Monday, May 20, 2024

Về lại Seattle

Bùi Bích Hà

Tôi ngỡ mới chừng hai năm tôi không về Seattle thăm cảnh vật và bằng hữu Tây Bắc nhưng bạn tôi quả quyết là ba năm. Tôi biết tôi không nên cãi vì thời gian bây giờ thực sự qua nhanh hơn tôi nghĩ.

Nửa đêm Thứ Bảy, xem thời tiết Chủ Nhật ở Seattle ấm lạnh thế nào, có cần mang thêm áo ấm không nhưng tin khí tượng cho biết Seattle 72 độ, lý tưởng! Tôi nghiệm ra ở Mỹ, chỉ ngưng sử dụng một chuyên môn nào chừng hai năm, khi quay lại, sự tiến bộ thấy rõ ở mức độ không ngờ.

Trước đây ít lâu, cái hẹn làm tôi sợ nhất là hẹn với ông hay bà nha sĩ. Có một cách định nghĩa hạnh phúc mà tôi tâm đắc, thuộc lòng: “Hạnh phúc là khi cánh cửa phòng mạch nha sĩ đóng lại sau lưng bạn.” Định nghĩa này không còn đúng nữa ở những năm cuối thập niên thứ hai của thế kỷ mới.

Tôi ngồi duỗi thẳng hai chân trên ghế, thấy rõ từng chiếc răng của mình trên màn hình trước mặt, chỗ nào cao răng đóng dầy, người hygienist sẽ chú ý làm sạch cho thân chủ. Thao tác nhanh, gọn, khô ráo, nhẹ nhàng, không cần súc miệng, lau miệng, không cả tiếng vi vu hay ken két của nha cụ, nghe ớn lạnh. Thật dễ chịu. Tôi lại càng không biết máy bay chuyên chở hành khách của Alaska Airlines nay toàn là Airbus, thân tàu rộng rãi, bay lên, đáp xuống êm như mơ, không còn làm hành khách đau và ù tai vì áp suất không khí thay đổi khi máy bay ở những cao độ bắt buộc trong quy trình phi hành.

Máy bay chuẩn bị đáp xuống sân bay Seatac. Tiếng cô nữ tiếp viên phi hành vang lên trong loa phóng thanh, cho biết nhiệt độ lúc đó ở Seattle là 70 độ. Cái áo len mỏng trên người tôi rất vừa với khí hậu dịu dàng giữa buổi trưa nắng mỏng của một ngày Chủ Nhật êm ả vùng Tây Bắc.

Theo chương trình, anh Lê H. sẽ đón tôi về nhà anh chị trong vùng South West, phía Tây Nam Seattle và chỉ cách phi trường mươi phút lái xe. Mặc dầu anh đã cẩn thận dặn dò: “Chị để ý nhìn chiếc xe Toyota nhỏ màu xám nhạt nhé!” thế nhưng mặc dầu tôi căng mắt nhìn, chưa thấy nó đâu dọc theo bờ lề lô nhô các xe vào ra và người lên xuống đón thân nhân của họ thì anh đã đậu xe của anh, đi về phía tôi và gọi tên, ý chừng để nhận ra nhau.

Lần đầu và lần sau cùng tôi gặp anh ít nhất cũng phải hơn mười năm, trong một buổi sinh hoạt văn học/nghệ thuật trình diễn thơ, nhạc, họa do các bạn trẻ từ một lớp dương cầm tổ chức ở Seattle. Thi sĩ có tác phẩm được chọn để giới thiệu là nhà thơ Trần Mộng Tú và nhân vật được mời để nói về thơ của bà là nhà văn Lê H.

Cho tới lúc đó, nói về sự nghiệp 60 năm thơ của Trần Mộng Tú, tôi nghĩ không có ai đáng mặt tri kỷ hơn nhà văn Phạm Xuân Đài. Trong một bài nói chuyện dài khoảng 40 phút, trước một cử tọa chừng hai trăm khách yêu thơ, ông đã lột tả hết mọi vẻ đẹp, mọi sắc thái, mọi tâm tình tác giả gửi gấm qua những con chữ giàu âm điệu, chứa chan ý thơ, cả cách ngắt câu, lạc vận, cho thơ Trần Mộng Tú một dung nhan mới, những hơi thở mới và những tình tự mới, những rung động bất ngờ của những bông hoa bỡ ngỡ hé cánh lần đầu.

Thế nhưng, cho dù đến sau mùa gặt rực rỡ ấy, diễn giả Lê H. vẫn có thu hoạch của riêng ông, không kém dồi dào, sung mãn. Dưới hàng ghế cử tọa, tôi tròn xoe mắt, nhìn ông ung dung diễn đạt, lắng nghe ông thao thao trích thơ khi cần minh họa những gì ông nói, ngẫm ra mọi vẻ đẹp trên đời phản chiếu cái đẹp vô tận của cuộc sống gồm thiên nhiên và tâm hồn con người không biết đến khô cạn, chờ được khai phá và thưởng ngoạn.

Nếu nhà văn Phạm Xuân Đài tinh tế, đĩnh đạc trong nhận định và đánh giá, người-yêu-thơ Lê H. có sự sống động của một thể nhập trọn vẹn vào thơ. Trước khi ông xuất hiện trên sân khấu, y phục giản dị nhưng bước chân như sóng ngầm, tôi từ xa đến, thực sự chưa biết ông và chỉ khâm phục ông sau khi được nghe ông nói. Từ đây, chúng tôi có cơ hội thỉnh thoảng trao đổi những vấn đề chung qua email, được biết ông đọc rất nhiều và viết cũng khá nhiều. Dịp này về lại Seattle, bằng hữu Tây Bắc đón tôi với tiệc bún bò Huế do hiền thê của ông tự tay nấu nướng để khoản đãi.

Ra khỏi phi trường, những con đường ở tiểu bang Ngàn Xanh, hẹp và dài, hiền hòa trải mình giữa cỏ cây hoặc chạy qua các khu nhà kiến trúc phảng phất nét Châu Âu cổ kính, bao lơn gỗ ở mặt tiền, cửa sổ kính ô vuông như những con mắt “nhìn thôi mà chẳng nói.” Những hôm nắng đẹp như hôm nay, bóng cây lá lấp loáng đùa vui trong những tròng mắt trong trẻo in màu trời ấy khiến người lữ khách là tôi bỗng nghe gợn lên đâu đó trong tâm hồn mình chút lăn tăn ấm nóng của than củi liu riu vừa cháy lại.

Căn phòng ăn rộng rãi cho những bữa cơm gia đình trở nên chật khi ghế được kê thêm, bàn được kéo rộng ra, chén bát muỗng đũa và người cùng rộn rịp. Những đĩa rau ghém cao có ngọn do Hảo tình nguyện đem đến phục vụ tiệc đoàn viên đã chễm chệ ngự trên bàn. Những mẹt bánh da lợn thơm tho, nõn nà, đặc sản của cô, cũng đang chờ những ngón tay nâng niu ở một nơi nào đó trong mấy gian phòng tíu tít tiếng cười nói.

Tôi xa Huế đã lâu, thời gian dài gấp đôi quãng đời tôi sinh ra, khôn lớn và trưởng thành ở cái thành phố ngàn đời nên thơ ấy, cả hồn xác tôi đậm đặc mùi vị Huế, mùi sương sớm giăng mắc trên những ngọn tre dài theo con đường đưa tôi đến trường, mùi hương trầm lẫn trong tiếng chuông chùa khoan thai lan tỏa trong thinh không dìu dặt, mùi ruốc sả nương gió bay lên từ những nồi bún bò cay xé họng theo chân cô gái An Cựu quang gánh lúp xúp chạy về Gia Hội, Đông Ba, mùi những đêm trăng mùa Hè ngạt ngào hương dạ lý…

Nồi bún bò Huế đậm đà tình nghĩa ở nhà anh chị Lê H. bữa nay là món quà quý cho bạn bè và riêng tôi. Chị kể: “Ngày xưa, mẹ em dặn dò, nấu món gì để qua đêm, phải canh mà thức dậy trước khi mặt trời lên kẻo nó thiu. Mấy ngày qua, Seattle nắng nóng, em càng lo hơn nữa, thắc thỏm cả đêm và choàng dậy lúc 5 giờ!” Nói xong, chị cười. Nụ cười rộng, đầy đặn, tươi tắn, nồng nàn, mang trong đó cả ruộng đồng bát ngát phương Nam. Tôi thật không biết nói gì để tạ tình tri ngộ cùng anh chị.

Nồi bún bò là kết quả chăm chút nhiều ngày anh chị dành tặng bạn bè, từ lúc đi chợ chọn mua vật liệu, miếng thịt, miếng xương, những cái móng giò; qua nhiều công đoạn biến chế, sao cho miếng thịt thơm, không bị mùi tủ lạnh, không dai, không nhão nhoẹt, không dầy quá, không mỏng quá; sao cho chân giò mềm mà không rời rã, miếng bì cắn ngập răng, dẻo mà không nát. Nước nồi bún phải trong, loáng thoáng màu ớt đỏ hồng cho tô bún trông không nhợt nhạt, cũng không đỏ lừ hạt điều; sao cho nước bún đậm đà vì có vị ruốc nhưng lại không được để mùi ruốc thốc lên mũi người ăn. Những tính toán này đều phải chi li và chính xác.

Nồi bún bò anh chị Lê H. đãi bạn bữa nay chứng tỏ tài nghệ thượng thừa của chủ nhân vì nó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nêu trên nhưng sao trong lòng tôi cứ có chút ngậm ngùi. Chắc hẳn vì tôi không phải là tôi của tuổi mười tám hay đôi mươi với những buổi sáng ở Huế chờ cô hàng bún bò mặc áo nối vai gánh nồi bún vào sân nhà cho tôi ăn sáng trước khi đạp xe tới sân trường đại học nên, sau này, nồi bún ở bất cứ nơi nào khác, dù phẩm chất tới đâu, vẫn thiếu một thứ gia vị đã mất cùng với quãng đời đã mất của tôi.

Về lại Seattle lần này, cảnh vật thân quen với tôi vẫn y nguyên nếu không nói là đẹp hơn, cỏ cây mùa Xuân mướt mát hơn, phố phường sầm uất hơn. Những dây hoa kim ngân lá xanh non như ngọc, chùm hoa màu vàng tươi rộn ràng nở kín bức tường ở vườn sau nhà anh chị H. Chị H. tóc muối nhiều hơn tiêu, nụ cười trăm năm con gái của chị khiến tôi sinh lòng ngưỡng mộ.

Hỏi chị có bí quyết gì sau cuộc đổi đời của hai lần di cư khốc liệt và một thời bươn chải ở xứ người để xây dựng thành công sự nghiệp? Chị vẫn giữ nụ cười thật trẻ tuy đuôi mắt thoáng chút ngậm ngùi: “Nhờ những đổi thay ghê gớm ấy, tôi sớm biết buông bỏ mọi thứ.” Câu trả lời bất ngờ của chị cho tôi thêm một bài học, một niềm tin. Chính là khi buông bỏ mà mình có tất cả vì mình không đòi hỏi sở hữu những gì mình không thể có.

Con dốc xi măng thoải lên nhà bạn tôi vẫn chờ tôi chiều chiều đi lên, đi xuống, những bước chân khỏe mạnh ngày nào, nay tôi đành chỉ nhìn nó và gượng cười. Khóm hồng màu hổ hoàng nở tung những đóa bụ bẫm dưới chân cầu thang sau mùa Đông chờ tái sinh. Mấy con thỏ rừng nhanh như tên bắn vẫn len lỏi luồn lách qua các hốc đá chen chúc những cây hoa dại và cả một cây phong Nhật màu mận chín, xòe to gần chạm đất ở sân sau nhà bạn.

Nửa đêm về sáng thức giấc, hồ Sammamish phía dưới vẫn êm đềm ngủ say trong màn sương mỏng, mặt nước ngã ba hồ và màu trời khuya mênh mang, bàng bạc, quạnh hiu, có lẽ thấy ra từ tâm cảm bơ vơ của tôi đêm nay, một mình đứng đây, không biết thời gian đang từng phút giây xô đẩy về đâu?

Tôi thấy hình hài tôi phóng chiếu xiêu vẹo, già nua, mòn mỏi trên bức tường bất biến của cảnh vật và thiên nhiên. Bỗng dưng nhớ Trịnh Công Sơn với “Một Cõi Đi Về,” “đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy, một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa…” Ông là một triết gia khôn ngoan hay chỉ là chính ông đã sống trước sự tàn tạ không  riêng mình mà của con người vô vọng trong kiếp đời hữu hạn?

Vài ngày vui ngắn ngủi qua nhanh, lại chia tay và tiễn biệt. Dường như lần này, người đi, kẻ ở đều bâng khuâng, dùng dằng một điều khó nói: biết rồi ra có còn gặp lại? Kéo cái vali nhỏ ra cửa, quay nhìn sau lưng, chiềc giường ngăn nắp, gối chăn phẳng phiu, mấy cuốn sách xếp gọn ghẽ trên chiếc bàn đêm. Chúng đã như thế trước khi tôi đến đây, vẫn như thế khi tôi từ giã, hình bóng vào ra mấy ngày qua chỉ như chiêm bao, chút hương nếu còn lưu lại rồi cũng thoảng bay, có nhắc nhở bạn tôi chăng là ánh đèn lọt qua khe cửa vài buổi tối có tôi ở trong rồi cũng là ảo ảnh tan vào đêm đen.

Ngồi trên chiếc Airbus đưa tôi về lại Cali, trí nhớ tôi lang thang một vòng loanh quanh chuyến đi vừa kết thúc, dừng lại chỗ cư xá người già Đ. mới dọn vào mấy tháng nay, nhớ bữa ăn trưa tại phòng ăn của cư xá trang hoàng đẹp như một nhà hàng Mỹ cao cấp, những người hầu bàn phục vụ thân thiện và lễ độ, một bà Mỹ cao niên đôi môi tô son đỏ, tự giới thiệu “I’m the welcoming lady,” đến gần mời chúng tôi tham dự buổi họp sắp tới của hội đồng điều hành khu.

Trong khi bà nói liên tục, bạn tôi chờ mãi vẫn không chen vào được để nói với bà chúng tôi chỉ là khách, tôi lơ đãng nhìn qua cửa sổ mở ra vườn hoa bên ngoài, vui vui thấy trên một mô đất nhỏ, có ai đã đặt lên đó cái mô hình cỡ như đồ chơi, hoen gỉ, của chiếc máy bay cánh quạt cổ lỗ sĩ thời Đệ Nhất Thế Chiến, thật hay giả thì cũng với ngụ ý đến một lúc nào đó, mỗi người sẽ là một chiếc máy bay cũ, hết gầm thét tung cánh trong trời cao đất rộng, nằm ụ vì vô dụng.

Tôi toan chỉ cho Đ. nhưng lại sợ làm bạn buồn nên thôi, âm thầm tự ví mình với nó và cười một mình. Trong một sát na huyền nhiệm, khi con người nhìn thấu bản lai diện mục của mình, vui nhận nó, cười một tiếng, bồ tát tức thì thị hiện, thần trí sáng, tâm an bình, buồn vui hòa quyện vào nhau và khóc cười không còn tách biệt.

Cảm ơn Seattle cây xanh, tình hồng. Cảm ơn bằng hữu cho nhau yêu thương. Cảm ơn Vân nỗi buồn vì nồi chè sen bị đổ, đâu có ngờ ít nhiều vẫn không bạn nào thiếu phần của mình. Cảm ơn tất cả quý anh chị cho mỗi lần gặp gỡ là một lần ước hẹn dù biết là chẳng thể trăm năm. (Bùi Bích Hà)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT