Tuesday, April 23, 2024

Vì sĩ diện, mời vào nhà ở ‘free,’ giờ muốn mời ra mà không biết làm sao

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô, cháu là người xởi lởi, mà cả chồng cháu cũng là người rộng rãi với mọi người. Vì thế nhà cháu luôn là nơi tá túc, ghé chơi vài ngày, vài tuần của những người thân, thậm chí người quen của người thân cũng hay ghé nhà cháu. Vợ chồng cháu vui và chào đón những lần ghé thăm như thế.

Tiền chi tiêu trong nhà không phải tăng lên gấp đôi, mà là gấp ba tại cháu xài sang hơn bình thường do sĩ diện! (Hình minh họa: Joss Woodhead/Unsplash)

Cái tính đó làm hại cho hai vợ chồng cháu mà không cách chi giải quyết được. Trước mùa dịch có một cặp vợ chồng là bạn thân của bạn cháu. Họ từ Việt Nam du lịch sang Mỹ rồi bị kẹt lại. Cho đến nay họ vẫn không thể nào mua vé rời Mỹ được. Ban đầu họ dự định chỉ ghé tạm cháu vài hôm rồi đi chỗ này chỗ kia. Tụi cháu luôn luôn có một phòng dư cho khách nên rất vui chào đón họ. Dù họ cố gắng góp tiền ăn với vợ chồng cháu nhưng vợ chồng cháu nhất định từ chối vì nghĩ bạn mình ở cũng không có bao nhiêu ngày.

Vì trận đại dịch, cả hai vợ chồng cháu đều thất nghiệp, tiền dành dụm càng ngày càng vơi. Nhà lại có khách, cháu không thể có mắm ăn mắm, có dưa ăn dưa. Cháu phải tươm tất với khách mà ruột cháu thì nóng từng cơn. Nhà mọi khi ăn có hai vợ chồng, nay bốn người, tiền chi tiêu trong nhà không phải tăng lên gấp đôi, mà là gấp ba tại cháu xài sang hơn bình thường do sĩ diện!

Hai vợ chồng đã đùn đẩy cho nhau chuyện ai là người nói thẳng những khó khăn của mình với bạn. Thưa cô, vợ chồng cháu nên làm sao? (Bích L.)

GÓP Ý CỦA ĐỘC GIẢ

-Thy:

Cặp vợ chồng này là bạn của bạn cô, vậy sao cô không nói hết với bạn cô, rồi người bạn ấy sẽ lựa lời mà nói lại với cặp vợ chồng đang ở trọ. Dù gì nói qua với người bạn chung vẫn dễ hơn là nói thẳng nhất là trước đó cô khăng khăng không lấy tiền. Theo tôi cô nên nói càng sớm càng tốt, vì để lâu ngày tình cảm sứt mẻ càng nhiều, rồi nó biến lòng tốt ban đầu của vợ chồng cô trở nên xấu đi.

-Sang Lê:

Tôi thông cảm cho vợ chồng cô vì tôi hiểu tính cả nể, ngại ngần của cô. Ngày xưa, tôi cũng vấp phải một chuyện tương tự, vợ chồng tôi cho “share” nhà, đến khi muốn lấy lại thì hai vợ chồng cứ đùn đẩy nhau, không ai chịu mở miệng nói mà cuộc sống càng ngày càng khó chịu. Đối với một số người, khi mình nói ra điều này thì họ cười cho nhưng họ đâu biết sự giằng co trong lòng mình đẩy tới chuyện mình mở miệng không được.

Tôi làm cách này là để lên bàn cân sự việc, một bên là nói thẳng với họ, một bên là im lặng chịu đựng. Nói thẳng thì điều gì xảy ra? Im lặng thì điều gì xảy ra? Sau đó tôi cân nhắc, lý luận, đặt vấn đề rối cuối cùng là đi đến kết luận, chọn lựa, và hành động. Mong cô giải quyết sớm cho nhẹ lòng!

Con tôi bảo nó chịu đựng hơn năm năm nay, giờ nó muốn thoát lồng. (Hình minh họa: Siora/Unsplash)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô, nhà tôi chỉ có hai má con, con gái tôi cũng gần 40. Vợ chồng nó không có con nhưng lâu nay sống rất êm đềm. Tuy tôi không có cháu bồng, nhưng tôi có đứa con rể thật không thể nào có người tốt hơn. Nhớ lại hồi ông nhà tôi còn sống, bị đau ốm liên miên, nên cứ mỗi chiều đi làm về con rể lại ghé ngang nhà cha mẹ vợ, lo tắm rửa cho cha vợ, thuốc men hằng ngày nó soạn đâu ra đó, ghi chú đàng hoàng mỗi lần uống. Con rể tôi lo làm ăn, không hề trai gái, rượu chè, hút sách.

Hôm rồi con gái ghé nhà một mình, nó bảo muốn ly dị chồng. Con tôi bảo nó chịu đựng hơn năm năm nay, giờ nó muốn thoát lồng. Tôi khóc mà con gái tôi cũng khóc như hồi cha nó mất.

Nó vừa khóc vừa kể rằng, suốt năm năm nay nó chịu đựng vì chồng quá tốt với ba nó. Nay ba mất rồi cho nó được tự do để sống cuộc đời của nó. Nó kể chồng nó do bị bệnh từ nhỏ nên không có khả năng làm chồng! Con gái tôi nói ngang khúc đó thì khóc òa lên, nó nói vì ba bệnh nên bỏ qua mọi thứ, nay ba mất rồi, “Má cho con sống cuộc đời của con.”

Tôi không ngủ suốt cả tuần nay và hai vợ chồng con cũng chẳng bén mảng đến thăm. Tôi thì già, không biết lái xe, sống nương vào con gái và con rể. Mà tôi nói thật, tôi nương vào con rể nhiều hơn. Cô ơi, giờ tôi phải làm sao đây? (Tám Ninh)

Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quý độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác. Thư từ gửi về: Biết Tỏ Cùng Ai, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hoặc email: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT