Wednesday, April 24, 2024

Tết xa quê

 





LGT:
Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm.


Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách.


Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St. Westminster , CA 92683, hay email: [email protected].





 


Ngọc Lan


Từ những ngày còn ở Việt Nam, chưa bao giờ tôi được ăn một cái Tết ở “nhà quê.”


Ba má tôi là những người tha hương từ nhỏ, phận nghèo lênh đênh từ miền này qua quê khác. Khi đã định cư tại Sài Gòn ba má tôi lại triền miên trong bươn chải kiếm sao cho đủ tiền nuôi bầy con bảy đứa, vừa nheo nhóc vừa đang tuổi ăn tuổi lớn, vừa lo cho chúng đến trường, không dở dang chuyện học hành. Thì, chuyện “về quê ăn tết” là một khái niệm khá mờ nhạt và mông lung, đến gần như chưa bao giờ hiện hữu trong tuổi thơ tôi.








Tết với tôi là những đổi thay trong cảnh sắc và con người trong xóm nhà tôi ở, nơi một huyện ngoại thành Sài Gòn, xóm người lao động nhiều hơn là công chức.


Tết rục rịch đến bắt đầu từ những khúc vải thun hay “ka-tê” má mang về từ chợ cho mỗi đứa may một bộ đồ mới.


Tết hiện dần ra trước mắt khi ba và các anh trai tôi bắt đầu quét mạng nhện, năm “sang hơn” thì tô lại tường vôi.


Tết càng đến gần khi thấy má từ từ tha về nhà ít “thèo lèo cứt chuột,” ít mứt bí mứt dừa. Hay có khi má mang về đống me, rồi chị em tôi xúm lại phụ lột vỏ, chẻ hột, để má làm mứt, cho có cái chua chua ngọt ngọt trong những ngày đầu năm.


Lớn hơn một chút, tôi nhận ra đến Tết khi thấy ba phụ má ngồi dưới bếp xắt lỗ tai heo, đầu heo, để má gói giò thủ. Hay những lúc má “tả xung hữu đột” dưới bếp chuẩn bị đậu, nếp, nhân thịt, để ở nhà trên, ba chỉ huy đám con lóc chóc ngồi vào gói bánh chưng. Mà chuyện gói bánh chưng trong một gia đình người Nam nghe ra vừa buồn cười vừa xót xa. Bởi tuổi thơ ba má có bao giờ được chứng kiến người thân trong gia đình gói bánh tét – Tết người nghèo không có bánh. Nay khi tuổi vào trung niên, mới dư dả ra, có người chỉ gói bánh chưng thì cứ cái bánh chưng mà gói cho con cái còn có được kỷ niệm về hình ảnh nồi bánh chưng nấu trước cửa nhà, đám con bắc ghế ra sân ngồi ngó cái nồi, ngó ngọn lửa đỏ tí tách trong đêm.


Tết trong tôi, còn là chiều 29, xách giỏ theo má ra chợ, nơi người bán bày hàng ê hề, ai cũng muốn lấn thêm một chút mặt bằng để đặt thêm mẹt rau, chất thêm bội gà, kê thêm thúng quýt, dựng thêm nhánh mai… hàng bán tràn từ lề đường vào đến nhà lồng chợ.


Tết trong tôi còn là hình ảnh mấy chị em lo thay đồ mới khi đồng hồ bắt đầu điểm 10 giờ tối Ba Mươi, rồi đứng lẩm nhẩm xem lát nữa chúc Tết ba má, anh chị như thế nào. Rồi lại túa ra sân xem đốt pháo. Nhăn mặt, bịt tai, nheo mắt. Vậy mà mùi thuốc pháo vương hoài trong ký ức.


Giờ sang xứ người.


Lần thứ 7 rồi không được ăn Tết Sài Gòn.


Thơ thẩn ra chợ hoa Phước Lộc Thọ. Tìm mua ít trái cây, ít thèo lèo về cúng ông Táo tối nay. Mân mê những mảnh giấy đỏ dùng treo lên cành mai cành đào. Tần ngần cầm những bao lì xì đủ màu vàng đỏ. Nhìn người du Xuân dừng lại ngắm vài cây mai Việt Nam ít ỏi chen trong muôn sắc của lan, của cúc… Bỗng da diết nhớ Tết Sài Gòn, giờ với tôi, đã là Tết nhà quê, xa lắm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT