Rác

Bùi Bích Hà

Bất cứ ở nơi nào tôi đã lưu ngụ một thời gian trên nước Mỹ, hình ảnh những người đi lục rác vào ban đêm đều trở nên quen thuộc với tôi, chưa kể thỉnh thoảng có dịp vào công viên, hình ảnh những người này vào buổi xế chiều cũng không xa lạ.

Họ thuộc mọi quốc tịch, đàn ông nhiều hơn đàn bà, thường từ tuổi quá trung niên trở lên khi cơ hội tìm việc không còn dễ dàng lắm. Họ thường đi xe đạp, luôn đội nón để tránh sương gió hay để không bị nhận diện.

Mới vài hôm trước, tôi thấy một cụ bà để cái túi nylon dưới chân, trong có chừng chục cái chai nước không bằng nhựa, vài lon soda đã uống cạn. Cụ đang cố bóp cái chai nhựa cho nó dẹt xuống để cái giỏ của cụ có chỗ chứa nhiều hơn nhưng sức yếu, cụ cứ phải vặn vẹo cái chai mãi mà nó không theo ý muốn.

Tôi biết có đề nghị cụ để nó xuống đất và giẫm lên thì cụ cũng không còn đủ sức để giữ cái chai không trượt đi dưới chân mình, làm cụ mất thăng bằng, có thể ngã ngồi xuống vỉa hè xi măng nên tôi dừng lại, hỏi cụ có muốn tôi giúp không? Cụ gật đầu nhưng ánh mắt ngại ngùng thấy rõ.

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các bạn trẻ ở đây uống xong chai nước hay lon soda, họ đều bóp dẹt cái vỏ không trước khi ném chúng vào thùng rác. Tôi cứ tưởng họ nghịch ngợm, muốn biểu dương sức mạnh cường tráng ở tuổi thanh niên. Có lẽ các bạn này đã từng chứng kiến như tôi, những người già đi nhặt rác tái chế cần chỗ chứa được nhiều lon, chai trong cái giỏ của họ, có khi là cả cái shopping cart cũ họ “sung công” đâu đó.

Ngày còn ở khu chung cư trên đường Garden Grove, tôi có kỷ niệm chưa quên với một cụ ông gầy gò mà tôi hẹn cụ tuần một lần, tôi để sẵn rác sạch ngoài patio cho cụ ghé qua lấy. Chỉ chừng hai tháng, một tối thứ năm thường lệ, qua hẹn mà rác vẫn ở nguyên chỗ cũ. Tôi nghĩ chắc cụ bị cảm. Tôi đem rác vào, tuần sau lại để ra một túi to hơn. Nó vẫn cứ ở chỗ của nó qua cả ngày hôm sau. Và cụ không bao giờ còn đến lấy rác nữa. Tôi tự nhủ lòng: có lẽ cụ dọn nhà đi xa hơn dù tôi biết chắc nếu có thế, cụ hẳn đã có một lời chào.

Tuy nhiên, phải nói đây là lần đầu tiên nhờ có Internet, tôi được nhìn tận mắt bãi rác xã hội chủ nghĩa ở huyện Nam Sơn, ngoại thành Hà Nội.

Trải mình trên một diện tích rộng hơn 83 hécta, hằng ngày bãi rác Nam Sơn nhận gần 500 chuyến xe chở khoảng 4,200 tấn rác từ khắp nơi trong nội thành đổ vào bãi. Mười lăm năm qua, song song với tình trạng ô nhiễm nặng nề, ruồi nhặng cân bằng ký lô, mà chính quyền không có giải pháp khu xử hợp lý, trong thực tế, nơi này cung cấp nguồn lợi nhuận mưu sinh đáng kể cho hàng ngàn hộ gia đình Việt Nam nghèo khó. Nghe nói có nhà nuôi được hai con học đại học.

Mỗi ngày, từ nửa đêm, đoàn quân bảy tám trăm người gồm nhiều lứa tuổi, phụ nữ đông hơn nam giới, xếp hàng dài gần cả cây số chuẩn bị vào bãi rác. Họ nai nịt bốt cao su, găng tay, áo ngoài, cào sắt, đèn thợ mỏ đeo trên vành nón lưỡi trai, có người đeo khẩu trang, những ai không đeo chắc lâu ngày đã bão hòa với mùi rác. Người có xe gắn máy, người xe đạp, người ở gần bãi đi bộ, phần đông kéo theo cái xe lôi làm bằng mấy thanh sắt mỏng hàn dính vào nhau. Một người đàn ông để cằm lên tay lái xe máy, nét mặt bình thản trong giấc ngủ trộm, không biết có người chụp hình mình phóng lên mạng, không biết cả quyền riêng tư như trong các xã hội văn minh để khiếu kiện.

Ba giờ sáng, bãi rác mở cửa cho phép dân vào. Đoàn người túa ra như ong vỡ tổ, dường như ai cũng muốn nhanh chân để có chỗ tốt cho buổi lao động đêm nay nhưng lạ thay, họ không xô đẩy, lấn át nhau, đưa tới cãi vã hay thậm chí, ẩu đả. Có lẽ trong cùng cảnh ngộ lầm than, họ áp dụng văn hóa biết điều như một cách bảo tồn chút năng lực còm cõi của họ để sống còn hơn là gây chiến tranh.

Tin tức báo chí trong nước cho biết nếu có, mọi hành vi hiếp đáp đến từ bọn giang hồ sống ngoài pháp luật, dùng bạo lực bắt họ nộp lệ phí trên những gì họ vất vả, cực nhọc lắm mới moi được từ bãi rác khổng lồ ra. Nhân viên công lực dẹp được bọn này nhưng không dẹp được chừng hai chục chủ lán cắm trại bên ngoài bãi rác, ngang nhiên ép giá hoặc thu phí vào cửa hàng tháng của đội quân khốn khổ này mà con số ước tính lên cả tỷ đồng một năm! Không ai dám nói ra, song quyền hành như thế chắc hẳn có quan to đỡ đầu.

Vẫn theo báo chí trong nước, mỗi người mỗi đêm thu nhặt được chừng 3 tạ rác chưa phân loại. Ra khỏi cổng, nếu họ bán xa cạ cho chủ lán, họ được trả 100,000 đồng, tương đương gần $5. Ai đem về nhà, tự tay lọc lựa, giặt giũ, chỉnh đốn lại, bán theo từng loại cho hàng đồng nát, thu nhập sẽ khá hơn chút đỉnh.

Thỉnh thoảng có người gặp may, nhặt được vàng, nữ trang, đá quý, tiền mặt lên tới cả chục triệu. Không nghe nói có ai bị sách nhiễu về khoản bổng lộc trời cho này tuy thực tế, ở bất cứ đâu, những của bỏ quên hay vô tình bị ném vào thùng rác là có thật và cũng thường xảy ra. Cho nên, đối với đạo binh moi rác, đây là tia hy vọng tưới mát tâm hồn họ trước mỗi buổi xuất quân đến bãi rác Nam Sơn. Không ai bảo ai, họ đều lưu ý đến những cái phong bao lì xì, thiệp chúc Xuân hay mừng đám cưới, sinh nhật, may ra sót lại tí tiền. Ngoài những may mắn nhỏ kể trên, nghe nói có người nhặt được hàng chục triệu, một bà nhặt được tới 11 lạng vàng gói ghém kỹ lưỡng.

Chuyện kể xung quanh bãi rác cho biết có những người đã bỏ nó để đi làm công nhân xây dựng hay xuất khẩu lao động nước ngoài nhưng chỉ ít lâu thì bò về và quay lại nơi này sau khi tính kỹ thiệt hơn. Nếu mỗi cảnh đời đều hàm chứa một bài học, tôi thấy những gì xảy ra hằng đêm ở bãi rác Nam Sơn đều gợi cho tôi những suy nghiệm quý báu.

Chân lý muôn đời vẫn là khi con người không thay đổi được hoàn cảnh, cách thích nghi hòa bình nhất là chấp nhận nó với một nụ cười. Hình ảnh cho thấy những đôi vợ chồng trẻ, nghèo, cùng sát cánh bới rác bên nhau trong đêm khuya, đỡ đần nhau, họ đèo nhau trên xe gắn máy lượt đến và lượt về, kéo theo cái xe lôi chất đầy những bao tải “chiến lợi phẩm,” cả rau thừa, vỏ khoai, vỏ trái cây, cùi mít, để nuôi lũ gia cầm. Người vợ ngồi im lặng ở cái yên sau, đôi mắt sáng thấp thoáng nét tươi tắn; người chồng hiền hậu, lễ phép trả lời phỏng vấn báo chí.

Một đôi vợ chồng trung niên khác, ra khỏi khu rác thải, anh cười lớn phô hết hai hàm răng to và khỏe, chị đôi mắt lúng liếng hạnh phúc dưới vành mũ và bên trên cái mép khẩu trang bằng vải hoa, cái xe lôi sau lưng họ nghễu nghện mấy cái bao “rác tuyển” cũng căng phồng niềm vui như lòng họ lúc này. Đàn ông đi riêng lẻ một mình nhưng đàn bà đi thành đám, có khi hai mẹ con. Cảnh khó nghèo đã khiến phụ nữ muốn nương tựa vào nhau và sẵn sàng chia sẻ, có lẽ để bớt chông chênh và thêm sức mạnh, rất khác với bản năng bình thường họ hay xét nét và moi móc người cùng phái tính.

Cơ cực là thế nhưng hầu như ai ai cũng mang ơn bãi rác. Từ con gà mới chết hứa hẹn nồi cháo nóng pha chế đậm đà với nhiều tiêu và rau răm đến con chó berger của một nhà giàu nào đó, nặng tới 50 ký lô nhặt được trong bãi, đủ làm tới mấy bữa nhậu cho cả đám bạn bới rác, họ cùng vui cuộc sống trước mắt, đợi mỗi chiều qua đêm tới, cầm trong tay những tờ giấy bạc ít khi kịp ấm hơi người miễn gia đình hàng ngày có bữa cơm thanh đạm. Vậy nhưng không ai bị trầm cảm vì lo âu cho một tương lai họ không có khả năng nghĩ tới hay khổ đau vì ám ảnh bởi số phận không bằng ai của họ! (Bùi Bích Hà)