Tiếng hát qua đời

Bùi Bích Hà

Thuộc thế hệ đàn em, năm sinh cách nhau trước sau cả thập niên, tôi thực sự không có hân hạnh quen biết ông mặc dầu tôi chào đời và lớn lên ở thành phố vốn là quê hương của ông.

Dòng dõi hoàng tộc, song dường như ông không sống ở Huế nhiều. Được biết cụ thân sinh ra ông có đồn điền cà phê nổi tiếng ở Ban Mê Thuột và có lẽ vì lý do này, ông đã theo học tại Đà Lạt rồi Sài Gòn thay vì ở Huế.

Là một bác sĩ y khoa, có giọng hát truyền cảm, tiếng hát Tôn Thất Niệm bay cao, bay xa, nồng ấm mà dịu dàng, tha thiết mà chừng mực, sâu lắng mà mạnh mẽ, khua thức tình yêu và nhớ nhung trong lòng người ở lại hay đã bỏ Huế ra đi, là niềm tự hào của cố đô những sáng sương mờ trên cầu Giả Viên, những đêm trăng huy hoàng trên kỳ đài Ngọ Môn ngó qua Thương Bạc, khóc cười bao phen cùng lịch sử.

Những người như tôi ít khi được nghe, càng chưa bao giờ được thấy ông hát. Chúng tôi chỉ nghe và thấy ông hát trong lời khen ngợi không dè xẻn của những người từng có may mắn này, nhiều nhất thời ông sống và làm việc tại Đà Lạt. Tiếng hát trải qua một thanh xuân ngắn ngủi đã trở thành huyền thoại. Với “Chiều Vàng.” Với “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay.” Với “Đường Về Miền Bắc.” Với “Tiếng Chuông Chiều Thu.” Với “Ngàn Thu Áo Tím.” Với “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa”…

Tôi thực sự được diện kiến ông lần đầu khi đưa người bạn gái thân thiết của tôi tới phòng mạch của ông trên đường Bolsa, theo cái hẹn khẩn cấp ông cho ngay khi nhận điện thoại kêu cứu của bạn tôi vì một cơn nhức đầu khủng khiếp. Cuối thập niên 1980, một cái hẹn bình thường ở phòng mạch ông phải chờ đợi không dưới ba tháng.

Tôi không bao giờ quên cuộc chẩn bệnh của ông trong buổi chiều nắng xế buồn bã ấy. Bạn tôi đang giữa chuyến đi thăm thân nhân và bạn bè ở quận Cam, đang giữa một canh mạt chược vui và hiếm hoi với chị từ ngày di tản và định cư tại tiểu bang Alabama không có mấy đồng hương. Chị thình lình bị một cơn nhức đầu rất lạ, làm chị trào nước mắt, thân thể cong lại vì đau đớn và vì cả bất ngờ.

Nghề nghiệp chuyên môn của một bác sĩ chuyên khoa thần kinh, qua xét nghiệm lâm sàng, có lẽ đã cho ông có ngay câu trả lời bạn tôi cần nhưng chắc sẽ không muốn nghe nên ông căn dặn tôi những việc phải làm rồi chào từ giã.

Lần đầu tiên tôi được nghe tiếng ông nói, không hát, giọng nhẹ mà vang khẽ, rõ từng chữ. Cũng lần đầu tiên tôi trực diện ông, khuôn mặt chữ điền toát ra vẻ an nhiên, tĩnh lặng, đôi mắt phảng phất nét nhìn xa vắng, của người thầy thuốc nghiêm chỉnh, dày dạn kinh nghiệm và quá quen với những giới hạn nghiệt ngã của kiếp người. Hôm ấy, tôi nghĩ ông có cùng tâm cảm với bệnh nhân, bạn tôi, về bản án số phận dành cho chị.

Ít lâu sau, tôi có dịp góp tay đôi chút vào phần biên tập đặc san của Hội Đồng Hoàng Tộc Nguyễn Phước Hải Ngoại mà Bác Sĩ Tôn Thất Niệm là chủ tịch, hằng năm được tham dự lễ hiệp kỵ các đấng tiên vương triều Nguyễn, được thấy ông lên sân khấu khiêm nhượng đáp lời thỉnh cầu của thân hữu và bà con nội ngoại muốn nghe ông hát như một phần không thể thiếu trong chương trình.

Có lẽ ông không là một người vui chơi giữa cuộc đời, “con chim ngứa cổ hót chơi” theo cách diễn tả của ca sĩ Luật Sư Duy Trác nên ông thận trọng với hào quang mình để lại. Ông chỉ hát ít đoản khúc ngắn ngoại trừ một lần khi ông bắt đầu và được vài người trong thính chúng ngẫu hứng phụ họa với ông hát “One Day,” sân khấu bừng lên ngọn lửa thanh xuân với hoa anh đào hồng và hoa táo trắng nở tung dưới trời xuân mới, khi không gian rộn ràng những lời tỏ tình say đắm ở tuổi đôi mươi...

Vài năm gần đây, ở tuổi gần 90, ông không được khỏe. Ông thực sự nghỉ hưu và săn sóc mình.

Lần sau cùng tôi gặp Bác Sĩ Tôn Thất Niệm là vào dịp nhà văn Nguyễn Tường (Ngọc) Cường, hậu duệ trẻ nhất của gia tộc Nguyễn Tường, từ Ohio về Quận Cam ra mắt tập truyện thứ hai của anh. Trong căn nhà gỗ rộng và thoáng của một khu nhà di động trên đường First, thành phố Santa Ana, trang trí ấm cúng và nghệ thuật với nhiều sản phẩm thủ công đẹp mắt, ông được mọi người có mặt nhiệt liệt bày tỏ ý muốn được nghe ông hát.

Ông ngập ngừng giây lát rồi nhận lời. Hôm ấy, hình như ca sĩ Lãng Minh đệm đàn cho ông trong ca khúc Đường về Miền Bắc, từng góp phần làm nên tên tuổi ông và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng các khán giả nghe ông.

Ông ngồi trên ghế, dưới ánh sáng của ngọn đèn vàng thân thiện và cất giọng. Thay vì chép lên giấy hoa tiên và đọc như vẹt vì âm thanh và vần điệu du dương, chưa bao giờ bằng lúc này, tôi tê tái cảm nhận được hết những gói ghém của một Xuân Diệu thời tiền chiến trong bài thơ “Chiều,” sau được Phạm Duy phổ nhạc thành “Mộ Khúc,” một thời là kinh nhật tụng của bọn nữ sinh Đồng Khánh chúng tôi.

Cả khán thính phòng gia đình ai ngồi yên đấy, trong lặng lẽ, cùng ông nén hơi trong lồng ngực để lấy giọng. Trong không gian tuyệt đối thinh lặng, tôi nghe mơ hồ tiếng sóng biển âm âm chuyển động, rất xa, rất xa, rồi vào gần, vào gần. Và tiếng hát ông bật ra, cất lên.

Tiếng hát không còn cái khí thế áp đảo của người nghệ sĩ tuổi thanh niên tràn trề năng lực, bay lượn trên các cung bậc tài hoa. Tiếng hát ông bây giờ là lời thì thầm với chính mình của quá khứ, là sự thận trọng của người ngồi trên cỗ xe chở cả một di sản quý báu và tự biết mình phải gìn giữ, là đốm lửa ấm trong lò sưởi gia đình những ngày cuối Đông tàn rơi.

Dẫu sao, vẫn là tình tự ấy, nhung gấm ấy, trong thanh âm vẫn nguyên trau chuốt từng chữ, từng câu. Vẫn phong cách ấy, nề nếp ấy, của đất thần kinh cổ kính mà đa tình, sôi động mà tinh tế, ngọt ngào mà chừng mực.

Ông chọn hát “Đường Về Miền Bắc” để mở ra và khép lại miền của mơ ước riêng, của cả mơ ước ông cưu mang trong mình của một thời khoảng lịch sử nhiều oan khuất của nhiều thế hệ hoàng tộc vùi chôn dưới chân hoàng thành đổ nát nay chỉ còn là cổ tích dưới trăng sao. Thế hệ tuổi 90 như ông là kỳ vọng của ông, bà, cha, mẹ, làng xóm, của cả miền Trung khô héo đất cày lên sỏi đá, thấy họ phải hy sinh sở nguyện để thực hiện những khát vọng không thành của ngần ấy kêu đòi trong huyết quản.

Trong đời thường, ông đã thành đạt qua nhiều vai trò và trọng trách ông phải đảm đương nhưng có lẽ khi ra đi, ông muốn được ghi nhớ như một tiếng hát vừa qua đời; như lời trong ca khúc “Đâu Phải Bởi Mùa Thu” của Phú Quang: “Tiếng hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng. Thôi đừng hát ru, thôi đừng ray rứt, lá rớt rơi nhiều đâu phải bởi mùa Thu…”

Bạn bè đến viếng ông. Thân thuộc vây quanh ông. Ông nằm ngủ giữa hoa tươi và đèn nến lung linh, tấm lụa quy y vàng phủ kín buồng ngực đã trả lại đời ngụm không khí cuối cùng. Không có sự tình cờ nào trong kịch bản viên mãn của đời ông qua nhiều cống hiến cho nhân quần xã hội với những bước đi phải đạo và đáng kính. Cầu chúc ông mãi mãi bình yên ở một cõi trời nào khác, ở đó, ông có hoàn toàn tự do hát cùng mây cùng gió, trên những tầng cao không còn hệ lụy. (Bùi Bích Hà)