Friday, April 19, 2024

Ăn cái Tết đầu tiên ở Mỹ

 


Lê Trấn/Người Việt


 Mới đó, nay đã gần được 36 cái tết ở xứ người.


Khi tôi chống nạng đi bên cạnh người vợ mang bầu sắp đến ngày sanh con đầu lòng ở cuối mùa Hè năm 1975 rời trại tị nạn Indian Town Gap (gần Harrisburg, thủ phủ tiểu bang Pennsylvania), tôi hình dung ra một đời sống hoàn toàn khác với quê nhà ở nửa vòng trái đất bên kia.


Tôi đá banh giết thì giờ trong trại, bị gẫy chân, phải bó bột mất một tháng.









Hình: Ngọc Lan / Người Việt


Bị thời thế đẩy đưa tới đây, sẽ không có các món ăn quen thuộc như bún ốc, bún riêu, phở, bánh cuốn. Sẽ không có rau muống luộc chấm tương, canh cải nấu cá rô trứng. Sẽ không có Tết nhất gì cả.


Hiểu như vậy, tôi đã thấy một số người lo xa từ khi còn ở trong trại nói trên chờ được một gia đình hảo tâm hay một nhà thờ Mỹ bảo lãnh ra ngoài, bắt đầu hội nhập xã hội Mỹ. Một số người sợ không có cơm ăn hàng ngày khi ra trại, đã lấy thêm cơm rồi phơi nắng cho khô. Khi được bảo trợ ra trại, vợ chồng con cái mỗi người đeo một tay nải to tướng cơm khô.


Họ sẽ nấu lại ăn dần tại chỗ ở mới vì không biết có mua được gạo trong chợ Mỹ hay không. Tìm được nước mắm lại càng khó nữa.


Nghĩ lại cảnh đó, hẳn bây giờ ai cũng buồn cười.


Thật ra, không có gạo Nàng Hương Chợ Ðào ở Mỹ nhưng gạo trồng ngay ở Mỹ, hạt tròn hạt dài thì không thiếu trong các siêu thị. Gạo nếp cũng có. Những thành phố nào có khu phố Tầu như New York, San Francisco, Los Angeles, Seattle có thể tìm thấy các loại gia vị Á Ðông dễ dàng. Chỉ những nơi khác là khó kiếm.


Tết Nguyên Ðán 1976 tôi không nhớ tháng mấy. Con gái đầu lòng được gần 5 tháng.


Vợ chồng tôi được một Nhà Thờ Tin Lành bảo trợ về thành phố Atlanta thuê chung nhà với gia đình một người bạn cho đỡ tốn.








Hình: Ngọc Lan / Người Việt


Tôi vốn là một phóng viên báo chí, truyền thanh, nhiều kinh nghiệm lại còn chụp hình bán cho hãng thông tấn AP ở Việt Nam. Nhờ tôi cũng không đến nỗi kém Anh ngữ, đại diện nhà thờ dắt tôi đi xin việc nhiều nơi tại các đài truyền hình, báo giấy. Tới đâu, đọc bản tiểu sử của tôi, họ đều khen tôi có nhiều kinh nghiệm truyền thông quý báu nhưng đều lấy làm tiếc là không có nhu cầu mướn thêm người.


Tôi đành nhận một chân “phụ bồi” (busboy) tại khách sạn nổi tiếng Hyatt Regency.


Bồi (waiter/waitress) là người mang thức ăn ra cho khách, phụ bồi dọn dẹp đĩa bát dơ trên bàn.


Thời gian này, cả nước Mỹ suy thoái kinh tế. Khách sạn sang trọng như Hyatt Regency cũng ế sưng ế sỉa. Nhiều ngày, vừa dẫn xác tới làm, tên quản lý ca hỏi “Mày tới làm gì? Có việc gì đâu?” Tôi tức giận hỏi nếu không có việc sao không gọi điện thoại báo cho biết để tôi khỏi tới. Hắn nín lặng.


Lương phụ bồi theo giá biểu tối thiểu $2.25/giờ nếu được làm 40 giờ thì một tuần được $90, một tháng được $360. Có những tháng tôi không được tới $200, một gia đình hai vợ chồng với một đứa con nhỏ cần đủ thứ sữa, tã chắc chắn không đủ chi phí căn bản. Tháng Tết năm đó là một trong những cái tháng tiền bạc thật thiếu thốn của vợ chồng tôi. Nếu không có sự chia sẻ, nâng đỡ của gia đình bạn, vợ chồng tôi không biết xoay trở ra sao.


Ngày mùng một Tết, gia đình tôi và gia đình người bạn ngậm ngùi nhìn nhau. Ở Việt Nam thì bánh chưng, dưa hấu, bánh mứt ê hề. Mẹ tôi hàng năm đều nấu mấy nồi bánh chưng lớn, đem biếu tất cả họ hàng nội ngoại mỗi nhà một cặp kèm theo mứt và trà. Bấy giờ, ở Việt Nam, tôi hình dung ra là cha mẹ và các em tôi đang khốn đốn lắm trong cái “xã hội chủ nghĩa.”


Còn chúng tôi, gạo nếp thì mua được ở siêu thị tại Atlanta nhưng đào đâu ra lá giong, lá chuối để gói bánh. Mà đâu có ai biết gói, biết nấu! Các loại mứt, hạt dưa thì lại không có.


Bà cụ mẹ bạn tôi nấu một nồi xôi đậu phụng, luộc con gà để cúng. Tết đầu tiên của chúng tôi chỉ có nhiều tiếng thở dài, vừa không biết tương lai ra sao, vừa thấy mình đã bị cắt ra khỏi quá khứ.


Không nhìn thấy tương lai, chúng tôi ngồi kể cho nhau nghe những vui thú với nhau của những ngày Tết cũ.


Ba mươi sáu năm sau, tất cả những cái gì là mơ ước trong vô vọng thời đó, bây giờ có cả. Bánh chưng, bánh tét, mứt đủ kiểu ở các chợ Việt Nam, khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, dù tìm đâu cũng có những thứ hương vị quê hương, tôi vẫn luôn luôn thấy mình trong tâm trạng của một kẻ ăn nhờ ở đậu.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT