Thursday, April 25, 2024

Uống nhiều nước liệu có tốt?

NEW YORK CITY, New York (NV) – Uống đủ nước giúp hỗ trợ gần như mọi chức năng của cơ thể, bao gồm tăng cường miễn dịch, điều chỉnh nhiệt độ và giải độc tự nhiên. Tuy nhiên, để tránh mất nước, một số người sẽ lạm dụng lượng nước nạp vào cơ thể.

Dưới đây là lý do tại sao tình trạng thừa nước có thể nguy hiểm và làm thế nào để biết nó có xảy ra với bạn hay không, bên cạnh đó là mỗi ngày nên uống bao nhiêu nước là đủ, theo trang mạng MindGreenBody.

Uống nước quá mức có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm chuột rút do mất cân bằng điện giải và tăng tần suất nước tiểu. (Hình: Franck Fife/AFP via Getty Images)

Những nguy hiểm của việc uống quá nhiều nước là gì?

Uống nước quá mức có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm chuột rút do mất cân bằng điện giải và tăng tần suất nước tiểu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, uống quá nhiều nước có thể dẫn đến nhiễm độc nước và thậm chí có thể gây tử vong.

Bác Sĩ Catherine Waldrop tại bệnh viện Hope ở New York cho biết, cơ thể khi dư nước sẽ làm loãng nồng độ điện giải trong máu, gây mất cân bằng trong nhiều hệ thống của cơ thể. Các chất điện giải như natri, kali, magiê và canxi là các ion tích điện cần thiết cho nhiều quá trình hoạt động của tế bào, làm cho hầu hết các quá trình tế bào kém hiệu quả đến mức gần như không thể.

Tình trạng mất cân bằng điện giải phổ biến nhất do uống quá nhiều nước là do lượng natri hạ thấp trong máu. Một nghiên cứu cho biết lượng natri máu hạ nhẹ sẽ có các triệu chứng về đường tiêu hóa, buồn nôn, chán ăn, trong khi các trường hợp nghiêm trọng hơn dẫn đến dư thừa nước và sưng não, dẫn đến co giật, hôn mê hoặc suy giảm trạng thái tâm thần.

Các dấu hiệu cho thấy bạn đang thừa nước

1. Nước tiểu quá trong

Theo ông Vannita Simma-Chiang, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu tại bệnh viện của trường đại học University of California, Irvine, màu vàng nhạt chính là màu nước tiểu lý tưởng. “Ngược lại, nếu nước tiểu của bạn có màu vàng sẫm, có lẽ bạn đã uống không đủ,” Bác Sĩ Vannita nói. “Nhưng nếu nước tiểu của bạn có màu trong, đó là dấu hiệu bạn đang uống quá nhiều.”

2. Bạn đi tiểu thường xuyên hơn bình thường

Một người khỏe mạnh sẽ đi tiểu sau từ ba đến bốn tiếng. Nếu bạn thường xuyên đi tiểu nhiều hơn rất có thể bạn đang bị thừa nước. Ngoài nguy cơ mất nước quá mức, việc đi đi lại lại vào phòng tắm cả ngày sẽ khiến bạn mất tập trung, giấc ngủ bị gián đoạn và cơ thể bị bàng quang quấy rầy.

3. Cơ bắp bị chuột rút

Bị chuột rút và bị co thắt cơ là tác dụng phụ của việc nạp dư lượng nước. Khi cơ thể đổ mồ hôi, cả nước và chất điện giải đều được tiết ra trên da, vì vậy điều cần thiết là phải tiếp tục thay thế cả hai để tránh mất nước và thừa nước.

Để thay thế chất điện giải, bạn nên uống đồ uống truyền chất điện giải, bổ sung chất điện giải hoặc ăn một bữa ăn nhẹ có chứa chất điện giải, chẳng hạn như một quả chuối với bơ đậu phộng.

4. Bạn uống nước khi không khát

Uống từ một gallon mỗi ngày có lẽ là quá nhiều đối với người bình thường, trừ khi bạn cảm thấy khát, hoặc cổ họng và khô miệng. Một cách để theo dõi điều này là ghi lại nhật ký về việc bạn đang uống gì và uống bao nhiêu lần trong ngày.

Việc cơ thể bị mất nước hoặc dư nước quá mức rất nguy hiểm đến sức khỏe. (Hình: Franck Fife/AFP via Getty Images)

Bạn nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

Lượng nước phù hợp nạp vào cơ thể của mỗi người khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động và hơn thế nữa, vì vậy không có câu trả lời trực tiếp cho điều này. Nói chung, uống nước khi bạn cảm thấy khát hoặc bất kỳ lúc nào bạn đang mất nước, như đổ mồ hôi hoặc khi bạn bị ốm. Bên cạnh đó, nếu nước tiểu của bạn có màu vàng sẫm, bạn nên uống nước.

Ngoài ra, những người sống ở vùng khí hậu nóng hoặc khô và hay thường xuyên hoạt động thể chất nhiều sẽ cần lượng chất lỏng hấp thụ cao hơn. Và cả phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú cũng sẽ cần uống nhiều nước hơn.

Một số bệnh, đặc biệt là bệnh ở thận cũng có thể ảnh hưởng đến việc xử lý chất lỏng và chất điện giải. Vì vậy, bạn nên đi khám sức khỏe và kiểm tra thường xuyên.

Nói tóm lại, việc cơ thể bị mất nước hoặc dư nước quá mức rất nguy hiểm đến sức khỏe. Điều chỉnh lượng nước uống vào và để ý màu nước tiểu là hai cách hữu ích để tránh các tác dụng phụ không mong muốn của việc tiêu thụ quá nhiều nước. (K.D) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT