị chặn nhưng bố cậu đã lo liệu được cho cả nhà có mặt an toàn trên chiếc tàu kéo người đứng như cá hộp, hình ảnh cậu mang theo trong ký ức tuổi thơ là sự khôn ngoan, can đảm của bố đã lèo lái gia đình trong hoàn cảnh trốn chạy vượt qua sức người khi chính mắt cậu chứng kiến ở bến sông, cảnh những ông bố cố gắng trao con nhỏ cho người trên tàu, mong cứu được con, cho nó một tương lai nhưng đứa bé không may đã lọt xuống dòng nước chảy xiết.

Đến được Mỹ, gia đình được nhà thờ bảo trợ về tiểu bang Delaware. Như nhiều người tị nạn khác từng tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, tuy xuất thân đốc sự hành chánh nhưng tiếng Anh không thành thạo, bố cậu phải nhận làm công việc rửa bát cho nhà hàng Tàu, chăm nom cây cảnh cho một vườn cây để có đồng lương tối thiểu lo cho bản thân và vợ con. Ông tập lái xe. Ban ngày lao động, ban đêm bố và mẹ cậu cùng đi học thêm tiếng Anh.

Vài năm trôi qua, ngôn ngữ cải thiện, ông nhận được chân thư ký trong chính quyền quận hạt. Đã dạn dĩ với trường lớp, ông ghi tên học MBA, nghĩ rằng mảnh bằng sẽ giúp ông kiếm được việc làm tốt hơn, lợi tức cao hơn nhưng rồi ông biết mình đã lầm. Cơ hội cho một dân nhập cư da vàng ngày ấy không bao giờ có thể ngang ngửa với người bản địa.

Sau tám năm, ý tưởng làm chủ lấy mình trong kinh doanh khiến cha mẹ cậu quyết định dời cư về Texas, trong những năm phồn thịnh của tiểu bang. Họ mở tiệm chiên và bán hamburger, làm việc cật lực đêm ngày kể cả hai cậu con trai sau giờ học. Được bốn năm yên ổn, bước vào 1987, kỹ nghệ dầu hỏa xuống dốc, kéo theo kinh tế của tiểu bang. Tiệm ăn ế ẩm, lỗ vốn, phải đóng cửa.

Bố cậu xoay sang vừa đi làm vừa đi học nghề sửa chữa điện lạnh và ống nước. Ngoài kiến thức căn bản để lấy bằng hành nghề, ông tự học thêm bằng cách đọc rất nhiều sách chuyên môn hầu tinh tấn công việc. Tuy nhiên, nhận thấy chẳng có gì hứa hẹn ở Houston nữa, bố cậu quyết định đưa cả nhà về California với triển vọng một đời sống tốt đẹp hơn trong ngành địa ốc.

Ổn định nơi ăn chốn ở xong, ông lại đi học nghề mới, lấy bằng hành nghề nhưng không thực thụ theo đuổi như dự tính ban đầu là trở thành một nhà đầu tư chứ không phải người môi giới địa ốc. Nhìn quanh cho một cơ hội khác, nhớ lại đã từng làm việc như một handyman tại công ty bán lẻ Broadway và ngân hàng Sanwa, từng mở tiệm sửa radio và ti vi ở Delaware, sửa xe gắn máy ở Việt Nam, ông biết mình có thể làm tốt công việc sửa chữa đa dạng cho những khách hàng cần giúp đỡ lặt vặt thuộc nhiều lãnh vực. Vậy là ông trau chuốt lại kiến thức sẵn có của mình và trở thành một handyman chuyên nghiệp, đăng báo mời khách.

Hơn mười năm cuối đời, vì bản thân bắt đầu ê ẩm, ông cắp sách tới trường, học lấy bằng xoa bóp trị liệu, massage therapist. Ông tự chữa nhức mỏi cho mình, cho vợ con, cho bằng hữu rồi rộng ra cho những người cần ông và ông nổi tiếng là mát tay.

Kết luận của những ai quen biết thân sơ: ông là một người tử tế, cầu tiến, cần kiệm, siêng năng, có tấm lòng, có tiêu chuẩn đạo đức và một triết lý sống riêng, tin vào phép dưỡng sinh để giữ gìn sức khỏe. Hiểu biết tinh tế sự vận hành của lẽ tử sinh, ông biết lúc nào phải ra đi và không để gia đình phải bỡ ngỡ về bất cứ vấn đề gì khi không còn ông để hỏi.

Cùng với tang quyến, xin gởi lòng kính ngưỡng chậm muộn của tôi theo ông tới cõi trời an lạc, là nơi ở tiếp theo của ông sau cuộc phù sinh ở kiếp đời này. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT