Friday, March 29, 2024

Trốn tránh xã hội, muốn về Việt Nam, ‘nuôi cá và trồng thêm rau’

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô, tôi đi làm ở Mỹ trên 30 năm. Năm tới tôi đến tuổi nghỉ hưu, tính đến ngày nghỉ, lương hưu của tôi cũng kha khá. Vợ tôi thì còn trẻ, cô ấy đi làm lương cũng khá. Con cái đều có thể tự lập dù chúng vẫn đang đi học.

Tôi tha thiết muốn về ở với bố mẹ, hai cụ có căn nhà vường ở rất sâu trong vùng Đơn Dương. (Hình minh họa: Manan Vatsyayana/ AFP via Getty Images)

Nhưng tôi vẫn không sao hội nhập với xã hội văn minh này, dù rằng tôi trụ ở đây khá lâu. Càng ngày tôi càng thấy mình lạc lõng, cô đơn, nhất là thời gian gần đây, khi xã hội càng ngày càng rối ren. Một năm đầy biến động, khiến tôi thấy mình ngộp thở. Thú thật mỗi sáng thức dậy tôi bị nhận chìm trong núi tin tức mà toàn những tin không vui.

Tôi đã thử những ngày nhất định không theo dõi tin tức nữa, nhưng lòng lại không yên. Chiếc điện thoại lại réo lên nhắc nhở, đến giờ coi tin từ báo này báo kia, nghe đài này đài kia. Tôi nhận ra cái con người không quan tâm đến chính trị của tôi biến đâu mất. Tôi cảm thấy tôi không chịu được những áp lực bầu cử chính trị ở đây.

Tôi muốn trốn khỏi xã hội một thời gian. Hiện tại, bố mẹ tôi vẫn sống ở Việt Nam, hai cụ có một căn nhà vườn ở rất sâu trong vùng Đơn Dương. Hai cụ sống gần như xa lánh xã hội, nuôi trồng trong vườn đủ cho cuộc sống. Tôi thèm cuộc sống đó quá và những ngày gần đây khi mà áp lực bầu cử càng ngày càng đè nặng lên dân Mỹ nói chung và cá nhân tôi nói riêng, tôi tha thiết muốn về ở với bố mẹ.

Điều khó khăn hiện nay là làm sao tôi thuyết phục vợ tôi đồng ý cho tôi thực hiện giấc mơ đó, có thể tôi chỉ đi vài tháng hay một năm cho tôi bình tâm trở lại. Thưa cô Nguyệt Nga, có thể giúp tôi điều này, nói sao để người phụ nữ tin mình, cám ơn cô rất nhiều! (Ông Huy)

GÓP Ý CỦA ĐỘC GIẢ

-Dan Heaven:

Chào ông Huy, đọc câu chuyện của ông tôi thấy có phần giống câu chuyện của tôi, chỉ khác tôi không muốn về Việt Nam ở để xa lánh xã hội Mỹ đang rối rắm này.

Tôi năm nay 58 tuổi và đã về hưu được sáu tháng. Trước khi quyết định nghỉ hưu, tôi đã chuẩn bị tinh thần và vật chất cũng như kế hoạch tiêu dùng thời giờ như thế nào.

Với xã hội văn minh như bây giờ khi mạng Internet bao phủ toàn cầu thì ở nơi nào cũng giống nhau vì chỉ cần nhấp con chuột hay lướt qua điện thoại là ông biết được tất cả. Còn lại biết những gì là do mình quyết định.

Tôi không xem TV vì thấy phí phạm thì giờ và có đôi khi còn làm cho mình bị mệt óc. Tôi xem báo những khi cần vì phần lớn các báo chí chỉ tóm lược lại các tin trên mạng. Tôi chỉ lướt mạng để xem những điều mình muốn xem và đôi khi xem một vài tin tức. Ngoài ra tôi dành thì giờ của mình để làm thơ và viết nhạc. Những khi không làm thơ thì tôi lại làm vườn.

Ở Mỹ lâu năm và cần mẫn làm việc tôi tin là ông cũng có một cơ ngơi khả dĩ nên có thể biến vườn nhà thành một mảnh vườn đẹp theo ý muốn.

Khi có mảnh vườn do mình chăm sóc, ông có thể an nhàn thưởng thức trà và cà phê. Với cái iPad trên tay ông có thể đắm chìm trong thế giới thư nhàn và rất riêng tư của riêng mình. Ông có thể viết những câu chuyện ngắn, bài thơ tình, truyện hài hước và đăng tải lên mạng.

Hãy xóa hết tất cả mọi thời khóa biểu, giờ giấc gắn liền trong cái điện thoại và tập cho mình được thoải mái. Nếu cần ngao du ông có thể đi biển hay đi núi.

Ở Mỹ khí hậu trong sạch, đời sống sung sướng và an toàn, thêm vào đó tự do là chính. Chẳng phải ông đã đến Mỹ vì những điều kiện này hay sao?

Chúc ông luôn khỏe mạnh và bình an.

-goidudu:

Sự bình an trong tâm hồn đến từ nội tâm, không đến từ ngoại cảnh. Anh đã từng nghe câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” chưa? Anh tâm thần bất định vì anh đã để cho ngoại cảnh lôi cuốn, làm cho tâm bất động, cộng thêm nỗi háo hức được về Việt Nam sống một mình lại càng làm cho tâm thần anh thêm chao đảo.

Bên cạnh đó, tâm tư của anh chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không để ý đến những cảnh đời đau khổ chung quanh. Anh hãy dẹp hết TV hay máy tính rồi ngồi tĩnh tâm lại để nhận ra mình đang có quá đầy đủ điều kiện vật chất. Anh hãy tập sống đủ với những gì mình đang có, anh sẽ thấy bình an trở lại. Có dư dả một chút thì nên đem cho những người nghèo khổ hơn mình, tâm hồn anh sẽ trở nên thanh thản hơn!

-Lê Thị B:

Thật ra qua lá thư, anh bộc lộ sự trong sáng khi nghĩ đến chuyện về Việt Nam sống một mình. Tôi hiểu anh chỉ muốn yên tịnh một thời gian, và thời gian đó anh không bao giờ làm điều gì sai với vợ con. Nhưng anh ơi, ý muốn của anh, tôi cá một trăm phần trăm không có người phụ nữ nào đồng ý. Anh nghĩ gì nếu vợ anh cũng muốn điều như anh?

-KC:

Qua bao nhiêu năm sống bên nhau, tôi nghĩ vợ ông là người hiểu tính tình ông nhất, cho dù ông có đánh bóng lời nói của ông thế nào cũng không dễ thay đổi được cái nhìn của vợ ông với ông. Thôi thì ông cứ thật thà nói chuyện thẳng với bà để xem bà nghĩ thế nào.

Nếu lâu rồi ông chưa có cơ hội về thăm bố mẹ thì bây giờ cũng là cơ hội tốt. Nếu ông cần có một lý do nào đó thì đây cũng là lý do chính đáng nhất để dễ được chấp nhận.

Còn chuyện đi bao lâu thì khi nào được cấp phép rồi hãy nghĩ tới. Theo tôi, một tháng là đã quá lâu, ở đây ông còn đòi tới vài tháng, một năm thì coi bộ không dễ.

Hai vợ chồng đã đùn đẩy cho nhau chuyện ai là người nói thẳng những khó khăn của mình với bạn. (Hình minh họa: Raychan/Unsplash)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô, cháu là người xởi lởi, mà cả chồng cháu cũng là người rộng rãi với mọi người. Vì thế nhà cháu luôn là nơi tá túc, ghé chơi vài ngày, vài tuần của những người thân, thậm chí người quen của người thân cũng hay ghé nhà cháu. Vợ chồng cháu vui và chào đón những lần ghé thăm như thế.

Cái tính đó làm hại cho hai vợ chồng cháu mà không cách chi giải quyết được. Trước mùa dịch có một cặp vợ chồng là bạn thân của bạn cháu. Họ từ Việt Nam du lịch sang Mỹ rồi bị kẹt lại. Cho đến nay họ vẫn không thể nào mua vé rời Mỹ được. Ban đầu họ dự định chỉ ghé tạm cháu vài hôm rồi đi chỗ này chỗ kia. Tụi cháu luôn luôn có một phòng dư cho khách nên rất vui chào đón họ. Dù họ cố gắng góp tiền ăn với vợ chồng cháu nhưng vợ chồng cháu nhất định từ chối vì nghĩ bạn mình ở cũng không có bao nhiêu ngày.

Vì trận đại dịch, cả hai vợ chồng cháu đều thất nghiệp, tiền dành dụm càng ngày càng vơi. Nhà lại có khách, cháu không thể có mắm ăn mắm, có dưa ăn dưa. Cháu phải tươm tất với khách mà ruột cháu thì nóng từng cơn. Nhà mọi khi ăn có hai vợ chồng, nay bốn người, tiền chi tiêu trong nhà không phải tăng lên gấp đôi, mà là gấp ba tại cháu xài sang hơn bình thường do sĩ diện!

Hai vợ chồng đã đùn đẩy cho nhau chuyện ai là người nói thẳng những khó khăn của mình với bạn. Thưa cô, vợ chồng cháu nên làm sao? (Bích L.)

Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quý độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác. Thư từ gửi về: Biết Tỏ Cùng Ai, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hoặc email: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT