Friday, March 29, 2024

Sài Gòn – Hà Nội – biên giới Mexico

Bùi Bích Hà

Cả tuần lễ này, cư dân mạng xôn xao bàn hươu tán vượn, mỗi người một cách nhìn, một văn phong, một xu hướng xung quanh những tấm hình chụp các “chàng tuổi trẻ người Việt vốn dòng hào kiệt” được loan tải rộng rãi trên các trang báo khổ lớn.

Chuyện xảy ra ở Hà Nội, vào mùa Hè năm nay, một nữ doanh gia đã tuyển dụng thợ cắt tóc có khuôn mặt đẹp cỡ Alain Delon của Pháp, Brad Pitt của Mỹ, có thân thể nhờ tập luyện thể dục nên rất “good shape,” ngực nở, bụng phẳng lỳ cuồn cuộn đủ sáu múi, có thêm làn da trắng mịn màng như da con gái, mái tóc o bế đẹp như tài tử Nam Hàn, làm tại tiệm Eva Salon của bà tọa lạc giữa phố phường Hà Nội.

Các cậu mặc đồng phục quần tây ống bó màu đen, giầy đen, thắt cà vạt đen nhưng không mặc áo, trên ngực trái đóng dấu tên tiệm nơi các cậu phục vụ: EVA Salon. Khách hàng của tiệm phải xếp hàng dài rồng rắn chờ tới lượt mình, phần đông là thiếu nữ trẻ.

Những tấm hình chụp cho thấy các cô nằm ngả lưng trên ghế để được các cậu gội đầu, có cô lim dim mắt, yên lặng tận hưởng cảm giác êm ái của những ngón tay điệu nghệ lùa qua tóc, gãi nhẹ lên da đầu; có cô mắt mở to, mặt ngước lên nhìn chàng hoàng tử đang khéo léo phục vụ, nghe hoặc trao đổi một điều gì giữa đôi bên, cô tươi tắn, chừng như cười nhưng anh thợ thì không.

Chẳng biết vẻ lạnh tanh của cậu là do khách hàng không hấp dẫn, do kỷ luật của Eva Salon để bảo vệ tính cách chuyên nghiệp, tránh sự phiền nhiễu hay do mặc cảm của việc phơi bày thân thể như một cách kiếm tiền tiểu xảo làm cậu cấn cái?

Dư luận khen chê và những lời giễu cợt của cư dân mạng khá ồn ào. Có người mỉa mai: “Chỉ ở Việt Nam mới có chuyện như thế này thôi!” “Lạ thật, cái quái quỷ gì Việt Nam cũng nghĩ ra!” “Chao ôi, sự thể tới nước này chắc phải nhờ đến các bạn A, B, C… làm một chuyến về chơi Việt Nam cho biết rõ ngô khoai thôi! Hi..hi..” Cô A. trả lời: “Giỡn chơi sao ta, xúi tui đi Ziệc Nam để ổng bỏ tui hả!”… Nói tóm, là sự đùa bỡn ít nhiều quá đà, bỉ thử.

Rất khác với hầu như cả một thế hệ các cô công chúa thời đại ngày nay ở Việt Nam hãnh diện mặc bikini đi khắp nơi, theo đuổi thời trang dùng rất ít vải hoặc thời trang trong veo phô diễn lồ lộ vẻ đẹp trời cho: ngực cao, eo thon, chân dài, các hoàng tử thời đại vai năm tấc rộng, lưng mười thước cao, có nghề nghiệp chuyên môn, có sức khỏe cường tráng song cũng không có chiêu thức mưu sinh nào sáng giá hơn đám nhi nữ thường tình, phận má hồng la đà ngọn cỏ kia nên trong thâm tâm hẳn có chút gì tủi hổ.

Ngoại trừ giai cấp đại gia và quần thần sống bằng ơn mưa móc của họ, người dân trong nước xem ra không ai còn tí vốn liếng nào để đầu tư vào bất cứ công việc gì cho họ có thu nhập. Rồi đây tổng sản lượng quốc gia của nước “cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chắc phải kể luôn cả những sản phẩm Trời cho kể trên.

Bốn thợ cắt tóc nam được báo chí và Internet đăng hình trong bản tin “Chuyện Lạ Hà Nội” đứng ngay như phỗng, mặt mũi ngây ngô, buồn xo. Các em làm tôi nhớ lại chuyến đi Huế tảo mộ phụ thân năm 2001, thanh niên trạc tuổi các em ngày ấy và ở chốn ấy lam lũ hơn các em bây giờ. Họ không có quần áo tươm tất nhưng không đến nỗi phải ở trần đi làm. Họ vác những bao lylon to tướng bánh tráng nướng đi bán rong ngoài đường. Họ ngồi ở hè chợ đánh vẩy mấy con cá lóc giùm các bà nội trợ và được trả công bằng tờ giấy bạc 25 xu bé bằng ba ngón tay đã rách mủn ra. Họ lẽo đẽo đẩy cái xích lô đi theo du khách năn nỉ đi cho họ một cuốc xe vì từ sáng các em chưa có chút gì trong bụng…

Ông Hồ Chí Minh thường ca tụng “Con người là vốn quý.” Thế nhưng chính sách của đảng không cùng quan điểm với ông nên đất nước hậu chiến tranh lẽ ra rất cần cái vốn quý ấy để xây dựng và phát triển thì đảng của ông lại tối mắt, tối mũi xúm nhau tranh ăn, chia chác quyền lợi vừa cướp được, không có kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực vô song trên cả nước mà lãng phí, đưa tới phá sản toàn diện. Ông kêu gọi “Vì lợi ích trăm năm trồng người” nhưng bốn thập niên sau chiến tranh, đảng của ông chỉ ra sức trồng những hình nhân không có óc, không có tim, không có lý tưởng.

Thế kỷ 21, kỹ nghệ tin học bùng nổ, như cơn bão quét qua địa cầu, làm thay đổi bầu không khí tối tăm, tù hãm, độc hại bao trùm quê hương kể từ biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Đó đây trên các sân trường đại học mà Internet đã xô ngã các rào cản, đã thấy các em sinh viên nam nữ hướng về một chân trời mới.

Giáo dục không còn khép kín kiểu hồng hơn chuyên mà mở ra vô số cánh cửa mời gọi tuổi trẻ có tri thức làm những lựa chọn từ riêng đến chung. Dấu hiệu tốt bắt đầu bằng sự quan tâm đến bản thân, đến người bên cạnh và rộng ra, đến mọi người. Suy nghĩ. Đặt câu hỏi. Có khả năng nhận định và phán đoán. Biết mình cần gì, muốn gì và con đường đi tới đó. Sống như một người tử tế, có căn tính và phẩm giá.

Tin tức báo chí cũng cho biết bên cạnh Eva Salon ở Hà Nội, Sài Gòn có nhóm thanh niên trẻ rủ nhau thành lập tổ cắt tóc miễn phí trên khoảnh đất hoang thuộc phường Tân Hưng, quận 7. Mỗi ngày, từ 3 giờ chiều tới 7 giờ tối, các em có mặt tại địa điểm với dụng cụ cần thiết và sẵn sàng phục vụ đồng bào mọi lứa tuổi, cụ già, thanh thiếu niên, trẻ em. Các thiện nguyện viên không kém khôi ngô, mặt mũi sáng trưng như buổi bình minh mới rạng, cho biết giá tiền cắt tóc bình thường ở tiệm là 50,000 đồng (khoảng $2.2). Người lao động nghèo tiết kiệm khoản tiền này là đủ cho một bữa ăn tươm tất của cả gia đình họ.

Như người Mỹ thường nói: “Too good to be true,” giữa một xã hội không ai quan tâm đến ai, việc làm vô vụ lợi của nhóm trẻ này không vội được tán thưởng ngay. Dư luận ngờ vực, phê bình, khích bác, đủ cả nhưng các cậu bảo nhau bỏ qua, kiên nhẫn tiến bước. Một thành viên của nhóm chia sẻ: “Vừa giúp đỡ người nghèo, vừa có thêm kinh nghiệm vào đời bổ ích. Trời nóng nực, nhìn các chú, các bác được hớt tóc xong, ai cũng thoải mái là thấy vui rồi!”

Nhân vật chủ trương sinh hoạt bác ái này cho biết: “Hằng ngày khách tới rất đông, chừng 40, 50 vị. Chúng tôi đang lo không đủ nhân lực phục vụ. Tôi nói với các bạn trong nhóm rằng chúng ta còn trẻ lắm, không nên vì đồng tiền sớm quá. Hãy nhìn những nụ cười hài lòng của người dân và nghĩ tới niềm vui của họ. Cứ cho đi rồi chúng ta sẽ được nhận lại.”

Một khi những hạt giống tốt bắt đầu nẩy mầm trên mặt đất hoang hóa của chủ nghĩa Cộng Sản, chúng ta có quyền hy vọng lúa sẽ tràn đồng và màu xanh của tình yêu sẽ thay thế màu đỏ của thù hận.

Cũng liên quan đến chủ thuyết trồng người nhân bản mà Cộng Sản chỉ nói như vẹt chứ không thật tâm muốn làm, báo chí loan tin cuộc hành trình vượt biên giới mỗi ngày để đi học của khoảng 800 trẻ em tuy là công dân Mỹ nhưng có cha mẹ người Mễ Tây Cơ từng cư trú bất hợp pháp tại Mỹ và bị trục xuất về nước, nay các em cùng cha mẹ sống ở thị trấn Palomas/Mexico.

Mỗi buổi sáng đúng 8 giờ, các cô cậu nhi đồng xếp hàng dài ở cửa biên giới, đeo túi lưng, ngoài sách vở, khẩu phần bữa ăn trưa, trong túi lưng còn có thông hành để các em được quan thuế biên phòng làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ, tới lớp học trên những chuyến buýt đưa đón. Công việc này lập đi lập lại hằng ngày bởi vì nước Mỹ cho phép các tiểu công dân của họ, dù sinh sống ở đâu, đều được cho nhập học chương trình song ngữ miễn phí tại các trường công lập Hoa Kỳ tiểu bang New Mexico.

Những cha mẹ di dân cầu thực đã trải nghiệm giá trị cuộc sống nơi họ tìm tới, dù là miếng ăn cũng có thêm giá trị nhân sinh công bằng và cao quý, không là miếng nhục phải xin xỏ hay cầu cạnh cho nên họ thấm ngấm ý nghĩa cũng như thành quả của một nền giáo dục lấy trách nhiệm đào tạo con người với đầy đủ phẩm cách làm mục tiêu, không nặn âm binh cho tà quyền bá đạo, không bỏ mặc con cái họ nổi trôi, sống chết cuốn theo sự rủi may của chúng.

Những cha mẹ ấy chấp nhận theo đuổi con đường của sự tử tế cho con cái họ bước vào tương lai, đặt niềm tin vào một nền giáo dục vị nhân sinh, tôn trọng nguồn cội, cổ võ mọi phát kiến cá nhân, giành cho mọi người quyền lựa chọn và quyền được sống đời mình theo lựa chọn ấy.

Ôi, một đất nước có truyền thống hiếu học với hết thế hệ phụ huynh này tiếp thế hệ phụ huynh khác, bằng mọi cố gắng hết sức mình, đã không ngớt gởi con cái đến trường qua những con đường đất sình lầy hay đầy bụi tùy mùa, qua những chiếc cầu khỉ bắc tạm bợ trên sông, thậm chí nơi không có cả chiếc cầu khỉ thì gói con trong bao ni lông đẩy con qua dòng nước vô tình.

Công khó ấy đổi được gì dưới các mái trường xã hội chủ nghĩa không bao giờ dạy cho các em câu hỏi về chính thân phận mình mà chỉ dạy sự vâng lời những giáo điều bịa đặt vô tích sự. Cả đất nước, có bao nhiêu cô giáo Trần Thị Lam trong tình thế hầu như tất cả các kỹ sư tâm hồn còn phải vất vả chạy ăn cho mấy cái bao tử?

Đất nước Việt Nam thân yêu và lẫm liệt quá khứ tiền nhân ấy, bây giờ ra sao rồi? Eva Salon/Hà Nội, khu đất trống phường Tân Hưng, quận 7/Sài Gòn hay biên giới Mỹ/Mexico?

Bắc Hàn muốn tử hình cựu tổng thống Nam Hàn

MỚI CẬP NHẬT