Saturday, April 20, 2024

‘Tiến thoái lưỡng nan’ khi chồng cũ bảo lãnh sang Mỹ

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô, chồng cháu bị đột quỵ mà mất sớm, để lại cho cháu ba con. Trong đó một đứa là con của người chồng trước. Chồng trước của cháu hiện ở Mỹ, vừa rồi ảnh nhắn tin cho cháu là muốn làm hồ sơ bảo lãnh hai mẹ con qua Mỹ.

Cô đừng bao giờ dùng đứa con của cô với anh ta để làm vũ khí cho bất cứ vấn đề gì. (Hình minh họa: Charlein Gracia/Unsplash)

Vấn đề là cháu có ba đứa con lận, nếu ảnh nói là bảo lãnh “hai mẹ con qua Mỹ” có nghĩa là ảnh không tính hai đứa con của cháu và người chồng sau? Cháu đâu thể bỏ hai đứa sau ở lại vì một đứa 8 tuổi và một đứa 6 tuổi. Khi cháu thưa điều này với mẹ chồng cháu nghe thì mẹ chồng cháu bảo trong vấn đề này cháu phải tỏ ra khôn ngoan và cứng rắn. Nếu cứ ở lại thì chết chùm cả đám, trong khi cháu đi với con lớn thì rồi cháu cũng sẽ bảo lãnh hai đứa nhỏ còn lại. Bà nội còn nói thêm không thể ép người chồng cũ phải bảo lãnh con người chồng sau. Mẹ chồng nói cháu cứ yên tâm ra đi, bà nội sẽ nuôi và chăm sóc hai con của cháu chu đáo.

Cháu thương bà vô kể vì có người mẹ chồng nào mà tốt như vậy. Nhưng lòng cháu lại quá đắn đo suy nghĩ, nhìn hai con nhỏ chơi đùa hằng ngày mà đau xót ruột gan. Cháu cũng không dám nói với người chồng cũ là bảo lãnh luôn cả hai đứa nhỏ con riêng của cháu luôn. Nhưng cháu không dám mở miệng vì thấy mình đòi hỏi vậy thì quá đáng.

Cháu cũng nghèo lắm, hiện đang ở chung với cha mẹ chồng, hằng ngày đi làm công nhân bình thường cũng nhờ ông bà nội phụ giúp mà sống qua ngày. Cháu rất thương ông bà nội, nhớ ơn cách đối xử với con dâu của ông bà. Thưa cô giúp cháu, cháu cám ơn cô nhiều. (Thắm)

GÓP Ý CỦA ĐỘC GIẢ

-Phuong Ng.:

Em thật may mắn khi có một người mẹ chồng như em kể. Đầu tiên là mẹ chồng đã cưu mang gia đình em. Trong lúc em đi làm thì bà là người chăm sóc, lo lắng cho ba đứa con của em. Nhắc đến điều này, tôi không biết người chồng sau của em đã có gia đình chưa, nhưng dù chưa hay đã có, thì rõ ràng anh ấy khi lấy em, anh ấy đang là người đàn ông không vướng con cái.

Cho nên tôi chẳng lạ gì khi một đề nghị rất thiếu tế nhị của người chồng trước mà em sẵn lòng kể hết cho mẹ chồng nghe, lại còn hỏi ý kiến mẹ và mẹ đã cho một ý kiến thật bất ngờ.

Theo tôi thì tình ông bà đã tốt đẹp với em và coi em như con thì em nên nghe theo mẹ. Vì sau này bảo lãnh hai con cũng rất nhanh nhất là hai con còn tuổi vị thành niên. Khi đi được em cố gắng tạo cho mình một cuộc sống vững chắc, đến khi mình vững chắc thì dễ thuyết phục người khác theo ý mình. Mong em may mắn!

-Bích Ly:

Nghe qua câu chuyện của chị thì thấy rằng chị có hai người chồng có hai cá tính khác nhau, em có thể hiểu người chồng sau của chị đã đối xử thế nào với con của người chồng trước? Chứ người chồng trước thì rõ ràng biết cách anh ấy đối xử với hai con của người chồng sau.

Tuy nhiên, nói qua thì cũng phải nói lại, biết đâu anh ấy không đủ tài chánh để bảo lãnh cả bốn mẹ con. Theo em thì chị nên khéo léo hỏi dò anh lý do sao anh không bảo lãnh hết cả bốn mẹ con?

-KK:

Tôi không biết bảo lãnh ở trường hợp giữa anh ta và cô có được hay không vì cô đã lấy chồng và có con. Giả sử là được và giả sử trên phương diện pháp lý hai đứa con kia nó cũng có thể đi theo cô qua bên Mỹ thì cô cũng nên khéo lựa lời mà hỏi anh xem sao. Vì tình mẫu tử cứ hỏi thử, được thì được, không thì thôi, miễn là cô đừng đòi, đừng ép và đừng bắt buộc. Cũng đừng bao giờ dùng đứa con của cô với anh ta để làm vũ khí cho bất cứ vấn đề gì. Nếu anh ta có khả năng thì không chừng ảnh sẽ đồng ý, ăn thua vẫn là cách dùng lời của cô với anh ấy. Cơ hội cô có là 50/50, đừng bỏ lỡ.

Có điều là cô cũng nên biết là khi anh ta ký giấy bảo lãnh ai, anh ta phải chấp nhận lo tài chánh cho những người đó khi họ qua tới đây chứ chính phủ không lo. Bởi vì vậy mà cô phải thông cảm, nhiều khi không phải vì anh ta không muốn mà vì anh ta không có đủ khả năng. Nếu vậy thì cô cứ đồng ý qua đây trước rồi tìm cách bảo lãnh nốt những đứa còn lại qua sau.

Cô cũng đã nói là cô có người mẹ chồng tốt, nếu bà có thể thương con dâu của bà như vậy thì lo gì bà không lo chu đáo cho mấy đứa cháu của bà. Biết là dứt cái ruột để đi không phải là chuyện dễ dàng nhưng vì tương lai của con thì đành phải hy sinh chịu khó trong một thời gian ngắn, mạnh dạn dứt khoát quyết định không thì sẽ mất đi cơ hội.

Tôi làm đủ cách để hòa giải, tha thứ, chỉ mong con hồi tâm quay về cho cha mẹ được một niềm vui trước khi quá muộn.(Hình minh họa: Jeremy Wong/Unsplash)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô, chúng tôi có hai con gái, qua Mỹ năm 1992 theo diện đoàn tụ khi đứa lớn mới 7 tuổi. Chúng tôi phải hy sinh cuộc sống đã ổn định ở Việt Nam để mang hai con qua, làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, cực khổ, nuôi nấng dạy dỗ chúng theo tục lệ Á Đông. Con gái lớn của tôi rất dễ thương và năng động. Tôi thầm nghĩ mang con qua đây là một sự lựa chọn đúng đắn vì vừa có một tương lai tốt đẹp, vừa có đứa con hiếu thảo không quên cội nguồn.

Nhưng thật là tôi đã lầm, khi ở tuổi xế chiều, chúng tôi bị cú sốc tinh thần. Khi con gái bắt đầu vào đại học, nó bắt đầu cho rằng sự chăm sóc, lo lắng của bố mẹ là cổ hủ. Hai thế hệ xưa nay không thể dung hòa, nên trong một lần bất mãn nó đã tách riêng sống tự lập.

Sau đó nó mua được nhà và dù ở cách tôi chỉ vài dặm nhưng không bao giờ qua lại. Tôi buồn lắm nhưng vẫn mở rộng cửa đợi con về. Tôi tự nghĩ có thể mình cũng có tư tưởng lỗi thời, vậy nên tôi cố gắng nhịn nhục. Tôi viết thư, gọi điện, đến ngày sinh nhật của con thì gửi tin nhắn chúc mừng, thậm chí ngày Tết cũng gửi tiền lì xì, nhưng con đều gửi trả lại.

Tôi không cần con cái phụ giúp về tài chánh mà tôi chỉ cần tình nghĩa và lời hỏi thăm qua lại của con. Tôi có nhờ anh chị em, họ hàng khuyên bảo giùm, nhưng nó vẫn không mở lòng, vẫn quyết tâm cắt đứt khoảng 10 năm rồi.

Nó đang dự định tổ chức đám cưới trong mùa Thu này nhưng nhất định sẽ không mời cha mẹ và cũng không cho chồng sắp cưới của nó liên lạc với chúng tôi.

Ba nó cũng giận lắm chỉ vì những nguyên nhân không đáng gì mà nó phản bội như vậy.

Tôi còn một đứa con gái út nữa, nó cũng tách riêng sống tự lập nhưng đôi khi cũng về thăm cha mẹ. Nó cũng cắt đứt liên lạc với chị từ lâu vì chị nó đối xử tệ bạc với cha mẹ.

Chồng tôi năm nay cũng xấp xỉ 76 tuổi, tôi đã làm đủ cách để hòa giải, tha thứ, chỉ mong nó hồi tâm quay về cho cha mẹ được một niềm vui trước khi quá muộn.

Mong cô và độc giả cho tôi lời tư vấn để chúng tôi có thể vơi bớt nỗi muộn phiền. (Thiep Hung Nguyen)

Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quý độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác. Thư từ gửi về: Biết Tỏ Cùng Ai, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hoặc email: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT