‘Parts Unknown’

Bùi Bích Hà

Là tựa đề một chương trình truyền hình phát trên băng tần của đài CNN khoảng trên dưới mười năm nay, thu hút một lượng khán giả đông đảo trong đó có tôi. Người phụ trách chương trình là đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain của Hoa Kỳ, vừa qua đời ở tuổi 61 và cái chết bất ngờ của ông được xem là do tự vẫn bằng cách treo cổ.

Ông từng quản trị một tiệm ăn thời thượng ở New York, Brasseries Les Halles, phục vụ thực khách với những món ăn hương vị Âu Châu làm ngay tại bàn ăn, trước khi ông quyết định lao vào công việc thực hiện cho đài CNN chuỗi chương trình Parts Unknown mà ông là vai chính, một loại ký sự tài liệu truyền hình cho phép ông du hành khắp mọi miền đất nước trên Địa Cầu, tìm hiểu các nền văn hóa thế giới qua lối sống và phong cách ẩm thực đa dạng của nhiều dân tộc.

Ông làm quen, chuyện trò, trao đổi, hòa mình dễ dàng với bất cứ nơi nào ông đặt chân tới, với bất cứ ai ông có duyên hạnh ngộ để nhân đó, qua đó, khám phá những cảnh đời, những ngõ ngách ẩn khuất bên trong làm nên thân phận con người.

Ông đi nhiều, thấy nhiều, sống nhiều, ăn nhiều, uống nhiều. Ông ăn thập cẩm bát âm: ăn chín, ăn sống, ăn xào, ăn nấu, ăn nướng. Món gì cũng nếm, món gì cũng thử. Không một món nào làm ông nhăn mặt hay ngần ngại.

Người ta đồn ông ăn cả trái tim một con rắn độc ở Ấn Độ hay Châu Phi. Ông ăn ngồi, ăn đứng, vừa đi vừa ăn. Ông dùng dao, nĩa, muỗng, đũa hay bốc tay tùy tập quán từng vùng.

Ông phục sức lèng xèng, sơ mi vải, quần jean, mùa Hè thêm cái kính râm, mùa Đông thêm cái áo khoác. Ông nói năng điềm đạm, có lúc vui nhộn cười lăn lóc giữa đám nhậu, có lúc trầm mặc đối diện người đồng hành cùng ăn uống, chuyện trò nghiêm chỉnh. Đôi mắt ông khi lấp lánh ánh sáng, khi thăm thẳm nỗi buồn. Ông có nét môi hiền hậu, vài khi phảng phất chút gượng gạo nhưng toàn bộ nhân dáng ông toát lên sự an nhiên, thư thái.

Trong đoạn phim đang trình chiếu trên màn ảnh nhỏ, tôi thấy ông đi phơ phất đâu đó ở một quãng đường chừng như ngắn song cũng chừng như dài miên man vì phía trước ông là khoảng trống và máy hình chạy sau lưng ông.

Anthony Bourdain chào đời ngày 25 Tháng Sáu, năm 1956, ở New York, mất ngày 8 Tháng Sáu, 2018,  trong một phòng khách sạn ở thành phố Strasbourg, cổ kính và đẹp nhất nước Pháp, giữa một dự án dở dang đang làm cho CNN.

Có thể nói ông sống là người lữ khách lấy đường xa muôn dặm làm nhà, chết cũng là người lữ khách chọn nằm xuống trên đường xa muôn dặm không biết đâu là mồ. Di thể ông được pháp y chứng tử, được để ở phòng lạnh, vừa chờ kết quả thử nghiệm độc tố, vừa chờ thân nhân trực hệ chính thức ngỏ lời xin đưa ông về an nghỉ tại Hoa Kỳ, chưa biết là ai ngoài người vợ thứ hai của ông, bà Ottavia Busia, vì chỉ mới sống ly thân với ông, chưa ly dị, nên vẫn đầy đủ tư cách pháp lý để lo chung sự cho ông. Họ có với nhau một con gái mới 11 tuổi, trong cuộc hôn nhân chỉ kéo dài đúng 9 năm (2007-2016) tính đến ngày họ chia tay trong sự tương kính và hòa nhã.

Lên tiếng về người chồng quá cố, bà Busia nói: “Anh ấy làm gì cũng hết mình. Anh gan dạ và độ lượng. Là tình yêu của tôi, là núi non cho tôi nương tựa một thời. Nỗi đau đớn trong tôi thật tận cùng.”

Bà cũng đưa lên mạng hình cô con gái nhỏ của họ trên sàn diễn âm nhạc, khuôn mặt nhìn nghiêng, tay cầm microphone, chân mang đôi bốt cao (là quà tặng của bố), được bà mô tả là “vững vàng và can đảm” trước sự mất mát to lớn vừa đến với cô trong tuổi còn thơ.

Được biết ngoài gia đình riêng đã hầu như đổ vỡ, ông còn bà thân mẫu tại thế và người vợ thứ nhất, bà Nancy Putkosky, mối tình đầu thời trung học, cuộc hôn nhân không con cái chấm dứt sau 20 năm hạnh phúc (1985-2005) không để lại phiền não hoặc tai tiếng nào.

Một cách tương đối, dù cuộc đời 61 năm trần gian của ông không thật hoàn hảo nhưng ông cũng đã sống qua những ngày tháng toại lòng, đẹp ý. Hai năm trước khi tự hủy mình, ông đã có mối tình thứ ba cũng hứa hẹn không kém.

Bạn bè thân thiết nói ông gặp và yêu phát điên nữ diễn viên điện ảnh người Ý là cô Asia Argento, bằng trái tim bốc lửa của một chàng trai mới lớn. Tuy ông tâm nguyện không bước vào hôn nhân lần nữa nhưng ông cho biết ông sẵn sàng rước nàng về dinh để có cuộc sống chung bên cô mà ông thật lòng ao ước.

Mọi việc tưởng như đang diễn tiến tốt đẹp dưới bầu trời quang đãng, bỗng dưng ông chọn ra đi. Đó là cách nhìn đầy kinh ngạc của người xung quanh ông, kể cả người ông yêu và yêu ông say đắm, giờ đây đang là đối tượng bị những người thương tiếc ông nghi ngờ, thống trách, coi cô là một phần (hay tất cả) nguyên nhân gây ra cái chết của ông.

Đúng là Asia có gánh nặng của cô khi chính cô đã phải vật lộn với bản thân nhiều năm trong một cuộc chiến gian khổ và nhọc nhằn để cuối cùng, quyết định lên tiếng hầu giải thoát mình ra khỏi móng vuốt ám ảnh của con quỷ dâm dục Harvey Weinsteins của phim trường Hollywood, từng hiếp đáp, từng xâm phạm nhân phẩm và thân thể cô. Vì Asia có những đứa con cần thức ăn mẹ mang về hàng ngày nên cô không thể bỏ cuộc. Cô biết cô phải hiên ngang đứng lên, trụ vững, vì những cái mỏ chim tội nghiệp ấy và Bourdain cho cô điểm tựa như Bourdain đã cho Busia điểm tựa. Và cô thoát. Tiếc thay, Bourdain đã không thể thoát. Ông đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh của riêng ông mà tư cách đàn ông không cho phép ông thở than hay kêu cứu nếu ông không tự cứu được mình.

Cuộc chiến tranh của ông là gì? Cái nơi cuộc chiến tranh ấy trở thành khốc liệt, cái giờ phút ông xuôi tay bỏ cuộc liệu có phải là một trong những Parts Unknown ông mơ hồ cảm nhận, không đâu xa mà trong chính cái vũ trụ nhỏ bé của thân tâm ông khi bắt đầu thực hiện loạt chương trình cho CNN không?

Ông không biết vì sao những câu chuyện tình đẹp như những mảnh tinh cầu của ông khởi đi với hai người phụ nữ ông từng gắn bó, yêu thương rồi cũng chẳng khác gì những ánh sao băng. Ông không biết vì sao trong căn bếp êm ấm nhà ông với cô con gái nhỏ mà ông hết mực yêu thương, chỉ cần một hôm ông bỏ hơi nhiều hạt tiêu hơn lệ thường vào món ăn cô vẫn thích thì cô nhăn mặt nhận biết ngay và nũng nịu từ chối: “Này, con không ăn đâu!” Cô sinh ra được 9 ngày, chưa biết đời là gì thì ông vội vã cưới mẹ cô để cho cô một gia đình. Ông viết trong cuốn sách dạy nấu ăn Appetites, xuất bản năm 2016: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, khuây khỏa. Giờ đây, từ trong máu huyết, trong bản năng, tôi có thêm một người để chăm sóc ngoài bản thân mình. Làm cha quả là một ân điển bao la!”

Bé Ariane đích thật là niềm vui của đời ông như ông từng chia sẻ. Vậy thì điều gì khiến ông phải cất bước đi giang hồ, một năm có 365 ngày, ông sống xa tổ ấm gần 300 ngày, để lại sau lưng ông người bạn trăm năm tâm đầu ý hợp và đứa con thơ ông rất hạnh phúc được làm cha? Điều gì có thật và điều gì tưởng như có thật? Hay tất cả chỉ là ảo tưởng nếu không là giả dối? Ông có một sự nghiệp đồ sộ, đáng nể. Ông có sách bán chạy nhất, những chương trình TV được khán giả hâm mộ nhất. Ông có cả một đế chế quyền lực trong lãnh vực du lịch, kể chuyện và ẩm thực. Nay ông lại đang có một tình yêu tràn trề hạnh phúc. Chẳng phải ông đã có quá nhiều so với mơ ước của nhân gian ư? Thế nhưng, thật ra, thứ ông cần nhất, vào giây phút ông cần nhất, là một bàn tay, một ánh mắt, một tiếng nói, một hơi ấm con người, để ngăn ông làm cái thử thách cao ngạo, đau thương và vô nghĩa nhất ở cái nơi ông đã tới, một mình, cheo leo, ngất ngưởng, để giành lại ông từ một định mệnh bí ẩn, cho mặt đất này, cho cuộc đời này, thì ông lại không có!

Quả thật, con người luôn bị bao vây bởi một vùng tối xa lạ, hung hãn, cuồng nộ, Phật Giáo gọi là vô minh, Công Giáo gọi là Quỷ ám, chực chờ úp chụp lên nó, nhận chìm nó trong cô đơn, bất lực, trong kêu cầu tuyệt vọng. Dù hành trình của Anthony Bourdain xa tới đâu, vẫn còn một nơi mà kinh nghiệm khi ông tới được không giúp gì cho ai cả và chính ông, tự nó cũng vô nghĩa, ít nhất trong mắt những người thân yêu chưa muốn từ giã ông.

Bây giờ thì mọi người hiểu vì sao thời gian chừng hai tháng trước khi ông quyết định rời khỏi cuộc vui lúc đang vui, trông ông già đi, hốc hác một cách kỳ lạ. Ôi, nếu đằng nào rồi cũng đến chỗ phụ phàng nhau, tôi thà làm kẻ phụ tình, uống chén đắng và đứng dậy để khỏi chịu đớn đau dài lâu.

Trước ông ba ngày, một phụ nữ thành đạt, nổi tiếng khác trên thương trường Hoa Kỳ, bà Kate Spade, cũng bất ngờ bỏ cuộc sau hơn năm năm chống trả với những dày vò nghiệt ngã của lo âu, của sợ hãi, thấy trước mọi thứ đều sẽ vuột khỏi tầm tay mình, kể cả cô con gái ngày nào bà hy sinh công việc, ở nhà bồng ẵm nuôi nấng cô, nay đã ở tuổi 15 và bắt đầu có thế giới riêng của nó; kể cả người chồng vừa là tri kỷ, bạn tâm giao, vừa là cộng tác viên đắc lực đồng hành với bà trong suốt 24 năm kề cận bên nhau, chia nhau mọi buồn vui, thành bại trên đường đời vốn không dễ dàng và nhiều bất trắc. Mười tháng sau cùng của cuộc hôn nhân đá vàng, gọi là để “nghỉ xả hơi, take a break,” ông dọn ra một nơi chỉ cách bà và con gái vài chục bước chân, không hề nghĩ rằng đoạn đường ngắn này hay chỗ trống ông để lại tạm thời trong ngôi nhà xưa nay vẫn có 3 người, có thể lấy đi khỏi trái tim khắc khoải âu lo của bà chút hy vọng mong manh về một dòng sông cứ khô cạn dần và rồi bà sẽ chết khát.

Người Mỹ có câu: “Man’s character is his fate,” tựa như câu ngạn ngữ của Việt Nam: “Người làm sao, của bào hao làm vậy.” Xét cho cùng, nhân loại hô hào đòi tự do nhưng tự do quan trọng nhất được định đoạt đời mình, rốt cuộc, thấy ra vẫn có lúc con người không thực sự có thẩm quyền ấy. Và, những nhân vật ngoại khổ như Hemingway, Van Gogh, Kawabata, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam… như Anthony Bourdain, như Kate Spade… đều muốn phản kháng bằng cách tự kết thúc đời mình trong tự do tuyệt đối.

Chúng ta, nhân loại tầm tầm, nên than khóc, tưởng tiếc họ hay nên thử tìm một thứ tự do khác, đau thương hơn nhưng can đảm hơn và vì một điều gì ngoài bản thân mình, để vinh danh bài học của họ, cách này hay cách khác, đã mở lòng, mở trí ít nhiều cho chúng ta? (Bùi Bích Hà)

Làm việc không lương ở Tòa Bạch Ốc, ái nữ TT Trump vẫn giàu thêm