Wednesday, April 24, 2024

Khi mâu thuẫn về quan điểm chính trị dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Cô Nguyệt Nga ơi, cô giúp tôi với, gia đình tôi loạn quá rồi!

Chỉ vì chính trị mà gia đình trong nhà không hòa thuận. (Hình minh họa: Mandel Ngan/AFP via Getty Images)

Chồng tôi không còn trẻ nữa, nhưng vừa rồi có vụ diễn hành, chồng tôi cũng là một trong những người lái xe vòng vòng giương oai. Nghe nói có vụ đánh nhau, tôi hỏi chồng có tham gia hay không, ông ấy chỉ lườm tôi nói tôi không biết gì.

Đến cả đứa con trai cũng đã có vợ con, vậy mà từ sáng sớm ra o bế chiếc xe mô tô đi diễn hành ủng hộ ông Biden. Nó dậy từ sớm, áo da, giày bốt, găng tay, cờ quạt sửa soạn trong lúc chồng tôi thì lầm lầm lì lì chửi, chì chiết đứa con. Nhưng chồng tôi không dám nói to, chỉ nói nhỏ cho tôi đủ nghe, khiến tôi rất khó chịu.

Con tôi thì lại “cà khịa” cha nó khi ông Trump không được giải Nobel Hòa Bình khiến chồng tôi lại càng tức điên rồi lại cự nự với tôi.
Cô Nguyệt Nga ơi, tôi nên làm sao khi mâu thuẫn về chính trị dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình? (Tám Chiêu)

GÓP Ý CỦA ĐỘC GIẢ

-Bà Bản

Thời đại này hoàn cảnh như chị nói dễ chia rẽ trong nhiều gia đình. Trong gia đình tự nhiên vợ chồng, anh em chia phe ra, có khi to tiếng không nhìn mặt nhau, có khi đấm đá nhau, thật là kỳ cục, thế mới biết ông Trump thật tài ba! Chưa có thời nào như thời này, người người ghét nhau, nhà nhà ghét nhau. Họ ghét như muốn đào lỗ mà chôn đi. Thôi đành thôi chị, chị ráng cho qua vì chỉ còn có hơn hai tuần nữa là mọi sự đâu vào đấy!

-Tính H.

Mỗi gia đình có một nguyên tắc đối xử và trò chuyện với nhau trong gia đình. Nguyên tắc trong gia đình tôi từ thời ông nội cho đến giờ chính là tuyệt đối không nói đến tôn giáo và chính trị, không những trong gia đình mà còn với bạn bè, thân hữu và cả nơi làm việc. Chúng tôi không tranh luận về vấn đề chính trị và tôn giáo. Đó là hai đề tài khi tranh cãi dễ gây ra bất đồng, có khi nổi nóng dẫn đến ẩu đả, không nhìn mặt nhau.

Nghe cách nói chuyện của bà thì có vẻ như bà đứng trung dung trong gia đình, vậy thì bà nên ra “sắc lệnh” không chính trị và không tôn giáo trong gia đình. Chúc bà may mắn!

-Phong L.

Chuyện đâu có gì mà bà phải viết thư hỏi, chẳng qua là “thượng bất chánh thì hạ tắc loạn.” “Thượng” đây có thể là ngài tổng thống mà cũng có thể là người chủ trong gia đình. Nếu chồng bà là người cầm cương, có uy quyền thì con trai bà chẳng dám hó hé. Nếu nó không đồng quan điểm thì cũng không dám chống đối ra mặt. Chắc ông nhà phải là người dễ tính.

Mà thôi chuyện không có gì mà làm ầm ĩ, rồi mọi thứ sẽ qua. Tôi cũng ngạc nhiên sao kỳ bầu cử này có nhiều điều căng thẳng xảy ra đến thế!

-Cô Ann

Tốt hơn hết cô nên là người ở giữa không nên nghiêng về phe nào hết và nhất định bản thân không can dự vào chính trị hay nói về chính trị.  Ông chồng cô có nói gì liên quan tới chính trị thì cô cho chồng biết cô không muốn nghe về những chuyện nhức đầu này. Ông có than phiền về đứa con thì cô nên để hai cha con nói thẳng với nhau. Nếu vì chính trị mà chồng cứ nhè cô than phiền về đứa con thì cô cứ giả câm giả điếc đi ra chỗ khác. Đừng để ý tới việc làm của hai cha con. Ở trong hoàn cảnh của cô nếu muốn được yên thì cô phải tập làm được ba thứ là không nghe, không thấy và không nói.

Tôi thật phân vân dù biết là nghĩa tử nghĩa tận, nhưng nếu tôi chiều theo ý mọi người, hóa ra tôi đã hành xử một cách không minh bạch. (Hình minh họa: Priscilla Du Preez/Unsplash)

VẤN ĐỀ MỚI

Tôi và chồng cũ thôi nhau cũng đã lâu. Anh lập gia đình sau đó. Còn tôi tuy không lập gia đình chính thức nhưng cũng có bạn lui tới an ủi trong tuổi già. Sau khi ly hôn tôi và người chồng cũ vẫn coi nhau như bạn dù quan hệ phu thê không còn.

Cũng may người vợ sau của anh ấy là người có học nên cư xử rất lịch sự và biết điều. Cô ấy không hề cấm đoán hay buồn phiền nếu thỉnh thoảng chồng cũ ghé nhà chở các con tôi đi ăn. Thậm chí cô ấy có khi dùng tài khoản ngân hàng chung của hai người để tặng quà sinh nhật hay trả tiền học cho các con của tôi. Nói thật lòng, ban đầu tôi xa lánh, giữ kẽ với người vợ sau, nhưng dần dà chúng tôi cởi mở với nhau hơn, không thân thiết nhưng không hề oán ghét hay ghen tuông.

Chồng cũ của tôi sau một thời gian bệnh nặng thì hôm qua cô vợ gọi cho tôi báo tin chắc anh không qua khỏi. Cô ấy nhờ tôi giúp một tay trong việc lo hậu sự. Cô ấy nói một cách chân thành và tha thiết rằng “Dù anh chị đã không còn ở với nhau, nhưng anh chị đã có con chung với nhau, trong khi em không có nên em xin chị hãy giúp em lo hậu sự cho anh, em mong chị đừng từ chối.”

Thật lòng mà nói, nếu tôi cùng cô lo hậu sự thì trông chướng mắt lắm dù gì thì anh cũng đã có vợ chính thức sau khi ly hôn. Nếu tôi chường mặt ra thì lời ra tiếng vào, không tốt cho tôi mà cũng không nên về phía cô ấy. Đó là chưa kể cô ấy cứ nhất định muốn tôi để tang. Điều này thì tôi từ chối thẳng thừng. Cô thấy tôi cương quyết từ chối nên đã nhờ cha mẹ chồng cũ của tôi nói giùm làm tôi thật phân vân khó xử.

Tôi có hỏi các con của mình về vấn đề này vì sao cô ấy còn quá trẻ, lại sinh ra và lớn lên ở Mỹ, sẽ không biết lo thế nào chu toàn cho anh ấy. Các con tôi đều đồng ý để tôi để tang. Tôi thật phân vân dù biết là nghĩa tử nghĩa tận, nhưng nếu tôi chiều theo ý mọi người, hóa ra tôi đã hành xử một cách không minh bạch trong quan hệ tình cảm, đúng không cô?

Thưa cô, cô có thể giúp cho tôi cách hành xử trong việc này để đôi bên vẹn toàn? (Thùy Nhiên)

Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quý độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác. Thư từ gửi về: Biết Tỏ Cùng Ai, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hoặc email: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT