Friday, April 19, 2024

Con tôi không muốn gọi tôi bằng “mẹ”

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Thưa cô Nguyệt Nga, chuyện cũ tôi không muốn nhắc lại, nhưng vì hậu quả của nó vẫn hiện diện trong đời sống của tôi, không những vẫn hiện diện mà nó còn làm tôi xấu hổ, nhói đau nhiều lần nữa.

Ngày xưa, lúc tôi mới 15 tuổi, tôi đã dại dột trao thân cho một anh lính trẻ hành quân qua làng. Lỗi tại tôi, anh ta không hứa hẹn, cũng không ép nài, chỉ tỏ ra săn đón và say đắm vẻ bên ngoài của tôi. Anh ấy không đẹp trai, nhưng quyến rũ và có giọng nói hớp hồn của người miền Bắc. Tôi dân Nam Bộ, nào giờ có nghe tiếng Bắc Kỳ, khi nghe anh thủ thỉ, thế là tôi xiêu lòng. Hậu quả là khi anh rời làng, tôi đã mang bầu một tháng. Tôi chẳng biết anh ở đâu mà tìm. Lúc bấy giờ mẹ tôi chỉ biết khóc, khóc và khóc.

Rồi thì, ba tôi biết chuyện và đuổi tôi ra khỏi nhà. Mẹ tôi đi theo con gái, hai mẹ con xin che một mái tôn bên hông nhà của một người tốt bụng ở làng xa. Tôi sinh con ở đó, ngơ ngáo và dại khờ chẳng biết gì cả. Mọi thứ một tay mẹ tôi đỡ đần. Khi số tiền mang theo cạn kiệt, mẹ tôi xin với ba tôi cho trở về. Ba tôi nghĩ sao đó, rồi bằng lòng cho hai mẹ con về với điều kiện là đứa bé phải gọi mẹ tôi bằng “mẹ” và gọi tôi bằng “chị”, coi như mẹ tôi lượm đứa bé đâu đó mang về nhà.

Cuộc sống tạm ổn lúc về lại nhà. Chỉ là thêm một đứa bé trong nhà, còn ngoài ra sinh hoạt mọi thứ vẫn như cũ. Tôi thôi học, buôn bán phụ mẹ và chăm sóc con. Tôi không thấy khó chịu gì về việc con tôi gọi tôi bằng “chị” và gọi mẹ tôi bằng “mẹ”.

Hàng xóm láng giềng không ai nói gì cả. Thời gian qua đi, tôi lập gia đình và ra riêng, cháu vẫn ở với mẹ tôi. Tôi có nói chuyện với chồng, anh ấy chẳng phiền trách gì, anh ấy hiểu là hồi đó tôi nhỏ dại quá. Anh ấy còn nói khi nào mình khá thì đón con về.

Rồi thì cũng có lúc tôi muốn đón cháu về, nhưng thật bất ngờ, cháu từ chối, nói là muốn ở với “mẹ” (mẹ đây là ngoại) vì mẹ già rồi.

Tôi nài nỉ cháu nhiều lần, cháu tỏ ra bực mình và gằn giọng: “Em” không muốn ở với “chị”. Tôi khóc suốt trên đường về, tại sao lại như thế này? Tôi yêu thương con như mọi bà mẹ khác, tôi cũng chăm lo cháu, cũng thức đêm, thức hôm khi cháu đau ốm, cũng dắt dìu từng bước khi cháu lớn lên. Chẳng lẽ vì cách xưng hô mà cháu đã không thương tôi bằng bà ngoại. Rất nhiều lần tôi nài nỉ cháu đổi cách xưng hô, gọi tôi bằng mẹ, nhưng cháu thẳng thừng từ chối, nói “không quen”.

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi tha thiết mong cháu gọi tôi bằng “mẹ”, gọi “mẹ Hiếu” hay “mẹ hai” cũng được. Tôi mong cô Nguyệt Nga và quí độc giả giúp tôi có được tiếng gọi thâm tình từ miệng con mình. Xin cám ơn!

Hiếu Ng.
*Góp ý của độc giả:

-NB:
Đọc thư em xong tôi hình dung tới cuộc sống, tâm tư tình cảm của em từ đó đến nay. Khi còn bé dại ngu ngơ, nên đã bị lừa tình, em thật may mắn khi có cha mẹ bên cạnh thương xót giúp đỡ. Họ thật từ tâm, dù có lo là thanh danh gia đình sẽ bị mang tiếng, họ vẫn không bỏ mặc con mình. Họ đã tìm được giải pháp thật hoàn hảo, giúp con không bị mang tiếng xấu mà vẫn giữ được đứa cháu bên cạnh. Em đã sống bình yên bên cha mẹ và con mình dù với danh phận không chính xác.

Rồi em đi lấy chồng, rời xa cha mẹ và con, theo chồng tạo nên một gia đình mới, hạnh phúc với những đứa con mới. Đến một ngày tình mẫu tử thôi thúc, em tiết lộ bí mật về đứa con riêng với chồng. Em nói chồng em không phiền trách, anh ấy hiểu là vì lúc đó em còn nhỏ dại quá, anh hứa hẹn khi nào khá thì đón con về.

Thật lòng tôi không biết là chồng em có thật sự vị tha, độ lượng như vậy không, hay chỉ là nói cho vừa lòng vợ, chứ thâm tâm anh ấy dư hiểu sự việc không dễ dàng giải quyết. Còn cả với những đứa con sau này, chúng có nghĩ tốt và hòa thuận với anh(chị) cùng mẹ khác cha với mình không? Em phải suy nghĩ thấu đáo.

Có câu danh ngôn:”Khi bạn là một người mẹ, bạn không bao giờ thực sự cô độc trong suy nghĩ của mình. Một người mẹ luôn phải nghĩ hai lần, một lần cho bản thân và một lần cho con cái”.

Tôi thông cảm và thấu hiểu nỗi buồn phiền của em bây giờ, bởi vì tôi cũng là một bà mẹ. Mẹ chỉ biết khi đã sinh con ra thì sẽ hết lòng yêu thương, săn sóc, và bảo vệ con mình. Dù có gian lao, khó nhọc cỡ nào cũng không hề gì, chỉ cần một chữ “Mẹ”bập bẹ thoát ra từ đôi môi xinh xắn của đứa con yêu đang tập nói, cũng đủ làm tan chảy trái tim người mẹ. Ôi hạnh phúc biết dường nào!

Em chưa có hạnh phúc được nghe tiếng kêu “Mẹ” từ đứa con này, em buồn bã than trách con, em van xin nài nỉ nhưng con luôn từ chối. Nhưng em ơi, hãy bình tĩnh suy nghĩ thật thông suốt, em sẽ hiểu và thông cảm với con mình. Em cứ nghĩ thử xem, một đứa trẻ đang sống bình yên (và có lẽ cũng hạnh phúc) với chị mình, một ngày đẹp trời nghe được một sự thật phũ phàng, người mình gọi là chị lại chính là mẹ ruột. Con của em lúc đó chắc phải bàng hoàng đau đớn lắm. Cháu là một đứa con được sinh ra, nhưng không ai mong đợi. Cha ruột còn không biết sự có mặt của con trên đời, mẹ ruột thì vì danh dự của mình và gia đình, cũng không dám nhìn con, cũng may là ông bà ngoại từ tâm, mang về nuôi với tư cách là con nuôi.,Cháu lớn lên mang trong lòng sự biết ơn đối với cha mẹ nuôi và chị nuôi đã yêu thương, săn sóc mình nhưng không thể có cái tình cảm máu mủ ruột rà.

Bây giờ sự thật được phơi bày, không chừng cháu lại có tâm trạng uất hận cha mẹ đã bỏ rơi mình, mẹ lại có gia đình khác, có những đứa em cùng mẹ khác cha hạnh phúc được mẹ thương yêu, săn sóc. Cháu sẽ nghĩ dễ gì mình có thể hòa nhập được, cháu muốn mình vẫn sống như cũ, cháu thẳng thừng từ chối. Người ta nói:

“Ăn trái ba lần mới biết trái ngon,
Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ”.

Hãy bình tĩnh, kiên nhẫn, vẫn cứ yêu thương con như em đã từng yêu, không nài nỉ, o ép con làm những điều con chưa sẵn sàng chấp nhận, đối xử với con bình thường, tự nhiên giống như với những đứa con sau này. Em có thể nhờ bà ngoại tế nhị giải thích hoàn cảnh ra đời của cháu trước đó, lý do em dù thương con nhưng không thể ra mặt nhìn con. Dần dần với thời gian, cộng với cảm giác được yêu thương thật lòng từ mẹ, cháu sẽ mở lòng đón nhận tình thương của em dành cho con.

Vấn đề tế nhị là làm sao để chồng và các con sau này cũng mở lòng thương yêu con riêng của em thì em mới thật sự hạnh phúc.

Chúc em may mắn giữ được hạnh phúc đời mình.

– Hảo:
Thưa chị Hiếu, đọc thư thấy thật thương chị. Theo em, giá như chị không nói gì hết thì hay biết chừng nào, chính việc nói ra sự thật mới tội cho cháu. Lâu nay cháu yên ổn trong vòng tay của gia đình thì nay cháu bị sốc trước những điều chị tiết lộ. Không chỉ mình cháu mà ngay cả chồng chị cũng bị sốc. Mọi việc đã dấu được bao nhiêu năm, sao không tiếp tục mà lại vạch trần ra sự thật.

Hồi trước cháu gọi chị bằng “chị” mà cháu thương như mẹ, còn bây giờ chị muốn cháu gọi bằng “mẹ” nhưng chắc gì chị được thương như mẹ. Đó là chưa kể, có khi cháu còn oán trách và không nhìn mặt chị nữa. Còn chồng chị thì chả biết được, câu nói của ảnh nghe tình nghĩa nhưng việc đón cháu về rất phiền đó chị.

Theo em, chị cứ từ từ, cứ để cháu ở với ngoại, đừng đón cháu về ở chung. Thà ở riêng như vậy mà tốt đẹp đôi đàng, về ở chung mà xảy ra chuyện gì thì càng tệ hại hơn, càng khó hàn gắn hơn. Vài lời góp ý với chị, mong chị sớm ổn định.
*Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, cách nay chừng hai, ba năm, tình cờ tôi nhận được lá thư của một người bạn cũ. Lá thư có nội dung thăm dò, dè dặt, hỏi tôi có phải là bạn ngày xưa không?

Tôi trả lời ngay và nói thêm, tôi vẫn nhớ anh ấy những ngày đầu, chân ướt chân ráo đến thị trấn.

Thế rồi thư từ qua lại, anh ấy kể quá trình tìm địa chỉ của tôi, anh ấy thử tất cả các địa chỉ, từ gmail, yahoo, hotmail, đến aol…Ở mỗi địa chỉ như vậy, tên tôi được anh đảo qua đảo lại, thêm bớt. Anh gửi đi rất nhiều thư, ở rất nhiều địa chỉ, và mong chờ có ngày mình đoán đúng. Câu chuyện của anh, làm tôi thật cảm động và không ngờ anh đã quá nhọc công trong việc tìm kiếm.

Thật ra, ngày xưa anh cũng tỏ cho tôi thấy anh có tình cảm đặc biệt dành cho tôi. Nhưng tôi từ chối vì lúc ấy tôi đã có người yêu. Tuy nhiên không vì thế mà anh nản lòng, anh vẫn tiếp tục với tình cảm đơn phương của mình. Rồi thì biến cố 75 xảy ra, chúng tôi tan hàng, mỗi người mỗi nẻo và bặt hẳn tin nhau. Cho đến mới đây, qua sự mày mò kiên nhẫn, anh tìm ra tôi.

Thêm một lần nữa, anh lại đề cập xa gần đến chuyện xưa, và thêm một lần nữa, tôi lại từ chối anh. Lý do rất hợp lý là tôi đã có gia đình, có con cái, và tôi không thể làm điều gì có thể phương hại đến thanh danh gia đình. Nhưng nói cho thật đúng là tôi không hề yêu anh, xưa cũng như nay. Thư tôi gửi đi cả một năm, tôi không hề nhận thư trả lời. Tôi cũng mừng là anh đã nghĩ lại và chịu để tôi yên.

Không ngờ, mới đây tôi được một người bạn báo tin anh bị ung thư giai đoạn cuối. Người bạn đó còn khuyên tôi, trong tình hình này thì nên thư từ lại với anh ấy. Tôi từ chối vì vẫn thấy lòng không ổn khi mình phải đóng trò, dù là đóng trò với một người gần đất xa trời.

Chuyện như tiểu thuyết, thế mà đã xảy ra trong đời sống này. Mặc dù tôi đã từ chối nhưng lòng tôi vẫn băn khoăn lo nghĩ, không biết mình có quá đáng không? Không biết mình có quá cứng nhắc với một người bạn đang rất gần với cái chết không? Tôi quên thưa thêm là anh ấy chưa bao giờ lập gia đình, hiện nay anh ở với mẹ già. Nếu tôi giả bộ thư từ thương mến, thì có kéo dài thời gian sống của anh ấy không? Hiện nay lòng tôi rối bời.

Thủy Tiên
*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Sườn cốt-lết ram”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT