Thursday, April 25, 2024

Trở về

Bùi Bích Hà

Mấy tuần rồi, cuộc trở về của 81 cựu chiến binh quân chủng Nhảy Dù VNCH trong áo quan phủ cờ tại khuôn viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ để sau đó, yên nghỉ tại nghĩa trang Thuyền Nhân, thuộc Peek Funeral Home trên đường Bolsa, thành phố Westminster, quận Cam, California, cứ ở mãi trong tâm trí tôi với nguyên nỗi xúc động ban đầu khi nghe được tin này.

Tám mươi mốt tử sĩ Mũ Đỏ trong một sứ mệnh chung, một định mệnh chung và một mộ phần chung, sinh thời, thuộc Đại Đội 72, Tiểu Đoàn 7, đã bỏ mình trong chuyến bay không vận cất cánh từ Pleiku trên đường đi giải cứu một đơn vị quân đồng minh đang bị vây khốn ở Tuy Hòa thì bị lâm nạn, rơi tại một vùng núi non hiểm trở ở miền Trung, cách điểm đến chừng non 40 cây số. Cùng với bốn quân nhân Mỹ phi hành đoàn, họ về đất ngày 11 Tháng Mười Hai, 1965, thời điểm cận kề lễ Giáng Sinh, của ơn phước và đoàn tụ, hằng năm đến với nhân loại một phần địa cầu trong ánh sáng mầu nhiệm của tình yêu.

Vì địa điểm nơi xảy ra biến cố vừa hiểm nghèo vừa thiếu an ninh, không có cách nào vào được nên thiên nhiên và rừng núi tịch mịch đã tạm thời buông xuống hiện trường tấm vải liệm, để yên mọi người, mọi thứ như thế. Mãi gần mười năm sau, 1974, những người dân làng nghèo khó trong vùng đi sâu vào rừng kiếm củi mới phát giác xương người và xác máy bay.

Tin tức cụ thể đưa về tới các cơ quan thẩm quyền, tất cả di cốt người lâm nạn được Mỹ thu hồi và chuyển sang Thái Lan. Tại đây, bốn quân nhân Hoa Kỳ nhờ có danh tính rõ ràng trên chuyến bay nên qua thử nghiệm DNA, đã được tách ra đưa về Hoa Kỳ an táng tại nghĩa trang Arlington. Tám mươi mốt tử sĩ Việt Nam còn lại không có tên trong danh sách bay, hình hài cùng vật dụng cá nhân của họ trộn lẫn vào nhau nên không có cách nào minh định được từng người ngoại trừ khả năng duy nhất là đưa tất cả vào một quan tài chung, chờ giải pháp sau.

Thời gian trôi qua, vùi chôn vào quên lãng mọi tai ương chiến tranh đã tro than nguội lạnh. Phải cảm ơn nước Mỹ qua chính sách MIA tận trung với binh lính của họ, đã không từ chối trách nhiệm đạo đức với binh lính đồng minh chết vì quân vụ trong cuộc chiến Việt Nam nên năm 1986, chậm song không quên, 81 hài cốt này được chuyển tới phòng thí nghiệm POW/MIA của quân đội Hoa Kỳ ở Hawaii để tìm một kết luận.

Tới đây, vẫn chưa hết chặng đường dài phiêu bạt sẽ còn kéo dài tới 33 năm. Tám mươi mốt anh hùng vô danh của binh chủng Dù Quân Lực VNCH được bảo quản và lưu trữ không khác gì những kỷ vật lặng thầm của cuộc chiến Việt Nam, không ai biết phải xử trí thế nào? Phải đợi đến lúc Hoa Kỳ có một vị tổng tư lệnh quân đội thực sự có tinh thần yêu nước nên có đủ quan tâm và lòng biết ơn sự hy sinh cao cả của các cựu chiến binh, đưa việc Tổ Quốc Ghi Ơn lên hàng chính sách thì chuyện chiếc áo quan với 81 chiến binh VNCH chưa được giải quyết trọn vẹn mới có cơ hội nằm trên bàn giấy Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.

Do các mối liên hệ khá thông thuộc trong và sau cuộc chiến Việt Nam, từng hai lần tham gia cuộc chiến tại xứ sở này, cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb được mời nhận giữ vai trò giám hộ pháp lý để đứng ra nhận 81 hài cốt tử sĩ từ cơ quan Tìm Kiếm Quân Nhân Mất Tích tại Hawaii. Có lẽ cảm nhận trọng trách không đơn giản nên ông Jim Webb đã mời thêm người bạn thân của ông là đại tá hồi hưu Gene Castagnetti, từng cùng ông tham gia cuộc chiến Việt Nam trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Tháng Sáu, 2019, hai ông thành lập hội bất vụ lợi Lost Soldiers Foundation để có tư cách pháp nhân đứng ra đảm đương việc này. Hai người nữa cùng tham gia với họ là ông Frederick W. Smith – CEO của công ty Federal Express, và Luật Sư Jeff McFadden.

Cựu Đại Tá Gene Castagnetti, năm nay 75 tuổi, hiện là giám đốc Nghĩa Trang Quốc Gia Thái Bình Dương (The National Memorial Cemetery of the Pacific) nổi tiếng với tư cách phục vụ khiêm nhượng và đầy lòng tôn kính đối với các cựu binh không phân biệt cấp bậc, binh chủng. Mỗi khi cử hành nghi lễ vĩnh biệt các chiến sĩ hy sinh đền nợ nước, đưa họ về nơi an nghỉ ngàn thu, ông luôn làm hết sức mình để đặc biệt dành cho họ một lễ tiễn đưa đầy phẩm cách, để gia đình họ trong thời gian thương khó, nhận được tất cả niềm an ủi và vinh dự xứng đáng với người thân ra đi… Hiện nay vì cao tuổi, ông đang có người phụ tá nhưng chưa có ai được xem là sau này có thể thay thế ông.

Trong hành trình hơn nửa thế kỷ về nơi an nghỉ cuối cùng, 81 tử sĩ đã phải chịu cảnh lưu lạc quá đỗi thương tâm. Nghe nói cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb đã hai lần nói chuyện với nhà nước Việt Nam, kể cả một lần gặp Thủ Tướng Cộng Sản Nguyễn Xuân Phúc ngày 3 Tháng Hai, 2017, về trường hợp tiếp nhận di cốt 81 cựu chiến binh này để họ được về với lòng đất mẹ nhưng đề nghị rất hữu lý ấy hai lần bị Hà Nội từ chối. Lý do Hà Nội đưa ra man rợ và xuẩn động ngoài tưởng tượng của một người bình thường: “Thứ nhất, vì họ không phải là chiến sĩ của Hà Nội; thứ hai, vì họ không phải là công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Như vậy, xét về mặt pháp lý, Hà Nội không nhận họ về là đúng.”

Cái đúng này, tiếc thay, chỉ đúng với cái chày, cái cối của một Hà Nội đỏ lừ chủ nghĩa Tam Vô, hơn 40 năm qua là hang ổ của bọn cướp ngày, trắng trợn và bỉ ổi đến không còn lương tri và nhân tính. Tám mươi mốt tử sĩ cầm súng trong cuộc chiến chống lệ thuộc ngoại xâm để bảo vệ một dải giang sơn gấm vóc Việt Nam do tiền nhân để lại với lời dặn dò kiên quyết: “Một tấc đất tổ tiên đã tạo dựng cũng không được để lọt vào tay kẻ khác” (Vua Trần Nhân Tông). Gương hy sinh của họ sẽ được ghi vào sử sách. Đất nước là của chung muôn họ, luật lệ nào đòi hỏi phải là lính của Hà Nội mới được chôn trong lòng đất mẹ? Tám mươi mốt cựu chiến binh ấy đời đời là công dân của nước Việt Nam, sinh ra, sống và chết cho Việt Nam, không cho một thể chế tạm bợ đến rồi đi.

Nhưng thôi, nói cho hết lẽ, kẻ viết bài này tin rằng anh linh 81 tử sĩ kia đã lựa chọn về với cộng đồng di tản, người chết người sống chia cùng nhau tình cảnh lưu vong để nhắc nhau chúng ta còn một tổ quốc để quay về trong danh dự. Dù chỉ còn là những bộ cốt khô không toàn vẹn, các anh vẫn từ chối bị đối xử bất xứng bởi một chế độ bất xứng, nhỏ nhen, hèn hạ, rất sợ bị ống kính truyền thông thời đại bêu riếu nhưng lại không có cốt cách để hành xử phải đạo theo văn hóa “nghĩa tử là nghĩa tận” bao đời của cha ông.

Các anh về giữa trái tim của cộng đồng hải ngoại không vì những bài diễn văn hoa mỹ, những vòng hoa long trọng, cả lễ nghi quân cách của một đất nước và quân đội gương mẫu trên thế giới, dù rất huy hoàng, rực rỡ, rồi tất cả cũng sẽ qua đi, lặng chìm “tan theo ngày nắng vội” và theo đêm sẽ tàn. Các anh về chói lòa như một bình minh mới ở quê người, thắp lên ngọn đuốc của trí tuệ, thương yêu và hy vọng. Các anh về như vết thương chưa thôi rỉ máu để nhắc nhở câu hỏi đau lòng: Vì sao tất cả chúng ta có mặt ở nơi này với sứ mệnh chưa hoàn thành mà nhiệt tình nghe chừng mòn mỏi, mà mục tiêu nghe chừng ngày càng xa vời?

Để bảo toàn nhân lực và năng lượng cho cuộc tranh đấu vì lý tưởng quốc gia, vì những giá trị nhân bản cao quý hàm chứa trong lý tưởng ấy, hãy bắt đầu từ căn bản đó và nhìn cho thật rõ chính mình, nhìn cho thật rõ bạn bè, những người mình thương hay mình ghét nhưng không phải là kẻ thù. Cộng Sản độc tài chủ trương bắt lầm hơn tha lầm, triệt tiêu đối kháng vì chúng “cai quản” hơn 90 triệu dân, tâm địa coi thường sinh mạng đồng bào. Chúng ta rất khác Cộng Sản. Chúng ta tới đây vì ở nơi này nhân phẩm được tôn trọng. Mọi người đều được tôn trọng, bắt đầu từ bản thân mình.

Chúng ta chỉ là một cộng đồng nhỏ, chúng ta cần bảo vệ lực lượng để xây dựng thành công các mục tiêu đấu tranh của chúng ta nên chúng ta không thể phung phí con người. Bảo vệ lực lượng có nghĩa là nhận định chính xác nhân sự và hoàn cảnh để loại bỏ yếu tố tiêu cực, mỗi mũi tên phóng ra, phải trúng mục tiêu, không để bị khuynh loát vì cảm tính và sự xung động sôi nổi nhất thời rồi đánh lầm đối tượng như tự đánh vào mình…

Người quốc gia cầm chắc tay nhau, sẽ không có cơ hội cho kẻ xấu len lỏi vào hay trà trộn. Chính là trong tình trạng lỏng buông, nhầm lẫn do sơ xuất thì ít, ngộ nhận do ác ý thì nhiều mà vòng tròn sẽ đứt đoạn và hỗn loạn sẽ xảy ra. Truyền thông xã hội cần tôn trọng sự thật nên cần tạo ra các diễn đàn đối thoại nghiêm chỉnh, đặt vấn đề, nêu câu hỏi và theo đuổi câu trả lời cho thấu đáo từng nghi vấn, không phe phái.

Ngẫm nghĩ kỹ, Cộng Sản trong nước sợ gì nhất?

1-Cộng Sản sợ thấy cộng đồng tị nạn hải ngoại ổn định, đoàn kết, gây được thanh thế và có sức mạnh chính trị.

-Chúng ta trả lời bằng khẩu hiệu, diễn văn, cờ quạt đầy khí thế nhưng chúng ta xào xáo, chia phe, lạm quyền, ăn thua đủ, mạ lỵ, bôi xấu nhau để thanh danh cộng đồng hoen ố và sức mạnh chính trị bị xói mòn, bất chấp đồng hương ngơ ngác, bàng hoàng, thất vọng.

2-Cộng Sản sợ người Việt tị nạn hải ngoại nắm giữ được các chức vụ công quyền trong guồng máy hành chánh dòng chính và có tiếng nói ảnh hưởng đến chính sách, thậm chí làm ra chính sách.

-Chúng ta trả lời bằng sự loại trừ các ứng viên tài đức thay vì rèn luyện bản thân để chính mình trở thành ứng viên tài đức, cạnh tranh minh bạch và hỗ trợ nhau khi cần. Muốn thay đổi thân phận chính trị, chúng ta cần những đại diện chính trị xứng đáng trong guồng máy công quyền, càng nhiều càng tốt thay vì liên kết, cầu viện người ngoài để triệt hạ anh em, tạo ra câu chuyện “Cái giỏ cua” đầy mai mỉa.

3-Cộng Sản sợ cộng đồng hải ngoại có một chiến lược, một kế hoạch phát triển nhất quán để hình thành một mô hình dân chủ kiểu mẫu, hoàn chỉnh, có sức thuyết phục người dân trong nước đang chán ghét chế độ nhưng không thấy hải ngoại có gì hay hơn để theo.

-Bốn mươi lăm năm trôi qua, chúng ta trả lời bằng con số không.

Chống Cộng thực sự, ngoài diễn văn/khẩu hiệu, mỗi chúng ta cần nỗ lực biến những cái SỢ của chúng thành sự thật. Mọi âm mưu, toan tính nhằm cản trở hay phá hoại nỗ lực nói trên nếu không do chính bàn tay Cộng Sản thì cũng làm lợi cho Cộng Sản, cần phải cô lập chúng để vô hiệu hóa tác hại của chúng.

Để làm được những điều tốt đẹp, đền đáp ơn nghĩa những người đã hy sinh cho chúng ta còn sống, chúng ta không có gì khác ngoài TÌNH YÊU THƯƠNG. Nếu không yêu thương được nhau, hãy nuôi một tình yêu nước là mục đích chung nhất cho mọi cộng đồng di tản, dẫu thế nào, vẫn muốn được mãi mãi tự hào về nguồn gốc mình.

Mong lắm thay! (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT