Friday, April 19, 2024

Cha mẹ ơi, đừng bạo hành tinh thần con

GARDEN GROVE, California (NV) – Trong cuộc sống hằng ngày khi trò chuyện với con, cha mẹ có thể buột miệng những câu nói, dù vô tình hay cố ý đã làm tổn thương con trẻ. Câu nói tuôn ra khó lấy lại được, nhất là khi nó đã nhập vào đầu những đứa trẻ đang trong giai đoạn phát triển trí não, hình thành nhân cách.

“Chưa thấy ai ngu như mày. Dốt thế hở con!,” “Thôi bỏ đi, làm sao con có thể làm được chuyện ấy,” “Sao con nhà người ta giỏi thế không biết!,” “Cút đi, ba mẹ không cần con nữa!”… là những câu nói làm tổn thương con ghê gớm.

Với nhiều đứa trẻ, nếu “bị” đem ra so sánh, chẳng khác nào đang bị phán xét, hoặc trên đoạn đầu đài. (Hình minh họa: Augusto Ordonez/Pixabay)

“Tôi lo cho thằng bé từ A-Z, cơm nước, quần áo, đồ chơi, chẳng thiếu thứ gì, vậy mà nói nó một câu, nó thay đổi hẳn thái độ,” cô Linda Bùi, ở thành phố Garden Grove, đau khổ kể câu chuyện về cậu con trai 8 tuổi của mình.

Khi được hỏi, câu nói nào khiến “cu cậu” thay đổi thái độ, và sự thay đổi ấy là gì? Cô Linda nói tiếp: “Có gì đâu, mấy bài toán trên lớp online, cô giáo giảng nó không hiểu. Tôi giảng lại nó cũng không hiểu. Bực qua, tôi gắt lên ‘Mấy bài này dễ òm chứ có gì đâu. Sao mà ngu thế không biết hở con!’ Nghe xong, thằng bé không nói không rằng đi vô phòng khóa cửa, cả ngày trời không chịu ra ăn cơm.”

Cô Linda nghĩ từ “ngu,” “dốt” là bình thường. “Ngày xưa tôi vẫn bị ba mẹ la rầy như vậy, có gì đâu!” cô nói. Nhưng thật ra là “có” đấy!

Trong lúc học tập, nhất là giai đoạn khó khăn khi các bé phải ở nhà suốt ngày và chỉ được gặp thầy cô giáo, bạn bè qua màn hình, trẻ sẽ luôn gặp phải một số vấn đề… chưa từng xảy ra. Cha mẹ với tư cách là người tư vấn cho con, và bây giờ còn phải đóng vai trò làm thầy cô giáo cho con, sẽ rất dễ mất kiên nhẫn, khi họ không hiểu về sư phạm.

Như cô Linda, vì không biết cách dạy con, nên khi bé không hiểu, cô nổi đóa, và nói những từ ngữ không hay. Nếu cô hiểu rằng, con trẻ chưa hiểu bài, có thể do cô chưa biết cách truyền đạt, hướng dẫn cho trẻ, có lẽ cô sẽ không nói con mình “ngu.”

Đối với trẻ em, “ngu dốt” tương đương với lời mắng mỏ, chối bỏ của cha mẹ. Trong tâm trí của những đầu óc non dại, thơ ngây sẽ phủ đầy nghi ngờ và phủ nhận bản thân. Điều này sẽ gây nên tác hại rất lớn với trẻ, theo tạp chí Parents.

Nhiều đứa trẻ tin tưởng tuyệt đối vào cha mẹ mình, nên nếu được giao việc gì, và làm thành công, các bé sẽ rất vui mừng. Giao việc cho con là cách rèn luyện cho các bé tin tưởng vào bản thân mình. Ngay cả khi các con làm chưa hoàn chỉnh, cha mẹ cũng đừng vì thế mà chê bai. Hãy nói với con rằng: “Con làm tốt lắm, nhưng nếu con sửa được một chút, thì thật là hoàn hảo,” thay vì nói “Có thế mà con làm cũng không xong à!” Câu nói này như phủ nhận sự cố gắng của con, khiến con thất vọng, cho rằng mình là đứa không tốt. Lâu ngày, trẻ sẽ bị tự ti, không tin tưởng vào bản thân mình nữa.

So sánh con với những đứa trẻ khác cũng là điều không nên làm. Một phụ huynh đã hối hận suốt đời, chỉ vì một câu nói bâng quơ trong bữa ăn: “Nhìn con người ta học hành giỏi giang, thấy mà ham. Con mình học chẳng bao giờ có điểm A.” Một trong hai đứa con của bà là đứa “chưa bao giờ có điểm A” đã tìm đến cái chết vì cho rằng mình không xứng đáng để được sống, để nhận tình thương yêu của cha mẹ. Mất con, người mẹ đau đớn nói: “Ý tôi chỉ là muốn ‘khích’ cho cháu cố gắng hơn, ai ngờ!”

Cha mẹ thương con, nhưng đừng coi thường lời nói của mình. (Hình minh họa: OpenClipart-Vectors/Pixabay)

Nhiều người nghĩ rằng so sánh với một ai đó là cách chạm vào lòng tự ái của con, và vì tự ái, con sẽ thay đổi tốt hơn. Nhưng không. Với nhiều đứa trẻ, nếu “bị” đem ra so sánh, chẳng khác nào đang bị phán xét, hoặc trên đoạn đầu đài. Có nhiều cách đề động viên con, nhưng cách so sánh con với những đứa trẻ khác là điều các bậc cha mẹ cần cân nhắc.

Nhiều đứa trẻ rất nhạy cảm. Một câu nói tưởng chừng như đùa giỡn, hoặc trong một tình huống nào đó của cha mẹ cũng có thể khiến chúng… tưởng thật. Chỉ vì một phút sơ hở, cậu bé John làm em mình ngã. Người mẹ từ dưới bếp chạy lên, hét toáng cả nhà: “Mẹ nhờ con trông em có chút xíu, mà con để em ngã. Con thật là vô dụng! Mẹ không cần con nữa.” Cậu bé John lủi thủi vào phòng. Cậu đã suy nghĩ về sự “thừa thãi” của mình trong ngôi nhà này kể từ khi bé Lucia ra đời. John là một đứa trẻ nhạy cảm. Mặc dù khi thốt ra câu “mẹ không cần con nữa” chỉ là trong lúc giận dữ, chứ người mẹ không hề ghét bỏ cậu bé. Tuy vậy, câu nói làm cậu bé đau khổ trong suốt nhiều năm với tâm trạng của người tự ti.

Cha mẹ đừng coi thường lời nói của mình, bởi vì rất có thể nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của con cái. Và vì thế, hãy điều tiết lời nói và suy nghĩ trước khi dạy dỗ con điều gì, bởi vì chính ngôn ngữ của bạn có thể làm tổn thương trẻ, những đứa con mình rứt ruột đẻ ra. (Đ.Trang) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT